Trần Quốc Toản được nhiều người biết đến với câu chuyện bóp nát quả cam khi không được dự hội nghị Bình Than vì còn ít tuổi. Sau này, ông nổi tiếng với đội quân mang lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”. Nhiều sách sử cho rằng Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, nhưng gia phả hậu duệ nhà Trần cùng cuốn “Đông A di sự” lại có những chi tiết cho thấy Trần Quốc Toản sống rất thọ.
Sau khi không được tham dự hội nghị Bình Than, Trần Quốc Toản đã tập hợp gia nô hơn 1.000 người thành một đội quân chống lại quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1288. Đội quân của ông nổi tiếng trong lịch sử với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng) |
Cũng theo sử sách thì Trần Quốc Toản đã tử trận trong cuộc giao chiến với quân Nguyên, để lại nhiều tiếc nuối cho Đại Việt. Nhưng chi tiết về cái chết của Trần Quốc Toản thì rất sơ sài, mỗi sách lại ghi chép một khác, thậm chí năm mất cũng không nhất quán. Bên cạnh đó, còn có tư liệu cho thấy Trần Quốc Toản hoàn toàn không bị tử trận mà vẫn sống cho đến tận lúc già.
Thân thế
Theo ghi chép thì Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh. Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
Sau khi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm 1258), vua Trần lo rằng một khi quân Nguyên thắng được Tống thì sẽ rộng đường tiếp tục tiến đánh Đại Việt, nên cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng sang giúp nhà Tống.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. Trong đó trận đánh ở thành Điếu Ngư có xuất hiện trong bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Các trận đánh nổi tiếng của quân Tống chống lại quân Nguyên ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. (Tranh minh họa) |
Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất Tống năm 1267, nên có quen biết rất nhiều bạn bè là Hoàng tộc nhà Tống.
Năm 1279, nhà Tống bị quân Nguyên Mông đánh bại hoàn toàn. Trần Quốc Toản trở về nước. Một số quân Tống cũng chạy sang lánh nạn ở Đại Việt, trong đó có hoàng tử Triệu Trung.
Hoàng tử Triệu Trung và em gái là công chúa Triệu Hoa sau khi dẫn tàn quân sang Đại Việt đã nương thân dưới trướng của Trần Nhật Duật. Họ tham gia cùng quân Đại Việt chống lại quân Nguyên Mông. Quân của Trần Quốc Toản sau này cũng đặt dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Duật.
Trần Quốc Toản thuở nhỏ ở Tống nên cũng quen biết với Triệu Trung, nay lại cùng dưới trướng của Trần Nhật Duật. Bên cạnh đó, Trần Quốc Toản rất thân thiết với công chúa Triệu Hoa, một con người tài hoa và vô cùng xinh đẹp. Hai người cảm mến yêu thương nhau và đã nên nghĩa vợ chồng sau này.
Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản
Một số sách sử có ghi chép về cái chết của Trần Quốc Toản nhưng không chi tiết. Cuốn “Việt sử kỷ yếu” chép rằng: “Khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực, quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống trả kịch liệt. Trần Quốc Toản bị thương trong trận đánh này và qua đời ngày 2/2 âm lịch, khi mới 18 tuổi”.
Cũng có sách lại cho rằng Trần Quốc Toản tử trận trong trận đánh tại sông Như Nguyệt vào tháng 5 năm Ất Dậu (1285). Sách sử của nhà Nguyên là “Kinh thế đại điển tự lục” có ghi chép rằng: “Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đuổi thì bị giết”.
(Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của NXB Kim Đồng) |
Sách Đại việt sử ký toàn thư thì ghi lại rất ngắn gọn: “Đến khi Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”.
Trong khi đó, các sách sử khác của Việt Nam như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án và các quyển sử soạn gần đây như Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đều không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.
Một số tư liệu lại cho thấy Trần Quốc Toản không tử trận
Theo gia phả hậu duệ nhà Trần thì Trần Quốc Toản không chết trận. Khi nhà Nguyên sa sút, rất nhiều cuộc khởi nghĩa người Hán nổ ra để đánh đuổi nhà Nguyên, vợ chồng Trần Quốc Toản cùng trở về phương Bắc khởi binh khôi phục nhà Tống.
Sau này trong cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống lại nhà Nguyên của Trần Hữu Lượng, có rất nhiều người là con cháu hậu duệ của vợ chồng Trần Quốc Toản tham gia.
Cuốn gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản là “Viêm phương Trần tộc Lưu phả” có ghi lại rằng: Vợ của Trần Quốc Toản là công chúa cuối cùng của triều đại nhà Tống, tức Triệu Ngọc Hoa. Ngoài ra, gia phả cũng nói rõ Trần Quốc Toản sống rất thọ chứ không hề tử trận.
Một cuốn sách khác là “Đông a di sự” có chi tiết về Trần Quốc Toản trong sự kiện của Đoàn Nhữ Hài tóm lược như sau:
Tháng tư niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), nội cung nhà Trần phát hiện ra chuyện tình giữa quan Xử Mật Viện trong cung là Đoàn Nhữ Hài cùng cung nữ Giao Châu. Theo đó cả hai bị khép vào tội chết. Tuy nhiên nhờ có sự có mặt kịp thời của Huệ Túc Phu Nhân mà cung nữ Giao Châu được cứu. Còn Đoàn Nhữ Hài làm Xử Mật Viện là người của họ Đông A nên giao cho Thân Vương xử. Theo lệ nhà Trần thì các Thân Vương đều về ấp ở, mỗi tháng chỉ cần một vị ở triều đại diện cho các Thân Vương. Vị Thân Vương đại diện tháng 4 năm ấy lại chính là Trần Quốc Toản.
Vụ việc của Đoàn Nhữ Hài khiến vua Anh Tông rất khó xử, vì hình pháp đã định, bản thân Vua Anh Tông cũng không có cách nào. (Ảnh minh họa) |
“Đông A di sự” chép rằng:
Tháng tư đến lượt Trấn bắc đại tướng quân Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Hầu kính cẩn thưa: “Thánh đức của Thái Tôn nhà ta nên giữ lấy. Thần xin tác hợp cho Đoàn tiên sinh và Giao Châu”.
Như vậy nếu theo “Đông A di sự” thì cho đến năm 1299, cách cuộc chiến chống quân Nguyên Mông cuối cùng (1287-1288) đã rất xa, Trần Quốc Toản vẫn còn sống.
Một số nhà nghiên cứu họ Trần vẫn tin vào cuốn “Đông A di sự” do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư và Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút, bởi đây là cuốn sách do người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại chân thực chi tiết tất cả những sự việc liên quan đến triều đại nhà Trần.
Cũng có giả định suy đoán rằng Trần Quốc Toản bị thương trong chiến trận rồi mất tích chứ không tử trận. Âu giả thiết này có thể giải thích cho những ghi chép không nhất quán trong lịch sử về người anh hùng với lá cờ thêu sáu chữ vàng – Trần Quốc Toản.
Trần Hưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét