Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn văn hóa dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng

Cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được người Việt này

Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm – Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm.
Đó là câu đối chưa biết tên tác giả mà cố giáo sư Lưu Trung Khảo đọc trong một buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ.
Nguyên văn tiếng Trung của câu đối là:
地 轉 我 種 越 居 北 方, 歐 洲 境 內 無 蒙 騎 樅 橫 千 萬 里
天 生 此 良 材 於 宋 室, 中 國 史 前 免 元 朝 都 護 一 百 年
Dịch Hán Việt là:
Địa chuyển ngã chủng Việt cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý.
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên Triều đô hộ nhất bách niên.
Diễn nghĩa là:
Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm
Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm
Câu đối này ý chỉ một vị tướng tài đã lãnh đạo người Việt đánh bại quân Nguyên, đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông đã làm được điều mà cả châu Âu và Trung Quốc không ai làm được.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa)

Vậy vì sao mà cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được Trần Hưng Đạo? Chúng ta hãy cùng quay về lịch sử, thời điểm vó ngựa quân Mông Thát tung hoàng khắp nơi để tìm câu trả lời.

“Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”

Tại châu Âu, sau một thời gian tung hoành chiếm hết trung Á, vó ngựa Mông Cổ dồn dập tiến vào châu lục này, các thành phố lớn như Moscow đều bị đốt cháy.
Liên quân châu Âu được thành lập nhắm chống lại quân Mông Cổ cũng bị đập tan. Nhiều nước mong muốn cầu hòa và cống nạp cho quân Mông Cổ.
Tranh mô tả Trận Legnica năm 1241, diễn ra ở khu vực nay thuộc Ba Lan, giữa quân Mông Cổ và liên quân châu Âu: Quân Mông Cổ được ví như cưỡi trên những con ngựa có cánh. Họ còn nổi tiếng với việc cắt tai người làm chiến lợi phẩm (Ảnh minh họa)
Khi các Vương công nước Nga chịu thần phục, quân Mông Cổ cho ván để lên đầu các vương công Nga để đặt bàn tiệc ăn mừng. Sáu Vương công bị đè đến chết.
Vó ngựa quân Mông Cổ gây kinh hoàng khắp châu Âu, biên niên sử còn ghi lại rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”.

Quân Mông Cổ tại châu Âu (Ảnh minh họa)
Tại châu Á, khi quân Mông Cổ đánh Trung Quốc là vào thời kỳ nhà Tống, quân Tống bị đại bại, phải bỏ kinh thành rồi tháo chạy hết lần này tới lần khác, quân Mông Cổ truy đuổi theo.
Năm 1258, quân Mông Cổ lần thứ nhất thất bại ở Đại Việt trong việc tìm cách mở một hướng từ phía Nam để đánh vào lãnh thổ Nam Tống. Trận đánh lần thứ nhất này quân Mông Cổ chưa thật sự dành nhiều tinh lực vào Đại Việt, mà chỉ muốn thôn tính nốt nhà Nam Tống. Cuối cùng, vào năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.
Trận đánh cuối cùng giữa quân Mông Cổ và quân Tống là trận Nhai Môn trên biển. Quân Tống có 20 vạn người, nhưng phần lớn trong đó là hoàng thân quốc thích, và quân phục dịch chạy trốn giặc Mông Cổ. Quân Mông Cổ ít hơn rất nhiều những vẫn bao vây tấn công quân Tống.
Thần phụ chính Lục Tú Phu thấy tình thế tuyệt vọng ôm Vua Tống còn nhỏ nhảy xuống biển tự vẫn, người Tống nhìn thấy cảnh này đều khóc than rồi lần lượt nhảy xuống biển chết theo vua, khung cảnh thật bi thương. 7 ngày sau, hàng trăm ngàn xác người nổi đầy khắp mặt biển, đây được xem là một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử Trung Quốc.


Thần phụ chính và vua Tống nhảy xuống biển (Ảnh minh họa)

Nhà Tống bị diệt vong, Đại Hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên trở thành Hoàng đế Trung Hoa, Trung Quốc bị đô hộ suốt 100 năm. Đó quả là thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi đánh tan nhà Tống, quân Nguyên tiếp tục mưu đồ tràn xuống phía Nam. Ngay từ tháng 8 năm 1279, sau khi diệt nhà Tống, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh đóng thuyền chiến chuẩn bị đánh Đại Việt và Nhật Bản.
Năm 1285, Hốt Tất Liệt phong cho con trai Thoát Hoan là Trấn Nam Vương dẫn hàng chục vạn quân tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Thế nhưng đến đây, vó ngựa đại quân Nguyên Mông vốn đã giày xéo khắp nơi từ Á sang u đã bị chặn lại bởi Trần Quốc Tuấn, vị Quốc Công Tiết Chế lừng danh sử Việt và thế giới.
Lúc xuất quân Thoát Hoan hùng hổ bao nhiêu thì lúc chạy thục mạng về nước nhục nhã bấy nhiêu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh tên của quân dân Đại Việt rồi bắt lính khiêng chạy trối chết về nước.
Quân Mông Cổ chạy về đến đất Nguyên ở Trung Quốc rồi, quân Đại Việt vượt qua cả biên giới tiến sâu vào châu Tư Minh của Trung Quốc để tiêu diệt giặc, khiến quân Nguyên hoảng sợ, chạy thoát rồi vẫn chưa hết run, tối ngủ không được vì ác mộng.

Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. (Ảnh minh họa)

Ngày 25/12/1287, lần thứ ba quân Nguyên sang đánh Đại Việt, vẫn là Trấn Nam Vương Thoát Hoan cùng hàng chục vạn hùng binh, thế nhưng Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn rất điềm nhiên “năm nay đánh giặc nhàn”. Quả nhiên lần này hùng binh của quân Nguyên bị đánh cho đại bại, thêm một lần nữa nhục nhã rút về nước.
Có thể có người cho rằng đâu chỉ có Đại Việt đánh thắng quân Nguyên, vì Nhật Bản, Chiêm Thành và Miến Điện cũng đánh thắng quân Nguyên. Nhưng chiến thắng của Nhật Bản có được còn nhờ sự đóng góp quan trọng của “Thiên thời”. Ngoài tinh thần cảm tử của quân Nhật ra, hai lần bão tố và thiên tai đã giúp người Nhật đánh chìm nhiều chiến thuyền Nguyên Mông. Trong cuộc chiến với quân Nguyên tại Chiêm Thành và Miến Điện, về mặt quy mô và tinh lực của quân Nguyên, thì không có lần nào có thể so với lần xâm lược thứ hai và thứ ba trên đất Việt cả. Cuộc chiến với quân Nguyên tại Chiêm Thành cũng nhờ có Đại Việt cử viện binh tiếp ứng.

Quân Mông Cổ tràn vào Nhật Bản (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chiến thắng của Đại Việt là nhờ sự đồng lòng của người dân và vua quan nhà Trần, cùng tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Vây làm thế nào mà Trần Quốc Tuấn có thể đánh bại quân Nguyên hùng mạnh khiến cả châu Á và châu Âu đều run sợ?

Kế sách của Trần Quốc Tuấn

Quân Nguyên đánh thắng khắp nơi từ Á sang Âu, nhưng chưa ở đâu gặp phải kế sách từ ngoại giao cho đến đánh trận như ở Đại Việt.
Đầu tiên, trước khi tiến binh, quân Nguyên đã quen với việc uy hiếp nước khác bằng cách dùng sứ giả khuyên hàng. Thế nhưng khi sứ giả quân Nguyên đến thì nhà Trần bắt phải quỳ trước mặt Vua theo đúng phép tắc.
Kế sách của Trần Quốc Tuấn khi đánh quân Nguyên có thể gói gọn trong mấy chữ: vườn không nhà trống, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, dùng đoản binh phá trường trận.
Khi đánh nước khác, quân Nguyên thích đánh vào kinh thành, vì nơi đây tập trung đa phần quân chủ lực. Đánh kinh thành thì cũng tiêu diệt được quân chủ lực đối phương, lại có thể cướp bóc lương thực và nhu yếu phẩm.
Thế nhưng khi đánh Đại Việt thì quân Đại Việt lại chủ động rút khỏi kinh thành, thực hiện “vườn không nhà trống”. Điều này khiến cho quân Nguyên dù chiếm kinh thành vẫn không gặp được quân chủ lực của Đại Việt, kinh thành lại trống không nên không thể cướp bóc được gì.

Ngoài kế sách trên bộ, kế sách tuyệt diệu khác của Hưng Đạo Vương là trận địa cọc trên sông Bạch Đằng (Ảnh minh họa)

Quân Nguyên tiến đánh với sách lược đánh nhanh thắng nhanh, nhưng quân chủ lực của ta lại rút đi nhằm bảo toàn lực lượng, khiến quân Nguyên không thể đánh nhanh thắng nhanh được. Trần Quốc Tuấn lại cho các toán quân nhỏ liên tục chặn bước tiến của địch, đánh để tiêu hao sinh lực và phá hủy lương thực rồi rút ngay. Quân Nguyên truy kích không tìm thấy các toán quân này vì không thông thạo địa thế.
Quân Nguyên không gặp được quân chủ lực Đại Việt để đánh, cũng không biết quân chủ lực rút về đâu mà đuổi theo. Lâu ngày quân sĩ lại mệt mỏi vì phải liên tục chống đỡ các cuộc tập kích của các cánh quân nhỏ vẫn diễn ra hàng ngày.
Dần dần tình hình quân Nguyên lương thực đã cạn, quân sĩ mệt mỏi không muốn tiếp tục cuộc chiến nữa, sĩ khí không còn. Lúc này Trần Quốc Tuấn mới điều động đội quân chủ lực phản công đánh thẳng vào quân Nguyên.
Trước sức mạnh tấn công của Đại Việt, quân Nguyên hoảng sợ, không hiểu các cánh quân ở đâu hiện ra nhiều không kể xiết. Do tâm lý mệt mỏi, quân Nguyên không thể thắng được sĩ khí của Đại Việt nên đại bại, rút chạy về nước.

Trần Quốc Tuấn vực dậy tinh thần cho quân dân Đại Việt

Trước sức mạnh của đội quân làm run sợ khắp nơi trên thế giới, Đại Việt cũng không ít người xuống tinh thần. Lúc đó, Trần Quốc Tuấn đã làm “hịch tướng sĩ” để vực dậy tinh thần kháng Nguyên của quân sĩ.
Khi các tướng sĩ lo lắng Trần Quốc Tuấn có hiềm khích với nhà Trần, anh em không thể hòa thuận, ông đã tắm cho em họ của mình là Trần Quang Khải trên chiến thuyền trước sự hò reo của ba quân.

Trần Quang Khải (Ảnh minh họa)

Khi quân ta rút khỏi Thăng Long, người rời đi sau cùng là Trần Quốc Tuấn.
Khi quân ta phải rút lui trước sức mạnh của giặc, nhà Vua hội họp các tướng rồi dò hỏi: “Hay là nên hàng”, Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái nói ngay: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã rồi hẵng hàng”.
Từ đó mọi niềm tin và ánh mắt của triều đình đều dồn cả vào Trần Quốc Tuấn, ông trở thành trụ cột của Nhà Trần trong 2 lần đánh quân Nguyên Mông (lần thứ 2 và thứ 3).

Tấm lòng trung sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt

Cũng giống như ông, dưới trướng của Trần Quốc Tuấn đều là những người tài giỏi như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu.
Khi nhiều người nhắc lại mối thù nhà, ông hỏi hai gia nô cũng là tướng giỏi lúc đó là Yết Kiêu và Dã Tượng về chuyện này, hai vị tướng này đáp rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”. Nghe xong Quốc Tuấn rất cảm động.

Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa)

Sau đó con ông là Trần Quốc Tảng có nhắc lại lời trăn trối của An Sinh Vương Trần Liễu, muốn cùng ông cướp ngôi vua, ông nổi giận rút gươm toan chém đứa con này. Dưới sự can ngăn của mọi người, ông thay đổi ý định nhưng từ đó kiên quyết không gặp Quốc Tảng, thậm chí dặn dò sau này ông chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Tảng vào viếng.
Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm
Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên đô hộ một trăm năm.
Câu đối trên cho thấy châu Âu và Trung Quốc đều muốn có con người này đến thế nào. Thế nhưng Trời xanh đã đặt định cho Trần Quốc Tuấn trở thành con dân của Đại Việt.
Trong dân gian có truyền thuyết rằng mẹ của Trần Quốc Tuấn nằm mơ thấy có một vị thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử sẽ xuống đầu thai. Lúc Trần Quốc Tuấn vừa được sinh ra đã có hào quang toả sáng rực cả nhà.
Dù truyền thuyết đẹp đó có thật hay chỉ xuất phát từ sự kính ngưỡng Hưng Đạo Đại Vương mà thành, thì người ta vẫn không khỏi suy ngẫm rằng: Phải chăng Thiên Thượng đã phái Trần Quốc Tuấn xuống giúp nước Nam đánh bại quân Nguyên Mông, lưu lại giai đoạn lịch sử xán lạn cho con dân Đại Việt?
Trần Hưng
spacer

Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông

Theo lịch sử ghi lại thì cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu mang theo mối hận với vua, trước khi chết đã trăn trối với con rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”
Điều này Vua và Hoàng thân quốc thích nhà Trần đều biết rõ, nhưng vì sao nhà Vua vẫn quyết định phong cho Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế – Tổng chỉ huy quân đội đánh quân Nguyên Mông? Điều này không thấy trả lời rõ trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng được nói rõ trong cuốn “Đông A di sự” của Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán. “Đông A di sự” là một bộ sử được coi là đúng nhất nói về các chuyện trong hoàng cung nhà Trần, vì nó do những người trong hoàng cung ghi chép lại.

Câu chuyện mối hiềm khích trong nhà Trần

Trong lịch sử triều đại nhà Trần vào giai đoạn đầu, người nắm thực quyền không phải là Vua, mà là Thái Sư Trần Thủ Độ, người có công lớn nhất đối với nhà Trần khi ép nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh mới 8 tuổi, từ đó lập ra nhà Trần. Quyền lực thực chất nằm trong tay Trần Thủ Độ cho đến khi ông mất vào năm 1264.
Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, phong hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng là Chiêu Thánh hoàng hậu, năm 15 tuổi sinh hoàng tử Trần Trịnh nhưng không may chết yểu, sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh không thể mang thai lại được nữa.
Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”
Năm 1237 vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất nhà Trần lo lắng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của Vua Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang có thai 3 tháng.
Trần Thủ Độ liền ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép Vua phải lấy chị dâu đang mang thai. Sự việc này khiến nhà Vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt không tuân thủ theo.
Nửa đêm nhà Vua cùng hai cận thần trốn nên núi Yên Tử, gặp Quốc Sư Phù Vân là bạn của mình ngỏ ý muốn nương nhờ cửa Phật, Quốc Sư trả lời rằng: “Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta”.
Lúc này Trần Thủ Độ dẫn quân tìm Vua và cuối cùng gặp được nhà Vua trên núi Yên Tử, nhà Vua nhất quyết không chịu trở về cung. Trần Thủ Đội nói rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi ra lệnh xây ngay cung điện trên núi nơi Vua ở.
Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy, vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.
Trần Liễu uất ức vì bị mất vợ, nhân lúc Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua liền đem quân của mình đến đánh chiếm kinh thành. Thế nhưng Trần Thủ Độ khi dẫn quân đi tìm Vua đã đề phòng có biến, nên dặn dò sắp đặt trước mọi việc cho các tướng lĩnh giữ thành. Vì thế quân Trần Liễu chưa kịp tới kinh thành thì đã bị bao vây.
Không đủ sức chống lại quân Triều Đình, Trần Liễu bỏ chạy, biết rằng khó thoát tội chết, lại nghĩ rằng bây giờ chỉ có em mình là vua Trần Thái Tông mới cứu được mình, liền hẹn vua ở sông Cái, rồi Trần Liễu đem thân đầu hàng trước Vua. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, nhà Vua đem thân mình che chở bảo vệ cho anh mình khiến cho Trần Thủ Độ không làm gì được.
Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông và nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?”.
Trần Liễu được tha nhưng quân tướng đi theo ông thì bị xử tội chết hết cả. Sau sự việc này anh em Trần Liễu và Trần Cảnh đã xóa hiềm khích. Tuy nhiên Trần Liễu vẫn dấu mối hận trong lòng, nhất là vợ mình là Thuận Thiên khi trở thành vợ vua ngoài sinh được Trần Quốc Khang còn sinh ra Trần Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc.
Trần Liễu có đứa con thứ ba là Trần Quốc Tuấn rất khôi ngô tuấn tú, Trần Liễu hy vọng đứa con này sau này có thể rửa mối hận cho mình, vì thế ông từ sớm đã đưa Quốc Tuấn đến thành Thanh Long ăn học ở nhà em gái mình là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Quốc Tuấn, nhờ đó ngay từ thời trẻ Trần Quốc Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp.
Trước khi qua đời Trần Liễu trăn trối với Trần Quốc Tuấn rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Trước khi 50 vạn đại quân Nguyên Mông sang xâm lược đại Việt lần thứ 2, rất nhiều binh lính và tôn thất nhà Trần dao động, không biết nên đánh hay hòa. Nhưng lúc này vua Trần lại quyết định trao chức vụ quan trọng Quốc Công Tiết chết (tức tổng chỉ huy quân đội) cho Trần Quốc Tuấn. Vì đâu vua Trần có được niềm tin này?
Trần Quốc Tuấn (Tranh minh họa)
Việc trao binh quyền cho Trần Quốc Tuấn bắt đầu từ câu chuyện dưới đây:

Câu chuyện đánh cuộc tử vi nổi tiếng nhà Trần

Nước Tống có một vị quan đậu đến tiến sĩ, rất thông tỏ thiên văn, tử vi là Hoàng Bính, khi quân Nguyên Mông sang đánh Tống, ông hiểu rằng nhà Tống đã hết thời, tử vi nhiều quốc thích dòng tộc nhà Tống rất xấu, lại chết cùng năm. Nhìn về phương nam thấy nơi ấy sáng tỏ tất có thể cư ngụ.
Tháng giêng năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 2.000 người đến Đại Việt xin được lập nghiệp. Vua Thái Tông được tin liền cho đưa về kinh. Cảm nhận thấy vua cùng các đại thần vẫn còn nghi ngại về mình. Hoàng Bính lấy tay chỉ lên trời mà rằng: “Trời Nam… linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”.
Lại nói Hoàng Bính có cô con gái út mới 16 tuổi tên là Hoàng Chu Linh hết sức tài giỏi, thông hiểu tử vi, học một hiểu mười. Trở về kinh thành, được biết Hoàng Bính rất giỏi tử vi, nhiều người muốn ông xem, nhưng Hoàng Bính lại để con gái của mình là Chu Linh xem cho mọi người.
Chu Linh xem cho mọi người đều vô cùng chuẩn xác, khiến ai cũng khâm phục. Lúc này Thái Sư Trần Thủ Độ mới tìm cách thử tài Chu Linh, câu chuyện này được ghi chép trong Đông A Di Sự.
Chu Linh (Ảnh minh họa)
Nhà Vua chỉ vào Trần Thủ Độ nói: “Hoàng cô nương! Đây là lão Vũ Thủy. Lão vốn cùng quê với quả nhân. Vì lão có tài trồng hoa, nên quả nhân trao cho lão coi vườn Thượng uyển. Xin cô nương coi dùm xem lão còn sống được mấy năm nữa!”
Sau khi hỏi ngày giờ sinh rồi bấm tay, Chu Linh nói: “À! Lão tiên sinh đùa tiểu nữ đây! Đến đấng chí tôn cũng thử tiểu nữ nữa”. Nàng nói bằng giọng nũng nịu, khiến cử tọa đều rung động.
Chu Linh đoán: “Cứ như tướng tiên sinh: Dáng đi như con diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn… Thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người, mà trên vạn vạn người. Còn số Tử vi, để tiểu nữ tính xem.”
Lúc này Hoàng Bính mới xen vào câu chuyện cùng Trần Thủ Độ đánh cuộc, nếu Chu Linh đoán đúng hết thân thế sự nghiệp thì Trần Thủ Độ phải thực hiện 3 yêu cầu của Chu Linh; còn ngược lại đoán không đúng thì Hoàng Bính cùng toàn bộ gia tộc trở về tộc.
Triều đình giật mình, vì không ngờ Hoàng Bính dám đánh cuộc lớn quá như vậy. Nhà Vua định bảo Thủ Độ bỏ cuộc, nhưng Trần Thủ Độ đồng ý đánh cuộc.
Sau một lúc bấm ngón tay, Chu Linh nói:
“Mệnh của tiên sinh lập tại Dần, Tử, Phủ thủ mệnh. Tử vi, Thiên phủ đều là đế tinh. Vì vậy tiên sinh thuộc loại mệnh cực lớn. Tiên sinh sinh ra đúng thời, là người tạo ra thời thế. Tất cả thăng trầm của Đại Việt trong vòng 50 năm qua, đều do một tay tiên sinh nắn bóp thành voi, thành hổ, tùy ý.
Tiên sinh tuổi Dần, mệnh lập tại Dần, thì trong người có đến hai ông kễnh thủ mệnh, lại thêm sao Thiên hình phù trì. Tử vi kinh nói: Hình hổ cư Dần, hổ đới kiếm hùng, tương phùng đế cách, ư Giáp Kỷ nhân, uy vũ trấn động. Nghĩa là: Người có Thiên hình, với Bạch hổ, hay tuổi Dần, là cách hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi Giáp, tuổi Kỷ, uy vũ trấn động. Có điều tiên sinh được Lộc tồn thủ mệnh, Hóa lộc cư quan, là cách song lộc, thì là người chuyên quyền.
Cung thê của tiên sinh có Phá quân, ngộ Hóa quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.
Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!
Hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ.Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bẩy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!
Cung quan của tiên sinh có Liêm trinh, Thiên tướng, thì tiên sinh là người võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên không, nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng… dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.”
Lúc này Hoàng Bính hỏi Thủ Độ: “Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ”.
Nhà vua tuyên chỉ: “Thái sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy Thái sư phải làm cho cô nương ba điều đi thôi.”
Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là mong toàn thể gia đình được ở Đại Việt, 2 điều ước còn lại sẽ nói sau.
Lúc này Hoàng Bính mới quỳ trước Vua và nói rằng: Chuyến về Thăng long này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu Linh là Huệ Túc phu nhân.

Người phụ nữ củng cố tinh thần kháng Nguyên và giúp Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm Quốc Công Tiết Chế

Năm 1285 khi 50 vạn quân Nguyên Mông chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, nhiều người lo lắng, một số tôn thất bàn nên hàng giặc như Trần Nhật Hạo, Trần Di Ái.
Huệ Túc Phu Nhân lúc này thấy lá số của nhiều tôn thất trong Hoàng tộc đều rất vẻ vang, nhiều người là anh hùng, bèn khuyên nhà Vua nên quyết tâm chống giặc.
Bà cũng thấy rõ Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ lưu lại thiên thu, nên dù cho mâu thuẫn gia tộc bà cũng khuyên nhà vua nên giao chức Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn.
Huệ Túc Phu Nhân tâu với Vua rằng: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của Trần Ích Tắc, tuy thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi…”
Trần Ích Tắc (Tranh minh họa)
Huệ Túc Phu Nhân cũng thấy rõ lá số của Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, tấm lòng sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, tuyệt đối không thể làm phản nên hết lòng tiến cử Quốc Tuấn, và nhà Vua đã tin tưởng nghe theo lời bà mặc cho có lời bàn tán.
Nhờ đó, Trần Quốc Tuấn được cất nhắc thành Quốc Công Tiết Chế, tổng chỉ huy quân đội. Khi 50 vạn quân Nguyên tiến sang, phía nam Toa Đô dẫn 20 vạn quân đánh ngược lên, người giữ thành Nghệ An là Trần Kiện cùng toàn bộ gia quyến đã đưa toàn quân đầu hàng giặc. Quân giặc từ hai hướng Bắc Nam như hai gọng kìm siết chặt, Đại Việt rối bời.
Lúc này nhiều người nói với Trần Quốc Tuấn rằng đây là cơ hội tốt nhất để trả thù cho cha. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn bỏ ngoài tai hết, kể cả những lời nhắc nhở của con trai và người thân khác về thù nhà. Ông dốc lòng đem tài thao lược của mình với kế sách “vườn không nhà trống”, “dùng đoản binh phá trường trận”, từng bước lấy lại thế trận đánh bại 50 vạn đại quân Nguyên Mông, giữ vững giang sơn xã tắc nước Đại Việt.
Nếu như không có lời tiến cử của Huệ Túc Phu Nhân, không có lòng trung trinh của Trần Quốc Tuấn, thì có lẽ lịch sử Đại Việt đã thay đổi.
Trần Hưng - Trithucvn
spacer

Viêm phương Trần tộc Lưu phả: Trần Quốc Toản không hề tử trận

Trần Quốc Toản được nhiều người biết đến với câu chuyện bóp nát quả cam khi không được dự hội nghị Bình Than vì còn ít tuổi. Sau này, ông nổi tiếng với đội quân mang lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”. Nhiều sách sử cho rằng Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, nhưng gia phả hậu duệ nhà Trần cùng cuốn “Đông A di sự” lại có những chi tiết cho thấy Trần Quốc Toản sống rất thọ.
Sau khi không được tham dự hội nghị Bình Than, Trần Quốc Toản đã tập hợp gia nô hơn 1.000 người thành một đội quân chống lại quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1288. Đội quân của ông nổi tiếng trong lịch sử với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng)
Cũng theo sử sách thì Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, để lại nhiều tiếc nuối cho Đại Việt. Nhưng chi tiết về cái chết của Trần Quốc Toản thì rất sơ sài, mỗi sách lại ghi chép một khác, thậm chí năm mất cũng không nhất quán. Bên cạnh đó, còn có tư liệu cho thấy Trần Quốc Toản hoàn toàn không bị tử trận mà vẫn sống cho đến tận lúc già.

Thân thế

Theo ghi chép thì Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh. Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
Sau khi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm 1258), vua Trần lo rằng một khi quân Nguyên thắng được Tống thì sẽ rộng đường tiếp tục tiến đánh Đại Việt, nên cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng sang giúp nhà Tống.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. Trong đó trận đánh ở thành Điếu Ngư có xuất hiện trong bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. (Tranh minh họa)

Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất Tống năm 1267, nên có quen biết rất nhiều bạn bè là Hoàng tộc nhà Tống.
Năm 1279, nhà Tống bị quân Nguyên Mông đánh bại hoàn toàn. Trần Quốc Toản trở về nước. Một số quân Tống cũng chạy sang lánh nạn ở Đại Việt, trong đó có hoàng tử Triệu Trung.
Hoàng tử Triệu Trung và em gái là công chúa Triệu Hoa sau khi dẫn tàn quân sang Đại Việt đã nương thân dưới trướng của Trần Nhật Duật. Họ tham gia cùng quân Đại Việt chống lại quân Nguyên Mông. Quân của Trần Quốc Toản sau này cũng đặt dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Duật.
Trần Quốc Toản xung trận (Tranh minh họa)

Trần Quốc Toản thuở nhỏ ở Tống nên cũng quen biết với Triệu Trung, nay lại cùng dưới trướng của Trần Nhật Duật. Bên cạnh đó, Trần Quốc Toản rất thân thiết với công chúa Triệu Hoa, một con người tài hoa và vô cùng xinh đẹp. Hai người cảm mến yêu thương nhau và đã nên nghĩa vợ chồng sau này.


Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản

Một số sách sử có ghi chép về cái chết của Trần Quốc Toản nhưng không chi tiết. Cuốn “Việt sử kỷ yếu” chép rằng: “Khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực, quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống trả kịch liệt. Trần Quốc Toản bị thương trong trận đánh này và qua đời ngày 2/2 âm lịch, khi mới 18 tuổi”.
Cũng có sách lại cho rằng Trần Quốc Toản tử trận trong trận đánh tại sông Như Nguyệt vào tháng 5 năm Ất Dậu (1285). Sách sử của nhà Nguyên là “Kinh thế đại điển tự lục” có ghi chép rằng: “Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đuổi thì bị giết”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng)
Sách Đại việt sử ký toàn thư thì ghi lại rất ngắn gọn: “Đến khi Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”.
Trong khi đó, các sách sử khác của Việt Nam như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án và các quyển sử soạn gần đây như Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đều không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Một số tư liệu lại cho thấy Trần Quốc Toản không tử trận

Theo gia phả hậu duệ nhà Trần thì Trần Quốc Toản không chết trận. Khi nhà Nguyên sa sút, rất nhiều cuộc khởi nghĩa người Hán nổ ra để đánh đuổi nhà Nguyên, vợ chồng Trần Quốc Toản cùng trở về phương Bắc khởi binh khôi phục nhà Tống.
Sau này trong cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống lại nhà Nguyên của Trần Hữu Lượng, có rất nhiều người là con cháu hậu duệ của vợ chồng Trần Quốc Toản tham gia.
Cuốn gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản là “Viêm phương Trần tộc Lưu phả” có ghi lại rằng: Vợ của Trần Quốc Toản là công chúa cuối cùng của triều đại nhà Tống, tức Triệu Ngọc Hoa. Ngoài ra, gia phả cũng nói rõ Trần Quốc Toản sống rất thọ chứ không hề tử trận.
Một cuốn sách khác là “Đông a di sự” có chi tiết về Trần Quốc Toản trong sự kiện của Đoàn Nhữ Hài tóm lược như sau:
Tháng tư niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), nội cung nhà Trần phát hiện ra chuyện tình giữa quan Xử Mật Viện trong cung là Đoàn Nhữ Hài cùng cung nữ Giao Châu. Theo đó cả hai bị khép vào tội chết. Tuy nhiên nhờ có sự có mặt kịp thời của Huệ Túc Phu Nhân mà cung nữ Giao Châu được cứu. Còn Đoàn Nhữ Hài làm Xử Mật Viện là người của họ Đông A nên giao cho Thân Vương xử. Theo lệ nhà Trần thì các Thân Vương đều về ấp ở, mỗi tháng chỉ cần một vị ở triều đại diện cho các Thân Vương. Vị Thân Vương đại diện tháng 4 năm ấy lại chính là Trần Quốc Toản.
Vụ việc của Đoàn Nhữ Hài khiến vua Anh Tông rất khó xử, vì hình pháp đã định, bản thân Vua Anh Tông cũng không có cách nào. (Ảnh minh họa)
“Đông A di sự” chép rằng:
Tháng tư đến lượt Trấn bắc đại tướng quân Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Hầu kính cẩn thưa: “Thánh đức của Thái Tôn nhà ta nên giữ lấy. Thần xin tác hợp cho Đoàn tiên sinh và Giao Châu”.
Như vậy nếu theo “Đông A di sự” thì cho đến năm 1299, cách cuộc chiến chống quân Nguyên Mông cuối cùng (1287-1288) đã rất xa, Trần Quốc Toản vẫn còn sống.
Một số nhà nghiên cứu họ Trần vẫn tin vào cuốn “Đông A di sự” do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư và Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút, bởi đây là cuốn sách do người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại chân thực chi tiết tất cả những sự việc liên quan đến triều đại nhà Trần.
Cũng có giả định suy đoán rằng Trần Quốc Toản bị thương trong chiến trận rồi mất tích chứ không tử trận. Âu giả thiết này có thể giải thích cho những ghi chép không nhất quán trong lịch sử về người anh hùng với lá cờ thêu sáu chữ vàng – Trần Quốc Toản.
Trần Hưng.
spacer

Chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành

Chuyện xẩy ra vào đời vua Lê Đại Hành, cuối thế kỷ thứ 10, lúc nền tự chủ của Đại Cồ Việt còn đang ở giai đoạn củng cố để tự khẳng định, còn Chiêm Thành thì đã là một quốc gia độc lập gần 800 năm nay, và đang ở vào thời kỳ cực thịnh.



Chiêm Thành lập quốc và tranh chấp biên cương với Giao Châu.

Nước Chiêm Thành vốn là đất quận Nhật Nam, thuộc Giao Chỉ Bộ nhà Hán. Năm 192 sau Công Nguyên, niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời Hán Hiến Đế, con trai của viên công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên (trên bia đá tìm được ở Khánh Hòa có khắc tên tiếng Phạn là Xri Mara) nổi lên chiếm cứ huyện thành, dựng cờ độc lập. Quận Nhật Nam lúc bấy giờ có 5 huyện: Lư Dung, Tỵ Cảnh, Tây Quyển, Tượng Lâm, và Châu Ngô. Huyện Tượng Lâm nằm ở phần đất tỉnh Quảng Nam ngày nay. Vì địa thế Tượng Lâm xa xôi hiểm trở, quan binh Lĩnh Nam không có khả năng đánh chiếm lại, mà triều đình lại gặp lúc suy vi không thể điều động quân nơi khác đến tăng viện, nên nhà Đông Hán đành để cho Tượng Lâm tự chủ, và gọi địa phương tân lập này là Lâm Ấp, ý nói là đô ấp của huyện Tượng Lâm. Gặp lúc Trung Hoa loạn lạc, đất nước bị chia ba (Thời Tam quốc), Lâm Ấp kiêm tính luôn huyện Châu Ngô (Bình Định), định quốc đô ở Sinharpura (Trà Kiệu), bành trướng lãnh thổ lên Tây Nguyên và vào phía nam đèo Cả, thế lực mỗi ngày một mạnh. Chỉ nửa thế kỷ sau khi độc lập, Lâm Ấp đã tính đến chuyện tiến ra miền bắc tranh phong với Đế quốc Hán.

Năm 248, niên hiệu Xích Ô thứ 11 nhà Đông Ngô, Lâm Ấp đánh chiếm thành Khu Túc (ở xã Nguyệt Biều trên bờ nam sông Hương) của quận Nhật Nam, rồi kéo quân ra cướp phá hai quận Cửu Chân (Thanh Hóa) và Giao Chỉ (Bắc Bộ), san bằng hai quận thành này. Ngô Chúa Tôn Quyền sai Lục Dận làm Thứ Sử Giao Châu, An Nam Hiệu Úy, đem đại binh từ Kim Lăng sang ứng phó, Lâm Ấp mới lui quân, nhưng vẫn giữ thành Khu Túc. Từ đó, Lâm Ấp sửa sang Khu Túc thành căn cứ quân sự xuất phát các cuộc tiến binh cướp phá Giao Châu khiến nhà Tấn phải lấy phần đất của huyện Tây Quyển tiếp giáp với Lâm Ấp để lập thêm huyện Thọ Lãnh (huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên) nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ cương giới cực nam của Giao Châu.

Năm 347, đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 3, vua Lâm Ấp Phạm Văn cử đại binh đánh chiếm quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Hạ Hầu Lãm, san bằng thành Tây Quyển (phía bắc Huế), xây lũy Bình Chánh (mạn bắc Quảng Bình) để làm đường phân ranh Giao Châu-Lâm Ấp, mưu tính chuyện chiếm đóng lâu dài. Nhưng liền sau đó, nhà Tấn cử Đằng Tuấn làm Chinh Tây Đốc Hộ huy động quân lính hai châu Giao Quảng, năm 349, vào tái chiếm Nhật Nam, nhưng bị Phạm Văn đánh bại, phải lui về Cửu Chân.

Trong trận này, Phạm Văn cũng bị thương và chết ít lâu sau đó, con là Phạm Phật lên thay. Đằng Tuấn thừa cơ hợp binh với Thứ Sử Giao Châu Dương Bình và Thái Thú Cửu Chân Quán Súy, năm 351, tiến vào chiếm lại Tây Quyển, đuổi đánh quân Lâm Ấp qua Thọ Lãnh đến Khu Túc, rồi hai bên giảng hòa.

Nhưng chỉ ít lâu sau khi Đằng Tuấn bãi binh, năm 359, vẫn đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Thăng Bình năm đàu, Phạm Phật lại từ Khu Túc tiến ra xâm lấn Nhật Nam, khiến Thứ Sử Giao Châu là Ôn Phóng Chi phải cử đại binh thủy lục vào đánh. Phạm Phật rút quân lui về giữ vững thành Khu Túc. Hai bên nghị hòa, Phạm Phật trả lại đất Nhật Nam, lấy bến Ôn Công (mũi Chân Mây, cực nam Thừa Thiên) làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp.

Nhật Nam yên ổn được một thời gian. Đến đời Tấn An Đế, con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt (Bhadravarman I) lên nối ngôi cha, năm 399, niên hiệu Long An thứ 3, lại tiến binh đánh hãm quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Cảnh Nguyên, rồi thừa thắng tiến ra đánh chiếm quận Cửu Đức (nhà Tấn lấy phần đất phía nam quận Cửu Chân mà lập ra, (ngày nay là Nghệ Tĩnh), bắt giết Thái Thú Tào Bính, và vây hãm quận thành Giao Châu, nhưng bị Thái Thú Giao Chỉ là Đỗ Viện đánh bại phải rút quân về. Nhờ quân công này, Đỗ Viện được thăng làm Thứ Sử Giao Châu, đến khi mất, con là Đỗ Tuệ Độ thay thế.

Năm 413, Phạm Hồ Đạt vượt biển ra cướp phá quận Cửu Chân, gia tướng của Đỗ Tuệ Độ là Đỗ Tuệ Kỳ đánh giết được Âu Tri là con nối ngôi của Phạm Hồ Đạt, và Phạm Kiện là tướng chỉ huy quân Lâm Ấp, và bắt sống một người con khác của Phạm Hồ Đạt là Na Năng cùng hơn một trăm tùy tướng lớn nhỏ. Phạm Hồ Đạt thảm bại, rút quân về, rồi mất trong năm đó. Con cháu Phạm Hồ Đạt không giữ được vương nghiệp, ngôi báu về tay người khác họ là Phạm Dương Mại.

Lúc bấy giờ nhà Tấn mất, và Trung Hoa chia làm Nam Bắc triều. Năm 420, Lưu Dũ lên ngôi, lập ra nhà Tống (Nam triều), tức là Tống Vũ Đế, và vẫn dùng Đỗ Tuệ Độ làm Thứ Sử Giao Châu.
Năm 421, niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2, Đỗ Tuệ Độ hàng phục được Phạm Dương Mại. Tống Vũ Đế bèn phong Phạm Dương Mại làm Lâm Ấp vương, và từ đó Lâm Ấp chính thức trở thành phiên bang của Trung Quốc.

Năm 433, đời Tống Văn Đế, niên hiệu Nguyên Gia thứ 10, vua Lâm Ấp kế tiếp là Phạm Dương Mại II cử sứ bộ sang xin nhà Tống cho kiêm tính Giao Châu nhưng bị từ chối, nên đem lòng oán hận, một mặt lơ là việc triều cống, mặt khác thường xuyên đem quân cướp phá Giao Châu. Tống Văn Đế bèn sai Đàn Hòa Chi đem bọn Tiêu Cảnh Hiến, Tông Xác, Khương Trọng Cơ, Kiều Hoằng Dân, năm 446, niên hiệu Nguyên Gia thứ 23, cử đại binh đánh Lâm Ấp, hạ được thành Khu Túc, rồi tiến vào kinh đô Trà Kiệu đốt phá chém giết, thu vét được nhiều vàng bạc châu báu. Từ đó, Lâm Ấp suy yếu, chịu giữ phận phiên thuộc nên biên cương phía nam của Giao Châu (mũi Chân Mây) được tạm yên.
Nhà Tề thay nhà Tống, năm 492, niên hiệu Vĩnh Ninh thứ 10, lại gia phong cho vua Lâm Ấp Phạm Chư Nông tước vị An Nam Tướng quân Lâm Ấp vương. Nhưng đến khi nhà Lương lên ngôi vua Nam triều, nhân việc Lý Bôn nổi lên độc lập ở Giao Châu, lập ra nước Vạn Xuân vào năm 541, đời Lương Vũ Đế, niên hiệu Đại Đồng thứ 7, vua Lâm Ấp là Luật Đà La Bạc Ma (Rudravarman) thừa cơ đem quân lấn chiếm Nhật Nam rồi kéo ra cướp phá Cửu Đức, bị tướng nhà Tiền Lý nước Vạn Xuân là Phạm Tu đánh bại, nên phải rút quân khỏi Cửu Đức, nhưng vẫn chiêm cứ Nhật Nam. Đây là lần đụng độ quân sự đàu tiên giữa Lâm Ấp và Giao Châu độc lập.

Từ đó, suốt 62 năm tồn tại của nước Vạn Xuân, trãi qua các đời Lương, Trần (Nam triều) cho đến khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, Lâm Ấp tiếp tục chiếm cứ Nhật Nam. Sau khi hàng phục Lý Phật Tử, chiếm lại Giao Châu, nhà Tùy sai Lưu Phương làm Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản đem đại binh đi kinh lược Lâm Ấp.

Năm 605, đời Tùy Dượng Đế, niên hiệu Đại Nghiệp năm đàu, Lưu Phương cùng Thứ Sử Khâm Châu là Ninh Trường Chân hợp binh thủy bộ chiếm lại Nhật Nam, hạ thành Khu Túc, rồi kéo quân vào quốc đô Trà Kiệu đánh đuổi vua Lâm Ấp là Phạm Phạn Chí chạy vào Panduranga, thu vét nhiều vàng bạc châu báu và kinh sách.

Nhà Tùy chia đất mới bình định làm 3 quận là Tỵ Cảnh (Quảng Bình), Hải Âm (Quảng Trị, Thừa Thiên), và Lâm Ấp (Quảng Nam, Bình Định). Nhưng triều Tùy quá ngắn ngủi, Trung Hoa rơi trở lại vào cảnh loạn lạc, nhân đó Phạm Phạn Chí nổi lên khôi phục đất cũ.
Đến lúc nhà Đường lên thay, Phạm Phạn Chí và các vua kế vị tuy cung thuận Trung Quốc nhưng vẫn giữ đất Nhật Nam.

Từ năm 758, đời Đường Túc Tông, niên hiệu Càn Nguyên năm đàu, sử Tàu gọi Lâm Ấp là Hoàn Vương. Các vua Hoàn Vương không triều cống Trung Quốc, và thuờng xuyên kéo quân ra cướp phá An Nam. Đến mạt diệp nhà Đường, triều đình suy yếu, quan binh An Nam Đô Hộ phủ lại bận bịu đối phó với nạn Nam Chiếu thường xuyên từ mạn tây bắc tràn xuống cướp bóc, không còn hơi sức để lo việc phương nam, nên Nhật Nam mất hẳn về Lâm Ấp. Biên giới Giao Châu-Lâm Ấp là ở Hoành Sơn.
Năm 875, Lâm Ấp thiên đô về Đồng Dương (Indrapura), cũng trong địa hạt Quảng Nam. Bắt đàu từ đây, sử sách Trung Quốc dùng danh xưng Chiêm Thành (Champapura) có nghĩa là đất nước của người Chiêm, thay thế danh xưng Lâm Ấp có nghĩa là đô ấp của huyện Tượng Lâm. Sự kiện này hàm ý từ bỏ tham vọng khôi phục quận Nhật Nam đời Hán và nhìn nhận Chiêm Thành là một xứ sở tự chủ ở ngoài cương vực sinh hoạt của dân tộc Trung Hoa.

Giao Châu tự chủ bước đầu lấn đất Chiêm Thành.

Vào đầu thế kỷ thứ 10, nhân lúc Trung Hoa loạn lạc, ở Giao Châu, Khúc Thừa Dụ nổi lên tự lập làm Tiết Độ sứ.
Năm 907, nhà Đường mất. Nhà Hậu Lương lên thay, cử Lưu Ẩn làm Tiết Độ sứ Quảng Châu, tước Nam Bình vương, và mặc nhiên công nhận Khúc Hạo thay thế cha giữ chức Tiết Độ sứ Giao Châu.
Năm 911, Lưu Ẩn chết, Lưu Cung lên thay, tách Quảng Châu thành nước độc lập, và xưng đế, lấy quốc hiệu là Đại Việt, định đô ở Phiên Ngung.
Trong lúc đó, tại Giao Châu, năm 917, khi Khúc Hạo chết, nhà Lương giao chức Tiết Độ sứ cho con Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ. Lưu Cung bèn cất quân đi đánh Khúc Thừa Mỹ.
Năm 923, Khúc Thừa Mỹ bại trận, Quảng Châu và Giao Châu lại thống nhất sau hơn nửa thiên niên kỷ chia cắt. Nhưng Lý Khắc Chính và Lý Tiến cùng bọn quan lại Lưu Cung đưa sang Giao Châu là bọn tham tàn, dân Giao Châu không phục, nên chỉ ít lâu sau, năm 931, bị tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ nổi lên đánh đuổi. Dương Đình Nghệ tự lập làm Tiết Độ sứ. Thừa lúc Giao Châu có nội loạn (Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn), năm 938, Lưu Cung cử đại binh sang đánh Giao Châu. Quân hai bên giao chiến trên sông Bạch Đằng, và quân Lưu Cung đã bị Ngô Quyền đánh bại. Ngô Quyền xưng vương, nhưng sau khi Ngô Quyền chết vào năm 944, Giao Châu rơi vào nạn 12 sứ quân cát cứ.
Tại Quảng Châu, Lưu Cung nghĩ mình thuộc tông thất nhà Hán nên vào năm 947 đổi quốc hiệu Đại Việt lại thành Nam Hán.

Tại Giao Châu, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, tự lập làm vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng, được quần thần tôn là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, và định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Trong khoảng thời gian này, Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Hoa, lập nên nhà Tống. Vua Tống sai Phan Mỹ đem binh đánh bắt Lưu Thành, diệt nhà Nam Hán. Quảng Châu lại thuộc bản đồ Trung Quốc. Trước tình hình đó, liên tiếp các năm 970, 971, Đinh Bộ Lĩnh cử sứ bộ sang Tống triều cầu phong, và năm 972, vua Tống phong cho Đinh Bộ Lĩnh tưóc vị Giao Chỉ Quận vương. Giao Châu được chính thức thừa nhận tự chủ.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám hại, vua kế vị còn nhỏ tuổi, triều thần khuynh loát lẫn nhau. Nhà Tống thừa cơ sai Hầu Nhân Bảo và Lưu Trừng, năm 980, đem quân thủy bộ hai mặt cùng tiến vào đánh, đồng thời đưa thư uớc hẹn vua Chiêm Thành là Tỳ Mi Thuế tiến công cương giới phía nam của Đại Cồ Việt.

Trước tình thế nguy cấp như vậy, do sự sắp xếp của Phạm Cự Lượng và sự đồng tình của bà Thái hậu họ Dương, quân sĩ tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lấy hiệu là Đại Hành Hoàng Đế.
Tháng 3 năm 981, quân Tàu tiến vào nội địa Đại Cồ Việt. Lê Hoàn chia quân giữ chặt mặt thủy, ngăn chặn quân Lưu Trừng không vào được sông Bạch Đằng, đồng thời đón đánh đạo quân Tàu đi đường bộ qua ngã Ôn Châu, bắt giết chủ tướng Hầu Nhân Bảo và cầm tù bọn bộ tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huấn.

Năm 982, Lê Hoàn cử sứ bộ qua Tống triều cầu hòa và được phong chức Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. Về sau, Lê Hoàn còn được Tống triều gia phong Giao Chỉ Quận vương vào năm 993, và Nam Bình vương vào năm 997. Yên được mặt bắc, ngay trong năm 982, Lê Hoàn cất quân chinh phạt Chiêm Thành.
Lúc này, Chiêm Thành là một quốc gia tự chủ từ bảy tám trăm năm nay và chịu ảnh hưởng đậm đà văn minh Ấn Độ.
Từ năm 749 đời Đường Huyền Tông, niên hiệu Thiên Bửu thứ 8, Lâm Ấp vĩnh viễn chiếm cứ Nhật Nam và không còn gửi sứ bộ thông hiếu với Trung Quốc. Đã vậy, các vua Hoàn Vương lại thường xuyên kéo quân ra cướp phá miền Hoan Ái.
Từ năm 875 là năm quốc gia này được sử Tàu bắt đầu gọi là Chiêm Thành thì nước này đã trở nên cường thịnh, nhất là dưới các triều vua Indravarman II và Indravarman III. Chiêm Thành đánh thắng Chân Lạp nhiều trận lớn, mở rộng biên cương về phía nam và phía tây, kiến thiết kinh đô Đồng Dương và khu thánh địa Mỹ Sơn vô cùng tráng lệ. Chiêm Thành không thông hiếu với Trung Quốc, nhưng đến khi Triệu Khuông Dẫn chấm dứt thời Ngũ Đại, lên ngôi vua lập ra nhà Tống thì vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Jaya Indravarman ngay trong năm 960 đã nhanh chóng gửi sứ bộ mang lễ vật sang chúc mừng và xin nối lại bang giao với Trung Quốc. Sau đó, Jaya Indravarman cũng như vua kế vị là Paramecvaravarman mà sử ta gọi là Tỳ Mi Thuế đều đặn giử lệ triều cống nhà Tống. Do có mối giao hảo này mà có vụ Tống triều năm 980 gửi thư ước hẹn Tỳ Mi Thuế liên minh cất quân đánh vào biên giới phía nam của Đại Cồ Việt.

Lê Hoàn là một vị Hoàng đế Tướng quân có thực tài cả về quân sự lẫn chính trị. Vừa lên ngôi vua, Lê Hoàn một mặt tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang để đối phó với quân nhà Tống, mặt khác đẩy mạnh công tác ngoại giao tìm cách thông hiếu với Chiêm Thành.
Năm 981, niên hiệu Thiên Phúc thứ 2, vua Lê sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm Thành giao hiếu. Nhưng vua Chiêm Thành Tỳ Mi Thuế ỷ vào thế liên minh với nhà Tống, lại thấy quân Tống đang sửa soạn tiến vào nội địa Đại Cồ Việt, nên chẳng những không chịu bàn việc hòa hiếu mà còn trở mặt bắt giữ sứ giả. Vua Lê vô cùng tức giận, nên ngay sau khi đánh bại hai đạo quân thủy bộ cũa nhà Tống, và thành công trong việc gửi sứ bộ sang Tống triều nghị hòa và cầu phong, năm 982, niên hiệu Thiên Phúc thứ 3, nhà vua ngự giá thân chinh cất đại quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành Tỳ Mi Thuế xuất quân chống cự, và chiến trận đã xẩy ra trong vùng Bình Trị Thiên ngày nay. Tỳ Mi Thuế bị chém chết ngay tại trận tiền, và binh lính Chiêm Thành bị giết và bị bắt sống hàng mấy vạn người.

Người Chiêm tôn Indravarman IV lên làm vua để lo việc chống giữ, nhưng không cản được đà tiến quân như vũ bão của Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành đánh chiếm kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam), Indravarman IV bỏ thành chạy trốn vào Panduranga (Phan Rang). Quân nhà Tiền Lê san thành Đồng Dương thành bình địa, và thiêu hủy tông miếu hoàng gia Chiêm Thành. Vua Lê Đại Hành chia quân đóng giữ các nơi xung yếu của Chiêm Thành đến tận Vijaya (Bình Định). Nhà vua ở lại trên đất Chiêm một năm mới hạ chiếu ban sư. Khi rút quân về, nhà vua mang theo 100 cung nữ người Chiêm giỏi múa hát và một thầy tăng người Ấn Độ, cùng rất nhiều vàng ngọc châu báu. Nhà vua lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Quản giáp Lưu Kế Tông để chiếm đóng phần phía bắc nước Chiêm Thành (từ Hoành Sơn đến mũi Varella).

Chuyện người Việt làm vua Chiêm Thành.

Chuyện xẩy ra vào triều vua Lê Đại Hành.
Năm 983, niên hiệu Thiên Phúc thứ 4, vua Lê Đại Hành rút đại quân về Hoa Lư, và cử Quản giáp Lưu Kế Tông ở lại Đồng Dương chỉ huy đạo quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, bao gồm bắc bộ quận Nhật Nam cũ (Bình Trị Thiên), miền Amaravati (Quảng Nam) và miền Vijaya (Bình Định). Vua Chiêm Thành Indravarman IV chạy trốn vào nam, chỉ còn giử được miền Panduranga (Khánh Thuận).
Năm 985, niên hiệu Thiên Phúc thứ 6, Indravarman IV cử sứ bộ sang Tống triều dâng cống phẩm và khiếu nại với vua Tống Thái Tông về chuyện Giao Châu (Đại Cồ Việt) xâm chiếm đất đai và phá hủy tông miếu của Chiêm Thành. Vì quân nhà Tống vừa mới bị Lê Đại Hành đánh bại, nên Tống triều cũng e ngại không muốn xen vào công việc của hai nước Chiêm Việt, chỉ biết một mặt phủ dụ sứ bộ Chiêm Thành nên cư xử hòa mục với lân bang, mặt khác hứa hẹn sẽ làm trung gian trong việc thương nghị với Đại Cồ Việt để giải quyết tranh chấp bằng con đường thỏa hiệp hòa bình.
Năm 986, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7, Indravarman IV chết, Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành và cử sứ giả mang phẩm vật sang triều cống vua Tống (1). Người Chiêm Thành nổi lên chống đối và bị Lưu Kế Tông đàn áp nên phải chạy trốn sang Hẳi Nam và Quảng Châu tỵ nạn. Vua Tống Thái Tông bèn cử sứ giả mang tặng vật qua Hoa Lư ban cho vua Lê Đại Hành và đưa thư hỏi về việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua và đàn áp người Chiêm Thành, và việc bọn Bồ La Át đem hơn 100 người trong thị tộc chạy sang Đạm Châu (Hải Nam) xin qui phụ nhà Tống (2). Vua Lê Đại Hành sai Ngô Quốc Ân cầm đầu sứ bộ sang Tống triều đáp lễ và biện giải về các vụ Lưu Kế Tông và Bồ La Át (3).
Trong những năm tiếp theo, người Chiêm Thành tiếp tục chống đối Lưu Kế Tông, và bị đàn áp mạnh, nên bỏ chạy sang qui phụ Trung quốc mỗi ngày một nhiều (4).
Năm 988, niên hiệu Thiên Phúc thứ 9, người Chiêm Thành nổi dậy chiếm lại miền Vijaya, và tôn người lãnh đạo cuộc nổi dậy lên ngôi vua tại thành Phật Thệ (còn gọi là Chà Bàn, ở Bình Định). Vua mới đưọc tôn lên ngôi lấy hiệu là Ku Xri Harivarman II, sử ta gọi là Băng vương La Duệ. Lưu Kế Tông lo buồn sinh bệnh. Qua năm sau, 989, niên hiệu Hưng Thống năm đầu đời Lê Đại Hành, Lưu Kế Tông mất.
Harivarman II thừa cơ tiến ra khôi phục miền Amavarati và bắc bộ Nhật Nam cũ đến tận châu Địa Lý.
Năm 990, niên hiệu Hưng Thống thứ 2, vua Lê Đại Hành sai quân sang đánh châu Địa Lý, bắt được nhiều tù binh. Harivarman II liền cử sứ bộ mang tê ngưu và sản vật quí giá sang Tống triều tiến cống và dâng biểu tố cáo Đại Cồ Việt lại sang xâm chiếm đất đai Chiêm Thành. Vua Tống Thái Tông đích thân đứng ra giảng hòa hai nước Chiem Việt.
Ngay trong năm 990, niên hiệu Thuần Hóa năm đàu triều Tống Thái Tông, vua Tống gửi chiếu cho vua Lê yêu cầu bãi binh, và khuyến dụ nước nào hãy giữ nguyên biên cảnh nước đó, không được xâm lược lẫn nhau. Vua Lê Đại Hành vì mới được nhà Tống phong Kinh Triệu Quận hầu, và gia phong Kiểm Hiệu Thái úy (5), lại vì việc năm trước vua Chiêm Thành Harivarman II không chứa chấp bọn phản thần Dương Tiến Lộc (6), nên chấp nhận việc bãi binh nghị hòa. Vua Lê Đại Hành ra lệnh rút quân khỏi châu Địa Lý, đem về đóng giữ châu Bố Chính.
Năm 992, niên hiệu Hưng Thống thứ 4, vua Lê Đại Hành trao trả cho Chiêm Thành 360 người bị bắt tại châu Địa Lý trong trận đánh năm 990.
Cũng trong năm 992, nhà vua sai Phụ Quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người mở đường bộ dọc theo bờ biển từ cửa Nam Giới (cửa Sót ở Hà Tĩnh) vượt đèo Ngang và xuyên suốt qua châu Bố Chính để đến thẳng châu Địa Lý (miền giữa Quảng Bình).
Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành chỉ được 3 năm (986-989), thời gian làm vua không đủ dài và sự nghiệp không có gì hiển hách để lưu lại dấu ấn trong lịch sử bang giao hai nước Chiêm Việt. Tuy vậy, việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Điều đáng nói là sự kiện lịch sử này sử cũ nước ta hoàn toàn không đả động đến, trong lúc đó thì sử nhà Tống ghi chép rất rõ ràng việc Lưu Kế Tông lên ngôi vua và gửi sứ bộ qua Tống triều cầu phong (1), cũng như biểu tấu của các biên thần ở Quảng Châu và Đạm Châu về việc những người Chiêm Thành chống đối Lưu Kế Tông chạy sang Trung Quốc xin qui phụ (2,4).
Sử cũ nước ta không hề nhắc nhở đến nhân vật Lưu Kế Tông, thảng hoặc có đề cập đến Lưu Kế Tông thì hoàn toàn không nói đến việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành mà chỉ nói đến chuyện Lưu Kế Tông trốn ở lại.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng Lưu Kế Tông vốn là một viên Quản giáp trong đạo quân của Lê Đại Hành đi chinh phạt Chiêm Thành năm Thiên Phúc thứ 3 (982). Khi vua Lê rút quân về nước năm Thiên Phúc thứ 4 (983), Lưu Kế Tông trốn ở lại. Vua Lê sai người con nuôi (không tường danh tính) đưổi theo bắt được, đem chém. Điều ghi chép này của Toàn Thư có mấy điểm không ổn.

Thứ nhất, Quản giáp đời Tiền Lê là chức quan võ phụ trách việc binh bị của một châu, tương đương với chức vụ Tiểu Khu trưởng hay Tư lệnh Quân khu ngày nay, như vậy, việc đào nhiệm của một Quản giáp là một sự kiện quan trọng, sử quan không thể giản lược chép “Lưu Kế Tông trốn ở lại” mà không nói rõ thêm vì sao trốn ở lại, trốn ở lại rồi đi đâu, làm gì v.v.

Thứ hai, việc đuổi bắt thành công một Quản giáp đào nhiệm là một công trạng khá lớn, người được vua sai phái thi hành công tác lại là con nuôi vua, thế mà sử quan không có được một vài chữ để nói về thân thế nhân vật này, chỉ ghi chú “không tường danh tánh”.

Thứ ba, việc “vua Lê sai con nuôi đưổi theo bắt được, đem chém” được Toàn Thư ghi là xẩy ra vào năm Thiên Phúc thứ 4 (983) đời Lê Đại Hành, trong lúc đó thì Tống sử lại chép năm Ung Hy thứ 3 (986) đời Tống Thái Tông, tức là 3 năm sau, Lưu Kế Tông sai sứ giả là Lý Triều Tiên sang cầu phong. Chả lẽ Lưu Kế Tông bị chém chết rồi sống lại? Chả lẽ sử quan nhà Tống đặt chuyện ra để chép bậy? Mà nếu sử nhà Tống chép đúng sự thực thì việc “đưổi theo bắt được đem chém” là chuyện không hề xẩy ra.

Cứ thế mà suy thì việc con nuôi vua Lê được sai phái đi đuổi bắt cũng không hề có, và việc Lưu Kế Tống trốn ở lại khi vua Lê rút quân về Hoa Lư chỉ đúng sự thực có nửa phần, nghĩa là Lưu Kế Tông đã ở lại chứ không phải trốn ở lại. Nói khác đi, Lưu Kế Tông đã công khai ở lại, Lưu Kế Tông được chỉ định ở lại để thi hành nhiệm vụ. Mà nhiệm vụ gì thích đáng hơn để giao phó cho một Quản giáp (là viên chức trông nom việc binh bị một châu) nếu không là nhiệm vụ chỉ huy đạo quân lưu lại chiếm đóng phần lãnh thổ mới bình định của nước Chiêm Thành, từ đèo Ngang đến mũi Varella.
Tóm lại, chuyện Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Nguyên ủy của việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là do vua Lê Đại Hành khi rút quân về Hoa Lư năm 983 đã lưu lại một đạo quân để chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, và cử Quản giáp Lưu Kế Tông chỉ huy đạo quân đó. Nhưng tại sao sử nước ta hoàn toàn không đề cập đến việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành?
Tại sao sử nước ta không ghi chép việc vua Lê có lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành?

Và tại sao sử nước ta lại quanh co bịa đặt chuyện Lưu Kế Tông đào nhiệm, bị bắt và bị xử chém?
Đó là những vấn đề cần được nêu lên để làm sáng tỏ một số dữ kiện lịch sử quan yếu trong giai đoạn nền tự chủ của nước ta vừa phôi thai, nhân đề cập đến chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành.

Những vấn đề xoay quanh chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành.
Hầu hết sách sử nước ta không nói đến chuyện Lưu Kế Tông, thảng hoặc có nói tới thì chỉ nói Lưu Kế Tông trốn ở lại chứ hoàn toàn không nói vì sao trốn ở lại, trốn ở lại để làm gì. Đương nhiên là không có trước tác lịch sử nào, kể cả truyện dã sử và lịch sử tiểu thuyết, nói đến chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành. Ngay cả sách sử soạn thảo từ thời cận đại ấn hành bằng chữ quốc ngữ cũng không có tác phẩm nào đề cập đến chuyện Lưu Kế Tông, ngoại trừ cuốn Việt Sử: Xứ Đàng Trong của Phan Khoang có trích dẫn Toàn Thư nói về việc Lưu Kế Tông trốn ở lại, bị bắt, và bị chém, và Tống sử khẳng định chuyện Lưu Kế Tông có làm vua Chiêm Thành. Nhưng Phan Khoang chỉ đơn thuần trích dẫn sử ta và sử Tàu mà không đối chiếu, không đánh giá và không kết luận.
Như đã trình bày ở trên, chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Vậy ta thử tìm hiểu tại sao sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến?

Lưu Kế Tông lên ngôi vua Chiêm Thành là do có nhiều điều kiện khách quan làm tiền đề, nhưng tựu trung chủ yếu vẫn là do chiến công oanh liệt của Lê Hoàn đã chém chết Tỳ Mi Thuế, đốt cháy Đồng Dương và chiếm đóng già nửa nước Chiêm Thành. Sự nghiệp bình Chiêm của nhà Tiền Lê quả là lớn lao, dẫu các đời thịnh trị Lý, Trần về sau, trong lãnh vực này, cũng không hơn được. Do đó, luận giải giản đơn và dễ dàng được chấp nhận nhất về vấn đề sử cũ nước ta không đề cập đến chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là một khi đã nói đến chuyện Lưu Kế Tông lên ngôi vua Chiêm Thành, thì phải nói đến chuyện Lưu Kế Tông được cắt cử ở lại chỉ huy đạo quân chiếm đóng già nửa nước Chiêm Thành, nghĩa là phải nói đến sự nghiệp bình Chiêm vô cùng hiển hách của Lê Hoàn. Gia dĩ, Lê Hoàn không có sử thần để lưu lại các trước tác tán tụng công đức, triều Tiền Lê lại quá ngắn ngủi, con không nối được nghiệp cha, còn nói gì đến việc ghi chép công trạng mở nước của đời vua trước. Tiếp đến các triều Lý Trần, sự nghiệp bình Chiêm, hoặc là không có gì vượt trội hơn, hoặc là bị lu mờ trước vai tuồng trọng yếu của giới khăn yếm (Ỷ Lan (7) đời Lý, Huyền Trân (8) đời Trần), cho nên đối với công nghiệp của Lê Hoàn, các sử quan đời sau đã vì chúa của mình mà lược bớt. Cũng cùng một lề lối suy luận giản đơn và dễ dãi như vậy, có người cho rằng hành động phản phúc của Lưu Kế Tông, cho dù tội nhẹ bỏ ngũ trốn ở lại, hay tội nặng hơn tự lập làm vua Chiêm Thành, là một chuyện không mấy tốt đẹp theo tinh thần chính thống nho giáo, bởi lẽ Lưu Kế Tông, dưới con mắt phán xét của các sử quan các triều đại phong kiến, là kẻ phản thần bạn nghịch, là tấm gương xấu xa không đáng để người đời sau biết đến, nên lược bỏ không chép.

Chuyện Lưu Kế Tông liên quan mật thiết đến việc vua Lê Đại Hành lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành. Cũng như đối với vụ Lưu Kế Tông tự lập làm vua, sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến vụ Lê Hoàn lưu quân. Hơn nữa, không phải chỉ có các sử gia đời sau không nhắc nhở đến việc lưu quân, mà chính ngay đương thời triều đình Tiền Lê cũng tránh né đả động đến chuyện này. Rõ ràng là nhà cầm quyền ở Hoa Lư tìm cách phủ nhận tất cả mọi liên hệ với các vụ việc xẩy ra ở phía nam đèo Ngang sau năm 983 là năm Lê Hoàn rút đại quân ra khỏi Chiêm Thành, và lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Lưu Kế Tông để chiếm đóng một miền rộng lớn vừa được bình định, kéo dài từ đèo Ngang đến mũi Varella. Vấn đề lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành là một hạng mục gay go trong các cuộc thương thảo ngoại giao giữa nhà Tống Trung Quốc và triều đình Tiền Lê Đại Cồ Việt. Tuy đã đánh bại 2 đạo binh thủy bộ của nhà Tống vào tháng 3 năm 981, Lê Hoàn luôn luôn tiến hành các cuộc vận động ngoại giao với nhà Tống để cầu phong. Liên tiếp trong các năm 981, 982, 983, Lê Hoàn gửi sứ bộ mang cống phẩm sang Tống triều lo việc thông hiếu. Mặt khác, Chiêm Thành là nước phiên thuộc của nhà Tống, vuốt mũi phải nể mặt, triều đình Đại Cồ Việt luôn luôn phải giải thích với nhà Tống lý do của việc chinh phạt Chiêm Thành năm 982 cũng như phải biện bạch về các dữ kiện chính trị và an ninh xẩy ra ở Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Chính sách ngoại giao của nhà Tống lúc bấy giờ đối với 2 nước phiên thuộc phương nam là làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Chiêm Việt, đồng thời sử dụng lá bài công nhận ngoại giao (tấn phong) một cách nhỏ giọt đối với Đại Cồ Việt để tạo áp lực ngăn cản Lê Hoàn thôn tính Chiêm Thành. Do đó mà năm 982, Lê Hoàn chỉ được nhà Tống phong Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. 

Đến năm 989, qua bao nhiêu biến cố dồn dập và những nổ lực liên tục của các sứ bộ, Lê Hoàn cũng chỉ mới được phong An Nam Đô Hộ Tĩnh Hải Tiết Độ sứ Kinh Triệu Quận hầu, gia phong Kiểm Hiệu Thái Úy. Chỉ sau khi Lê Hoàn chịu bãi binh nghị hòa (năm 990), rút quân ra khỏi châu Địa Lý theo chiếu chỉ của Tống Thái Tông, và trao trả tù binh cho Chiêm Thành (năm 992), năm 993, niên hiệu Thuần Hóa thứ 4 đời Tống Thái Tông, Lê Hoàn mới được nhà Tông phong làm Giao Chỉ Quận vương (5). Những hoạt động ngoại giao quanh co khúc mắc vừa kể trên đã giải thích lý do triều đình Hoa Lư phủ nhận sự liên hệ với các hành trạng của Lưu Kế Tông trên đất Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Triều đình Hoa Lư trước sau đều nói với các sứ giả nhà Tống rằng Lưu Kế Tông là một tên đào ngũ, đã bị vua Lê sai con nuôi đi đuổi bắt và chém chết từ năm 983. Triều đình Hoa Lư nhất mực chối từ trách nhiệm về hoạt động của những người lính Đại Cồ Việt đồn trú trên đất Chiêm Thành dưới quyền Lưu Kế Tông bằng cách rêu rao rằng họ là những người trốn ở lại. Triều đình Hoa Lư giả tảng không biết Lưu Kế Tông là ai, làm ngơ để mặc Lưu Kế Tông muốn làm gì thì làm, kỳ thực thì tất cả các hoạt động của Lưu Kế Tông đều do Hoa Lư chỉ đạo. Thậm chí việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua sau khi Indravarman IV chết cũng do sự dàn dựng của Hoa Lư. 
Thực vậy, nếu vua Lê Đại Hành rút hết đại binh về năm 983, không lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, thì hà cớ gì triều đình Hoa Lư phải quanh co, úp mở, che dấu, thậm chí bịa đặt chuyện Lưu Kế Tông trốn ở lại, bị bắt, và bị chém chết. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 983 đào ngũ, trốn ở lại một thân một mình, không có đạo quân trú phòng trong tay, thì làm sao năm 986 lại có thể tự lập làm vua Chiêm Thành. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 986 tự tung tự tác lên ngôi vua, cử sứ bộ sang Tống triều cầu phong, thì tại sao vua Lê Đại Hành không phát binh hỏi tội Lưu Kế Tông, mà phải đợi đến sau khi Lưu Kế Tông chết, Xri Harivarman II khôi phục hầu như toàn bộ đất cũ, vua Lê Đại Hành mới sai quân đánh châu Địa Lý lúc này đã trở lại trong tay người Chiêm Thành.

Kết luận.

Chuyện một người Việt tên Lưu Kế Tông, vốn là một võ quan trong đạo quân nam chinh của vua Lê Đại Hành, đã lên làm vua Chiêm Thành là một chuyện có thực, được sử nhà Tống ghi chép rành rẽ, nhưng sử cũ nước ta hoàn toàn không dề cập đến. Với tài trí siêu việt của vua Lê Đại Hành, cùng với quân lực hùng hậu của Đại Cồ Việt thuở bấy giờ, nước ta có thừa khả năng thu phục toàn bộ quận Nhật Nam ngày trước. Nhưng nhà Tống không muốn Giao Châu trở nên quá mạnh, đích thân vua Tống Thái Tông đã đứng ra hòa giải để ngăn cản Đại Cồ Việt thôn tính Chiêm Thành, dùng lá bài tấn phong làm áp lực buộc vua Lê Đại Hành rút quân. Mặt khác, vua Lê Đại Hành tuy vừa oanh liệt đánh bại quân Tống, nhưng vẫn muốn thông hiếu với Trung quốc, nên trước đòi hỏi của Tống triều, vua Lê lúc đầu, bề ngoài thì minh thị rút quân nhưng bên trong thì âm thầm bố trí đạo binh Lưu Kế Tông ở lại chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, và về sau, khi Lưu Kế Tông chết, người Chiêm Thành nổi dậy chiếm lại đất cũ, vua Lê buộc lòng ra mặt cất quân đánh châu Địa Lý để rồi cuối cùng chịu bãi binh chỉ giử lại châu Bố Chính (9) và đổi lấy việc phong vương trong mục đích tranh thủ Tống triều tiếp tục chính thức thừa nhận nền tự chủ của Đại Cồ Việt.

Cái tước quận vương Giao Chỉ của nhà Đinh và nhà Tiền Lê Đại Cồ Việt buổi đàu dựng cờ tự chủ đã mở đường cho cái tước quốc vương của các triều đại sau này và việc hình thành quốc gia Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam, độc lập và thống nhất. Chính sách ngoại giao kiên trì, mềm dẽo và khôn khéo của vua Lê Đại Hành xuyên qua câu chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp mở nước của dân tộc ta.

Và Lưu Kế Tông là kẻ có công chứ không phải là người có tội.
Chú thích:

(1) Sử nhà Tống chép rằng trong năm 986, đời Tống Thái Tông, niên hiệu Ung Hy thứ 3, sứ giả của Lưu Kế Tông là Lý Triều Tiên mang phẩm vật sang tiến cống.

(2) Sử nhà Tống chép rằng trong năm 986, đời Tống Thái Tông, niên hiệu Ung Hy thứ 3, biên thần Đạm Châu (Hải Nam) tâu rằng người Chiêm là bọn Bồ La Át bị Giao Châu bức bách nên đem hơn 100 người trong họ chạy sang xin qui phụ.

(3) Tiếc rằng ngày nay không tìm thấy sử liệu nào đề cập đến các lời biện giải này.

(4) Sử nhà Tống chép trong năm 987, huyện Thanh Viễn, Nam Hải, thuộc Quảng Châu, tiếp nhận 150 người Chiêm đến xin tỵ nạn. Năm 988, niên hiệu Đoan Cung năm đàu, biên thần Quảng Châu lại tâu có thêm 301 người Chiêm xin qui phụ.

(5) Lê Hoàn được nhà Tống tấn phong như sau:

-Năm 982 Tĩnh Hải Tiết Độ sứ;

-Năm 989 An Nam Đô hộ Tĩnh Hải Tiết Độ sứ Kinh Triệu Quận hầu, gia phong Kiểm Hiệu Thái úy;

-Năm 993 Giao Chỉ Quận vương;

-Năm 997 Nam Bình vương.

(6) Năm 989, niên hiệu Hưng Thống năm đầu triều Lê Đại Hành, Quản giáp Dương Tiến Lộc làm phản, đem một số thủ hạ người châu Hoan châu Ái chạy sang Chiêm Thành xin qui phụ, nhưng vua Chiêm Harivarman II không thu nhận.

(7) Năm 1069, Lý Thánh Tông đem 5 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Tháng 2, vua thân chinh Chiêm Thành, đánh mãi không thắng, đem quân trở về, đến châu Cư Liên, nghe tin nguyên phi Ỷ Lan trông nom việc nội trị, lòng dân hòa hợp, trong nước yên tĩnh, thẹn nghĩ mình là phận mày râu mà không bằng khách má phấn, bèn quay binh trở lại đánh, và thắng trận”.

(8) Năm 1306, Trần Anh Tông gã em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman III) để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên và Đà Nẵng).

(9) Sử cũ chép năm Kỷ Dậu (1069), niên hiệu Thiên Huống Bửu Tượng thứ 2, tháng 2, ngày Mậu Tuất, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh, và được tha về. Sử cũ chép như vậy là đã chép để chính thức hóa châu Bố Chính vốn đã thống thuộc Đại Việt trong thực tế từ đời Lê Đại Hành. Thực vậy, năm 990, vua Lê Đại Hành sai quân đánh châu Địa Lý, và năm 992, sai Ngô Tử An đắp đường bộ từ cửa Nam giới để đến châu Địa Lý, như vậy, nếu châu Bố Chính trong thực tế chưa thống thuộc Đại Cồ Việt thì lẽ ra vua Lê phải sai quân đánh châu Bố Chính trước, cũng như phải đặt vấn đề làm sao Ngô Tử An có thể mở đường xuyên qua châu Bố Chính nghĩa là trên đồng đất nước người. Hơn nữa, năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thú 4, vua Lý Thánh Tông xuống chiếu đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh, và chiêu mộ dân đến lập nghiệp ở các châu ấy, không nhắc nhở gì đến châu Bố Chính. Điều này phù hợp với nhận xét của giáo sĩ Cadière rằng từ Bố Trạch (Địa Ly) đến Gio Linh (Ma Linh), dân Việt qui tụ người cùng họ để lập thành làng (Ngô xá, Phan xá, Hoàng xá, Hồ xá v.v.), một hiện tượng không thấy có ở Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Bố Chính). Nói khác đi, khi dân Việt hưởng ứng chiếu di dân của Lý Thánh Tông đến lập nghiệp ở Lâm Bình và Minh Linh thì ở Bố Chính đã có dân Việt đến định cư từ trước rồi
Theo HONVIETSU
spacer
do