'Giếng lộ vàng' và ngôi miếu thiêng ở thành Nghệ An

Dân gian gọi thành cổ này là thành Trương Phụ. Theo sử sách, năm 1406, nhà Minh kéo 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Trương Phụ là tướng của nhà Minh, kéo quân đến chiếm giữ núi Lam Thành, xây thành làm căn cứ với mục đích cướp nước ta lâu dài.

Cỗ đầu người

Năm 1413, Trùng Quang Đế cử quan Ngự sử là Nguyễn Biểu vào Lam Thành thương thuyết với Trương Phụ. Theo sách Đại Nam thống chí, Nguyễn Biểu đến dinh, Trương Phụ bắt lạy nhưng Nguyễn Biểu không chịu nên Trương Phụ bắt lính nấu canh đầu người mời Nguyễn Biểu ăn để thử thách ông. Nguyễn Biểu ngồi vào bàn tiệc và nói "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc (người Tàu)!”, rồi vừa ăn vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người.Sau lần đó, Trương Phụ khâm phục khí tiết cương trực của Nguyễn Biểu nên tha cho ông về. Tuy nhiên, hàng tướng của Trương Phụ là Phan Liêu thấy thế, kích nên giết Nguyễn Biểu vì để lại tất sẽ thành họa. Trương Phụ nghe lời, sai quân đem trói Nguyễn Biểu vào cọc tre dưới sông Lam để thủy triều dâng lên dìm chết. Để tưởng nhớ ông, nhân dân vùng Lam Thành sau đó lập đền thờ ông ở Lam Thành.
Một đoạn tường thành còn lại trên núi Lam Thành Ảnh: Khánh Hoan

Năm 1424, Lê Lợi kéo quân vào Nghệ An, thu phục được lòng dân trước cảnh người dân Nghệ An bị nhà Minh bóc lột bằng sưu cao thuế nặng. Cuối năm đó, Lê Lợi kéo quân đến núi Thiên Nhẫn (thuộc xã Nam Kim, H.Nam Đàn ngày nay) xây dựng căn cứ để luyện binh, tập hợp lực lượng. Sau đó, Lê Lợi tiến sang đánh thành Nghệ An trên núi Lam Thành.

Thực hiện chính sách vừa đánh giặc vừa cày ruộng, thế lực nghĩa quân ngày càng mạnh, Lê Lợi cho khép chặt vòng vây trên núi Lam Thành. Thấy thế quân Minh còn mạnh, thành lại rất kiên cố, bên dưới Lê Lợi vừa vây thành vừa đánh nghi binh, cho làm nhiều quân lính bằng rơm để đánh lừa quân Minh. Đồng thời, Nguyễn Trãi liên tục viết thư thuyết phục Thái Phúc, tướng quân Minh, ra hàng. Tháng 2.1427, Thái Phúc mở cửa thành ra hàng, Lê Lợi chiếm được thành Nghệ An.
Trước và sau khi giặc Minh chọn Lam Thành làm trấn thủ, ngọn núi này đã được các vua Lê Đại Hành, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung, Thiệu Trị... chọn làm điểm kinh lý hoặc trấn thủ đánh giặc.
spacer
do