Cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được người Việt này

Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm – Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm.
Đó là câu đối chưa biết tên tác giả mà cố giáo sư Lưu Trung Khảo đọc trong một buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ.
Nguyên văn tiếng Trung của câu đối là:
地 轉 我 種 越 居 北 方, 歐 洲 境 內 無 蒙 騎 樅 橫 千 萬 里
天 生 此 良 材 於 宋 室, 中 國 史 前 免 元 朝 都 護 一 百 年
Dịch Hán Việt là:
Địa chuyển ngã chủng Việt cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý.
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên Triều đô hộ nhất bách niên.
Diễn nghĩa là:
Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm
Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm
Câu đối này ý chỉ một vị tướng tài đã lãnh đạo người Việt đánh bại quân Nguyên, đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông đã làm được điều mà cả châu Âu và Trung Quốc không ai làm được.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa)

Vậy vì sao mà cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được Trần Hưng Đạo? Chúng ta hãy cùng quay về lịch sử, thời điểm vó ngựa quân Mông Thát tung hoàng khắp nơi để tìm câu trả lời.

“Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”

Tại châu Âu, sau một thời gian tung hoành chiếm hết trung Á, vó ngựa Mông Cổ dồn dập tiến vào châu lục này, các thành phố lớn như Moscow đều bị đốt cháy.
Liên quân châu Âu được thành lập nhắm chống lại quân Mông Cổ cũng bị đập tan. Nhiều nước mong muốn cầu hòa và cống nạp cho quân Mông Cổ.
Tranh mô tả Trận Legnica năm 1241, diễn ra ở khu vực nay thuộc Ba Lan, giữa quân Mông Cổ và liên quân châu Âu: Quân Mông Cổ được ví như cưỡi trên những con ngựa có cánh. Họ còn nổi tiếng với việc cắt tai người làm chiến lợi phẩm (Ảnh minh họa)
Khi các Vương công nước Nga chịu thần phục, quân Mông Cổ cho ván để lên đầu các vương công Nga để đặt bàn tiệc ăn mừng. Sáu Vương công bị đè đến chết.
Vó ngựa quân Mông Cổ gây kinh hoàng khắp châu Âu, biên niên sử còn ghi lại rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”.

Quân Mông Cổ tại châu Âu (Ảnh minh họa)
Tại châu Á, khi quân Mông Cổ đánh Trung Quốc là vào thời kỳ nhà Tống, quân Tống bị đại bại, phải bỏ kinh thành rồi tháo chạy hết lần này tới lần khác, quân Mông Cổ truy đuổi theo.
Năm 1258, quân Mông Cổ lần thứ nhất thất bại ở Đại Việt trong việc tìm cách mở một hướng từ phía Nam để đánh vào lãnh thổ Nam Tống. Trận đánh lần thứ nhất này quân Mông Cổ chưa thật sự dành nhiều tinh lực vào Đại Việt, mà chỉ muốn thôn tính nốt nhà Nam Tống. Cuối cùng, vào năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.
Trận đánh cuối cùng giữa quân Mông Cổ và quân Tống là trận Nhai Môn trên biển. Quân Tống có 20 vạn người, nhưng phần lớn trong đó là hoàng thân quốc thích, và quân phục dịch chạy trốn giặc Mông Cổ. Quân Mông Cổ ít hơn rất nhiều những vẫn bao vây tấn công quân Tống.
Thần phụ chính Lục Tú Phu thấy tình thế tuyệt vọng ôm Vua Tống còn nhỏ nhảy xuống biển tự vẫn, người Tống nhìn thấy cảnh này đều khóc than rồi lần lượt nhảy xuống biển chết theo vua, khung cảnh thật bi thương. 7 ngày sau, hàng trăm ngàn xác người nổi đầy khắp mặt biển, đây được xem là một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử Trung Quốc.


Thần phụ chính và vua Tống nhảy xuống biển (Ảnh minh họa)

Nhà Tống bị diệt vong, Đại Hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên trở thành Hoàng đế Trung Hoa, Trung Quốc bị đô hộ suốt 100 năm. Đó quả là thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi đánh tan nhà Tống, quân Nguyên tiếp tục mưu đồ tràn xuống phía Nam. Ngay từ tháng 8 năm 1279, sau khi diệt nhà Tống, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh đóng thuyền chiến chuẩn bị đánh Đại Việt và Nhật Bản.
Năm 1285, Hốt Tất Liệt phong cho con trai Thoát Hoan là Trấn Nam Vương dẫn hàng chục vạn quân tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Thế nhưng đến đây, vó ngựa đại quân Nguyên Mông vốn đã giày xéo khắp nơi từ Á sang u đã bị chặn lại bởi Trần Quốc Tuấn, vị Quốc Công Tiết Chế lừng danh sử Việt và thế giới.
Lúc xuất quân Thoát Hoan hùng hổ bao nhiêu thì lúc chạy thục mạng về nước nhục nhã bấy nhiêu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh tên của quân dân Đại Việt rồi bắt lính khiêng chạy trối chết về nước.
Quân Mông Cổ chạy về đến đất Nguyên ở Trung Quốc rồi, quân Đại Việt vượt qua cả biên giới tiến sâu vào châu Tư Minh của Trung Quốc để tiêu diệt giặc, khiến quân Nguyên hoảng sợ, chạy thoát rồi vẫn chưa hết run, tối ngủ không được vì ác mộng.

Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. (Ảnh minh họa)

Ngày 25/12/1287, lần thứ ba quân Nguyên sang đánh Đại Việt, vẫn là Trấn Nam Vương Thoát Hoan cùng hàng chục vạn hùng binh, thế nhưng Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn rất điềm nhiên “năm nay đánh giặc nhàn”. Quả nhiên lần này hùng binh của quân Nguyên bị đánh cho đại bại, thêm một lần nữa nhục nhã rút về nước.
Có thể có người cho rằng đâu chỉ có Đại Việt đánh thắng quân Nguyên, vì Nhật Bản, Chiêm Thành và Miến Điện cũng đánh thắng quân Nguyên. Nhưng chiến thắng của Nhật Bản có được còn nhờ sự đóng góp quan trọng của “Thiên thời”. Ngoài tinh thần cảm tử của quân Nhật ra, hai lần bão tố và thiên tai đã giúp người Nhật đánh chìm nhiều chiến thuyền Nguyên Mông. Trong cuộc chiến với quân Nguyên tại Chiêm Thành và Miến Điện, về mặt quy mô và tinh lực của quân Nguyên, thì không có lần nào có thể so với lần xâm lược thứ hai và thứ ba trên đất Việt cả. Cuộc chiến với quân Nguyên tại Chiêm Thành cũng nhờ có Đại Việt cử viện binh tiếp ứng.

Quân Mông Cổ tràn vào Nhật Bản (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chiến thắng của Đại Việt là nhờ sự đồng lòng của người dân và vua quan nhà Trần, cùng tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Vây làm thế nào mà Trần Quốc Tuấn có thể đánh bại quân Nguyên hùng mạnh khiến cả châu Á và châu Âu đều run sợ?

Kế sách của Trần Quốc Tuấn

Quân Nguyên đánh thắng khắp nơi từ Á sang Âu, nhưng chưa ở đâu gặp phải kế sách từ ngoại giao cho đến đánh trận như ở Đại Việt.
Đầu tiên, trước khi tiến binh, quân Nguyên đã quen với việc uy hiếp nước khác bằng cách dùng sứ giả khuyên hàng. Thế nhưng khi sứ giả quân Nguyên đến thì nhà Trần bắt phải quỳ trước mặt Vua theo đúng phép tắc.
Kế sách của Trần Quốc Tuấn khi đánh quân Nguyên có thể gói gọn trong mấy chữ: vườn không nhà trống, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, dùng đoản binh phá trường trận.
Khi đánh nước khác, quân Nguyên thích đánh vào kinh thành, vì nơi đây tập trung đa phần quân chủ lực. Đánh kinh thành thì cũng tiêu diệt được quân chủ lực đối phương, lại có thể cướp bóc lương thực và nhu yếu phẩm.
Thế nhưng khi đánh Đại Việt thì quân Đại Việt lại chủ động rút khỏi kinh thành, thực hiện “vườn không nhà trống”. Điều này khiến cho quân Nguyên dù chiếm kinh thành vẫn không gặp được quân chủ lực của Đại Việt, kinh thành lại trống không nên không thể cướp bóc được gì.

Ngoài kế sách trên bộ, kế sách tuyệt diệu khác của Hưng Đạo Vương là trận địa cọc trên sông Bạch Đằng (Ảnh minh họa)

Quân Nguyên tiến đánh với sách lược đánh nhanh thắng nhanh, nhưng quân chủ lực của ta lại rút đi nhằm bảo toàn lực lượng, khiến quân Nguyên không thể đánh nhanh thắng nhanh được. Trần Quốc Tuấn lại cho các toán quân nhỏ liên tục chặn bước tiến của địch, đánh để tiêu hao sinh lực và phá hủy lương thực rồi rút ngay. Quân Nguyên truy kích không tìm thấy các toán quân này vì không thông thạo địa thế.
Quân Nguyên không gặp được quân chủ lực Đại Việt để đánh, cũng không biết quân chủ lực rút về đâu mà đuổi theo. Lâu ngày quân sĩ lại mệt mỏi vì phải liên tục chống đỡ các cuộc tập kích của các cánh quân nhỏ vẫn diễn ra hàng ngày.
Dần dần tình hình quân Nguyên lương thực đã cạn, quân sĩ mệt mỏi không muốn tiếp tục cuộc chiến nữa, sĩ khí không còn. Lúc này Trần Quốc Tuấn mới điều động đội quân chủ lực phản công đánh thẳng vào quân Nguyên.
Trước sức mạnh tấn công của Đại Việt, quân Nguyên hoảng sợ, không hiểu các cánh quân ở đâu hiện ra nhiều không kể xiết. Do tâm lý mệt mỏi, quân Nguyên không thể thắng được sĩ khí của Đại Việt nên đại bại, rút chạy về nước.

Trần Quốc Tuấn vực dậy tinh thần cho quân dân Đại Việt

Trước sức mạnh của đội quân làm run sợ khắp nơi trên thế giới, Đại Việt cũng không ít người xuống tinh thần. Lúc đó, Trần Quốc Tuấn đã làm “hịch tướng sĩ” để vực dậy tinh thần kháng Nguyên của quân sĩ.
Khi các tướng sĩ lo lắng Trần Quốc Tuấn có hiềm khích với nhà Trần, anh em không thể hòa thuận, ông đã tắm cho em họ của mình là Trần Quang Khải trên chiến thuyền trước sự hò reo của ba quân.

Trần Quang Khải (Ảnh minh họa)

Khi quân ta rút khỏi Thăng Long, người rời đi sau cùng là Trần Quốc Tuấn.
Khi quân ta phải rút lui trước sức mạnh của giặc, nhà Vua hội họp các tướng rồi dò hỏi: “Hay là nên hàng”, Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái nói ngay: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã rồi hẵng hàng”.
Từ đó mọi niềm tin và ánh mắt của triều đình đều dồn cả vào Trần Quốc Tuấn, ông trở thành trụ cột của Nhà Trần trong 2 lần đánh quân Nguyên Mông (lần thứ 2 và thứ 3).

Tấm lòng trung sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt

Cũng giống như ông, dưới trướng của Trần Quốc Tuấn đều là những người tài giỏi như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu.
Khi nhiều người nhắc lại mối thù nhà, ông hỏi hai gia nô cũng là tướng giỏi lúc đó là Yết Kiêu và Dã Tượng về chuyện này, hai vị tướng này đáp rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”. Nghe xong Quốc Tuấn rất cảm động.

Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa)

Sau đó con ông là Trần Quốc Tảng có nhắc lại lời trăn trối của An Sinh Vương Trần Liễu, muốn cùng ông cướp ngôi vua, ông nổi giận rút gươm toan chém đứa con này. Dưới sự can ngăn của mọi người, ông thay đổi ý định nhưng từ đó kiên quyết không gặp Quốc Tảng, thậm chí dặn dò sau này ông chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Tảng vào viếng.
Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm
Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên đô hộ một trăm năm.
Câu đối trên cho thấy châu Âu và Trung Quốc đều muốn có con người này đến thế nào. Thế nhưng Trời xanh đã đặt định cho Trần Quốc Tuấn trở thành con dân của Đại Việt.
Trong dân gian có truyền thuyết rằng mẹ của Trần Quốc Tuấn nằm mơ thấy có một vị thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử sẽ xuống đầu thai. Lúc Trần Quốc Tuấn vừa được sinh ra đã có hào quang toả sáng rực cả nhà.
Dù truyền thuyết đẹp đó có thật hay chỉ xuất phát từ sự kính ngưỡng Hưng Đạo Đại Vương mà thành, thì người ta vẫn không khỏi suy ngẫm rằng: Phải chăng Thiên Thượng đã phái Trần Quốc Tuấn xuống giúp nước Nam đánh bại quân Nguyên Mông, lưu lại giai đoạn lịch sử xán lạn cho con dân Đại Việt?
Trần Hưng
spacer

Hai vùng đất phát đế vương nổi tiếng Việt Nam

Ở Việt Nam, nói đến đất đế vương thì phải kể tới vùng đất Thanh Hóa và Cao Bằng. Nếu Thanh Hóa được xem là đất “đế vương chung hội” bởi rất nhiều vua chúa trong lịch sử đều phát tích từ vùng đất này; thì Cao Bằng được xem là đất “đế vương dung thân”, có thể giúp vua giữ gìn phúc khí, cũng có thể sinh ra bậc vương giả.

(Ảnh tổng hợp)

1. Đất “đế vương chung hội”

Những nhân vật lịch sử kiệt xuất xuất thân ở Thanh Hóa có thể kể đến như: Bà Triệu (huyện Yên Định, Thanh Hóa), Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (Ái Châu, Thanh Hóa), Lê Đại Hành[1] (Ái Châu, Thanh Hóa), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Thái Tổ (làng Chủ Sơn, Thanh Hóa), Hoàng tộc Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), Chúa Trịnh Kiểm (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)…
Dưới đây là một số địa danh linh thiêng tại đất Thanh Hóa:
Đỉnh Ngàn Nưa
Núi Nưa là dãy núi đi qua 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Núi Nưa tên chữ là Na Sơn, mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa.”
Theo tài liệu khoa học, quần thể Núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ đều khắp trên diện tích 55 km2, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh, nên người dân gọi là Ngàn Nưa. Trên đỉnh núi cao nhất Ngàn Nưa, có sơn cao thủy tụ, là nơi linh khí thiêng giữa Trời – Đất hội tụ, giao hòa.
Tại núi Nưa vào năm 248, Bà Triệu cùng hàng ngàn tráng sĩ Cửu Chân mài gươm luyện võ chống lại ách đô hộ của quân Ngô. Núi Nưa chính là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Tranh Bà Triệu cưỡi voi trắng.
Nhiều ẩn sĩ, danh nhân từ xưa đến nay đều có viết về ngọn núi này, trong dân gian vẫn lưu truyền câu: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến!” nghĩa là “một tiếng hô ở núi Nưa chuyển cả thiên hạ!”
Vùng núi Lam Sơn
Vùng núi Lam Sơn được xem là nơi phát tích của triều đại nhà Lê. Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có mô tả rằng: Ông tổ ba đời của vua Lê Lợi tên húy là Hối, một hôm đi dạo chơi đến vùng núi Lam Sơn chợt thấy có đàn chim đông đúc đang bay lượn như thể núi Lam Sơn có một lực thu hút vô hình, có sức thu phục nhân tâm nhiều như chim về tổ, bèn nói: “đây hẳn là chỗ đất tốt” và quyết định “dời nhà đến ở đấy”.
Người Việt có câu “đất lành chim đậu”, hình ảnh đàn chim đông đúc bay lượn dấu hiệu vùng đất lành. Sau khi cụ Hối dời nhà về Lam Sơn thì 3 năm sau đã gây dựng được sản nghiệp lớn và làm quận trưởng một phương, trong nhà có cả ngàn gia đinh.
Đến lúc Lê Lợi được sinh ra đã “thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có nốt ruồi son, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, bước tới như hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tượng đài Lê Lợi ở Thanh Hóa. (Ảnh qua wikipedia)
Lê Lợi được một nhân vật kỳ bí cho biết huyệt đất phát vương ở Chiêu Nghi, điều này được ghi chép lại trong cuốn “Lam Sơn thực lục” như sau:
Khi ấy nhà vua (tức Lê Lợi) sai người nhà cày ruộng ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi. Chợt thấy một nhà sư già, mặc áo trắng, từ thôn Đức Tề đi ra, thở dài mà rằng:
– Quý hoá thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn!
Người nhà thấy thế, chạy về thưa rõ với nhà vua, nhà vua liền đuổi theo tìm hỏi chuyện đó. Có người báo rằng:
– Sư già đã đi xa rồi.
Nhà vua vội đi theo đến trại Quần Đội, huyện Cổ lôi, (tức huyện Lôi Dương ngày nay) thấy một cái thẻ tre, đề chữ rằng:
“Thiên đức thụ mệnh. Tuế trung tứ thập. Số chi dĩ định. Tích tai vị cập”. Nghĩa là: “Đức trời chịu mệnh. Tuổi giữa bốn mươi! Số kia đã định. Chưa tới … tiếc thay!”
Nhà vua thấy chữ đề mừng lắm, lại vội vàng đi theo. Khi ấy có rồng vàng che cho nhà vua! Bỗng nhà sư bảo nhà vua rằng:
– Tôi từ bên Lào xuống đây, họ Trịnh, tên là sư núi Đá trắng. Hôm thấy ông khí tượng khác thường tất có thể làm nên việc lớn!
Nhà vua quỳ xuống thưa rằng:
– Mạch đất ở miền đệ tử, tôi sang hèn ra thế nào xin thầy bảo rõ cho?
Nhà sư nói:
– Xứ Phật hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy Thiên Sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. Con trai sang không thể nói được nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc Trung Hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được năm trăm năm.
Nhà sư nói rồi, nhà vua liền đem di cốt đức Hoàng khảo táng vào chỗ ấy. Tới giờ Dần, về đến thôn Hạ Dao Xá nhà sư bèn hóa bay lên trời! Nhân lập chỗ ấy làm điện Du Tiên. Còn động Chiêu Nghi thì làm am nhỏ (tức là nơi một Phật hoàng). Đó là gốc của sự phát tích vậy.
Về sự việc này Lê Qúy Đôn có viết ngắn gọn trong “Đại Việt thông sử” rằng: “Khi vua làm phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát đế vương ở động Chiêu Nghi”.
Lê Lợi đưa thi hài của cha chôn vào đất này. Sau này khi Lê Lợi khởi binh chống lại quân Minh, nhưng bị một người chỉ điểm cho quân Minh biết ngôi mộ này, quân Minh sai người khai quật lên nhằm ép Lê Lợi đầu hàng.
Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lê Lợi sai 14 thuộc hạ thân tín là Trịnh Khả, Bùi Bị, Trương Lôi, Lê Nanh, Võ Uy, Bùi Quốc Hưng, Doãn Nỗ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Lê Xa Lôi, Trịnh Võ, Lưu Trung và Trần Dĩ đi đến doanh trại của giặc lấy lại hài cốt của cha mình. Những người này đội cỏ bơi xuôi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống, nhân lúc giặc Minh sơ hở đã lấy trộm lại được hài cốt. Lê Lợi bèn chôn lại như cũ.
Sau 10 năm nổi dậy chống quân Minh, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà hậu Lê. Kéo dài đến năm 1789. Sau này dù đến đời chúa nào, hay các cuộc khởi nghĩa nổ ra thì hầu hết đều mang danh “phò Lê” để danh chính ngôn thuận mà lấy lòng thiên hạ.
Hàm Rồng
Nằm ở phía nam sông Mã , Dãy núi Đông Sơn – Hàm Rồng bắt nguồn từ làng Dương Xá huyện Thiệu Hóa chạy men theo sông Mã uốn lượn thành 99 ngọn núi hình rồng. Phần cuối nhô lên một ngọn tựa như đầu rồng nên gọi là Hàm Rồng, ở đó có động Long Quang (mắt rồng), núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá nhô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long tị.
Núi Hàm Rồng linh thiêng của Thanh Hóa. (Ảnh qua namviettravel.com.vn)
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép địa thế nơi đây là: “núi này cao và đẹp trông ra sông Định Minh, lên cao trông xa thấy nước trời một màu sắc thật là giai cảnh”.
Từ đuôi Rồng đi lên, ngọn Ngũ Hoa Phong hình năm bông sen chụm chung một gốc cắm xuống đầm lầy. Ngọn Phù Thi Sơn trông giống một người phụ nữ đang nằm ngủ đầu gối vào thân rồng, núi mẹ, núi con tròn như quả trứng. Ngọn Tả Ao trông giống người đàn ông đang nằm vắt chân chữ ngũ, đầu quay về hướng Đông. Ở sát cạnh ngọn con Mèo đang trong tư thế rình mồi, núi Cánh Tiên có 3 ngọn vút lên cao tạo thành mỏm Ba Hiệu, rồi núi Con Cá, Con Phượng, núi Đồng Thông, núi Con Voi…
Tương truyền khi Cao Biền đi qua Hàm Rồng thấy đất nơi đây rất quý, có thể phát vương, liền đưa hài cốt của cha chôn vào huyệt Hàm Rồng mong sẽ phát vương ở phương nam. Thế nhưng xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không nhận, dù đã cố đưa vào nhưng vẫn bị đùn ra như thế.
Cao Biền biết đây là long mạch rất mạnh nên càng quý, vì thế mà quyết làm đến cùng, nên tán xương nhỏ để tung vào sườn núi. Nhưng vừa tung lên thì có muôn vàn con chim nhỏ cùng bay lên vỗ cánh vù vù làm xương cốt bay tứ tán. Cao Biền chỉ còn biết than linh khí nước Nam quá mạnh và linh thiêng, không thể cưỡng cầu.

2. Đất “đế vương dung thân”

Nếu Thanh Hóa được xem là vùng đất phát tích của vua chúa, thì Cao Bằng được xem là nơi đế vương dung thân, ẩn náu.
Thời nhà Mạc, khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc, Trạnh Trình đã đáp rằng: “Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời”.
Sơ đồ khu trung tâm của nhà Mạc ở Cao Bằng vùng Cao Bình – Nà Lữ. (Ảnh qua baocaobang.vn)

7 năm sau, vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long. Vua nhớ lời dặn của cụ Trạng, liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.
Từ đó Cao Bằng được xem là đất dung thân, ẩn náu của các bậc đế vương.
Xưa kia khi Cao Biền được lệnh trấn yểm các vùng đất quý của nước Việt, đã xây thành Đại La – tiền thân của thành Thăng Long ở Hà Nội sau này, và thành Nà Lữ ở Cao Bằng. Về sau người Việt đã tìm cách hóa giải cách trấn yểm của Cao Biền.
Đến nay di tích thành Nà Lữ vẫn còn ở làng Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng đã chiếm Nà Lữ và xây thành đá trên núi để phòng ngự.
Năm 1052 thủ lĩnh người Tráng (người Tày, Nùng) ở Cao Bằng là Nùng Trí Cao tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam và đưa quân sang tấn công bên đất Tống.
Đường tiến quân của Nùng Trí Cao tại Trung Hoa (Ảnh qua caobangpro.com)
Được sự ủng hộ giúp đỡ của người Thái, người Tày ở Quảng Tây, Nùng Trí Cao chiếm được rất nhiêu Châu bên đất Tống: Hoành châu, Quý châu, Cung châu, Tầm châu, Đằng châu, Ngô châu, Khang châu, Đoan châu, Ung Châu. Ông xưng Đế một phương. Sau này Nùng Trí Cao bị bại dưới tay danh tướng nhà Tống là Địch Thanh.
Mặc dù Nùng Trí Cao chỉ được xem là đế vương của người dân tộc Tày – Nùng, nổi lên đòi tự trị giữa Đại Tống và Đại Cồ Việt thời nhà Lý, nhưng dẫu sao đi nữa, ông cũng là một minh chứng cho sự linh thiêng của vùng đất Cao Bằng.
Núi Mắt Thần. Ảnh dẫn qua dulichcaobang.vn
Thác Nặm Trá cách núi “Mắt thần” khoảng 600 m
Đến nay, Cao Bằng được xem là nơi “tụ khí tàng phong” rất tốt đẹp với nhiều danh lam thắng như thác Bản Giốc, thác Nặm Trá, núi Mắt Thần, tạo ra nhiều sinh khí cho vùng đất này.
Trần Hưng - trithucvn
spacer

Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông

Theo lịch sử ghi lại thì cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu mang theo mối hận với vua, trước khi chết đã trăn trối với con rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”
Điều này Vua và Hoàng thân quốc thích nhà Trần đều biết rõ, nhưng vì sao nhà Vua vẫn quyết định phong cho Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế – Tổng chỉ huy quân đội đánh quân Nguyên Mông? Điều này không thấy trả lời rõ trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng được nói rõ trong cuốn “Đông A di sự” của Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán. “Đông A di sự” là một bộ sử được coi là đúng nhất nói về các chuyện trong hoàng cung nhà Trần, vì nó do những người trong hoàng cung ghi chép lại.

Câu chuyện mối hiềm khích trong nhà Trần

Trong lịch sử triều đại nhà Trần vào giai đoạn đầu, người nắm thực quyền không phải là Vua, mà là Thái Sư Trần Thủ Độ, người có công lớn nhất đối với nhà Trần khi ép nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh mới 8 tuổi, từ đó lập ra nhà Trần. Quyền lực thực chất nằm trong tay Trần Thủ Độ cho đến khi ông mất vào năm 1264.
Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, phong hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng là Chiêu Thánh hoàng hậu, năm 15 tuổi sinh hoàng tử Trần Trịnh nhưng không may chết yểu, sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh không thể mang thai lại được nữa.
Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”
Năm 1237 vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất nhà Trần lo lắng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của Vua Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang có thai 3 tháng.
Trần Thủ Độ liền ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép Vua phải lấy chị dâu đang mang thai. Sự việc này khiến nhà Vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt không tuân thủ theo.
Nửa đêm nhà Vua cùng hai cận thần trốn nên núi Yên Tử, gặp Quốc Sư Phù Vân là bạn của mình ngỏ ý muốn nương nhờ cửa Phật, Quốc Sư trả lời rằng: “Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta”.
Lúc này Trần Thủ Độ dẫn quân tìm Vua và cuối cùng gặp được nhà Vua trên núi Yên Tử, nhà Vua nhất quyết không chịu trở về cung. Trần Thủ Đội nói rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi ra lệnh xây ngay cung điện trên núi nơi Vua ở.
Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy, vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.
Trần Liễu uất ức vì bị mất vợ, nhân lúc Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua liền đem quân của mình đến đánh chiếm kinh thành. Thế nhưng Trần Thủ Độ khi dẫn quân đi tìm Vua đã đề phòng có biến, nên dặn dò sắp đặt trước mọi việc cho các tướng lĩnh giữ thành. Vì thế quân Trần Liễu chưa kịp tới kinh thành thì đã bị bao vây.
Không đủ sức chống lại quân Triều Đình, Trần Liễu bỏ chạy, biết rằng khó thoát tội chết, lại nghĩ rằng bây giờ chỉ có em mình là vua Trần Thái Tông mới cứu được mình, liền hẹn vua ở sông Cái, rồi Trần Liễu đem thân đầu hàng trước Vua. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, nhà Vua đem thân mình che chở bảo vệ cho anh mình khiến cho Trần Thủ Độ không làm gì được.
Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông và nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?”.
Trần Liễu được tha nhưng quân tướng đi theo ông thì bị xử tội chết hết cả. Sau sự việc này anh em Trần Liễu và Trần Cảnh đã xóa hiềm khích. Tuy nhiên Trần Liễu vẫn dấu mối hận trong lòng, nhất là vợ mình là Thuận Thiên khi trở thành vợ vua ngoài sinh được Trần Quốc Khang còn sinh ra Trần Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc.
Trần Liễu có đứa con thứ ba là Trần Quốc Tuấn rất khôi ngô tuấn tú, Trần Liễu hy vọng đứa con này sau này có thể rửa mối hận cho mình, vì thế ông từ sớm đã đưa Quốc Tuấn đến thành Thanh Long ăn học ở nhà em gái mình là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Quốc Tuấn, nhờ đó ngay từ thời trẻ Trần Quốc Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp.
Trước khi qua đời Trần Liễu trăn trối với Trần Quốc Tuấn rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Trước khi 50 vạn đại quân Nguyên Mông sang xâm lược đại Việt lần thứ 2, rất nhiều binh lính và tôn thất nhà Trần dao động, không biết nên đánh hay hòa. Nhưng lúc này vua Trần lại quyết định trao chức vụ quan trọng Quốc Công Tiết chết (tức tổng chỉ huy quân đội) cho Trần Quốc Tuấn. Vì đâu vua Trần có được niềm tin này?
Trần Quốc Tuấn (Tranh minh họa)
Việc trao binh quyền cho Trần Quốc Tuấn bắt đầu từ câu chuyện dưới đây:

Câu chuyện đánh cuộc tử vi nổi tiếng nhà Trần

Nước Tống có một vị quan đậu đến tiến sĩ, rất thông tỏ thiên văn, tử vi là Hoàng Bính, khi quân Nguyên Mông sang đánh Tống, ông hiểu rằng nhà Tống đã hết thời, tử vi nhiều quốc thích dòng tộc nhà Tống rất xấu, lại chết cùng năm. Nhìn về phương nam thấy nơi ấy sáng tỏ tất có thể cư ngụ.
Tháng giêng năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 2.000 người đến Đại Việt xin được lập nghiệp. Vua Thái Tông được tin liền cho đưa về kinh. Cảm nhận thấy vua cùng các đại thần vẫn còn nghi ngại về mình. Hoàng Bính lấy tay chỉ lên trời mà rằng: “Trời Nam… linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”.
Lại nói Hoàng Bính có cô con gái út mới 16 tuổi tên là Hoàng Chu Linh hết sức tài giỏi, thông hiểu tử vi, học một hiểu mười. Trở về kinh thành, được biết Hoàng Bính rất giỏi tử vi, nhiều người muốn ông xem, nhưng Hoàng Bính lại để con gái của mình là Chu Linh xem cho mọi người.
Chu Linh xem cho mọi người đều vô cùng chuẩn xác, khiến ai cũng khâm phục. Lúc này Thái Sư Trần Thủ Độ mới tìm cách thử tài Chu Linh, câu chuyện này được ghi chép trong Đông A Di Sự.
Chu Linh (Ảnh minh họa)
Nhà Vua chỉ vào Trần Thủ Độ nói: “Hoàng cô nương! Đây là lão Vũ Thủy. Lão vốn cùng quê với quả nhân. Vì lão có tài trồng hoa, nên quả nhân trao cho lão coi vườn Thượng uyển. Xin cô nương coi dùm xem lão còn sống được mấy năm nữa!”
Sau khi hỏi ngày giờ sinh rồi bấm tay, Chu Linh nói: “À! Lão tiên sinh đùa tiểu nữ đây! Đến đấng chí tôn cũng thử tiểu nữ nữa”. Nàng nói bằng giọng nũng nịu, khiến cử tọa đều rung động.
Chu Linh đoán: “Cứ như tướng tiên sinh: Dáng đi như con diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn… Thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người, mà trên vạn vạn người. Còn số Tử vi, để tiểu nữ tính xem.”
Lúc này Hoàng Bính mới xen vào câu chuyện cùng Trần Thủ Độ đánh cuộc, nếu Chu Linh đoán đúng hết thân thế sự nghiệp thì Trần Thủ Độ phải thực hiện 3 yêu cầu của Chu Linh; còn ngược lại đoán không đúng thì Hoàng Bính cùng toàn bộ gia tộc trở về tộc.
Triều đình giật mình, vì không ngờ Hoàng Bính dám đánh cuộc lớn quá như vậy. Nhà Vua định bảo Thủ Độ bỏ cuộc, nhưng Trần Thủ Độ đồng ý đánh cuộc.
Sau một lúc bấm ngón tay, Chu Linh nói:
“Mệnh của tiên sinh lập tại Dần, Tử, Phủ thủ mệnh. Tử vi, Thiên phủ đều là đế tinh. Vì vậy tiên sinh thuộc loại mệnh cực lớn. Tiên sinh sinh ra đúng thời, là người tạo ra thời thế. Tất cả thăng trầm của Đại Việt trong vòng 50 năm qua, đều do một tay tiên sinh nắn bóp thành voi, thành hổ, tùy ý.
Tiên sinh tuổi Dần, mệnh lập tại Dần, thì trong người có đến hai ông kễnh thủ mệnh, lại thêm sao Thiên hình phù trì. Tử vi kinh nói: Hình hổ cư Dần, hổ đới kiếm hùng, tương phùng đế cách, ư Giáp Kỷ nhân, uy vũ trấn động. Nghĩa là: Người có Thiên hình, với Bạch hổ, hay tuổi Dần, là cách hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi Giáp, tuổi Kỷ, uy vũ trấn động. Có điều tiên sinh được Lộc tồn thủ mệnh, Hóa lộc cư quan, là cách song lộc, thì là người chuyên quyền.
Cung thê của tiên sinh có Phá quân, ngộ Hóa quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.
Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!
Hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ.Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bẩy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!
Cung quan của tiên sinh có Liêm trinh, Thiên tướng, thì tiên sinh là người võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên không, nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng… dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.”
Lúc này Hoàng Bính hỏi Thủ Độ: “Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ”.
Nhà vua tuyên chỉ: “Thái sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy Thái sư phải làm cho cô nương ba điều đi thôi.”
Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là mong toàn thể gia đình được ở Đại Việt, 2 điều ước còn lại sẽ nói sau.
Lúc này Hoàng Bính mới quỳ trước Vua và nói rằng: Chuyến về Thăng long này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu Linh là Huệ Túc phu nhân.

Người phụ nữ củng cố tinh thần kháng Nguyên và giúp Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm Quốc Công Tiết Chế

Năm 1285 khi 50 vạn quân Nguyên Mông chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, nhiều người lo lắng, một số tôn thất bàn nên hàng giặc như Trần Nhật Hạo, Trần Di Ái.
Huệ Túc Phu Nhân lúc này thấy lá số của nhiều tôn thất trong Hoàng tộc đều rất vẻ vang, nhiều người là anh hùng, bèn khuyên nhà Vua nên quyết tâm chống giặc.
Bà cũng thấy rõ Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ lưu lại thiên thu, nên dù cho mâu thuẫn gia tộc bà cũng khuyên nhà vua nên giao chức Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn.
Huệ Túc Phu Nhân tâu với Vua rằng: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của Trần Ích Tắc, tuy thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi…”
Trần Ích Tắc (Tranh minh họa)
Huệ Túc Phu Nhân cũng thấy rõ lá số của Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, tấm lòng sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, tuyệt đối không thể làm phản nên hết lòng tiến cử Quốc Tuấn, và nhà Vua đã tin tưởng nghe theo lời bà mặc cho có lời bàn tán.
Nhờ đó, Trần Quốc Tuấn được cất nhắc thành Quốc Công Tiết Chế, tổng chỉ huy quân đội. Khi 50 vạn quân Nguyên tiến sang, phía nam Toa Đô dẫn 20 vạn quân đánh ngược lên, người giữ thành Nghệ An là Trần Kiện cùng toàn bộ gia quyến đã đưa toàn quân đầu hàng giặc. Quân giặc từ hai hướng Bắc Nam như hai gọng kìm siết chặt, Đại Việt rối bời.
Lúc này nhiều người nói với Trần Quốc Tuấn rằng đây là cơ hội tốt nhất để trả thù cho cha. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn bỏ ngoài tai hết, kể cả những lời nhắc nhở của con trai và người thân khác về thù nhà. Ông dốc lòng đem tài thao lược của mình với kế sách “vườn không nhà trống”, “dùng đoản binh phá trường trận”, từng bước lấy lại thế trận đánh bại 50 vạn đại quân Nguyên Mông, giữ vững giang sơn xã tắc nước Đại Việt.
Nếu như không có lời tiến cử của Huệ Túc Phu Nhân, không có lòng trung trinh của Trần Quốc Tuấn, thì có lẽ lịch sử Đại Việt đã thay đổi.
Trần Hưng - Trithucvn
spacer

Viêm phương Trần tộc Lưu phả: Trần Quốc Toản không hề tử trận

Trần Quốc Toản được nhiều người biết đến với câu chuyện bóp nát quả cam khi không được dự hội nghị Bình Than vì còn ít tuổi. Sau này, ông nổi tiếng với đội quân mang lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”. Nhiều sách sử cho rằng Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, nhưng gia phả hậu duệ nhà Trần cùng cuốn “Đông A di sự” lại có những chi tiết cho thấy Trần Quốc Toản sống rất thọ.
Sau khi không được tham dự hội nghị Bình Than, Trần Quốc Toản đã tập hợp gia nô hơn 1.000 người thành một đội quân chống lại quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1288. Đội quân của ông nổi tiếng trong lịch sử với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng)
Cũng theo sử sách thì Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, để lại nhiều tiếc nuối cho Đại Việt. Nhưng chi tiết về cái chết của Trần Quốc Toản thì rất sơ sài, mỗi sách lại ghi chép một khác, thậm chí năm mất cũng không nhất quán. Bên cạnh đó, còn có tư liệu cho thấy Trần Quốc Toản hoàn toàn không bị tử trận mà vẫn sống cho đến tận lúc già.

Thân thế

Theo ghi chép thì Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh. Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
Sau khi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm 1258), vua Trần lo rằng một khi quân Nguyên thắng được Tống thì sẽ rộng đường tiếp tục tiến đánh Đại Việt, nên cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng sang giúp nhà Tống.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. Trong đó trận đánh ở thành Điếu Ngư có xuất hiện trong bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. (Tranh minh họa)

Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất Tống năm 1267, nên có quen biết rất nhiều bạn bè là Hoàng tộc nhà Tống.
Năm 1279, nhà Tống bị quân Nguyên Mông đánh bại hoàn toàn. Trần Quốc Toản trở về nước. Một số quân Tống cũng chạy sang lánh nạn ở Đại Việt, trong đó có hoàng tử Triệu Trung.
Hoàng tử Triệu Trung và em gái là công chúa Triệu Hoa sau khi dẫn tàn quân sang Đại Việt đã nương thân dưới trướng của Trần Nhật Duật. Họ tham gia cùng quân Đại Việt chống lại quân Nguyên Mông. Quân của Trần Quốc Toản sau này cũng đặt dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Duật.
Trần Quốc Toản xung trận (Tranh minh họa)

Trần Quốc Toản thuở nhỏ ở Tống nên cũng quen biết với Triệu Trung, nay lại cùng dưới trướng của Trần Nhật Duật. Bên cạnh đó, Trần Quốc Toản rất thân thiết với công chúa Triệu Hoa, một con người tài hoa và vô cùng xinh đẹp. Hai người cảm mến yêu thương nhau và đã nên nghĩa vợ chồng sau này.


Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản

Một số sách sử có ghi chép về cái chết của Trần Quốc Toản nhưng không chi tiết. Cuốn “Việt sử kỷ yếu” chép rằng: “Khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực, quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống trả kịch liệt. Trần Quốc Toản bị thương trong trận đánh này và qua đời ngày 2/2 âm lịch, khi mới 18 tuổi”.
Cũng có sách lại cho rằng Trần Quốc Toản tử trận trong trận đánh tại sông Như Nguyệt vào tháng 5 năm Ất Dậu (1285). Sách sử của nhà Nguyên là “Kinh thế đại điển tự lục” có ghi chép rằng: “Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đuổi thì bị giết”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng)
Sách Đại việt sử ký toàn thư thì ghi lại rất ngắn gọn: “Đến khi Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”.
Trong khi đó, các sách sử khác của Việt Nam như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án và các quyển sử soạn gần đây như Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đều không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Một số tư liệu lại cho thấy Trần Quốc Toản không tử trận

Theo gia phả hậu duệ nhà Trần thì Trần Quốc Toản không chết trận. Khi nhà Nguyên sa sút, rất nhiều cuộc khởi nghĩa người Hán nổ ra để đánh đuổi nhà Nguyên, vợ chồng Trần Quốc Toản cùng trở về phương Bắc khởi binh khôi phục nhà Tống.
Sau này trong cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống lại nhà Nguyên của Trần Hữu Lượng, có rất nhiều người là con cháu hậu duệ của vợ chồng Trần Quốc Toản tham gia.
Cuốn gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản là “Viêm phương Trần tộc Lưu phả” có ghi lại rằng: Vợ của Trần Quốc Toản là công chúa cuối cùng của triều đại nhà Tống, tức Triệu Ngọc Hoa. Ngoài ra, gia phả cũng nói rõ Trần Quốc Toản sống rất thọ chứ không hề tử trận.
Một cuốn sách khác là “Đông a di sự” có chi tiết về Trần Quốc Toản trong sự kiện của Đoàn Nhữ Hài tóm lược như sau:
Tháng tư niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), nội cung nhà Trần phát hiện ra chuyện tình giữa quan Xử Mật Viện trong cung là Đoàn Nhữ Hài cùng cung nữ Giao Châu. Theo đó cả hai bị khép vào tội chết. Tuy nhiên nhờ có sự có mặt kịp thời của Huệ Túc Phu Nhân mà cung nữ Giao Châu được cứu. Còn Đoàn Nhữ Hài làm Xử Mật Viện là người của họ Đông A nên giao cho Thân Vương xử. Theo lệ nhà Trần thì các Thân Vương đều về ấp ở, mỗi tháng chỉ cần một vị ở triều đại diện cho các Thân Vương. Vị Thân Vương đại diện tháng 4 năm ấy lại chính là Trần Quốc Toản.
Vụ việc của Đoàn Nhữ Hài khiến vua Anh Tông rất khó xử, vì hình pháp đã định, bản thân Vua Anh Tông cũng không có cách nào. (Ảnh minh họa)
“Đông A di sự” chép rằng:
Tháng tư đến lượt Trấn bắc đại tướng quân Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Hầu kính cẩn thưa: “Thánh đức của Thái Tôn nhà ta nên giữ lấy. Thần xin tác hợp cho Đoàn tiên sinh và Giao Châu”.
Như vậy nếu theo “Đông A di sự” thì cho đến năm 1299, cách cuộc chiến chống quân Nguyên Mông cuối cùng (1287-1288) đã rất xa, Trần Quốc Toản vẫn còn sống.
Một số nhà nghiên cứu họ Trần vẫn tin vào cuốn “Đông A di sự” do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư và Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút, bởi đây là cuốn sách do người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại chân thực chi tiết tất cả những sự việc liên quan đến triều đại nhà Trần.
Cũng có giả định suy đoán rằng Trần Quốc Toản bị thương trong chiến trận rồi mất tích chứ không tử trận. Âu giả thiết này có thể giải thích cho những ghi chép không nhất quán trong lịch sử về người anh hùng với lá cờ thêu sáu chữ vàng – Trần Quốc Toản.
Trần Hưng.
spacer
do