Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua

Nhiều bằng chứng xác thực của giáo sĩ Julien Faulet chứng minh Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ.


Hình minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử (1875 - 1955)

Ảnh: Tư liệu
Julien Faulet sinh ngày 21.11.1741 ở Guilliers (Pháp), đi truyền giáo từ ngày 29.11.1773, được chuyển đến Cao Miên tháng 6.1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở khu vực này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề. Cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải trở về Bretagne, Pháp.

Giáo sĩ Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Miên và Hà Tiên, trong đó có hai tài liệu quan trọng: 1/ Bản ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao (tu viện do giám mục xây dựng ở phía nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ). Sau đó, qua những gì được ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Miên. Tóm lại: Bá Đa Lộc bỏ Hà Tiên ngày 29.7.1777 chạy sang Cao Miên. Như vậy, giám mục không thể nào “cứu” Nguyễn Ánh trong tháng 9 - 10.1777 được. 
 
2/ Trong một bức thư khác, giáo sĩ Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9 - 10.1777. Đó là lá thư ông viết ở Cao Miên ngày 25.4.1780, gửi giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, kể tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu: “Chính cha Paul (Paul Nghị) đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức thánh cha (Bá Đa Lộc) biết”. Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà giám mục Bá Đa Lộc, cho nên biết rõ chuyện cha Nghị giấu Nguyễn Ánh trong thuyền của mình. 
 
Câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, có một chứng nhân tại chỗ, người Pháp, là giáo sĩ Faulet, xác định: cha Nghị là người cứu sống Nguyễn Ánh. Lời cha Faulet lại trùng hợp với lời một người Việt, là tác giả Sử Ký Đại Nam Việt

Trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử mô tả về quá trình trốn chạy của Nguyễn Ánh


Về người mẹ của Nguyễn Ánh, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Con thứ hai của ông Vũ Vương (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), tên là Chưởng Vũ (Nguyễn Phúc Luân), chẳng khác tính cha là bao nhiêu (tức là cũng ăn chơi như cha). Trong các vợ ông Nguyễn Phúc Luân có một con hát sinh đặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên là Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long”. 
 
Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn Nguyễn Ánh trốn giặc như sau: “Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng ba anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì ba ông này lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi mà thôi. Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cũng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau lách. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ (Paul Nghị), là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là thầy cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứu. Thầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà đức thầy Vêrô (Bá Đa Lộc). Khi ấy đức thầy Vêrô đã sang bên Cao Miên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gửi tin cho người biết sự ấy cho kịp. Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà đức thầy Vêrô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phaolồ, hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phaolồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi. Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Miên, ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá. Cũng một khi ấy đức thầy Vêrô ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang (Jean) có nghề võ cùng bạo dạn gan và có tài đánh giặc lắm”. 
 
Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, có ba người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn: Một đứa nhỏ nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách. Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh giấu vào thuyền mình, chở về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy vị giám mục đang ở Cao Miên. Ít lâu sau sợ bị lộ, cha Nghị đem Nguyễn Ánh trốn vào rừng. Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.

 Thụy Khuê (Trích từ cuốn Vua Gia long và người Pháp do NXB Hồng đước và Saigon nooks an hang thang 1/2017)



spacer

Tìm ra nơi nghỉ dưỡng của vương phi và đế vương thời Trần?

Nghiên cứu khảo cổ học của Viện Nghiên cứu kinh thành cho thấy hành cung Lỗ Giang được quy hoạch rất quy chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long. Đây cũng là điểm mở ra khả năng khai thác du lịch tâm linh ở địa phương.
 
Các hố khai quật hành cung Lỗ Giang
Ảnh: Viện nghiên cứu kinh thành cung cấp
 
Liên quan đến nơi ở và làm việc của vua
PGS-TS Bùi Minh Trí nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính vương quyền và sự quy chuẩn của mặt bằng kiến trúc hành cung Lỗ Giang (H.Hưng Hà, Thái Bình). Vị giám đốc Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết, tính vương quyền của hành cung này đã bộc lộ rất rõ sau cuộc khai quật năm 2017. 
 
Tính chất vương quyền này thể hiện qua các vật liệu trang trí hình rồng, qua ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trên trán khắc chữ Vương, cho thấy kiến trúc này liên quan đến nơi ở và làm việc của vua. Khai quật ở Lăng Sa Trong cũng cho thấy nửa phía tây của một khuôn viên kiến trúc lớn với hệ thống 3 công trình kiến trúc gỗ bên trong gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì 4 hàng cột. “Điều đó khẳng định rõ hành cung Lỗ Giang - Kiến Xương xưa rất rộng lớn, được quy hoạch như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long”, ông Trí nói.
 
Cũng theo ông Trí, mỗi hành cung trong lịch sử lại có chức năng riêng. Chẳng hạn, hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) gắn với việc vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành. Với Lỗ Giang, ông Trí cho rằng, hành cung này gắn với việc Thiên Trường (Nam Định) trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh đô Thăng Long, với đầy đủ chức năng là một trung tâm chính trị kinh tế văn hóa. Đây cũng là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. “Năm 1293, Khâm từ Bảo thánh Hoàng thái hậu băng hà. Năm 1341, vua Trần Hiến Tông băng hà ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương… Như vậy, hành cung Lỗ Giang có phải là nơi ở hay nghỉ dưỡng của các vị vương phi và đế vương?”, ông Trí nêu giả thuyết.
 
 Ông Trí nhận định, nghiên cứu khảo cổ học ở hành cung Thiên Trường và hành cung Vũ Lâm đều tìm thấy bằng chứng sản xuất đồ gốm. “Ở Lỗ Giang đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ bao nung gốm và một số đồ gốm phế thải có niên đại vào thời Trần. Manh mối này gợi ý đến hành cung Lỗ Giang xưa cũng có thể có xưởng sản xuất đồ gốm và nó tồn tại như một dạng điền trang thái ấp của nhà Trần, trực tiếp do triều đình Thăng Long quản lý”, ông Trí nói.
 
 
 
 Hiện vật kiến trúc tại hành cung Lỗ Giang
 
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, đánh giá đã có thể hình dung được một khuôn viên tương đối chính xác, gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu cho khu vực này. Chẳng hạn, một số vật liệu kiến trúc có ở Thăng Long cũng đã xuất hiện tại đây tuy có khác một chút. Cũng theo ông, đã có thể tính đến chuyện bảo tồn di tích tại chỗ và nếu có thể thì mở rộng khai quật.
 
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đánh giá tìm thấy hành cung Lỗ Giang chính là hoạt động khảo cổ học lớn nhất của Thái Bình trong thời gian gần đây.
 
GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng ngạc nhiên vì tính rộng lớn của công trình. Mặc dù vậy, theo ông Kim, hiện tầng văn hóa tương đối mỏng do ảnh hưởng của quá trình bà con nông dân canh tác. “Tôi nghĩ cần tính đến việc so sánh hành cung với điền trang thái ấp thời Trần. Cũng nên so sánh các hiện vật ở đây với thương cảng Vân Đồn vì hành cung này chắc sẽ dựa trên nền kinh tế vững chắc của thời đại khi đó. So sánh như vậy để nhìn thấy ảnh hưởng của thủ công nghiệp, gốm sứ cũng như không loại trừ khả năng của thương nghiệp”, ông Kim nói.
 
 

spacer
do