Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa. Hiển thị tất cả bài đăng

CHÂN DUNG 13 VỊ VUA TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN (1802 - 1945)

Trong số 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn, thì chỉ có 8 vị vua là chúng ta nhìn thấy được gương mặt thật (ảnh do người Pháp chụp). Còn các vị vua trước chỉ có hình vẽ chân dung.


1: Vua Gia Long (hình vẽ tư liệu)
2: Vua Minh Mạng (hình vẽ tư liệu)
3: Vua Thiệu Trị (hình mới vẽ)
4: Vua Tự Đức (hình vẽ tư liệu)
5: Vua Dục Đức (chưa có ảnh)
6: Vua Hiệp Hoà (ảnh chân dung)
7: Vua Kiến Phúc (ảnh chân dung)
8: Vua Hàm Nghi (ảnh chân dung)
9: Vua Đồng Khánh (ảnh chân dung
10: Vua Thành Thái (ảnh chân dung)
11: Vua Duy Tân (ảnh chân dung)
12: Vua Khải Định (ảnh chân dung)
13: Vua Bảo Đại (ảnh chân dung)

👉 Ảnh vua Kiến Phúc vẫn còn nhiều nghi vấn, vì nhiều người cho rằng đó là chân dung của vua Đồng Khánh. Nhưng cũng có nhiều mems "soi" kĩ thì có nhiều điểm khác biệt, và khẳng định đó chính là dung nhan của vua Kiến Phúc (ý kiến cá nhân các mems). Sở dĩ 2 vị vua có gương mặt giống nhau là vì Kiến Phúc và vua Đồng Khánh đều là huynh đệ cùng cha cùng mẹ...

Ảnh tư liệu - Kinh Đô Huế

--------------
(C): Kinh Đô Huế
Ảnh tư liệu
spacer

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Hoa Lư Tứ trấn

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước ta tính từ thời phục hưng – độc lập, từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tới khi nhà Lý dời đô về Thăng Long. Là kinh đô nên nơi đây cũng có bộ 4 vị thần đóng vai trò Tứ trấn, trấn giữ 4 phương của kinh thành. Không có tư liệu nào cho biết chính xác phương vị của Tứ trấn Hoa Lư, nhưng khi xét từng vị một sẽ thấy cần xoay lại phương vị này một góc 90 độ ngược chiều kim đồng hồ so với quan niệm hiên nay.

Hoa Lư nằm phía Nam của thành Thăng Long nên ở 2 phương vị Bắc và Nam, tứ trấn Hoa Lư trùng với tứ trấn Thăng Long.

Trấn Bắc – Thiên Tôn: Thiên Tôn là cách gọi khác của Huyền Thiên đại thánh mà thôi vì Lão Tử trong Đạo Giáo là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Thiên Tôn – Huyền Thiên phải là vị thần trấn Bắc, không thể là trấn Đông như quan niệm hiện tại ở Hoa Lư.
Công nghiệp của vị Thiên Tôn ở Hoa Lư trùng khớp với Huyền Thiên ở Cổ Loa, với thành tích chủ yếu là giúp Thục An Dương Vương xây thành. Nơi thờ chính là ở thôn Đa Giá (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Tại đây có động Thiên Tôn và đền Đa Giá thờ thần. Ngọn núi nơi có động Thiên Tôn cũng được gọi là núi Vũ Đương Sơn, tức là ngọn núi mà Huyền Thiên đã tu hành trong truyền thuyết.
Động Thiên Tôn là một di tích rất cổ, là tiền đồn cửa ngõ của Hoa Lư. Ở đây tìm thấy cả những viên gạch Giang Tây quân (thời Đường) và Đại Việt quốc quân thành chuyên (thời Đại Việt) như dưới nền thành Hoa Lư. Phía trên động có một chùa nhỏ, nhưng không thờ Phật, mà thờ Tam Thanh (của Đạo Giáo) cùng với Quan Âm Diệu Thiện và cha mẹ của bà là Trang Vương và hoàng hậu. Chùa này cùng với động Thiên Tôn tương truyền do Cao Biền xây.

Tại sao Hoa Lư lại lấy thần Thiên Tôn làm thần trấn giữ cửa ngõ kinh thành? Nếu Cổ Loa là nơi Huyền Thiên – Lão Tử thành nghiệp, thì Ninh Bình rất có thể chính là quê hương, nơi sinh của Lão Tử – Thiên Tôn. Đó là lý do vì sao thần Thiên Tôn lại rất gắn bó với Hoa Lư.
Mảnh gạch có chữ Đại Việt ở động Thiên Tôn.
spacer

10 điều thú vị và bất ngờ về vua Lê Hiển Tông

Lê Hiển Tông tên thật là Lê Duy Diêu, theo mô tả của sử sách, ông là người mắt phượng, râu rồng. Khi còn làm Thái tử, ông đã phải chịu hoàn cảnh nguy hiểm, nếm trải nhiều gian khổ. Lên ngôi báu, Ông trị vì gặp lúc nước nhà nhiều loạn lạc, nhưng về sau xã hội trở lại yên ổn, dân an cư lạc nghiệp, người bấy giờ cũng ca ngợi là đời thái bình. 

 
 Mặc dù không có nhiều công tích nhưng cuộc đời làm vua của Hoàng đế Lê Hiển Tông cũng có khá nhiều điều thú vị. 


1. Lê Hiển Tông là vị vua được lên ngôi một cách may mắn nhất. Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị Trịnh Giang nghi ngờ đem giam ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công.
Năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc cho là ứng vào giấc mộng của mình bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.

2. Lê Hiển Tông sinh tháng 4 năm Đinh Dậu (1717), mất tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi. Ông là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê.

3. Lê Hiển Tông là một trong những vị vua ở ngôi lâu nhất và là người làm vua lâu nhất triều Hậu Lê. Ông lên ngôi tháng 5 năm Canh Thân (1740) và mất năm Bính Ngọ (1786), làm vua 46 năm.

4. Lê Hiển Tông là vị vua cho đúc và phát hành nhiều loại tiền nhất. Trong thời gian ở ngôi ông đã cho đúc 16 loại tiền khác nhau mang niên hiệu của mình, đó là: 1. Cảnh Hưng Thông Bảo, 2. Cảnh Hưng Trung Bảo, 3. Cảnh Hưng Chí Bảo, 4. Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, 5. Cảnh Hưng Thái Bảo, 6. Cảnh Hưng Cự Bảo, 7. Cảnh Hưng Trọng Bảo, 8. Cảnh Hưng Tuyền Bảo, 9. Cảnh Hưng Thuận Bảo, 10. Cảnh Hưng Chính Bảo, 11. Cảnh Hưng Nội Bảo, 12. Cảnh Hưng Dụng Bảo, 13. Cảnh Hưng Lai Bảo, 14. Cảnh Hưng Thận Bảo, 15. Cảnh Hưng Ðại Bảo, 16. Cảnh Hưng Ðại Tiền.

5. Lê Hiển Tông là vị vua có nhiều con rể làm vua nhất. Ông có nhiều con gái, trong đó công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung 1788 - 1792), công chúa út là Ngọc Bình gả cho Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh 1793 - 1802).
Năm Nhâm Tuất (1802) sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long (1802 - 1819). Khi chiếm được Phú Xuân, rung động trước sắc đẹp của Ngọc Bình, ông đã lấy bà làm phi. Như vậy vua Lê Hiển Tông có tới ba người con rể làm vua. Và trong số 3 người con rể ấy thú vị là có hai người là cha con: Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản!

6. Lê Hiển Tông là vị vua có niên hiệu được sử dụng lâu nhất, trong 46 năm làm vua ông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng. Đây là niên hiệu được sử dụng lâu nhất và điều đặc biệt nó còn được dùng cả một thời gian dài sau khi vua đã mất.
Vào thời đó, các "tập đoàn" phong kiến tranh giành lẫn nhau. Tại vùng kiểm soát của lực lượng chúa Nguyễn niên hiệu Cảnh Hưng vẫn được sử dụng trong các văn bản quản lý, chỉ đến khi Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn thì niên hiệu này mới không được dùng nữa. Sách Hoàng Lê nhất thống chí cho biết: Tháng 5, mùa hè năm ấy (tức năm 1802) chúa Nguyễn hạ chiếu đổi niên hiệu Cảnh Hưng, tức là từ năm Bính Ngọ (1786) trở về sau chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu cũ của nhà Lê. Năm Nhâm Tuất (1802) này, lúc đầu vẫn gọi là năm Cảnh Hưng, đến bây giờ mới đổi ra niên hiệu mới. Như vậy niên hiệu Cảnh Hưng được sử dụng tổng cộng trong 62 năm.

7. Ngoài các khoa thi Nho học, triều Hậu Lê còn mở khoa thi võ học với hai cấp Sơ cử và Bác cử. Bên cạnh hình thức tuyển chọn nhân tài võ thuật đó, thời Lê Hiển Tông còn bổ sung thêm một hình thức là đề cử được quy định lần đầu tiên vào năm Qúy Hợi (1743). Theo đó những năm không có khoa thi võ thì các quan võ từ cấp tam phẩm trở lên đều phải đề cử một người có tài, trí, mưu mô, khỏe mạnh, giỏi võ và quả cảm. Năm Canh Tý (1780) đời Lê Hiển Tông, lần đầu tiên việc thi võ được quy định chặt chẽ, kỹ càng hơn trước. Phép thi được chia làm 4 kỳ: kỳ 1 thi giương cung, múa đao; kỳ 2 thi bắn cung, bắn súng; kỳ 3 thi phi ngựa bắn cung, đấu siêu đao, lăn khiêng, múa gươm, đâm giáo…; kỳ 4 thi văn sách.
Điều đặc biệt là bắt đầu từ đây lệ thi còn chú ý đến xét duyệt khí sắc, đó là tướng mạo, tiếng nói, sức chịu đựng sao cho thể hiện được sự hùng dũng, can trường.

8. Lê Hiển Tông là một trong số ít các vị vua giỏi âm nhạc, ngoài ra ông còn có rất nhiều tài khác. Sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: Nhà vua giỏi về các kỹ nghệ lặt vặt. Bao nhiêu cung điệu, nhạc phủ, nhà vua đều chế ra bài mới, âm thanh cực kỳ du dương, trong sáng.

9. Năm Canh Ngọ (1750) đời Lê Hiển Tông, lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Nho học ở nước ta, các sĩ tử phải nộp lệ phí thi mới được tham dự thi Hương, khoản đó gọi là tiền thông kinh.
Lê Hiển Tông là vị vua cho mở nhiều khoa thi nhất trong lịch sử; thời gian ở ngôi ông đã cho mở 16 khoa thi, lấy đỗ 131 Tiến sĩ. Lê Hiển Tông là vị vua lấy bảng Tam khôi ít nhất. Suốt 42 năm, từ khoa thi đầu tiên của triều đại ông tổ chức năm Quý Hợi (1743) cho đến khoa thi cuối cùng tổ chức năm Ất Tỵ (1785) chỉ lấy đỗ một Bảng nhãn là Lê Quý Đôn và hai Thám hoa là Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh; không lấy ai đỗ Trạng nguyên.
Ông cũng là vị vua mở khoa thi lấy đỗ ít người nhất, đó là khoa thi năm Tân Sửu (1781), chỉ lấy hai người đỗ Tiến sĩ là Nguyễn Cầu và Nguyễn Tân.

10. Năm Đinh Dậu (1777) vua Lê Hiển Tông cho ban hành bộ Quốc triều điều luật; bộ luật này được xây dựng trên nội dung cơ bản của bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) nhưng có bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với tình hình mới. Quốc triều điều luật là thành tựu lập pháp nổi bật nhất của thời Lê Trung Hưng (1533-1788) và cũng là bộ luật lớn nhất của thế kỷ XVIII.
Lê Hiển Tông cũng là vị vua cho ban hành bộ luật tố tụng đầu tiên của nước ta. Trước đó các điều khoản tố tụng chưa được phân định riêng mà vẫn nằm chung trong nội dung của các bộ luật. Đến năm Đinh Dậu (1777) bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được ban hành, nội dung là những điều lệ về kiện tụng, quy định thẩm quyền các cấp xét xử, thời hạn xét xử, trình tự bắt người, điều tra, khám xét…

Theo DÂN VIỆT



spacer

'Giếng lộ vàng' và ngôi miếu thiêng ở thành Nghệ An

Dân gian gọi thành cổ này là thành Trương Phụ. Theo sử sách, năm 1406, nhà Minh kéo 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Trương Phụ là tướng của nhà Minh, kéo quân đến chiếm giữ núi Lam Thành, xây thành làm căn cứ với mục đích cướp nước ta lâu dài.

Cỗ đầu người

Năm 1413, Trùng Quang Đế cử quan Ngự sử là Nguyễn Biểu vào Lam Thành thương thuyết với Trương Phụ. Theo sách Đại Nam thống chí, Nguyễn Biểu đến dinh, Trương Phụ bắt lạy nhưng Nguyễn Biểu không chịu nên Trương Phụ bắt lính nấu canh đầu người mời Nguyễn Biểu ăn để thử thách ông. Nguyễn Biểu ngồi vào bàn tiệc và nói "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc (người Tàu)!”, rồi vừa ăn vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người.Sau lần đó, Trương Phụ khâm phục khí tiết cương trực của Nguyễn Biểu nên tha cho ông về. Tuy nhiên, hàng tướng của Trương Phụ là Phan Liêu thấy thế, kích nên giết Nguyễn Biểu vì để lại tất sẽ thành họa. Trương Phụ nghe lời, sai quân đem trói Nguyễn Biểu vào cọc tre dưới sông Lam để thủy triều dâng lên dìm chết. Để tưởng nhớ ông, nhân dân vùng Lam Thành sau đó lập đền thờ ông ở Lam Thành.
Một đoạn tường thành còn lại trên núi Lam Thành Ảnh: Khánh Hoan

Năm 1424, Lê Lợi kéo quân vào Nghệ An, thu phục được lòng dân trước cảnh người dân Nghệ An bị nhà Minh bóc lột bằng sưu cao thuế nặng. Cuối năm đó, Lê Lợi kéo quân đến núi Thiên Nhẫn (thuộc xã Nam Kim, H.Nam Đàn ngày nay) xây dựng căn cứ để luyện binh, tập hợp lực lượng. Sau đó, Lê Lợi tiến sang đánh thành Nghệ An trên núi Lam Thành.

Thực hiện chính sách vừa đánh giặc vừa cày ruộng, thế lực nghĩa quân ngày càng mạnh, Lê Lợi cho khép chặt vòng vây trên núi Lam Thành. Thấy thế quân Minh còn mạnh, thành lại rất kiên cố, bên dưới Lê Lợi vừa vây thành vừa đánh nghi binh, cho làm nhiều quân lính bằng rơm để đánh lừa quân Minh. Đồng thời, Nguyễn Trãi liên tục viết thư thuyết phục Thái Phúc, tướng quân Minh, ra hàng. Tháng 2.1427, Thái Phúc mở cửa thành ra hàng, Lê Lợi chiếm được thành Nghệ An.
Trước và sau khi giặc Minh chọn Lam Thành làm trấn thủ, ngọn núi này đã được các vua Lê Đại Hành, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung, Thiệu Trị... chọn làm điểm kinh lý hoặc trấn thủ đánh giặc.
spacer

Chữ Hán truyền vào Việt Nam từ bao giờ và bằng cách nào?

Tác giả: Vũ Thế Khôi

Trong giới Hán học Trung Quốc và Việt Nam khá phổ biến ý kiến khẳng định rằng ngay từ cuối đời Tần (cuối thế kỷ thứ III TCN) chữ Hán đã bắt đầu được truyền vào Bắc bộ Việt Nam. Căn cứ duy nhất của họ là đoạn ghi trong Sử ký Tư Mã Thiên: "Năm 33 (tức 214 TCN - V.T.K.) Tần Thuỷ Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người đi đày đến đấy canh giữ". Cũng dựa vào đoạn ghi chép đó, PGS Trần Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng những người bị đi đày này "... nghiễm nhiên trở thành những sứ giả chở chữ Hán và tiếng Hán tới phương Nam". 
hán việt

Sử ký Tư Mã Thiên là bộ sử liệu vĩ đại đáng tin cậy, nhưng từ một đoạn ghi chép trên mà suy luận rằng chẳng những tiếng mà cả chữ Hán được truyền đến Bắc bộ Việt Nam cùng đạo quân viễn chinh nhà Tần thì e chỉ là võ đoán. Vì vấn đề lại có ý nghĩa nguyên tắc từ góc độ giao lưu văn hoá Trung-Việt, nên cuối năm 2003, tại "Hội thảo quốc tế về truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung-Việt", họp ở Thâm Quyến 19-21 / 12 / 2003, chúng tôi đã dành nửa đầu của báo cáo để đặt lại vấn đề với 2 ý kiến tranh luận, đó là: 

1. Cùng với cuộc viễn chinh của quân Tần, bất quá mới chỉ có sự lan truyền tự nhiên (không thể gọi là truyền bá!) khẩu ngữ (tức tiếng Hán), thường song hành với mọi cuộc xâm lấn và di dân, chứ chưa thể có chuyện truyền bá chữ Hán; 

2. Chỉ sau khi Triệu Đà, Huyện lệnh Long Xuyên quận Nam Hải, lợi dụng thời cơ nhà Tần sụp đổ, năm 207 chiếm lĩnh 2 quận Quế Lâm và Tượng Quận, thiết lập vương triều cát cứ Nam Việt quốc (207-111 TCN), 18 năm sau thôn tính nốt nước Âu Lạc (208-179 TCN) của An Dương Vương, chữ Hán mới thực sự được truyền bá, tức được dạy một cách có chủ định ở vùng đất Bắc bộ và bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay . 

Chứng minh ý kiến thứ nhất, chúng tôi biện luận như sau: 

Theo chính Hán thư thì Tượng Quận không phải là Bắc bộ Việt Nam mà là vùng đất phía tây của Quảng Tây và phía nam của Quý Châu, như vậy thì trong cuộc viễn chinh vào miền đất Lĩnh Nam của Bách Việt, quân Tần mới chỉ đánh chiếm được vùng đất của Mân Việt (Phúc Kiến, Quảng Đông), Dương Việt và Tây Âu Việt (Quảng Tây và một phần Quý Châu), nhưng chưa chiếm cứ được đất Lạc Việt (tức nước Âu Lạc của An Dương Vương). 

Một sử liệu đáng tin cậy khác là bức thư của Hoài Nam Vương Lưu An dâng lên can gián Hán Vũ Đế (140-86 trước CN) đem quân vào đất Việt, đã miêu tả quân Tần từng bị khốn đốn ở đất Việt (Lạc Việt? - V.T.K.) như sau: "Đời Tần sai quan uý Đồ Thư đánh đất Việt, người Việt trốn vào rừng núi, đánh không được, đóng quân ở vùng đất trống không, lâu ngày quân lính mệt mỏi, rồi người Việt ra đánh, quân lính Tần đại bại" . Sách Hoài Nam tử, cũng do chính Lưu An biên soạn, tả cảnh bại trận của quân Tần còn thê thảm hơn: "Trong 3 năm không cởi giáp dãn nỏ... Người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư, thây phơi huyết chảy hàng mấy chục vạn người". 

Năm 214 mới chiếm được vùng Lĩnh Nam, đến đất Việt 3 năm chiến đấu liên miên ("không cởi giáp dãn nỏ"), bị thảm bại (chủ tướng bị giết, sĩ tốt thì phơi thây); 8 năm sau, 206, nhà Tần đã diệt vong, vậy thời gian đâu mà truyền bá chữ Hán? 

Nêu ý kiến chữ Hán chỉ bắt đầu được truyền bá (được dạy và học có chủ định) từ vương triều của Triệu Đà, chúng tôi căn cứ 2 sự kiện có trong sử sách Trung Hoa và Việt Nam, đó là: 

a) sử gia Việt Nam dẫn sách Thuỷ kinh chú của Trung Hoa, khẳng định rằng dưới triều đại Nam Việt quốc các Lạc tướng của Hùng Vương vẫn cai trị dân như cũ, tức Triệu Đà chủ trương sử dụng các hào trưởng người Việt có uy tín và lực lượng, lại thông hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán địa phương, để quản lý dân Lạc Việt; vậy thì để thông đạt các chiếu chỉ, mệnh lệnh, tất nhiên nhà Triệu phải tổ chức dạy cho họ chí ít biết đọc và viết được chữ Hán, tức là đến thời điểm ấy mới nảy sinh nhu cầu khách quan về một văn tự làm công cụ cho hệ thống hành chính thống nhất bao gồm người Hoa (ở triều đình trung ương) và người Việt (ở phủ, huyện, làng xã). 

b) Triệu Đà, để tranh thủ hậu thuẫn của người Việt nhằm xưng đế, cát cứ một phương, độc lập với đế quốc Hán, đã chủ trương dung hợp văn hoá Hoa - Việt, tạo ra những dòng họ hỗn huyết Hoa-Việt và dung hợp tự nhiên hai văn hoá Hoa và Việt. 

Sự kiện thứ hai này là nhân tố thuận lợi thúc đẩy việc bắt đầu truyền bá chữ Hán vào đến tận làng xã, chúng tôi đã cố gắng chứng minh chi tiết hơn như sau: 

Triệu Đà vốn người Hán ở đất Chân Định, nay thuộc tỉnh Hà Bắc-Trung Quốc, cho Trọng Thuỷ cầu hôn Mỵ Châu đương nhiên nhằm mục đích thôn tính Âu Lạc. Nhưng sau khi đã tiêu diệt triều đình An Dương Vương, theo Sử ký Tư Mã Thiên, Triệu Đà tiếp tục chủ trương đó: dùng Lữ Gia mà chính Sử ký Tư Mã Thiên gọi là "Việt nhân" (đúng hơn phải nói là người Hán đã Việt hoá do sống giữa cộng đồng người Việt, cũng như Lý (Bôn) Nam Đế - V.T.K.) và ghi nhận Gia "làm Thừa tướng 3 đời vua... Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua...; ở trong nước rất được tôn trọng, người Việt tin ông, nhiều người làm tai mắt cho ông, ông được lòng dân hơn vương". Chẳng những thế, bản thân Đà đã chủ động thích ứng với phong tục, tập quán của người Việt: trong thư dâng Hán Văn Đế (179-156 trước CN) ông viết: "Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, hiện đương bồng cháu". Thâm ý của câu đó, họ Triệu khi tiếp sứ thần nhà Hán là Lục Giả, đã giải thích khá cụ thể bằng hành động "xoã tóc, ngồi chò hõ (tức ngổi xổm, chồm hỗm theo phong tục người Việt, chứ không búi tóc, ngồi quỳ gối theo nghi lễ Trung Hoa - V.T.K.) mà tiếp" và cũng khá thẳng thừng đáp lại lời Giả trách Đà "phản thiên tính" (tức quên phong tục mẹ đẻ là người Hán!): "Tôi ở trong xứ mọi rợ lâu ngày, quên hết lễ nghĩa rồi" (tức không theo lễ nghi của người Hán nữa!). Có thể nói rằng họ Triệu và họ Lữ (Lã) là những đại biểu sớm nhất của các dòng họ cổ đại hoà trộn hai huyết thống Việt và Hoa được sử sách ghi lại, tức cũng xác nhận vào thời điểm đó mới bắt đầu hình thành nhân tố thuận lợi thúc đẩy sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung-Việt. 

Việc Triệu Đà chủ trương dung hợp hai nền văn hoá Hoa và Việt, gần đây được chính một số học giả Trung Quốc khẳng định. Sau khi tham dự Hội thảo Thâm Quyến, trên đường về qua Quảng Châu, nhân ghé thăm khu mộ của cháu Triệu Đà là Văn Vương Triệu Muội, chúng tôi mua được sách Lĩnh Nam chi quang, miêu tả việc khai quật khu mộ đá này năm 1983. Các tác giả sách viết: Triệu Đà ... "thúc đẩy chính sách dân tộc "hoà tập Bách Việt", xúc tiến quá trình dung hợp dân tộc Hán - Việt và phát triển kinh tế - văn hoá" . 

Khách quan mà nói, quan điểm về sự dung hợp hai nền văn hoá Việt và Hoa dưới triều đại Triệu Đà trong toàn cõi Nam Việt quốc đã từng được một số nhà sử học Sài Gòn nêu lên khá sớm, nhưng đúng như nhà sử học Đào Hùng, Phó tổng biên tập báo Xưa & Nay, nhận định trong Lời giới thiệu công trình cực kỳ lý thú của nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn Tạ Chí Đại Trường, xuất bản năm 1989 tại Hoa Kỳ, đến đầu năm 2006 này mới được in lại ở Việt Nam, nhan đề Thần, người và đất Việt: "Trải qua một thời gian dài giới nghiên cứu chúng ta thường bị những động cơ chính trị chi phối nên việc nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiên kiến". Có thể nói một trong những thiên kiến như vậy là quan điểm chính thống trong giới sử học miền Bắc coi nhà Triệu là kẻ xâm lược, mà đã là kẻ xâm lược thì phải xấu, không thể có đóng góp gì đáng bàn nữa! Trong công trình nói trên, với một phương pháp nghiên cứu khách quan, không bị lập trường chính trị o ép, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ luận điểm về sự liên tục văn hoá và căn cứ thực tế lịch sử về giao lưu văn hoá của cộng đồng người Việt với Hán, Chămpa và các tộc người khác, đã phát biểu những ý kiến xác đáng, nêu một nhận xét táo bạo, nhưng theo chúng tôi, không phải không có lý, rằng: "Ranh giới Giao [tức Giao Chỉ] - Quảng [tức Quảng Đông, Quảng Tây] còn nhập nhoà trong trận chiến Lý-Tống (1075-1077) khi Lý đem quân qua châu Khâm, châu Liêm có người giúp đỡ, nội ứng...", tức theo ông, trải qua hơn nghìn năm vẫn tồn tại những truyền thống bắt nguồn từ sự dung hợp văn hoá Hoa và Việt từ thời Triệu Đà khiến ít ra một bộ phận dân chúng vùng Lưỡng Quảng không hề mặc cảm đạo quân viễn chinh của Đại Việt là những kẻ dị chủng xâm lược. 

Bốn chục năm trước đây, khoảng năm 1962/63, chúng tôi từng được nghe một vị sư già ở chùa Thầy nói xương cốt dưới hang chùa là của binh lính Lữ Gia không chịu ra đầu hàng, bị quân Hán vây đến chết đói ở dưới đó. Ngay ở Hà Nội cho đến năm 1979 vẫn còn phố Lữ Gia (nay là phố Lê Ngọc Hân). Tại một số địa phương trên đất Việt Nam ngày nay dân chúng vẫn thờ Triệu Đà và Lữ Gia. Chẳng hạn, ở làng Đồng Xâm xã Hồng Thái huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình vẫn còn di tích một đền lớn uy nghi, được xếp hạng như di tích thờ vị Tổ nghề chạm bạc truyền thống. Thực ra, Tổ nghề Nguyễn Kim Lâu chỉ được thờ trong một cái am nhỏ ở địa điểm khác. Đây cũng lại là một bằng chứng về cái sự "bị động cơ chính trị chi phối", khiến người ta phải làm sai lệch sự thật về ngôi đền này, bất chấp thư tịch lịch sử và địa chí. Danh sĩ cuối đời Lê là Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780) viết rành rành trong công trình nổi tiếng Việt sử tiêu án: "... làng Đường Xâm quận Giao Chỉ (nay là Đường Xâm huyện Chân Định) có miếu thờ Triệu Đà..." Huyện Chân Định sang triều Nguyễn thuộc phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định, đến năm 1894, phủ Kiến Xương cắt về tỉnh Thái Bình mới lập, sau bỏ phủ, đổi gọi là huyện Kiến Xương. Năm 1924 nhà địa dư học Ngô Vi Liễn còn ghi ở chương "Tỉnh Thái Bình" trong sách Địa dư các tỉnh Bắc kỳ : "Đền Triệu Vũ Đế ở làng Thượng Gia, phủ Kiến Xương, hội về ngày mồng 1 tháng tư"). Cũng sách của Ngô Vi Liễn cho biết: làng Thượng Gia thuộc tổng Đồng Xâm (sách đời Nguyễn Gia Long còn gọi là tổng Đường Xâm). 

Tâm thức dân Việt không phải ngẫu nhiên vẫn tôn thờ Triệu Đà. Ngoài công "hoà tập Bách Việt", phát triển kinh tế và văn hoá, biến cả miền Lĩnh Nam thành ánh hào quang (=Lĩnh nam chi quang), họ Triệu đã Việt hoá từng cùng dân Việt chống ngoại xâm. Sử ký Tư Mã Thiên viết rằng thời Triệu Minh Vương (chắt của Triệu Đà) con là thái tử Anh Tề phải vào làm con tin tại triều đình nhà Hán, lấy gái Hán ở Hàm Đan họ Cù, đẻ ra con trai là Hưng, sau được nối ngôi, nên Cù thị trở thành thái hậu Nam Việt quốc; hồi còn trên đất Trung Quốc, đã là vợ Anh Tề, Cù thị vẫn dan díu với người huyện Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý, nay thấy Thiếu Quý sang làm sứ giả, lại cùng gian dâm, rồi khuyên vua quan Nam Việt xin "nội thuộc" nhà Hán... "bọn Lữ Gia bèn làm phản, ra lệnh trong nước: "Vương tuổi còn trẻ, thái hậu là người Trung Quốc, lại dan díu với sứ giả, chỉ muốn nội thuộc...". Lữ Gia bèn cùng em đem quân đánh giết vương, thái hậu cùng các sứ giả của nhà Hán...; lập Vệ Dương hầu Kiến Đức, người con trai đầu của Minh Vương, vợ (Đại Việt sử ký toàn thư ghi "mẹ" - V.T.K.) là người Việt, làm vua..., đem quân đánh bọn Thiên Thu (tướng nhà Hán), diệt được họ cách Phiên Ngung (nay là Quảng Châu) 40 dặm. Gia sai người phong gói cờ tiết của sứ giả để ở cửa ải, khéo nói dối để tạ tội, rồi đem quân đóng giữ những nơi hiểm yếu" (chúng tôi nhấn mạnh - V.T.K.) . 

Rõ ràng vương triều họ Triệu cùng vị Thừa tướng "Việt nhân", "được lòng dân hơn vương", là những người đầu tiên , trước Hai Bà Trưng cả 144 năm, đã chống quân xâm lược nhà Hán. Cuộc kháng chiến của họ dẫu được dân Việt ủng hộ, vẫn thất bại do tương quan lực lượng quá chênh lệch ở thời buổi nhà Hán vừa mới diệt Tần lên làm chủ Trung Hoa, đang trở thành một đế chế hùng mạnh. Nhưng cũng như một người xưa, Tiến sĩ Vũ Tông Phan, đã viết về Hai Bà Trưng trên tấm bia lập năm 1840, hiện vẫn dựng giữa sân đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân-Hà Nội: "Việc làm của kẻ trượng phu không thể lấy thành hay bại mà bàn luận" . 

Sử sách nước ta qua các thời đại khác nhau có quan điểm khác nhau về vương triều Nam Việt. Đại Việt sử lược, bộ sử thời Lý-Trần (TK XII-XIII) chép "Nhà Triệu" ngang hàng với các "Nhà" Ngô, Đinh, Lê (Đại Hành), Lý. An Nam chí lược (đầu TK XIV), do Lê Tắc viết trên đất Trung Quốc nên không dám dùng chữ "kỷ" mà Tư Mã Thiên chỉ dành riêng cho các triều đại hoàng đế Trung Hoa, gọi Triệu là "thế gia" ("Triệu thị thế gia") ngang hàng các "thế gia" Đinh, Lê, Lý, tức vẫn coi là một triều đại thuộc sử Đại Việt. Nguyễn Trãi coi quốc thống Đại Việt trước nhà Lê gồm cả Triệu, Đinh, Lý, Trần. Trong Bình Ngô đại cáo năm 1427 ông tuyên bố: 

Xét như nước Đại Việt ta, 
Thực là một nước văn hiến. 
Cõi bờ sông núi đã riêng, 
Phong tục Bắc Nam cũng khác. 
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. 
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương. 

Theo tinh thần đó Đại Việt sử ký toàn thư chép nhà Triệu như một triều đại chính thống của Đại Việt. Đến cuối thế kỷ XVIII, Việt sử tiêu án và Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ phê phán chép sử Việt như thế là sai và đưa nhà Triệu ra ngoài, gọi riêng là "ngoại thuộc", để phân biệt với giai đoạn "Bắc thuộc" sau này, khi nước ta "nội thuộc" Trung Quốc. Quốc sử quán triều Nguyễn theo như thế, có lẽ còn vì lý do năm 1804 vua Gia Long xin đặt quốc hiệu là "Nam Việt", nhưng hoàng đế nhà Thanh không chuẩn cho, hẳn e ngại sự tái diễn việc cầu hôn một công chúa Trung Hoa và xin lại đất Lưỡng Quảng mà Quang Trung đã đặt ra. Để rạch ròi, triều Thanh đề nghị quốc hiệu "Việt Nam", nhưng vua Gia Long không chấp thuận, tự đặt quốc hiệu là Đại Nam. Đến đầu thế kỷ XX, khi nước ta đã thành thuộc địa của Pháp, quyền uy Trung Hoa không còn tác dụng nữa, sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (viết 1919, in 1921) mới lại đưa "nhà Triệu" vào quốc thống Đại Việt. 

Nếu Quang Trung không mất sớm thì sẽ ra sao nhỉ? 

Nhưng lịch sử không chấp nhận chữ "nếu". Lịch sử đã an bài từ lâu. Ngày nay Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng hữu nghị, với biên giới đã xác định. Bởi vậy trong báo cáo tại Hội thảo Thâm Quyến 2003, chúng tôi đã nói rõ chỉ xem xét vương triều Triệu Đà thuần tuý từ góc độ giao lưu văn hoá. Nay xin một lần nữa nhấn mạnh như vậy.

Nguồn: Bài viết đã công bố trên tạp chí Xưa và Nay số 256 tháng 8/2006
spacer

Bài khấn để cúng giao thừa trong nhà năm Bính Thân 2016

Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên.Vào chính thời khắc giao thừa vừa tới sau khi cúng ngoài trời. Nhằm cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới.

Cúng giao thừa hay còn gọi lễ Trừ Tịch

Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Còn Cao đài Từ điển giải nghĩa trừ tịch thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm; tịch: đêm và Giao thừa thì giao: giao tiếp và thừa: tiếp tục.

Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để ” khu trừ ma quỷ”.

Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.

Ngoài ra để giải thích cho việc tại sao cúng giao thừa ngoài trời, dân gian cũng cho rằng lễ cúng “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh hay còn gọi là các vị Hành khiển và Phán quan. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà.

Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.

Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Lễ Trừ tịch được cử hành đúng vào lúc giao thừa (hết giờ Hợi – từ 21 giờ đến 23 giờ – sang giờ Tý – từ 23 giờ đến 1 giờ – mở đầu ngày mồng 01 Tết).

  • Nghi thức cúng giao thừa


Theo phong tục Việt Nam từ cổ xưa, nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.

Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng … nếu là phật tử có thể cúng mâm lễ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.

Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước án.

Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc. Sau khi hết 3 tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.

  • Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời:

văn khấn giao thừa
Cúng giao thừa ngoài trời
spacer

VỀ MỘT CHI HỌ LÝ (ĐÌNH BẢNG) Ở HUYỆN ĐÔNG SƠN, THANH HÓA

VỀ MỘT CHI HỌ LÝ (ĐÌNH BẢNG) Ở HUYỆN ĐÔNG SƠN, THANH HÓA

PHẠM THỊ THÙY VINH

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua và dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng chính là thời kỳ dòng họ Lý ở Đình Bảng chính thức bước lên vũ đài chính trị. Nhà Lý đã có những đóng góp xuất sắc đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Nền văn hiến Đại Việt giàu bản sắc văn hóa cũng được bộc lộ rõ nhất từ chính thời đại này. Nhưng sau khi nhà Trần giành Vương triều từ nhà Lý với sự nhường ngôi cho chồng của Lý Chiêu Hoàng, vai trò chính trị của nhà Lý chấm dứt. Dòng họ Lý đã thất tán đi nhiều nơi và có một bộ phận đổi sang họ Nguyễn.
spacer

Bàn về hai chữ “Thiên thư” (天 書) trong bài Nam quốc sơn hà (南 國 山 河)

Lê Văn Quán
Nam quốc sơn hà là bài TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP đầu tiên của nước ta. Nội dung của TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP chủ yếu đề cập đến quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và các dân tộc. Đồng thời, bài Nam quốc sơn hà ra đời cũng là thể hiện hùng khí và sự lớn mạnh của dân tộc ta. Thế mà, hai chữ “thiên thư 天 書” ở trong câu thơ:
“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

截 然 定 分 在 天 書

(Rành rành định phận ở sách trời) (1, tr.181), lại lí giải không ổn. Có ý kiến cho là tác giả bài thơ(*) đã dựa vào tư tưởng “thiên mệnh” (= mệnh trời), trời quyết định mọi sự việc ở đời. Gần đây, trong bài Việt Nho qua một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, PGS. Bùi Duy Tân đã viết: “Trời ở đây ẩn trên thiên thư… Cả mớ lý luận về Trời, Khổng Nho thường hay dùng danh ngữ Thiên mệnh, được người Việt tiếp biến theo quan niệm “thực dụng”,… (2,tr.318).

spacer

BÀI VĂN BIA CỔ TÍCH LINH TỪ BI KÝ Ở NÚI TỬ TRẦM

BÀI VĂN BIA CỔ TÍCH LINH TỪ BI KÝ Ở NÚI TỬ TRẦM (HÀ TÂY) DO NHÀ
SỬ HỌC LÊ TUNG SOẠN

NGUYỄN QUANG HÀ
NGUYỄN QUANG NGỌC
1. Xuất xứ tấm bia và vài nét về tác giả

Tại xóm San, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây hiện còn lưu giữ được tấm bia Cổ tích linh từ bi ký. Bia có chiều cao 1,22m, rộng 1,20m, trong đó trán bia cao 0,24m, chạm hoa văn rồng chầu mặt nguyệt cách điệu, hai diềm bia chạm hoa, dây leo. Bia được dựng trong một am nhỏ có mái che, chữ còn khá rõ nét, viết chân phương, dễ đọc. Bia gồm 22 dòng, mỗi dòng khoảng 50 chữ, tổng cộng hơn 1200 chữ, một bài tựa và một bài minh dài hơn 70 câu (mỗi câu 4 từ). Phần cuối bia là dòng lạc khoản ghi: “Hồng Thuận nhị niên, tuế thứ Canh Ngọ trọng thu, cát nhật, Tiến thận quang lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu(1) Tri kinh diên sự thần Lê Tung đẳng phụng sắc soạn”. Nghĩa là: (Ngày tốt, tháng giữa thu [tháng 8] năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 [1510] do Tiến thận Quang Lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự thần Lê Tung kính cẩn soạn sắc)

Đây là tấm bia mà soạn giả là một nhà sử học nổi tiếng sống cách chúng ta khoảng 500 năm. Nội dung tấm bia cho biết nhiều sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu thế kỷ XVI, xung quanh việc Lê Tương Dực (1509 - 1516) lên ngôi. Ngoài ra, nội dung tấm bia còn mô tả về quang cảnh khu di tích núi Trầm thời Lê(2).

spacer

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 5

Tư liệu: Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ “Vĩnh-Quỳnh -Tốn-Tố-Khôi” – Bài 5
Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh

Trí thức thế hệ 2: Vẫn câu hỏi ĐỘC LẬP và CANH TÂN – cái gì trước?
Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân
Ảnh hưởng quyết định của Tân Thư
“Tân Thư” (sách mới) thực ra là những sách có từ lâu bên châu Âu, nhưng lại rất mới với châu Á và Việt Nam. Sách chủ yếu trong tân thư là các tác phẩm của Montesquieu (Mạnh Đức Tư Cưu, 1689-1775) và J. Rousseau (Lư Thoa, 1712-1778); rồi các sách ra đời muộn hơn của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu và một số tác giả Nhật.
spacer

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 4

Tư liệu:  Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 4
Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh

Trí thức nước ta và việc chọn ý thức hệ

Quân Pháp xâm lược Bắc Kì, trận chiếm thành Hải Dương .

Năm 1906 lần đầu tiên trên tiêu đề của một bài báo (ở Pháp) xuất hiện từ mới toanh, trước đó chưa hề có: “trí thức”. Từ này dành cho nhà văn Zola vì hành động cao cả và dũng cảm của ông. Cụ thể, ông đã lên tiếng phản đối, và phản đối tới cùng, một bản án bất công do giới quyền lực áp đặt cho một nghi can là người Do Thái. Trớ trêu, dư luận xã hội – do kỳ thị chủng tộc – đã nhiệt liệt ủng hộ bản án phi nghĩa này. Nhà văn rất ý thức về sự nguy hiểm cho bản thân, nhưng ông trọng công lý và sự thật hơn lợi ích riêng. Sau mấy năm chịu đựng sự đàn áp, Zola đã thắng và trở thành một biểu tượng của trí thức. Thế là, khái niệm trí thức ra đời. Tuy nhiên, dẫu trước năm 1906 kho từ vựng chưa có từ “trí thức”, nhưng đã có sẵn rất nhiều danh từ để chỉ “người có học” (ví dụ, nhà bác học, nhà khoa học, học giả, nhà văn, nghệ sĩ, tiến sĩ…). Dù sao, họ chưa phải là trí thức. Nhưng nếu một người “có học” – ngoài chuyện hành nghề theo chuyên môn – còn vạch ra những bất cập và bất công của xã hội, đề xuất các biện pháp giải quyết (nay gọi là phản biện), ông ta trở thành trí thức (trí tuệ và thức tỉnh). Hoạt động xã hội của trí thức, đều – gián tiếp hay trực tiếp – có tác dụng nâng cao dân trí. Đúng ra, trước 1906 đã có nhiều nhân vật mà phẩm chất cao đẹp không kém Zola. Có điều, thời xưa chưa có từ ngữ thích hợp để gọi họ mà thôi.

spacer

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 3

Tư liệu: Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 3
Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh


Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi
Yukichi Fukuzawa
Wikipedia đã nêu rất đủ về Nguyễn Trường Tộ  Fukuzawa Yukichi (xin gọi tắt là cụ Nguyễn và cụ Fuku). Để so sánh, ai cũng nhận ra: Cả hai cụ sinh cùng thời, cùng đề xướng cải cách, nhưng một cụ thất bại, cụ kia thành công. Chỉ cần gõ hai cụm từ “nguyễn trường tộ” và “fuku yukichi” ta sẽ được google cung cấp hàng ngàn kết quả, trong đó không thiếu những so sánh cụ thể, chi tiết, để tìm ra nguyên nhân thất bại và thành công.
spacer

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”- Bài 2

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”- Bài 2
Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh


Bài 2: Nguyễn Trường Tộ trao lại những gì?
Số phận các bản điều trần

Nói chung, chúng không được thực hiện vì không đủ cả thời gian lẫn điều kiện. Nhưng bao trùm lên tất cả là vua Tự Đức không thể dứt bỏ ý thức hệ Nho Giáo, mặc dù đến lúc ấy đã trở thành phản động khi chủ nghĩa tư bản phương Tây đang đua nhau tìm kiếm thị trường và thuộc địa.
Nguyễn Trường Tộ

spacer

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”- Bài 1

Tư liệu : Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ  “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”- Bài 1.
Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh

Ba thế hệ trí thức với hoài bão nâng cao dân trí:  Cụ Nguyễn Trường Tộ và “bộ ngũ” sống cách nhau tới hai thế hệ. Trong khoảng thời gian 50 hoặc 60 năm ấy, chen vào giữa họ, là thế hệ các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Không ai thật sự có quyền lực trong tay. Các cụ được trọng vọng là do những gì tích lũy trong óc. Có uy tín là nhờ thái độ đối với xã hội, nhân quần. Sản phẩm của mỗi người đều chỉ là những suy nghĩ, do tự mình thể hiện trên giấy – mà không thể nhờ vả làm giúp, hoặc sai bảo ai làm thay…

Tất cả các vị này đều sinh ra từ thế kỷ 19 – cách nay hàng trăm năm, nhưng các vị đều là trí thức đúng nghĩa – mặc dù đầu thế kỷ 20 mới có khái niệm “trí thức“ để có thể phân loại “người có học” khác trí thức ở chỗ nào. Đó là những người vừa “có học” lại vừa có tư duy phản biện xã hội. Chính do tư duy phản biện, họ bị chế độ thực dân và phong kiến – nói chung là những chế độ độc tài – kỳ thị, cảnh giác, kể cả lên án, thậm chí bị lên án từ nhiều phía. Nhưng tất cả đều bất khuất và sử dụng phương thức phù hợp để thể hiện lòng yêu nước và thực hiện hoài bão nâng cao dân trí. Thời nay, con cháu Phan Chu Trinh và “bộ ngũ” – thế hệ thữ năm – vẫn tiếp tục sự nghiệp cha ông.


spacer

Giả thuyết mới về Chánh cung Hoàng hậu vua Quang Trung

Lâu nay, sử liệu ghi nhận Chánh cung Hoàng hậu của vua Quang Trung quê gốc ở Quy Nhơn, nhưng tư liệu vừa tìm thấy ở Quảng Nam đã đặt giả thuyết mới về thân phận và quê quán vị hoàng hậu này.

Gia phả lập năm 1927 có ghi “Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy” - Ảnh: C.T.V
spacer

Khu mộ hơn 200 năm của danh thần triều Nguyễn giữa Sài Gòn

Lăng Bình Giang Quận công Võ Di Nguy tọa lạc tại số 19 Cô Giang (gần ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM). Từ khi được an táng đến nay đã hơn 214 năm nhưng ngôi mộ vẫn giữ được nét uy nghi, đường bệ của bậc đệ nhất công thần, đồng thời tiêu biểu cho nghệ thuật xây cất lăng mộ cổ ở Nam bộ. Bộ VH-TT đã ra quyết định công nhận đây là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Lăng Bình Giang Quận công Võ Di Nguy gồm phần tiền mộ (bình phong tiền, sân tế) và phần mộ (cửa mộ, bàn hương án, mộ và bình phong hậu)
spacer

Mộ các danh thần ở Sài Gòn - 3 ngôi mộ của danh tướng Võ Tánh

Theo tục lệ dân gian, khi một người chết mất xác hoặc vì lý do nào đó mà người ta phải tạo mộ giả (mộ gió) để hương khói, thờ cúng là chuyện bình thường. Nhưng một vị tướng mà có đến 3 ngôi mộ thì quả là chuyện hiếm.

Mộ gió của Võ Tánh ở Q.Phú Nhuận - Ảnh: H.Đ.N
“Dũng” và “nhân” của đạo làm tướng
Sử liệu ghi Võ Tánh người gốc Biên Hòa, năm 1788 ông theo phò Nguyễn Ánh, được Nguyễn vương gả em gái là công chúa Ngọc Du. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 1799, ông cùng Nguyễn Huỳnh Đức theo chúa Nguyễn tiến chiếm thành Quy Nhơn. Chúa Nguyễn đổi tên là thành Bình Định, giao cho Võ Tánh và Lễ bộ Tham tri Ngô Tùng Châu coi giữ còn chúa rút đại quân về Gia Định.

spacer

Mộ các danh thần ở Sài Gòn: Lăng Bình Giang Quận công Võ Di Nguy

Những ngôi mộ của các danh thần triều Nguyễn nằm lặng lẽ tại đất Sài Gòn. Trong số những ngôi mộ cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm đó, một số được gìn giữ, thờ cúng, nhưng có cái đã thành phế tích.
Toàn cảnh khu mộ Quận công Võ Di Nguy - Ảnh: H.Đ.N
Đệ nhất công thần
Từ đường Phan Đình Phùng rẽ vào Cô Giang (gần ngã tư Phú Nhuận), ngay đầu đường có tấm biển lớn treo trên cao như cổng chào, ghi hàng chữ “Đền Phú Trung Bình Giang Quận công Võ Di Nguy”.
Trong các cận thần của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thì Võ Di Nguy là người phò tá sớm nhất, ông theo giúp Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1751 - 1777, chú ruột của Nguyễn Ánh), rồi theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn và cũng tử trận sớm hơn nhiều công thần khác (ông mất ngày 27.2.1801) khi cuộc chiến với Tây Sơn bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, trước khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua (1802). Thi hài Võ Di Nguy được chuyển về Gia Định. Chi phí cho tang lễ rất lớn.

spacer

Tìm lại huy hoàng kỳ 3.3: Lý Triều Quốc Sư – vị tứ bất tử lưu dấu ấn của Phật Pháp tại nhân gian

Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.
Chùa Bái Đính, Ninh Bình.
Trong các phần trước của loạt bài “Tìm lại huy hoàng”, chúng ta đã đi qua các câu chuyện về các vị “Tứ bất tử” của Việt Nam.
spacer

“Tìm lại huy hoàng” phần 3.2: Tiên giới thánh duyên Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.


Từ trước tới nay, câu chuyện cổ tích giản lược về Chử Đồng Tử và Tiên Dung thường hay làm dấy lên những thắc mắc trong lòng người đọc như: Tại sao công chúa Tiên Dung lại dám tự ý kết duyên không theo lệnh vua cha? Một câu chuyện gặp nhau trong phòng tắm ngoài trời, có gì đáng để lưu lại ngàn đời và trở thành một trong tứ bất tử ở Việt Nam?
Đó là bởi vì những gì tinh túy nhất, thâm sâu nhất đã bị giản lược đi, chỉ để lại hiện tượng bề mặt đọc qua thấy trần trụi và thô tục. Người đời sau không biết lại tiếp tục gán cho huyền sử này một ý nghĩa “quyền tự do yêu đương” theo nhu cầu của con người hiện đại.
spacer
do