Tuần phủ Lê Trung Ngọc với việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

1.Lê Trung Ngọc là quan Tuần phủ tỉnh Phú Thọ (từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921).
Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1867 (tức ngày 23 tháng 9 năm Đinh Mão), trong một gia đình nho học; quê ở làng Liên Thành (xưa là ấp Tân Quảng), tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).

Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 – 1928).(Ảnh do cháu nội cụ cung cấp năm 2009)
– Năm 1883, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông ra đất Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn.
– Tháng 1 năm 1903: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Ninh.
– Tháng 7 năm 1903: Làm Thương tá tỉnh Vĩnh Yên.
– Tháng 3 năm 1908: Làm Án sát tỉnh Vĩnh Yên; sau đổi làm Án Sát tỉnh
Phúc Yên.
– Tháng 6 năm 1909: Làm Án Sát tỉnh Sơn Tây.
– Tháng 2 năm 1912: Làm Tuần phủ tỉnh Sơn Tây.
– Tháng 4 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Giang.
– Tháng 12 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Quảng Yên.
– Tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921: Làm Tuần phủ tỉnh Phú Thọ.
– Tháng 2 năm 1921: Làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương.
– Tháng 1 năm 1924: Làm Tổng đốc tòa Thượng thẩm, Hà Nội.
– Tháng 7 năm 1927: Nghỉ hưu tại Hà Nội.
– Ngày 8 tháng 6 năm 1928 (tức ngày 21 tháng 4 năm Mậu Thìn): ông mất tại Hà Nội; hưởng thọ 62 tuổi.
Tuần phủ Lê Trung Ngọc còn là một trong những người sáng lập ra Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội (hiện còn bia khắc tên tại 79 phố Hàng Trống – Hà Nội).
Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương như: Kỷ niệm chương Bắc kỳ năm 1888; Huân chương Hiệp sỹ con rồng An Nam năm 1890; Huy chương bạc hạng nhất năm 1891; Huy chương vàng 1892; Hồng Lô tự thiếu khanh năm 1896; Kim Thánh năm 1898; Huân chương Viện hàn lâm năm 1904; Huân chương quốc gia Vương quốc Căm Pu Chia năm 1913…
2.Trong những năm làm Tuần phủ Phú Thọ (1915 – 1921) Lê Trung Ngọc đã dành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ông sống gần dân và đặc biệt quan tâm tới dân. Ông nhận thấy tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Lăng miếu thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương, hàng năm nhân dân cả nước nô nức tìm đến lễ bái; họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 Âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu. Như vậy thời gian lễ bái duy trì kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.
Đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế / quốc lễ – Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.
Bia “ Hùng miếu điển lệ bi ” được Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và  dựng tại đền Thượng – KDT Đền Hùng mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (năm 1923), đã ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng này (Hiện bia được bảo tồn tại đền Thượng trong KDT lịch sử Đền Hùng).
3.Tên tuổi quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc kể từ đó được sử sách ghi chép với tư cách ông là tác giả của việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Tuần phủ Lê Trung Ngọc luôn được người đời tôn trọng vì ông là ông quan gần dân, thương dân, cảm thông với nỗi khổ của người nông dân; đồng thời ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ, có ý thức tiết kiệm ngân khố của dân, của nước.
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ, mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm ”.

Năm 2017, kỉ niệm 100 năm sự kiện lịch sử định lệ chính thức Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Tổ chức nghi lễ cấp quốc gia), ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các Vua Hùng, có sự tham gia góp giỗ trực tiếp của Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thái Bình, Bình Phước, Bến Tre.

Với ý thức hướng về cội nguồn dân tộc , bài viết này nhằm cung cấp tư liệu lịch sử và giới thiệu xuất sứ của việc định lệ quốc lễ ngày GTHV; đồng thời cũng cung cấp thông tin về sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp của quan Tuần phủ Phú Thọ (1915 – 1921) Lê Trung Ngọc là người có công đầu trong việc chính thức định lệ ngày quốc lễ trọng thể này./. 
Phạm Bá Khiêm – Chủ tịch Hội VNDG tỉnh Phú Thọ
Theo baotanglichsu.vn
spacer

Về các loại dấu triện kim bảo trên sắc phong thần 1428- 1945

Trong nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, đền, miếu thờ ở nước ta còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong thần do các triều vua Lê, Mạc, Tây Sơn  và Nguyễn ban cấp.. Trải qua thời gian mấy trăm năm, mặc dù được bảo quản trong hộp gỗ nhưng tới nay một số đạo sắc phong đã bị sờn, rách, chuyển màu vàng nhạt hay hồng nhạt. Đây là những cổ vật bằng chất liệu giấy hiếm quý. Tình trạng các đạo sắc phong này rất cần thiết phải bảo quản theo phương pháp khoa học để bảo tồn lâu dài.

Về kích thước, các đạo sắc phong đều có hình chữ nhật, phổ biến có chiều dài trong khoàng 119cm đến 140cm và rộng từ 44cm đến 53cm. Đặc biệt, sắc phong đời Cảnh Hưng hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia có chiều dài 195cm, rộng 60cm.
Loại giấy dùng làm sắc là giấy dó có độ dai và dày, thường gọi là giấy Nghè vì làm tại làng Nghè, làng Nghĩa Đô huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là loại giấy đặc biệt chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng . Trên mặt trước của mỗi đạo sắc thường có diềm vẽ nền gấm chữ Vạn, bên trong diềm vẽ trang trí hình Rồng, mây và chữ Thọ. Nội dung của đạo sắc là bài minh chữ Hán viết tay nên tự dạng khá phong phú. Mỗi bài minh đều có cấu trúc khá giống nhau, đọc từ phải sang trái. Dòng cuối cùng ghi niên hiệu của triều vua và ngày tháng ban cấp đạo sắc. Trên dòng chữ này có đóng một dấu Kim bảo màu son đỏ với 4 chữ Hán theo kiểu Triện thư. Dấu triện này có thể xem như biểu tượng linh thiêng của nhà Vua. Đó là các chữ Tiên Nhu Chi Bảo Sắc Mệnh Chi Bảo. Nhưng ngẫu nhiên trong số 15 đạo sắc phong thần còn lưu giữ tại Miếu Cầu Vương ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi thấy đạo sắc phong ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821), dấu triện là Phong tặng chi bảo.  Vì vậy, bài viết này xin làm rõ hơn về các dấu triện trên các đạo sắc phong  thần từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, 1428-1945.

Trước tiên, chúng tôi nêu qua nghi thức đóng dấu kim bảo dưới triều Nguyễn để bạn đọc tham khảo. Các kim ngọc bảo tỷ được cất giữ ở điện Trung Hòa trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến kim bảo nào thì do Cung giám phụng mang kim bảo đó ra. Mỗi lần đóng dấu kim bảo Ngự tiền chi bảo , Văn lý mật sátSắc mệnh chi bảo, quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đương trực, thiết án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để hầu bảo. Khi dùng đến những bảo tỷ khác quan trọng hơn phải theo một thủ tục riêng. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm phiến tấu trình lên Hoàng đế để xin phép định ngày’’ hầu bảo’’. Đúng ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại điện Cần Chánh. Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra. Vệ binh cầm kiếm tuốt vỏ đứng hầu hai bên án. Quan Nội các và Bộ quan đương trực mặc phẩm phục bước vào chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, kim bảo được đặt lại vào tráp. Quan Nội các niêm phong giao cho Nội thần nhận thỉnh cất giữ. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, Hội đồng phải lập biên bản và ghi vào sổ để theo dõi. Như thế, nghi thức đóng dấu kim bảo của triều Nguyễn rất trang nghiêm và quy củ chặt chẽ mang tính chất nghi thức của quốc gia.

1. Dấu triện Tiên nhu chi bảo.

Ảnh 1. Dấu Tiên nhu chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 5 tháng 5(Âm lịch) năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792).
Khi tìm hiểu các đạo sắc phong dưới thời Tây Sơn (1778-1802), các nhà nghiên cứu thấy xuất hiện dấu triện Quảng vận chi bảo đóng trên các văn bản niên hiệu Thái Đức 10 và 11(1787-1788); niên hiêụ Quang Trung 2 (1789), Quang Trung 5 (1792). Dấu Triều Đường chi ấn đóng trên văn bản niên hiệu Quang Trung 5 (1792). Các loại dấu triện này không rõ được được đúc hay khắc bằng chất liệu gì. Nhưng hình dấu son có thể thấy trên sách La Sơn phu tử ( Hoàng Xuân Hãn, 1952) hay sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005). Ngoài ra ,thời Tây Sơn còn dùng 2 dấu triện khác là Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo đóng trên các đạo sắc phong thần.

Về dấu triện Sắc mệnh chi bảo  thời Tây Sơn, đến nay chỉ thấy duy nhất trên tờ tư liệu của cụ Hoa Bằng ghi lại ngày 11 tháng 12 năm 1949. Bản này in lại trang 267 của sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.267). Đây là đạo sắc phong cho Phan Huy Ích chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thị trung Ngự sử , tước Thụy Nham hầu, ngày 18 tháng 4 nhuận, năm Quang Trung 5(1792). Thật tiếc cho đến nay không còn một đạo sắc nào để truy cứu so sánh. Nhưng xem hình dấu, tôi thấy khác hẳn với tự dạng trên dấu triện Sắc mệnh chi bảo thời Lê. Chữ Sắc mệnh kiểu Triện thư, với chữ Mệnh nhô hẳn lên chữ Sắc . Nhưng 2 chữ chi bảo lại giống dấu Tiên nhu chi bảo. Chữ chi có uốn gấp khúc, cân đối.
Theo Nguyễn Công Việt, dấu triện Tiên nhu chi bảo được xem là dấu chỉ dùng dưới thời Tây Sơn. Dấu triện có cạnh vuông 15,2cm x 15,2cm. “ Ý nghĩa là các vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mầm lúa mọc tươi tốt”. Dấu triện này trên đạo sắc phong năm Quang Trung 3 (1790). Chúng tôi thấy trên đạo sắc phong thần ngày 5 tháng 5, năm Quang Trung 5 (1792) ở Miếu Cầu Vương (Ảnh 1).  Như vậy, dấu triện Tiên nhu chi bảo được sử dụng phổ biến trên các đạo sắc phong thần thời Tây Sơn.

2. Dấu Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo
Cho đến nay các tài liệu cho biết những đạo sắc phong thần còn lưu giữ được sớm nhất là thời Lê Sơ (1428-1527). Nhưng nhiều nhất vẫn là thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18. Trên các đạo sắc phong thần thời Lê đều thấy đóng dấu triện son Sắc mệnh chi bảo. Dấu triện này có kích thước 11,5cm x 11,5cm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Bình (1435), hoàn thành đúc 6 quả ấn bằng vàng, bạc là :
Thuận Thiên thừa vận chi bảo , dùng khi truyền ngôi.
Đại Thiên hành hóa chi bảo, dùng khi xuất binh đánh dẹp.
Chế cáo chi bảo, dùng khi ban chế, chiếu ra thiên hạ.
Sắc mệnh chi bảo, dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn khác.
Ngự tiền chi bảo, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách.
Ngự tiền tiểu bảo, dùng khi có việc cơ mật.(Đại Việt sử ký toàn thư,1972,t3,tr.102)
Như vậy, sử liệu này cho biết rõ dấu triện Sắc mệnh chi bảo được đúc vào năm 1435. Nhưng trên  các văn bản thế kỷ 15 có đóng dấu này còn lại đến nay thực là hiếm.Trên đạo sắc phong cho Phụ chính Tham tướng Phạm Như Tăng làm Trung quân Đô thống tạm quyền lãnh ấn tiên phong chỉ huy 10 đạo binh tiến đánh Chiêm Thành có đóng dấu Sắc mệnh chi bảo trên dòng niên hiệu Hồng Đức 2 (1471) .(Nguyễn Công Việt,2005, tr. 111) .

Dưới thời Mạc (1527-1592), theo Nguyễn Công Việt, những vấn đề đại sự quốc gia đựơc ban bố ra quốc dân thiên hạ như chiếu, chỉ, cáo, sắc vv…nhà Mạc vẫn dùng theo cách của nhà Lê Sơ, các văn bản này đều được đóng dấu Kim bảo Sắc mệnh chi bảo của nhà Lê.  Sắc phong thần ở thời Mạc còn lại đến nay cũng rất ít. Tại đền Quang Lãng, xã Thụy Hải, huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình còn 3 đạo sắc phong thần vào ngày 5 tháng 12, năm đầu niên hiệu Minh Đức (1527); ngày 10 tháng 6, năm đầu niên hiệu Quảng Hòa (1540); ngày 28 tháng 4, năm đầu niên hiệu Cảnh Lịch (1548). Cũng như đạo sắc phong thần ở đình Tử Dương , huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 6 tháng 11, năm Sùng Khang 9 (1576). Các đạo sắc này đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.
Dưới thời Lê Trung hưng (1533-1788), trên các đạo sắc phong thần chỉ duy nhất dùng dấu Sắc mệnh chi bảo , là Kim bảo đúc từ thời Lê Sơ. Các bản sắc phong từ niên hiệu Vĩnh Tộ 8 (1626) cho đến niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) in trong sách của Nguyễn Công Việt đều thấy dấu triện này. (Nguyễn Công Việt, 2005,tr.203-206).

Chúng tôi thấy 3  đạo sắc phong thần tại Miếu Cầu Vương,  ngày 8 tháng 8, năm Cảnh Hưng 28 (1767); ngày16 tháng 5 và ngày 26 tháng 7, năm Cảnh Hưng 44 (1783)  đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo. Dấu son trên các đạo sắc thời Lê Trung hưng đều giống nhau về kiểu chữ và kích thước chứng tỏ được đóng từ một Kim bảo. Cũng thật tiếc là dấu Kim bảo ấy nay không còn.
Cho đến nay chỉ may mắn còn lại Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc Mệnh Chi Bảo của triều Nguyễn ,hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, LSb.34447 (Ảnh 2)


nh 2: Kim bảo Sắc mệnh chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
                                                                                      (BẢO VẬT QUỐC GIA)
Kim Bảo: Sắc mệnh chi bảo, cao 11,0cm; cạnh 14,0cm x 14,0cm, dầy 2,5cm. Kim bảo có 2 cấp hình vuông, quai rồng cuộn ngồi xổm, đầu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xoè 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:
– Bên trái: 十 歲 皇 金 重 二 百 二 十 三 両 六 錢 Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền, [khoảng 8,3kg]) .
– Bên phải: 明 命 八 年 十 月 吉 日 造 Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827).
Mặt Kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện trong khung diềm: 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo. (Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, tr.23,126-127). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, có đoạn chép lời Dụ của vua Minh Mệnh năm 1828: “Từ trước đến nay phong tặng cho các thần kỳ cùng văn võ quan phẩm, thì đều dùng ấn 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo. Nay mới đúc ấn 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo, từ nay phàm có ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân đều cho dùng.” ( Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993,tr. 34).

3. Dấu Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong Tặng Chi Bảo
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, LSb.35184, được đúc bằng bạc , cao 7,0cm; cạnh vuông 10,88cm x 10,88cm,  dầy 2,42cm (Ảnh 3) .Quai hình tượng rồng tư thế đang chạy, đầu ngẩng, lưng uốn, 4 chân chùng, đuôi hình dải mây. Mặt trên Kim bảo  hình vuông, 4 mặt bên vát hình thang, phía dưới hình chữ nhật. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:

Ảnh 3: Kim bảo Phong tặng chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
– Bên trái: 封 贈 之 寶 重 八 笏 四 両 Phong tặng chi bảo, trọng bát hốt tứ lạng. (Ấn phong tặng chi bảo, nặng 8 thoi 4 lạng).
– Bên phải: 壬 戌 春 正月吉日監 造 Nhâm Tuất xuân , chính nguyệt cát nhật, Giám tạo. (Giám tạo vào ngày lành tháng Giêng mùa xuân năm Nhâm Tuất, 1802).
Mặt kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, kiểu chữ cùng đặc điểm 3 chiếc Kim bảo khác như Chế cáo chi bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo.( Nguyễn Đình Chiến, 2015,tr. 35-36).
Ấn này dùng đóng trên các đạo sắc, cáo, phong tặng cho các quan văn võ, công thần hay nhân thần . Như vậy, với thông tin này cho biết, các đạo sắc phong thần của triều Nguyễn, kể từ năm 1802 đến 1827, khoảng 25 năm, đều dùng dấu triện Phong tặng chi bảo.
Theo Nguyễn Công Việt, trên đạo sắc phong thần ở đình thôn Đoài, xã Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh có đóng dấu Phong tặng chi bảo ở dòng cuối Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật. Nghĩa là vào ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh,1821.(Nguyễn Công Việt, 2005,tr.309).
Cùng với đạo sắc phong thần ở Miếu Cầu Vương, ngày 20 tháng 7, (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh, 1821, có đóng dấu Kim bảo Phong tặng chi bảo là các minh chứng trùng khớp giữa thư tịch và thực tế (Ảnh 4).
Ảnh 4: Dấu Phong tặng chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 21 tháng 7(Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821).
 
Tóm lại, qua các triều vua , từ  thời Lê Sơ đến thời Nguyễn , chúng ta thấy trên các đạo sắc phong thần đã sử dụng những loại dấu triện Kim bảo như sau:
– Thời Lê Sơ (1428-1527) , năm 1435, đúc kim bảo Sắc mệnh chi bảo,cạnh mặt ấn 11,5cm x 11,5cm.
-Thời Mạc (1527-1592), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Lê Trung hưng (1533-1788), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Tây Sơn (1788-1802), đúc mới và sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo khác cùng dấu Tiên nhu chi bảo.
– Thời Nguyễn (1802-1945), từ năm 1802-1827 sử dụng dấu Phong tặng chi bảo còn từ 1828-1945, sử dụng dấu Sắc Mệnh chi bảo.
    Việc nghiên cứu các dấu triện Kim bảo này, không chỉ làm rõ về những loại dấu triện đóng trên các đạo sắc phong thần từ 1428 đến 1945 mà còn có ý nghĩa với công tác giám định sắc phong thật và giả trong tình hình hiện

TS. Nguyễn Đình Chiến 
Nguyên PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đình Chiến,2015,  Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
2.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam.BTLSVN xb.
3.Nguyễn Công Việt, 2005, Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. NXB KHXH Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư,1972, t. 3 ,Nxb KHXH Hà Nội.
4.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993, Nxb .Thuận Hóa, Huế.
5.Hoàng Xuân Hãn ,1952, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris.
6. Nguồn: luutruquocgia1.org.vn


spacer

Về sắc phong đền thờ vị thần trống đồng ở nước ta

Đền Đồng Cổ là đền thờ vị thần Trống Đồng có công lao với nước. Đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái (nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), đến nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy nga. Trải qua nhiều thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn sùng. Đền mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu nước của người Việt Nam.

Sân trước đền Đồng Cổ, nguồn sưu tầm: vanhien.vn

Đền thờ thần Trống Đồng, đền gắn với một truyền thuyết lịch sử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi rằng vào năm 1028 thời vua Lý Thái Tông: “Phong tước cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung mong thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4”[1]. Hiện nay đền còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong cổ: 4 đạo thời Lê, 6 đạo thời Tây Sơn, 4 đạo thời Nguyễn. Số sắc phong này hiện được lưu trữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhận thấy đây là số sắc phong quý nên chúng tôi xin giới thiệu một số đạo sắc tiêu biểu.

Sắc phong 1:



 Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Đại Vương, sơn xuyên chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ phúc dĩ tích dân xích tử đồng đăng xuân thọ, hiệp bách linh nhi hộ quốc, hồng cơ vĩnh điện Thái Bàn, kí chiêu đốc bật chi công, hạp cử bao phong chi điển vi. Tự vương tiến phong vương vị lâm cư chính phủ, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong mĩ tự nhị tự, khả gia phong: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Đại Vương. Cố sắc!
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên ngũ nguyệt thập lục nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận  Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Đại Vương, núi sông chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn, thu ngũ phúc để ban cho con dân cùng lên vực thọ, hòa hợp với bách linh mà che chở cho đất nước, cơ đồ mãi mãi vững như điện Thái Bàn, đã sáng rõ công lao to lớn lại hợp được bao phong làm (mặc tướng). Trẫm tiến phong vương vị đến ở chính phủ, theo lễ thăng bậc, gia phong mĩ tự hai chữ. Xứng đáng được gia phong là: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783).

 Sắc phong 2:



Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
 Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ  Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, sơn xuyên chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ khánh dĩ tích dân xích tử đồng đăng thọ vực, hiệp bách linh nhi hộ quốc hồng cơ, vĩnh điện Thái Sơn, kí chiêu bảo tá chi công, hạp cử bao phong chi điển vi mặc tướng. Quốc gia phi xiển, hồng đồ quang ứng tuấn mệnh, lễ đương đăng trật, ứng gia phong mĩ tự nhị tự: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ  Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ Liệt Đại Vương. Cố Sắc!
Quang Trung Tam niên thập nguyệt thập nhị nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, núi sông chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn, thu ngũ khánh  để ban cho con dân cùng lên đài xuân vực thọ, hòa hợp với bách linh mà che chở cho đất nước, cơ đồ mãi mãi vững như Thái Sơn, đã sáng rõ công lao che chở lại hợp được bao phong làm mặc tướng. Quốc gia mở mang rộng lớn, cơ đồ rạng ứng mệnh to, theo lễ thăng bậc, được gia phong mĩ tự 2 chữ: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hữu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ Liệt Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 12 tháng 10 năm  Quang Trung 3 (1790).

Sắc phong 3:

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
 Phiên âm:
Sắc Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, nhưng chuẩn Vĩnh Thuận huyện, An Thái phường y cựu phụng sự. Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Tự Đức thập niên thập nguyệt sơ tam nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, giúp nước che chở dân, tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm nối mệnh lớn nghĩ đến những điều tốt đẹp của thần, xứng đáng được gia tặng là Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, chuẩn cho phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ và che chở cho dân của ta. Kính thay!
Ngày 3 tháng 10 năm Tự Đức 10 (1857).
Thay lời kết:
Đền Đồng Cổ là đền thiêng liêng, thờ vị thần Trống Đồng có công lao với nước. Đền được xây dựng vào thời Lý, đến nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy nga. Trải qua nhiều thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn sùng. Đền mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu nước của người Việt Nam. Đến nay hàng năm vẫn có rất nhiều nhân dân thập phương đến chiêm bái, hương khói không dứt, thể hiện lòng tri ân và tôn kính đối với vị thần có công với đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1.Đại Việt sử kí Toàn thư; Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Văn Học, tái bản năm 2017.
2.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, 14 đạo sắc phong đền Đồng Cổ.

LÊ THÔNG
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I                                                                                           
[1] Đại Việt sử kí Toàn thư. Nxb Văn Học. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, trang 154.
spacer

"Đại Cồ Việt" hay "Cồ Việt"?

Lưu truyền năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế, đặt quốc hiệu là “Đại Cồ Việt” và hai năm sau (970) lấy niên hiệu Thái Bình, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.

 Năm chữ “Quốc hiệu Đại Cù Việt” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư bằng chữ Hán

Xem lại Đại Việt Sử Ký toàn thư nguyên bản bằng chữ Hán thì quả thật quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng gồm ba chữ viết từ trên xuống là “ (Đại cù/ cồ (?) Việt)”. Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) giải thích: “Đại” theo nghĩa chữ Hán là lớn, “Cồ ()” trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép hai chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào.
Tra hầu hết các loại Hán - Việt từ điển hiện có đều không thấy chữ “cồ” mà chỉ có chữ “cù ()” với 3 nghĩa là “nhìn lấm lét”, “một loại binh khí cổ” và “họ Cù”. Riêng Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh (cũng như của Nguyễn Văn Khôn), không rõ căn cứ vào đâu(?), lại cho chữ Hán này đọc là “cồ”, không có âm “cù”. Để chắc chắn, tôi tra Từ nguyên, chữ này có hai âm phiên thiết: “kỳ cụ thiết, bình (thanh)” như vậy âm một phải đọc là âm “cù”, hoặc “cửu ngộ thiết, khứ (thanh)” tức âm hai phải đọc là “cố” (như họ Cố), không hề có âm “cồ”!

Thật ra sử sách cũ ngày nay chỉ còn Đại Việt Sử Ký toàn thư gọi là văn bản gốc, nhưng đây cũng không phải là chữ viết gốc thời Đinh Tiên Hoàng mà đã “tam sao thất bản” nhiều lần qua các bản chép tay của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, sử thần triều Lê... Nhưng lần “thất bản” lớn nhất, theo tôi, là chuyển từ bản chép tay sang khắc mộc bản để in sách từ thời Lê Chính Hòa năm 1697. 

Chúng ta đều biết rằng “cồ” là tiếng Việt cổ, như ta nói “con gà cồ” có nghĩa là con gà to lớn và là một ngôn ngữ thuộc hệ Nam Á, khác với tiếng Trung Quốc thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Còn chữ Việt cổ có thể là “chữ khoa đẩu” hình nòng nọc hoặc “hỏa tự” hình đốm lửa, khác hẳn với chữ Nôm thuộc hệ chữ Hán mới hình thành khi độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc. Cho nên khi ký âm chữ “cồ” bằng chữ Nôm cũng không nằm ngoài “lục thư” tức sáu cách hình thành chữ Hán...
Tôi cho rằng hai chữ “đại cù” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư chính là một chữ Nôm “cồ ”, có cấu tạo hài thanh, gồm chữ “đại ()” nằm trên để mang ý nghĩa “to lớn”, ghép với chữ “cù ()” nằm dưới để láy âm, biến thành âm “cồ”.

 Một trang gia phả của tộc Đinh viết thời Khải Định (1916-1925) bằng chữ Hán có phụ chú quốc ngữ, trong đó phiên âm quốc hiệu là “Đại Cù Việt”

Người xưa khi viết sử bằng chữ Hán, tất nhiên viết dọc từ trên xuống từ phải sang trái và chép bằng tay thì chữ to nhỏ không đều, riêng vẫn có thể thêm những danh từ riêng bằng chữ Nôm vào. Do vậy chữ Nôm “cồ” rất dễ đọc nhầm thành “đại cù”. Khi người thợ đem bản chép tay Đại Việt Sử Ký toàn thư đi khắc trên gỗ để in hàng loạt sách, thấy chữ Nôm “cồ” quá lạ (còn chữ “Việt” thì chữ Nôm viết cũng như chữ Hán), lại có thói quen đọc sử bằng chữ Hán nên cho rằng chắc là hai chữ Hán “đại cù” mà viết quá gần nhau, rồi khắc tách ra thành hai chữ riêng biệt như ngày nay ta thấy, nhưng thật ra chỉ là một chữ Nôm và đọc là “cồ” mà thôi.
Rồi đến các nhà nghiên cứu sau này, khi đọc và dịch Đại Việt Sử Ký toàn thư tất nhiên phải đọc là “Đại Cù Việt ()”, nhưng xét chữ “cù” ở đây rất vô nghĩa(!), nên giải thích rất khiên cưỡng là đọc “cồ” vì là chữ Nôm, “tiếng Việt cổ”.
Nước ta từng có quốc hiệu Vạn Xuân năm 544 nhưng Đinh Tiên Hoàng dùng lại chữ “Việt” là tìm về cội nguồn Lạc Việt (tổ tiên của dân tộc Việt chúng ta), lại thêm chữ “cồ” (tiếng Việt) để muốn giương cao nước Cồ Việt là một nước rộng và có nền văn hóa “lớn” thuần Việt (phi Hoa phi Ấn), thuộc một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại là văn hóa Đông Sơn (năm 700 TCN - 100) mà đỉnh cao là trống đồng Đông Sơn - trống đồng Ngọc Lũ lan tỏa cả vùng Hoa Nam (Trung Quốc ngày nay); vì theo Hán thư và Cựu Đường thư thì người Lạc Việt từng sinh sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam và cả vùng sông Hán...
Những nguyên nhân trên làm tôi cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử VN dựng nước, Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu dùng luôn chữ Nôm để đặt quốc hiệu gồm hai tiếng thuần Việt/chữ Nôm là “CỒ VIÊT ”, chứ không phải ba chữ Hán “Đại Cù/Cồ Việt ”! và chữ “cồ” ở đây là một chữ hài thanh (đủ cả âm lẫn nghĩa), vì chọn quốc hiệu hay tên riêng thì không thể dùng một chữ giả tá mượn âm nhưng vô nghĩa (đối với danh từ riêng đó), như chữ “cù/cồ” được!
Chứng cứ rõ nhất là trong đền vua Đinh Tiên Hoàng lại Hoa Lư, ở Bái đường có bức hoành Chính thống thủy (mở nền chính thống của nước Cồ Việt) và hai câu đối:
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An
Tạm hiểu là:
Nước Cồ Việt cùng thời Khai Bảo (968-976) nước Tống,
Kinh đô Hoa Lư (của Cồ Việt) cũng tựa như Tràng An thời Hán vậy.
Cho thấy rõ ràng quốc hiệu cũng chỉ có hai chữ “Cồ Việt”. Nếu là ba chữ “Đại Cồ Việt” thì tất nhiên câu đối dưới cũng phải có tám chữ. Quốc hiệu là danh từ riêng, lẽ nào không thể viết đầy đủ ba chữ mà phải viết hai chữ, và câu đối đâu bắt buộc phải chỉ viết bảy chữ!
Do giới hạn của trang báo, tôi chỉ nêu vấn đề chứ chưa thể trình bày đầy đủ các vấn đề liên quan, rất mong được nghe thêm ý kiến của các nhà sử học, ngôn ngữ học... 

BS NGUYỄN ANH HUY

spacer
do