LĂNG BA VÀNH DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA LÝ PHONG THUỶ (tư liệu)

LĂNG BA VÀNH DƯỚI GÓC NHÌN
ĐỊA LÝ PHONG THUỶ
(Tư liệu phong thủy)

Người xưa khi lo việc âm phần, từ vua quan đến dân chúng thường tin vào thuật phong thủy. Biết thì tự thân tầm long điểm huyệt. Không biết thì nhờ thầy địa lý coi tuổi coi giờ, mang la kinh đi xem đất nhắm hướng. Lăng Ba Vành là lăng cổ, lớn hơn lăng các chúa Nguyễn thì khi xây lăng phải có thầy địa lý cố vấn . Khi đã đặt giả thuyết lăng Ba Vành là Đan Dương Lăng thì chúng tôi buộc phải nghiên cứu cuộc đất ở vùng núi Châu Chữ, tức núi Kim Sơn, dưới góc độ phong thủy học.Nếu địa cuộc của lăng Ba Vành thuộc đại cát địa của đế vương thì không một gia đình quan lại nào dám đặt mộ công khai ở đây, trừ khi bí mật chôn cất thân nhân. Nếu thầy địa lý biết địa cuộc này phát đế thì phải báo cho triều đình hoặc im lặng và không bày cho người khác.

Để tiện trình bày lăng Ba Vành dưới góc nhìn địa lý phong thủy, chúng tôi tạm gọi vùng đồi núi có lăng Ba Vành, có núi Kim Sơn (núi Châu Chữ) , có  thôn Kim Sơn của làng Cư Chánh là địa cuộc Kim Sơn.
          
Trong phần này , chúng tôi sẽ phân tích địa cuộc Kim Sơn trên cơ sở địa lý phong thủy cổ, đồng thời trình bày vài sự kiện lịch sử có liên quan địa cuộc này. Nhìn chung địa cuộc Kim Sơn là một đại cát địa, mà các địa lý gia ở thế kỷ 18, 19, 20 của chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều vua  Nguyễn từng chú ý. Dân thường thời phong kiến không dám vào địa cuộc  này để an táng thân nhân. Chỉ sau khi triều Tây Sơn sụp đổ , triều Nguyễn hết vua  thì dân thường mới vào địa cuộc Kim Sơn để an táng thân nhân . Thế nhưng cho đến nay cũng tìm thấy rất ít mồ mả nơi đây. Địa cuộc Kim Sơn trở thành địa danh lịch sử với sự kiện gia đình thế tử Nguyễn Phúc Luân dựng mộ của ngài , thứ đến là việc triều Tây Sơn dựng lăng bà Tả Cung họ Phạm, rồi xây dựng  Đan Dương Lăng, tiếp theo là việc sửa mộ mẹ quá phép của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, sau đó là triều Nguyễn dựng Xương Lăng, lăng đức Lệnh Phi, lăng đức Từ Dũ… Không có sự kiện quật phá Đan Dương Lăng ở địa cuộc Kim Sơn thì vùng Kim Sơn không thể là nơi xảy ra một số bi kịch của những đại quan triều Nguyễn khi họ đưa thân nhân vào an táng ở  đất cấm Kim Sơn của triều Nguyễn.

Vì tranh biện một vấn đề khoa học đã lâu, dần dần các nhà nghiên cứu tìm kiếm Đan Dương Lăng đã dựa vào chính sử để chỉ ra những tiêu chí nhất định, một trong những tiêu chí là lăng ấy phải ở vùng “ Hương giang chi nam” của Phú Xuân.

1/“ Hương giang chi nam” : 

   Nam sông Hương là vùng đất  mà thư tịch cổ viết bằng chữ Hán, như Đại Nam Nhất Thống Chí hay nguyên chú một số bài thơ cổ, thường được nhắc đến với cụm từ  “Hương Giang chi nam”. Nam sông Hương  là vùng đồi , núi, bán sơn địa, có nương rẫy,  ruộng lúa nước …nằm phía bờ nam của sông Hương. Tính từ ngã ba Tuần cho đến Đập Đá thì vùng Nam sông Hương là vùng giới hạn từ vĩ độ N 16014’ đến N16021’, kinh độ 1070 30’ E đến 1070 35’ E. Vùng này lấy sông Hương làm giới hạn về phía tây và sông Hương   không chảy thẳng mà chảy quanh co như sau:
-Từ cầu Tuần đến cửa khe Châu Ê thì theo hướng Nam-Bắc;
-Từ cửa khe Châu Ê đến cửa Khe Li thì theo hướng Đông Nam-Tây Bắc
( nghiêng bắc 300).
-Từ cửa Khe Li đến bãi Lương Quán thì theo hướng Đông Nam-Tây Bắc
( nghiêng bắc 600 ).
-Từ bãi Lương Quán đến Đập Đá thì theo hướng Tây Nam-Đông Bắc
( nghiêng bắc 600).

phong thủy
Ảnh A: Bản đồ vùng NAM SÔNG HƯƠNG.Phần tô màu đỏ, phía phải sông Hương , có hồ Thủy Tiên được tô màu xanh là cuộc “BÀN LOCỐMẪU”. Nếu kể luôn phần tô màu đỏ , bên trái sông , có núi Ngọc Trản thì người Huế xưa gọi là  “ NGỌC TRẢN PHONG ĐẦU”

  Do sông Hương đổi hướng đột ngột ở bãi Lương Quán nên có thể hình dung  vùng hữu ngạn (coi là phía bờ nam của sông ), bị sông Hương  “khuỳnh tay” kẹp nó và phần bị kẹp chính là  “ vùng nam sông Hương”( tức Hương Giang chi nam) vậy.
          Đại Nam nhất thống chí đã dùng cụm từ  “ Hương Giang chi nam” để định vị cho một số công trình kiến trúc hoặc gò đồi khi viết :
- SÔNG THIÊN LỘC : Ở phía bắc huyện Hương Thuỷ, cửa sông ở phía đông nam xã Thiên Lộc, về bờ nam sông Hương, chảy khuất khúc…( sđ d . tr. 143).
- XƯỞNG THUYỀN: Gồm 255 sở ở bờ phía nam sông Hương ngoài Kinh thành…(sđ d. tr. 71
- ĐÌNH LONG THỌ CƯƠNG: Ở xã Nguyệt Biều thuộc huyện Hương Thuỷ , gò gối bờ phía nam sông Hương, đối diện với núi Thiên Mụ ở bên kia sông, trước gọi là kho Thọ Khang Thượng…( sđ d. tr. 85).

dia ly phong thuy
Ảnh BẢnh chụp vệ tinh vùng Nam sông Hương ( tác giả xin chú thích vùng núi non Hòn Chén).

Một bằng chứng về vùng Nam sông Hương khá rộng , đã giới hạn như trên , là sau 1975 ở Thừa Thiên- Huế chính quyền đã tổ chức đào đắp một “công trình thuỷ lợi Nam sông Hương” lấy nước sông Hương , gần khe Châu Ê dẫn  về vùng ruộng đồng huyện Hương Thuỷ. Mà khe Châu Ê ở về phía nam núi Châu Chữ ( Kim Sơn)  , lăng Ba Vành ở về phía bắc núi Châu Chữ và  cả hai đều ở bờ nam của sông Hương. Vậy thôn Kim Sơn dưới chân núi Châu Chữ (núi Kim Sơn) cũng như lăng Ba Vành thuộc về vùng Nam Sông Hương.
Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện cho biết lăng vua Quang Trung được “táng vu Hương Giang chi nam”.
Thế thì Lăng Ba Vành ở vào vùng “ Hương Giang chi nam” là thỏa tiêu chí định vị Đan Dương lăng  của sử quan thuộc Quốc Sử Quán triều Nguyễn.
2/Về  “ Trục chính nam kinh thành”do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân  xác lập:
Để tìm một trong các tiêu chí định vị Đan Dương lăng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng viết về trục chính nam kinh thành Phú Xuân của các vua triều Nguyễn như sau : “ Khảo sát trên thực địa , nhận thấy tất cả những địa điểm trước Kinh thành được xếp ở phía chính nam ngoài Kinh thành đều nằm trên hoặc hai bên đường trục nối liền hai điểm Phu Văn Lâu và đàn Nam Giao”(sđ d . tr . 48) . Khi xác lập trục chính nam của Kinh thành Phú Xuân , nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt giả thuyết: “X [Đan Dương lăng] nằm ở vị trí “ phía nam sông Hương , cũng có thể xem gần với hướng “ phia nam Kinh thành” – Vì thế tôi đặt giả thiết ( xin nhấn mạnh là giả thiết) X cũng nằm gần trục Phu Văn Lâu – đàn Nam Giao”(sđd. tr. 47).
Phu Văn Lâu và Đàn Nam Giao là hai điểm mốc để xác định “Trục chính nam kinh thành” , tất nhiên trục này có thể vượt Đàn Nam Giao , kéo dài hết vùng Nam Sông Hương . Khi đưa ra tiêu chí này , nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hình như chỉ thấy đám đất trũng giữa chùa Thiền Lâm và Cồn Bông Sứ là thỏa tiêu chí vừa nêu . Một điều bất ngờ thú vị đó là chùa Thiền Lâm-cồn Bông Sứ, nơi có “ ĐAN DƯƠNG LĂNG” theo giả thuyết Nguyễn Đắc Xuân,  và Lăng Ba Vành cùng nằm trên hoặc sát gần trục chính nam Kinh thành Phú Xuân thời vua Nguyễn.
Như thế Lăng Ba Vành cũng thỏa tiêu chí về “đường trục Phu Văn Lâu-Đàn Nam Giao” mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt ra khi xây dựng công trình nghiên cứu của ông và phản biện những giả thuyết khác về lăng mộ vua Quang Trung.
Không những đưa ra trục chính nam kinh thành, trong bài viết gần đây trên tạp chí Huế Xưa & Nay , nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có một tiêu chí nữa cho Đan Dương Lăng : lăng vua Quang Trung phải gần sông Hương.  Chúng tôi cũng có một nhận định nữa: Lăng Ba Vành gần sông Hương hơn Chùa Thiền Lâm – Cồn Bông Sứ trên gò Bình An. Quí độc giả chỉ cần xem bản đồ vùng Nam sông Hương thì rõ điều nhận định này.

3/Lăng Ba Vành thỏa tiêu chí định vị của Lê Triệu và Ngô Thì Hoành , những người từng làm thơ về mộ vua Quang Trung:

a/ Khuân Sơn hay Kim Sơn ?

Trong bài : “ Kiến Quang Trung linh cửu” , nhà thơ Lê Triệu viết:
                                “ KHUÂN SƠN” họa tại bách niên phần.
Chỉ một cái tên “ KHUÂN SƠN” theo cách đọc của hai nhà nghiên cứu Hương Phi và Hồng Nao mà ở Huế phải tổ chức hội thảo khoa học vào đầu năm Bính Tuất[2006] về lăng mộ vua Quang Trung. Trong hội thảo có nhà nghiên cứu đọc
“Ngụy Sơn”, “ Kim Sơn” . Khuân Sơn thì chắc chắn chỉ núi Thương Sơn, Kim Sơn là chỉ núi Châu Chữ . Dưới chân núi Châu Chữ có làng Kim Sơn, thành lập khoảng 200 năm. Dân sở tại cho biết những dòng họ cố cựu ở đây khoảng 6 đời.  Khuân Sơn hay Kim Sơn thì không thể là “ Bình An Cương” , nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định có Đan Dương lăng . Sơn và Cương không thể đồng nhất được. Lăng Ba Vành nhận Kim Sơn làm thế hậu chẩm và  làm thế tả long gần, lấy Thương Sơn ( tức Khuân Sơn) làm thế tả long xa, cho nên nhà thơ Lê Triệu nghĩ về sơn lăng của vua Quang Trung thì liên tưởng những núi ấy, chứ nghĩ đến gò Dương Xuân thì chắc chắn nhà thơ không thể viết Khuân sơn hay Kim Sơn. Thương Sơn hay Khuân Sơn là trấn sơn của xứ Huế.
               Một khả năng phải tính đến là LÊ TRIỆU viết bài thơ “KIẾN QUANG TRUNG LINH CỬU” vào năm Nhâm Tuất (1802), khi đoàn quân của vua Gia Long kéo ra bắc để thanh toán Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản. Lúc bấy giờ thi thể (xác ướp) của vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm được đặt trở lại quan tài và dùng xe để kéo theo đoàn quân bắc phạt. Vua Gia Long cố tình cho nhân dân  biết lăng mộ của vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm đã bị quật, nghĩa là vận số nhà Tây Sơn đã hết.  Khi ngang qua Thanh Hóa , quê hương của Lê Triệu, nhà thơ quả đã thấy “linh cửu” của vua Quang Trung , xúc động viết nên bài thơ. Tất nhiên Lê Triệu từng đến Phú Xuân trước đó, từng biết núi KHUÂN SƠN ( hay THƯƠNG SƠN) là trấn sơn  và biết núi này ở phía Tây Nam  của Huế . Và nhà thơ cũng từng biết mộ Quang Trung ở vùng núi phía Tây Nam của Huế , cho nên khi viết bài thơ nói trên , ông chọn núi Khuân Sơn (tức Thương Sơn) hoặc Kim Sơn như một mốc chỉ định.
Nếu Đan Dương Lăng trên gò Bình An thì nhà thơ Lê Triệu không viết “Khuân Sơn họa tại”, khi ấy nhà thơ sẽ viết “Dương Xuân cương họa tại…” . Một giả thuyết khoa học đúng hướng thì khi có thông tin mới, tư liệu mới thì sẽ phù hợp mô hình của giả thuyết . Khi giả thuyết khoa học sai hướng thì thông tin mới khó lắp vào mô hình và vấn nạn này giả thuyết về Đan Dương Lăng ở gò Bình An  của  nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không vượt qua được .  
Lang Ba Vanh
Ảnh C  : Ảnh chụp vệ tinh GÒ BÌNH AN, có các chùa cổ ẤN TÔN, HUỆ LÂM, KIM TIÊN và đại danh lam THIỀN LÂM ( có ngàn tăng chúng).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì ở Gò Bình An từng có PHỦ DƯƠNG XUÂN với hàng ngàn quân lính ở trần và hàng trăm cung phi mỹ nữ phục dịch nhà chúa …và bao quanh phủ chúa là nhà chùa. Thử hỏi , người Huế mộ đạo có chấp nhận tình trạng ấy không , huống chi chúa Nguyễn Phúc Chu là người sùng Phật , khi trùng tu Phủ Dương Xuân , cũng là lúc ngài đang chấn hưng Phật giáo Đàng Trong , không thể để chốn thiền môn sát gần cung phủ được! Lạ lùng thay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng  triều Tây Sơn đã biến PHỦ DƯƠNG XUÂN (nhà của kẻ không đội trời chung) thành  dương cơ ĐAN DƯƠNG CUNG ĐIỆN . Cung điện Đan Dương được vây bọc bởi chùa,  hằng ngày vua Quang Trung vừa làm việc vừa  nghe chuông mỏ và ngắm các THÁP SƯ , khi băng hà thì nơi ở và làm việc của ngài  thành âm phần ĐAN DƯƠNG LĂNG với hàng chục tháp sư bao quanh???
b/ Về “ Ngọc Trản phong đầu”:
Lại có một thông tin khác do nhà nghiên cứu Phan Duy Kha công bố , đó là bài thơ Vịnh sử của Ngô Thì Hoành, em ruột của Ngô Thì Nhậm, có nói về lăng Quang Trung bị quật phá.. Trong bài thơ Vịnh sử có hai câu:
           
               “ Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa .
                 Ngọc Trản phong đầu thổ vị can”
Khi viết Tây Hồ cung lý phải chăng Ngô Thì Hoành muốn chỉ  vùng trời Hồ Tây, nơi có Linh Đường, thuộc xã Hạ Hồi , vùng Tây Hồ Thăng Long. Ở Linh Đường có mộ giả của vua Quang Trung  với bia đá khắc thơ của vua nhà Thanh  khen tặng vua Quang Trung ?Khi viết  Ngọc Trản phong đầu phải chăng nhà thơ muốn nói về vùng núi non Hòn Chén , nơi có mộ vua Quang Trung bị quật phá ?Vùng núi non Hòn Chén không nhất thiết là đỉnh  núi Ngọc Trản , như cách giải thích của nhà nghiên cứu Phan Duy Kha . Chỉ cần mộ vua Quang Trung ở chung quanh hoặc ở gần núi Ngọc Trản thì cũng có thể viết mộ vua Quang trung ở “Ngọc Trản phong đầu”
( tức ở vùng núi non Ngọc Trản). Thương Sơn , Hương Uyển sơn là hai ngọn núi nổi tiếng ở Hóa Châu, từng được ghi chép trong Ô Châu Cận Lục và Phủ Biên Tạp Lục, trong đó Thương Sơn là trấn sơn , còn Ngọc Trản sơn có Đền Thiên Y A Na . Lăng Ba Vành cũng ở gần núi Ngọc Trản, một ở bờ bắc, một ở bờ nam thì có thể coi lăng Ba Vành ở “ vùng núi non Hòn Chén ”, tức ở “Ngọc Trản phong đầu”vậy . Người Huế ai cũng biết bờ nam sông Hương có một bến đò, gọi là Bến Than, đối diện với Điện Hòn Chén của núi Ngọc Trản , khách hành hương thường xuống bến này và đi đò hoặc thuyền để qua bến trước điện Hòn Chén ở bờ Bắc của sông Hương. Và muốn vào núi Châu Chữ thì neo đò ở Bến Than. Gần đây, chúng tôi được các bô lão ở vùng Cư Chánh cho biết một thông tin quan trọng. Các cụ ( như cụ Nguyễn Ngọc Tiên , 76 tuổi , làng Cư Chánh ) từng nghe kể  ngày xưa có voi kéo một cái bia rất to từ Huế lên , ngang khu vực gần Bến Than thì bị trở ngại. Người ta phải đục bớt chân bia cho đỡ nặng và đỡ vướng. Hỏi bia này dựng ở  lăng nào, các cụ cho biết bia của lăng “Ông Ba Vành”. Chỗ voi kéo bia  dừng lại gần Bến Than, đối diện núi Ngọc Trản. Ký ức dân gian này có thể phù hợp sự kiện lăng Ba Vành từng có một bia thờ chủ nhân rất lớn, có nhà bia  và qua đó thấy được vùng núi non Hòn Chén là  một địa danh quen thuộc của Huế vào đầu thế kỷ 19. Từ đó hiểu được vì sao Ngô Thì Hoành viết “ Ngọc Trản phong đầu thổ vị can” . Có khả năng khi quân lính do Thống Chế Nguyễn Văn Khiêm, kéo quan tài của vua Quang Trung về thành Phú Xuân năm 1801,  đã đi qua con đường ở núi Kim Sơn, về sau thành Thuận Sơn, tức phía tây của Xương Lăng ( lăng vua Thiệu Trị) . Có thể voi kéo mộc chủ vua Quang Trung  xuống Bến Than ,  đối diện núi Ngọc Trản và cho mộc chủ của vua Quang Trung xuống thuyền và đưa về thành Phú Xuân.. Như thế cả bờ bắc lẫn bờ nam , vùng núi này ngày xưa người Huế ở đô thành Phú Xuân ( tức Huế) gọi là “vùng núi non Hòn Chén” và do đó Ngô Thì Hoành phiên thành chữ Hán “ Ngọc Trản phong đầu” khi làm thơ nói về mộ vua Quang Trung bị quật.

Ảnh D: Ảnh chụp vệ tinh vùng núi non Hòn Chén , tức Ngọc Trản phong đầu .
  Hai tư liệu mới  này không phù hợp với Đan Dương cung điện ở gò Bình An trong giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân . Trong công trình của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không lý giải được sự bất cập này. Vùng gò Bình An, có chùa Thiền Lâm, cồn Bông Sứ không thỏa tiêu chí “ Ngọc Trản phong đầu”. Chỉ một chi tiết voi kéo bia qua một vùng hẻo lánh ở Huế, tức “ Ngọc Trản phong đầu”,  vào cuối thế kỷ 19 mà trong ký ức dân gian vẫn còn; huống hồ lăng vua Quang Trung từng ở gần chùa Thiền Lâm, chùa Ấn Tôn, chùa Kim Tiên, chùa Tuệ Lâm…từng được xây dựng, từng bị “phá tan thành bình địa” mà không một ai biết để truyền khẩu là điều lạ . Cho dù sợ bị vạ, trong gia đình người ta không thể không kể một sự kiện đầy ấn tượng như việc“xóa tan thành bình địa” ngôi lăng của một anh hùng như vua Quang Trung   . Các bô lão ở ấp Bình An không ai còn biết về lăng vua Quang Trung từng ở gò Bình An và từng bị quật phá nặng nề. Trừ khi lăng Đan Dương ở giữa một thung lũng , bao bọc bởi rừng , dân cư thưa thớt , ít người vào chiêm bái, phần bị cấm , phần thì sợ khi nhắc tên “KẺ NGỤY”, lâu ngày có thể bị mất dần chi tiết và đi vào quên lãng.
Ảnh E:    Ảnh chụp vệ tinh vùng Hồ Tây Thăng long.



4/.Lăng Ba Vành dưới góc nhìn phong thủy cổ:
Núi Châu Chữ( Kim Sơn), Thuận Đạo Sơn , Hiếu Sơn, vùng đồi Thiên An…bọc quanh hồ Thủy Tiên làm thành một cuộc đất đặc biệt về mặt phong thủy cổ. Cuộc đất này nằm trong địa cuộc Kim Sơn đã giới thiệu phần trên.Để xem xét cuộc đất này thuộc cách gì , thiết tưởng phải tìm cơ sở trong sách địa lý phong thủy khá phổ biến.
a/Cơ sở lý thuyết :
Cụ Việt Hải từng viết sách “ ĐỊA LÝ PHONG THỦY, BẢO NGỌC THƯ”(quyển một : TẦM LONG BỘ , Sài Gòn-1974), trong phần CÁC KIỂU ĐẤT QUÍ , gồm 36 cách. Có một kiểu đất cụ gọi là  “ BÀN LONG CỐ MẪU CÁCH, CƠ ĐỒ ĐẾ NGHIỆP”, lấy từ sách địa lý cổ viết bằng chữ Hán, cụ phiên âm và giải nghĩa như sau ( tr. 250):
Phiên âm:                TAM THẬP LỤC CÁCH
                                                          Thi văn:
                                       1/ Bàn bàn chân khí tối anh linh,
                                           Bách mẫu thâm hồ, cố mẫu hình.
                                           Mạch tại tụy đầu Thiên Tử huyệt,
                                           Cơ đồ Đế nghiệp tộ quang minh.
                                        
                                       2/ Bàn Long Cố Mẫu tại kỳ hình,
                                           Vạn trượng thâm hồ mạch tối linh.
                                           Khả giới Thời sư đương cấm thiết ,
                                           Dĩ kỳ vô phước tội phi khinh.
               
 Giải nghĩa :             CÁCH THỨ BA MƯƠI SÁU
                                       1/Rồng khoanh uốn khúc , khí chung linh,
                                          Trăm mẫu hồ sâu, đại thế hình.
                                          Đầu mũi mạch thu; Thiên Tử huyệt,
                                          Đế vương sáng nghiệp , đức cao minh.
                                       2/Rồng quay nhìn mẹ thật kỳ hình,
                                          Muôn trượng hồ sâu , khí mạch linh.
                                          Cấm các thầy ơi! Đừng bép xép,
                                          Phước đâu chưa thấy , tội ngay mình. 
Cụ Việt Hải lại viết : “ Ngày xưa ở nước Trung Hoa , các triều đình đều nghiêm cấm các thầy  Địa lý:
Những cách đất Hoàng Vương , Đế Bá , không được để cho nhà thường  dân. Nếu tìm thấy , phải trình cho nhà Vua biết chứ không được dấu diếm để cho nhà mình nữa. Nên mới có bài thi ca khuyên bảo như vậy.”.

 Ảnh F : Chân dung cụ Việt Hải , tác giả bộ sách “BẢO NGỌC THƯ”

Ảnh G  : Bìa sách Địa lý phong thủy BẢO NGỌC THƯ của cụ VIỆT HẢI
Hình : Ảnh chụp đồ hình BÀN LONG CỐ MẪU CÁCH
trong sách BẢO NGỌC THU
c
 Ảnh I : Ảnh chụp trang 250 của sách BẢO NGỌC THƯ, viết về BÀN LONG CỐ MẪU CÁCH.

b/ “ Thử  “ tầm long” lăng Ba Vành :
Lăng Ba Vành nằm gọn trên một gò nhỏ chạy ra dưới chân núi Châu Chữ(Kim Sơn) và gò nhỏ này  là huyệt long cường lấy núi Châu Chữ làm “hậu chẩm”.  Thế thì “ tả long” là dãy núi Kim Sơn ,Thuận Đạo Sơn, Hiếu Sơn và “hữu hổ” là dãy đồi Thiên An. “Tả long”cường mạnh , như thân con rồng uốn mình dọc bờ nam của sông Hương, từ ngã ba Tuần,  khi gần đến bến đò đối diện với điện Hòn Chén (ở bờ bắc)  thì “ tả long”  quay đầu trở lại với những dãy đồi của làng Dương Xuân Thượng (chặng Cầu Lim).
    Trước  mặt  huyệt long cường (dựng bửu thành lăng Ba Vành) có vạt đất rộng , thoai thoải người xưa đã tạo tác một đồi đất như một bình phong chắn hướng Đông Bắc . Dưới chân đồi có một nhánh khe chảy vào khe Châu Ê. Bên kia khe và đồi bình phong là  vườn cam của dòng tu Thiên An. Vạt đất này làm thế “minh đường”. Hồ Thủy Tiên khá rộng,  có chiều dài gấp ba chiều rộng, từng khúc hồ  len vào những gò con nhô ra từ bụng “tả long”. Như thế có thể coi vùng đồi núi Thiên An thuộc cách BÀN LONG CỐ MẪU vậy.

Ảnh K :  Ảnh chụp vệ tinh cuộc đất có lăng Ba Vành thuộc địa cuộc Kim Sơn.
5/Đã là huyệt đất đế vương thì vùng đồi núi Thiên An phải vào tầm ngắm của các thầy địa lý và phải kiêng dè vua chúa triều Nguyễn, trừ Tây Sơn.

a. Dãy núi làm tả long của lăng Ba Vành đã chọn làm mộ của Nguyễn Phúc Luân từ 1765:    
Đồi núi ở phía tây và tây nam thành Phú Xuân từng ghi dấu bước chân của các thầy địa lý  đi “ tầm long điểm huyệt” cho biết bao cư dân Hóa Châu.Từ 1306 đến 1660, Hóa Châu chưa có ai dám xưng vương xưng đế trừ Trần Ngỗi của cuộc khởi nghĩa Hậu Trần. Vì vậy những đại quan trấn nhậm được táng ở Hóa Châu thì mộ phần của họ thường ở những bãi đất cao của hạ lưu sông Hương , sông Bồ hay  một số vị khai canh của các làng được táng ở những ngọn đồi thấp ở thượng lưu như đồi Dương Xuân…Các cuộc đất được chọn phần lớn là phát công hầu khanh tướng, không thể chọn cuộc đất đế vương…Dẫu sao  các thầy địa lý cũng kiêng dè các vua nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê .Đến khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên chống mệnh Thăng Long thì các thầy địa lý đã “ mạnh tay” điểm huyệt ở vùng đồi núi thuộc tả ngạn sông Hương, về phía thượng lưu như Hải Cát , La Khê, Kim Ngọc, Định Môn…Nói  chung, phần lớn  các lăng mộ của các chúa Nguyễn , cát táng hay hung táng đều    ở về phía bờ tây hoặc bờ bắc thượng lưu sông Hương. 
Vùng nam sông Hương bắt đầu được phân kim , đóng cọc với ý đồ đế vương là phải tính sau   khi Thứ Công Tử Nguyễn Phúc Luân qua đời năm 1765. Tại sao? Khi Trưởng Công Tử  Nguyễn Phúc Hiệu qua đời, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có ý định đưa Thứ Công tử Nguyễn  Phúc Luân lên Thế Tử. Võ Vương đã giao Thứ Công Tử cho  Nội Hữu Trương Văn Hạnh nuôi dạy, phong Lê Cao Kỷ làm Thị Giảng để dạy Nguyễn Phúc Luân. Võ Vương băng hà năm 1765, quốc phó Trương Phúc Loan đổi di mệnh của Võ Vương , giết Nội Hữu Trương Văn Hạnh, bức tử Thị Giảng Lê Cao Kỷ, cầm tù Thứ Công Tử Nguyễn Phúc Luân. Cùng năm 1765, Nguyễn Phúc Luân được tha , cho về nhà ở  phủ Dương Xuân, đau buồn và qua đời. Khi linh cửu của Nguyễn Phúc Luân còn quàng tại phủ Dương Xuân thì có một nhà sư (kiêm thầy địa lý) bí mật “ tầm long điểm huyệt”và “phân kim”, đóng cọc ở núi Cư Hóa , gần bờ nam sông Hương, thuộc địa cuộc Kim Sơn …xong đến nhà đám báo cho thân nhân. Đại  Nam Nhất Thống Chí chép: “ LĂNG CƠ THÁNH:
 Táng Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế ; ở núi Cư Chánh huyện Hương Thủy . Tương truyền , năm Kỷ Dậu , Hưng Tổ băng , tạm để tử cung ở nhà riêng tại Dương Xuân , chưa tìm được đất chôn cất , một đêm , có người sư già đến , hỏi rằng : “ Đã tìm được đất chưa ?”. Người già trả lời “ chưa”. Người sư già chỉ vào chỗ lõm ở núi Cư Chánh mà nói : “ Đấy là đất táng đấy , tôi đã cắm cây, sáng mai cứ đến đấy nhận phương hướng mà yên táng”. Nói xong đi ngay. Sáng sớm hôm sau, người nhà theo lời sư nói đi tìm , quả nhiên thấy cây cắm , theo tìm người sư thì không thấy tung tích đâu cả , bèn đem tử cung táng ở đây . Mùa đông năm Canh Tuất , Tây Sơn vô lễ sai đồ đảng là đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đem bảo tàng ( quan tài ) bỏ xuống vực sông trước lăng . Vừa chợt lúc ấy nhà tên Ngũ thất hỏa , tên Ngũ chạy về cứu cháy , thì Nguyễn Ngọc Huyên , người xã Cư Chánh lặn xuống nước đem giấu đi chỗ khác . Chỗ Tây Sơn bỏ quan tài xuống thì nổi thành gò cát . Mùa hè năm Tân Dậu , khôi phục được Kinh thành cũ , Nguyễn Ngọc Huyên đem việc này tâu bày, bèn chọn ngày tốt , lại đem yên táng ở chỗ đất cũ. Năm Gia Long thứ 5, sửa đắp sơn lăng , dâng tên hiện nay là lăng Cơ Thánh , năm Minh Mạng thứ 2, phong tên núi là An Nghiệp sơn và thờ phụ ở đàn Nam Giao”(sđ d tr. 40).
Lăng Cơ Thánh nằm ngay lưng của con rồng của cuộc “BÀN LONG CỐ MẪU”đã nói ở trên. Về mặt phong thủy , sự có mặt của mộ Nguyễn Phúc Luân trên tả long của huyệt đế vương ( có lăng Ba Vành) có một mối quan hệ đầy bi kịch với lăng bà Tả cung họ Phạm ( vợ chính của vua Quang Trung) và với Đan Dương lăng của vua Quang Trung.

Ảnh L : Ảnh chụp lăng Cơ Thánh (trích từ Nguyễn Phúc Tộc thế phả).
b. Việc táng bà Tả cung họ Phạm năm 1791 ở Kim Sơn. Kim Sơn ở đâu?              

Lăng bà Tả Cung họ Phạm không phải ở núi Thương Sơn:
Trong sách “Những khám phá về hoàng đế Quang Trung”, tác giả Đỗ Bang, NXB Thuận Hóa, Huế , 1988 có đoạn chép về việc an táng bà Tả cung họ Phạm : “ Năm 1791, sau một cơn bạo bệnh, thầy thuốc trong và ngoài nước chữa chạy cũng không qua được cơn bệnh hiểm nghèo, bà từ trần vào ngày 29 tháng 3 và chôn ngày 25 tháng 6 năm 1791, mộ chôn dưới chân núi Kim Phụng nằm về phía tây của thành phố Huế.

Theo Sé rard thì dân Bắc Hà được lệnh tiến về kinh Phú Xuân các thứ vải, sáp , trầm hương, nhựa trám …để chế thành chất mastique thật tốt để xác ướp thật lâu.
Do quá thương tiếc bà họ Phạm nên vua Quang Trung nhiều lúc cuồng nộ làm một số giáo sĩ phương Tây lúc đó có mặt ở Thuận Hóa phải khiếp sợ.(sđ d. tr 22).

Ảnh M :  Hồ Trường Mậu trước lăng Trường Mậu , ở gần nơi Tây Sơn định táng bà Tả Cung họ Phạm,  khi khai huyệt thì quân lính bị cọp vồ (trích từ Nguyễn Phúc tộc thế phả).

Sự cuồng nộ của vua Quang Trung lúc bấy giờ không chỉ là việc bà Tả cung qua đời mà còn do sự bất hòa giữa vua Quang Trung với vua anh Thái Đức và nhất là quân Gia Định đã đánh thắng quân Tây Sơn trong một số trận nữa. Trong trạng huống ấy, vua Quang Trung đã làm một việc gây oán thù sâu sắc ở Phú Xuân khi ra lệnh quật mồ các chúa Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ từng chép: “Tháng 9, ngày Ất Hợi , sửa lại sơn lăng.

Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau làng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) rất tốt , định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt , bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn , quân giặc sợ chạy . Huệ ghét không muốn chôn nữa . Sau Huệ đánh trận hay thua , người ta đều nói các lăng liệt thánh khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy . Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực…”(sđ d. tr 466). Các sử quan của Quốc Sử Quán triều Nguyễn khi viết về vua Quang Trung có phần thiên lệch , nhưng đoạn trích này cho thấy người xưa rất tin thuật phong thủy. Thế thì vùng đồi núi Thiên An thuộc xã Cư Hóa ( sau đổi thành Cư Chánh), tức địa cuộc Kim Sơn là nơi mà các nhà phong thủy của Tây Sơn không thể bỏ qua khi phải tìm gấp  huyệt mộ cho bà Tả cung . Tác giả Tây Sơn thực lục khi thông báo rằng lăng mộ bà Tả cung họ Phạm ở chân núi Kim Phụng, phía Tây thành Huế là muốn chỉ định núi nào ở Thừa Thiên –Huế?. Hãy thảo luận quanh thông tin quan trọng này. Thế kỷ 18,19 và đầu thế kỷ 20,  núi Kim Phụng ở về phía Tây Nam thành phố Huế không gọi là núi Kim Phụng mà núi ấy có tên THƯƠNG SƠN hay KHUÂN SƠN . Dân gian thì gọi núi này là núi Độn hay núi Đụn . Thế thì tác giả TÂY SƠN THỰC LỤC khi viết sách này vào thế kỷ 18, muốn nói mộ bà Tả cung ở chân núi Kim Phụng(hiện nay) thì phải viết mộ ở chân núi Thương Sơn hay Khuân Sơn, chứ không thể viết mộ bà tả cung họ Phạm ở KIM SƠN hay KIM PHỤNG SƠN được! . Thật vậy, thế kỷ 19 núi Kim Phụng ( hiện nay) chưa có tên này, chí ít danh xưng ấy phải xuất hiện sau thời vua Duy Tân, tức là thời Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn bộ ĐNNTC . Trong bộ sách này có chép núi KIM PHỤNG nhưng ngọn núi này ở tận huyện Phú Lộc. Một nghi vấn thú vị : Tác giả TÂY SƠN THỰC LỤC viết về KIM PHỤNG SƠN hay KIM SƠN và KIM SƠN là một dãy núi ở bên hồ THỦY TIÊN, cư dân quanh vùng đều nói đến KIM SƠN nhưng các sử quan của QSQTN lại không chép ngọn núi này. Tại sao? Phải chăng có điều tế nhị: ở vùng núi KIM SƠN từng có lăng mộ của bà Tả cung họ Phạm?
Lăng bà Tả Cung Họ Phạm phải chăng là tiền thân của mộ bà họ Trần, vợ chính của một hoàng thân tước công, phụng lập năm 1918?

Một tồn nghi đang được kiểm chứng: ở KIM SƠN , tức hữu hổ của huyệt BẦN LONG CỐ MẪU nói trên có một ngôi lăng vượt những qui định của vua chúa triều Nguyễn, mộ đã bị bỏ hoang. Về sau có người đã dựng mộ cho bà họ Trần , vợ chính của một vị hoàng tộc tước công . Khi dựng mộ , người ta đã tận dụng đá ở vành ngoài và vành trong để dựng uynh thành vuông , cạnh khoảng 18 mét . Những viên đá còn dính vữa ( rất giống loại vữa ở lăng Ba Vành) lại được xếp vụng về thành uynh vuông của mộ …. Uynh trong lại tròn , dạng cù đã bị hư hại . Bia thì bằng đá granit, khắc chữ Hán vụng về . Dòng chính giữa: “ PHÚ BÌNH TỤC HOÀNG THÂN CÔNG CHÁNH THẤT TRẦN THỊ TẨM MỘ” , dòng lạc khoản bên phải : “ KHẢI ĐỊNH TAM NIÊN”. Dòng hoàng thân công có vợ chính là bà họ Trần thuộc Hệ 2, từng có vị vị phụ trách Phủ Tôn Nhân, thừa biết luật lệ an táng con cháu hoàng phái, không thể an táng sơ sài bà cố hoặc bà nội hoặc thân mẫu của mình như thế. Chưa kể đặt địa la thì thấy bia, cổng mộ lệch hướng nhếch nhác. Chúng tôi phát hiện loại gạch bìa rất giống gạch bìa ở Lăng Ba Vành, núi Bân ở ngôi mộ này. Và ngôi mộ lại bỏ hoang phế , không ai đoái hoài. Có người vào trồng chuối la liệt .Chúng tôi đặt giả thuyết ngôi mộ này có tiền thân là mộ bị quật phá của bà Tả cung họ Phạm . Năm 1918 , sau khi vụ Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương đưa thân nhân vào chôn ở lăng Ba Vành vào năm 1917, và linh mục Cadiere không công bố Lăng Ba Vành vì không thỏa mãn những nội dung trả lời của Bộ Lễ Nam triều …Nam triều đã cho phép Hệ II dòng Bình Phú Công ( hoặc Phú Bình Công) vào táng bà họ Trần nêu trên .Nếu ở vùng núi KIM SƠN có lăng mộ bà Tả Cung họ Phạm  thì mộ của Nguyễn Phúc Luân “ đoạt hướng” và “ đoạt khí mạch” của huyệt “BÀN LONG CỐ MẪU” vậy. Dẫu sao mộ của Nguyễn Phúc Luân ở trên “CỔ RỒNG” từ năm 1765, hai mươi sáu năm sau bà Tả cung họ Phạm mới từ trần, do đó muốn táng bà chính hậu của vua Quang Trung ở chân núi KIM SƠN  thì tất yếu mộ của nguyễn Phúc Luân phải bị triệt giải mà thôi. Cho hay hai tập đoàn phong kiến họ Nguyễn Tây Sơn và họ Nguyễn Gia Định không chỉ kình chống nhau về chính trị , quân sự mà còn chống nhau triệt để về phong thủy nữa.

Ảnh N : Cảnh hoang tàn của ngôi mộ bà họ Trần, chánh thất của vị Hoàng Thân tước Công thuộc dòng Bình Phú  , được đưa vào địa cuộc Kim Sơn để táng vào năm Khải Định thứ 3 [1918], trên cơ sở tận dụng đá dính vữa của một ngôi lăng hoang phế có tuổi ngang với tuổi của lăng Ba Vành .Ở đây phát hiện được gạch bìa đồng đại với gạch ở Lăng Ba Vành
Ảnh O:  Ảnh chụp vị trí đặt bia của ngôi mộ, quá nhếch nhác, không đúng điển lễ của vua chúa triều Nguyễn. Dẫu sao bà họ Trần là chánh thất của một vị hoàng thất tước công, khi được táng ở địa cuộc Kim Sơn thì triều đình ắt biết . Vậy năm 1918 , thân nhân đưa bà họ Trần vào táng trên một ngôi mộ bỏ hoang trước đó là một nghi vấn cần nghiên cứu để có câu trả lời.
 ẢnhP: Ảnh chụp tấm bia thẻ nhỏ (4dm x 8dm), đá granit như bia lăng Ba Vành Nhưng có khắc niên đại lập bia KHẢI ĐỊNH TAM NIÊN [1918].


  Dòng chính giữa : “ BÌNH PHÚ TỤC HOÀNG THÂN CÔNG CHÁNH THẤT TRẦN THỊ TẨM MỘ”

 Nhân đây , cũng bàn thêm về ý kiến của nhà nghiên cứu Hà Xuân Định về khả năng triều Gia Long chưa quật được mộ của vua Quang Trung và mộ của bà Tả cung họ Phạm. Tác giả cho rằng sử triều Nguyễn chép rằng vua Gia Long đã cho “phơi thây” vợ chồng “Ngụy Huệ” là không đúng sự thật. Hai thi thể đã táng trên dưới mười năm , thối rữa, thì làm sao mà đem “treo cổ” và làm sao mà “nhận diện” được? Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Định đã bỏ qua một sự kiện triều Tây Sơn có thuật ướp xác . Cách đây không lâu, người ta đã phát hiện một xác ướp với kỷ thuật cao ở Bình Định, xác ướp của một mệnh phụ quí phái thuộc về thời Tây Sơn. Vậy chắc chắc vua Quang Trung và bà Tả cung được ướp xác và khâm liệm bằng vải tốt và vì thế không khó khăn trong việc “treo cổ” hai xác ướp này .

         

 c. Việc sửa mộ quá phép của công thần Nguyễn Văn Thành ở hậu chẩm của lăng Ba Vành:
                
Gần ngã tư đường lên lăng Khải Định với đường qua Dốc Mít – Miếu Huyền Trân, có một đoạn khe Châu Ê lượn dưới chân cột điện cao thế, trên một đồi nhỏ, thấy một lăng cổ, thuộc loại tầm cỡ, dân gian gọi là lăng TRUNG QUÂN hay ĐÔNG QUÂN . Lăng này có chủ nhân là mẹ của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành. Ngôi lăng cũng thuộc địa cuộc Kim Sơn. Lịch sử lăng này có nhiều vấn đề cần nghiên cứu, để góp phần bổ trợ cho việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung.
Nguyễn Văn Thành tin vào phong thủy, không nghe lời khuyên của vua, ông đã táng mẹ ở cát địa Châu Ê thuộc địa cuộc Kim Sơn, sát hậu chẫm của huyệt “BÀN LONG CỐ MẪU THIÊN AN” và đó là mầm mống của bi kịch đời ông.

            Táng mẹ vào đất khe Châu Ê thuộc địa cuộc Kim Sơn là có tội:          
         
              Tháng giêng năm Canh Ngọ [1810] thân mẫu Nguyễn Văn Thành mất , ông Thành liền dâng sớ xin đưa linh cửu mẹ  về táng ở quê nhà , vua chấp thuận. Nhưng tháng ba năm ấy , từ Bắc thành về kinh đô , ông vào bái yết nhà vua , được nhà vua ân cần hỏi han , an ủi khá lâu và ban 500 quan tiền , 200 cân sáp ong để lo mai táng Trần phu nhân. Biết nhà vua thương gia đình ông, Nguyễn Văn Thành liền nói thật ý mình , muốn đưa thân mẫu về táng ở Bình Hoà ( nay là Ninh Hòa , Phú Yên ). Vua Gia Long ngăn lại khi nói : “Cáo chết quay đầu về núi là việc lễ đó. Làng Bác Vọng, phủ Triệu Phong là tổ quán của khanh , sao không táng ở đó ?”. Nguyễn Văn Thành lạy tạ xin vâng mệnh. Thế nhưng , do ông chủ quan về “ quan hệ thân thiết” của cha con ông với vua trong những ngày còn gian khổ , bất chấp lời răn của vua , ông tìm được huyệt đất tốt trên vùng gò thấp có khe Châu Ê , phía đông Kim Sơn ( dân gian gọi là Rú Vựa) và táng thân mẫu ông ở đó. Việc làm này  trái ý vua , lại không giữ ý giữ lời làm hoàng gia và triều thần thêm ngờ vực ông.Tháng 8 năm Tân Mùi [2-10-1811] thân mẫu của vua Gia Long mất , hưởng thọ 74 tuổi, thụy hiệu Hiếu Khang Hoàng Hậu. Linh cửu bà Hiếu Khang được quàng ở kinh thành trong 7 tháng và vào chiều ngày 21 tháng 5 năm1812, sau đại lễ cầu siêu được tổ chức ở chùa Thiên Mụ bà được an táng ở vùng núi xã Định Môn và lăng gọi là LĂNG THOẠI THÁNH.Trong khoảng thời gian  tổ chức an táng bà Hiếu Khang thì Nguyễn Văn Thành đã làm phật ý vua. Sử chép, sau khi bà Hiếu Khang mất , vua Gia Long “Lấy Tống Phước Lương và Lê Quang Định sung sơn lăng sứ, sai cùng Trịnh Hiến và Lê Duy Thanh , xem chọn kiểu đất đẹp cho sơn lăng. Duy Thanh vẽ đồ dâng (thuộc xã Định Môn ). Sai bói thì tốt . Vua bèn đến xem” (ĐNTLTB). Khoảng tháng 3 năm 1812 ( Nhâm Thân ) vua Gia Long lên công trường xây dựng sơn lăng để thăm , có Hoàng Tư Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) và các đại thần theo hầu . “Khi khai huyệt thấy có đất ngũ sắc vua Gia Long mừng được điềm tốt. Bầy tôi chúc mừng vua, chỉ riêng ông Nguyễn Văn Thành im lặng. Vua hỏi duyên cớ vì sao có thái độ như thế ?” Thành vội tâu:
“Đất ấy chưa đủ tốt lắm . Mộ mẹ thần cũng có đất ngũ sắc , mà sắc coi còn tươi nhuần , có thể tốt hơn đất này”. Nhà vua im lặng và các vị đại thần khác tỏ ý bất bình . Nguyễn Văn Thành lai nói thêm : “Gần đây , xứ Châu Ê , có một kiểu đất rất tốt”. Phạm Văn Nhân và các bầy tôi khác đều hỏi : “ Đã biết có đất tốt sao không tâu cho vua nghe”. Nguyễn Văn Thành chống chế : “Đất ấy tuy tốt nhưng không thể táng được, táng đấy hẳn lại bị sét đánh”. Nhà vua nghe Thành nói lấy làm phật ý. Hoàng tử Đảm quay lại trách cứ Nguyễn Văn Thành :“Tây Sơn là bọn tiếm ngụy, tất gặp vạ sét đánh, còn nay đời thánh minh , được trời giúp đỡ.Đứng trước mặt vua sao ông vội nói những câu như thế ?”.Cuộc đối thoại giữa nhà vua , hoàng tử Đảm , các bầy tôi vừa nêu là một bằng chứng cho thấy địa cát Châu Ê có những huyệt đất tốt .Sau này vua Khải Định cũng được táng ở vùng này. Vùng đất này gần kinh thành nhưng thầy địa lý giỏi như Lê Duy Thanh , con trai của Lê Quí Đôn, lại không tìm huyệt mộ ở đó . Chỉ có Nguyễn Văn Thành quá tự tin về hai đời công thần của triều Nguyễn , đã đưa thân mẫu vào chôn ở vùng đất tế nhị , nhạy cảm .Nguyễn Văn Thành rất sơ ý khi chê đất ngũ sắc ở Định Môn mà lại khen đất ngũ sắc ở Châu Ê . Đã thế khi bị chất vấn thì dọa vạ sét đánh ; để hoàng tử Đảm rất tự ái khi liên tưởng đến Tây Sơn .Câu nói bất ngờ , đầy tự ái của Nguyễn Phúc Đảm khi trách cứ sự vô ý và khiếm lễ của quan Tổng trấn Bắc Thành trước mặt vua Gia Long làm chúng tôi nghĩ đến một khả năng : Phải chăng ở vùng núi Châu Ê có lăng mộ của triều Tây Sơn và đã từng bị “VẠ TRỜI ĐÁNH”?

Qui mô và mỹ thuật kiến trúc của LăngTrung Quân:


Lăng Trung Quân tọa lạc trên một gò nhỏ ở chân núi Châu Chữ , dân gian gọi là RÚ ĐỘN , RÚ VỰA , có khi gọi là KIM SƠN . Khe Châu Ê bao quanh gò này . Đường thần đạo của ngôi lăng theo hướng ĐÔNG BẮC-TÂY NAM , nghiêng TÂY 30 độ , tức là tọa CẤN HƯỚNG KHÔN kiêm MÃO DẬU  . Về mặt phong thủy thì cuộc này có hậu chẩm là núi Thiên Thai (có chùa Thuyền Tôn ), tả long là núi Châu Chữ ( Sau này có Lăng Khải Định ) , hữu hổ là núi Châu Chữ ( hay Kim Sơn , Rú Độn, Rú Vựa ). Minh Đường có thủy tụ , do nước của khe Châu Ê chảy đến , vờn trước lăng rồi chảy ra sông Hương gần chợ Tuần .Nhìn chung về mặt phong thủy thì đây là cát địa cho âm phần.

ẢnhQ: Toàn cảnh lăng Trung Quân  (thân mẫu của Nguyễn Văn Thành). Bia của ngôi lăng bị đục do Nguyễn Văn Thành sửa mộ mẹ quá phép.
ẢnhR:  Nấm mộ hình con nhện
Bình đồ của lăng dài 26m, rộng 11m, chia làm 3 phần rõ rệt ;nếu tính từ sau ra trước có:Phần I : 2 uynh thành và nấm mộ , phần II : nữ tường ôm bình phong , phần III: bồn bán nguyệt có chậu hóa vàng mã.Cụ thể :
Phần I: Có uynh ngoài bầu dục, trục chính khoảng 13m, trục nhỏ khoảng 11m, hai đầu cuốn lại thành trụ xoáy ốc cao 2,7m, đáy trụ tròn có đường kính 1,1m, uynh cao 2,4m ,dày 1,7m . Uynh trong hình tròn cao 1,9m ,dày 1,2m , hai đầu cuốn lại thành trụ xoáy ốc với chiều cao 1,8m, đường kính đáy 0,64m . Hai uynh ôm nấm mộ hình nhện dài 3,4m, rộng nhất 1,95m , cao nhất 1,7m . Mồm nhện như ngậm tấm bía đá thanh cao 0,8m . Riêng dòng chính cùa bia được khắc chữ Hán với phần phiên âm “VIỆT CỐ NGUYỄN HẦU CHÁNH THẤT PHU NHÂN CHI MỘ”, trong đó chữ HẦU là chữ duy nhất bị đục .Dòng lạc khoản phải, góc trên được khắc chữ Hán
“ TUẾ TẠI THƯỢNG CHƯƠNG ĐÔN TƯỜNG LỤC NGUYỆT CÁT NHẬT”và dòng lạc khoản phía phải , góc dưới khắc chữ Hán “HIẾU TỬ BÁI LẬP”.Hai uynh cùng nấm mộ đã bị nứt giữa .

ẢnhS: Bia mộ  chỉ bị đục vài chữ, dù Nguyễn Văn Thành phải tự tử
Phần II: Nữ tường hai bên bẻ góc thước thợ,dày 0,9m, mỗi bên đi ra từ trụ ốc uynh ngoài , chấm dứt bằng trụ cao 2,1m .Trên đầu trụ đắp con nghê cao 0,72m và đáy trụ hình vuông cạnh 0,96m , .Trong nhìn ra , trụ trái là con nghê đực , trông rất oai phong và trên trụ phải là con nghê cái trông rất hiền hậu , đang bảo vệ chú nghê con đang ở dưới bụng nghê mẹ .
Bức bình phong bia khoảng 5,5m,dày 0,6m,cao 1,2m, ngang 2,77m và cách nơi xa nhất của bồn 11m. Các hình đắp nổi trên bình phong đã hỏng .

Phần III: Có một bồn bán nguyệt khi mới quan sát , nhưng đo đạc tỉ mỉ bồn giới hạn bởi hai cung tròn, cung ngoài với dây cung khoảng 12,5m, cung trong với dây cung 3,8m và hai đoạn , mỗi đoạn 3,1m. Như vậy trên bình đồ bồn này không phải là nửa hình tròn ( bán nguyệt ) mà là một mảnh trăng non ( tân nguyệt trì ) . Bề dày trên đường thần đạo của bồn là 5,25m. Ở giữa bồn có một bậu hình hộp để hóa vàng mã.
Ngoài ra sau lăng về phía trái có một bàn thờ thổ thần cao 0,77m, rộng 0,48m . Trên bàn thờ có dựng bia bằng vữa và mặt bia có chữ Hán “ THỔ THẦN” .

ẢnhT: Bàn thờ thổ thần có bia của lăng Trung Quân (lệ thường)
Về vị trí dựng bia thờ thổ thần hay thần hậu thổ cho lăng , mộ là phía trái , hậu đầu . Khi kẻ gian dựng mộ giả , gán cho Vũ Bá Bình, cha của Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương, ông nội của Hàn Lâm Biên Tu Võ Bá Đạm  trước tấm bia phụ, ở sân bái đình thì sửa nền móng của nhà bia thờ chủ nhân lăng Ba Vành thành bàn thờ thổ thần. Kẻ gian đã tính toán rất kỹ khi che dấu chủ nhân thực và đã qua mặt một số nhà nghiên cứu từng đến lăng Ba Vành! 

              Tội “SỬA MỘ MẸ QUÁ PHÉP” của Nguyễn Văn Thành :


Nguyễn Văn Thành là một đại công thần của triều Nguyễn Gia Long , không những thế thân phụ ông là cai cơ Nguyễn Văn Tiền từng tuẫn tiết khi đương chức, và đánh nhau với quân Tây Sơn . Tuy nhiên do ông quá tự tin về sự “thân ái” với vua Gia Long trong thời kỳ “nằm gai nếm mật” ở Gia Định , ông đã nhiều lần làm phật ý vua và triều thần .Việc con trai ông làm thơ có khẩu khí ngang tàng chỉ là nguyên nhân gần của tội trạng của ông, chứ nguyên nhân sâu xa thuộc về phong thủy . Ông đã làm trái ý vua khi an táng mẹ nên sâu thẳm vua Gia Long  sợ ông sẽ thoán đoạt sau này .
 Một trong các tội trạng của ông là “sửa mộ mẹ quá phép” :
Trước hết ông đã tìm được huyệt đất tốt hơn huyệt đất đế vương mà sơn lăng sứ Lê Duy Thanh tìm được ở Định Môn, lại không tâu vua . Trong khi đó ông tâu xin táng ở Bình Hòa (PHÚ YÊN) , vua khuyên đưa về Bác Vọng , ông lại âm thầm táng mệ ở Châu Ê với địa cuộc phát đế vương.
Thứ đến ông “to gan” khi chê “đất ngũ sắc” ở huyệt mộ của mẹ vua ít tươi nhuần hơn đất ngũ sắc ở huyệt của mẹ ông.
Tiếp theo ông đã chống chế khi cho rằng đặt mộ mẹ vua ở Châu Ê thị bị trời đánh . Nhà vua và hoàng tử Đảm phật ý với suy nghĩ : “Hóa ra dòng họ Nguyễn Văn Thành có phúc dày nên táng được ở Châu Ê , còn dòng họ Nguyễn Gia Miêu không có phúc dày hay sao ?( Tại sao Nguyễn Phúc Đảm lại liên tưởng vạ sét đánh mộ phần của Tây Sơn khi đang nói về địa cuộc ở Châu Ê ? Dấu hỏi này có liên quan đến ngôi lăng to hơn lăng các chúa Nguyễn của quan HỘ BỘ KIÊM BINH BỘ LÊ QUÍ CÔNG” (Lăng Ba Vành khi chưa bị Lê Xuân quật phá sau 100 năm , tính từ ngày vua tôi Gia Long lên xem huyệt đất của bà Hiếu Khang ?).
Hơn nữa ông Nguyễn Văn Thành đã chọn mô típ nhện cho nấm mộ , nghĩa là cầu phúc dày , không sử dụng rồng nhưng sử dụng nghê, kì lân, một trong 4 con vật của bộ tứ linh thì hàm ý dòng họ ông là uy vọng chăng? Nhưng cái quá phép của ông trong xây dựng lăng mộ là ông đã dùng motip “tân nguyệt trì” trước mộ của mẹ . Mộ tượng NHẬT , tân nguyệt trì tượng NGUYỆT , NHẬT NGUYỆT là MINH . Gần như có luật bất thành văn là HOÀNG ĐẾ và MẸ SINH RA HOÀNG ĐẾ thì lăng mộ mới xây TÂN NGUYỆT TRÌ.Cha của vua , nếu không làm vua thì lăng mộ không có TÂN NGUYỆT TRÌ . Như thế Nguyễn Văn Thành là hoàng đế ư , khi dám xây TÂN NGUYỆT TRÌ ở mộ mẹ mình?Và đây là bằng chứng nóng nhất của tội “SỬA MỘ MẸ QUÁ PHÉP”. Nổi oan không tự biện hộ được dẫn đến Nguyễn Văn Thành phải tự uống thuốc độc mà thôi.
Tại sao lăng của mẹ Nguyễn Văn Thành gọi là LĂNG TRUNG QUÂN?

Hỏi các người lớn tuổi quanh vùng CHÂU Ê , CHÂU CHỮ thì phần lớn gọi ngôi lăng bị sét đánh nứt đôi là lăng TRUNG QUÂN hoặc lăng ĐÔNG QUÂN.Đây là lăng của một bà chánh thất phu nhân họ Nguyễn , vợ của vị đại thần thuộc vào loại TRUNG QUÂN (ÁI QUỐC) thì cớ gì bị nhà vua đục bia, yễm để bị sét đánh nứt đôi ? Nếu gọi là lăng TRUNG QUÂN thì chủ nhân là ai ? bà từng có được phong tước TRUNG QUÂN không ? Có danh từ ĐÔNG QUÂN trong Lịch triều hiến chương loại chí hay trong Đại Nam hội điển sự lệ không ? Vậy một khả năng cần phải xét là tại sao gọi là lăng ĐÔNG QUÂN ? Nếu đặt địa la để xem thì lăng của mẹ Nguyễn Văn Thành ở về phía ĐÔNG của RÚ VỰA , RÚ ĐỘN , tức là dãy núi CHÂU Ê hay KIM SƠN . Dãy núi này nếu nhìn từ phía sông Hương thì nó cũng ôm những ngọn đồi , to có ,nhỏ có như là vựa thóc vậy . Vậy thì người đặt tên cho lăng của mẹ Nguyễn Văn Thành đã dùng chữ Hán khi coi KIM SƠN là KHUÂN SƠN (NÚI VỰA ) và ngôi lăng nằm về phía đông của núi này là lăng ĐÔNG QUÂN cũng hợp lý. Tại sao trong tập Kinh Sư của Đại Nam Nhất Thống Chí của QSQ triều Nguyễn lại không chép núi này , chỉ chép một ngọn gần XƯƠNG LĂNG của vua Thiệu Trị với tên THUẬN ĐẠO SƠN ? Trong khi đó một núi KIM PHỤNG ( dân gian gọi gần đây ) lại được chép hai lần với hai tên khác nhau là THƯƠNG SƠN và KHUÂN SƠN .Để có nhà nghiên cứu phải tốn nhiều công sức đê đi tìm KHUÂN SƠN ở các dãy núi thuộc huyện QUẢNG ĐIẾN !Có nhà nghiên cứu còn lặn lội đến tận BÌNH ĐIỀN vì một ngọn KHUÂN SƠN đõng đãnh. Đầu đuôi như thế nào ? Trên báo Xưa và Nay đăng bài của Hồng Phi –Hương Nao , và hai tác giả đã giới thiệu phần phiên âm và dịch nghĩa bài thơ chữ Hán của LÊ TRIỆU ( THANH HÓA ) với đề bài thơ “KIẾN QUANG TRUNG LINH CỬU” . Hai câu đáng chú ý :
                             Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt
                             Khuân Sơn họa tại bách niên phần
                    Hương Nao và Hồng Phi dịch nghĩa :
Trên chiến trường Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác thù   
“Núi Khuân” không ngờ lại để mối họa liên lụy đến nơi yên giấc ngàn năm .
 Qua câu chuyện lịch sử này , cũng thấy ở khe Châu Ê, núi Châu Chữ thuộc địa cuộc Kim Sơn là vùng có huyệt mộ đế vương. Cuộc đất Kim Sơn  có lăng Ba Vành , sát nơi tọa lạc của lăng TRUNG QUÂN , lại là cuộc  “ BÀN LONG CỐ MẪU”thì không đợi đến thế kỷ 20 người cháu “LÊ XUÂN” cải táng mà triều Nguyễn sẽ xử lý ngay.

 d/Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương suýt mang trọng tội khi đưa thân nhân vào táng ở Lăng Ba Vành hoang phế.

Gia phả họ Vũ Bá của làng La Ỷ , huyện Phú Vang, Thừa Thiên –Huế không ghi chép sự kiện quan Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương đưa mộ thân phụ Vũ Bá Bình vào chôn ở Lăng Ba Vành hoang phế. Tuy nhiên con cháu họ Vũ Bá của làng La Ỷ đều nhớ sự kiện quan Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương đưa thân nhân vào chôn ở lăng Ba Vành vào năm 1917 như sau:

Năm 1917, triều vua Khải Định , đại thần Vũ Bá Khương, chánh tam phẩm, chức Thừa Biện Bộ Lễ, tước Hồng Lô Tự Khanh đã mời một thầy địa lý giỏi , người Nghệ An, về ở trong nhà để “tầm long điểm huyệt”. Sau một thời gian tìm kiếm, thầy địa lý đã tìm thấy lăng Ba Vành mộ đã bị đào và bỏ hoang, đã khuyên quan Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương đưa hài cốt ông Vũ Bá Bình, thân phụ của quan Hồng Lô , vào chôn ở nấm đã bị đục của lăng Ba Vành. Khi đào mộ , quan Hồng Lô thấy mộ của cha mình đang kết phát, rất tiếc nhưng vì tin vào tài nghệ của thầy địa, quan đã bí mật đưa hài cốt ông Vũ Bá Bình vào chôn ở lăng Ba Vành. Không may bị quan đồng triều là ông Án Chất tố cáo lên triều đình, và triều đình vua Khải Định sẽ tuyên quan Hồng Lô trọng tội. May nhờ con trưởng của Vũ Bá Khương  là Hàn Lâm biên tu Vũ Bá Đạm chạy án. Ông Vũ Bá Đạm có quen nhiều người đang làm việc ở Tòa Khâm Sứ, nhất là quan Toàn Quyền Đông Dương, nên ông đã  chạy án thành công . Nhờ   sự can thiệp của các VIP Đông Dương nên quan Hồng Lô khỏi tội chết và dĩ nhiên quan  vội vàng bốc hài cốt của ngài Vũ Bá Bình ra khỏi lăng Ba Vành năm 1917, chỉ sau vài tháng cải táng. Quan Hồng Lô vô cùng ân hận việc này nên quan đã  tổ chức một đàn chay ở nhà riêng để tạ tội với thân phụ. Thật đau đớn, ngay trong đàn chay , quan Hồng Lô đã bị bạo bệnh và qua đời. Đàn chay trở thành đám tang của Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương trong năm 1917.

gia phai coi nguoi
ẢnhU: Tộc trưởng Vũ Bá Sĩ, Trần Viết Điền đang nghiên cứu bia mộ Vũ Bá Khương
Một số con cháu nội ngoại của họ Vũ Bá làng La Ỷ đều biết câu chuyện truyền khẩu về ngài Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương cải táng mộ thân phụ vào lăng Ba Vành. Ông   Trần Bá Huy , cựu giáo viên Khoa Lý ĐHSP Huế , cháu nội của Vũ Thị Nhỏ cho biết: bà Vũ Thị Nhỏ  là em gái của quan Hồng Lô Tự Khanh  Vũ Bá Khương. Ông nội của ông Trần Bá Huy là Lãnh Binh Trần Hữu Ích (làng Mậu Tài). Ông Huy  cho biết thân phụ mình cũng từng nghe bà nội kể về sự kiện đau buồn nói trên.
     Tại sao triều đình Khải Định suýt ghép Hồng Lô Tự Khanh vào trọng tội ?       Dẫu sao làng Cư Chánh sở tại đã đồng ý để quan Hồng Lô vào lăng Ba Vành táng thân nhân. Như thế địa cuộc Kim Sơn là cấm địa của triều Nguyễn. Huyệt đất lăng Ba Vành là huyệt đất phát đế vương và  nơi đây từng là lăng mộ “ngụy Huệ” nên triều Nguyễn mới cấm triệt để như  vậy.
Điều chúng tôi quan tâm là dòng họ Vũ Bá từ năm 1917, nhất là quan Hàn Lâm Biên Tu Võ Bá Đạm , đã “KHIẾP SỢ” việc an táng ở Lăng Ba Vành, nghĩa là không bao giờ dám trở lại làm bất cứ việc gì ở ngôi lăng đầy cả tai ương này. Thế nhưng , trên bia phụng lập của ngôi lăng, kẻ gian đã khắc thêm  : “ TỰ TÔN VŨ BÁ ĐẠM PHỤNG LẬP”để lái dòng lạc khoản “ NHÂM TUẤT MẠNH ĐÔNG” . Thật vậy , nếu quả Vũ Bá Đạm có dựng bia cho thân nhân ở lăng Ba Vành vào năm NHÂM TUẤT thì năm này phải là năm 1922. Gần 6 năm sau , tính từ năm 1917, khi  Vũ Bá Khương lo buồn sự việc lăng Ba Vành , dời ngay hài cốt của thân phụ ra khỏi lăng Ba vành,   rồi qua đời,   Vũ Bá Đạm dựng bia ở lăng Ba Vành  để làm gì , không sợ bị tru di tam tộc ư? Kẻ gian đã khắc dòng chữ TỰ TÔN VŨ BÁ ĐẠM PHỤNG LẬP đi với dòng chữ NHÂM TUẤT MẠNH ĐÔNG   để lái NHÂM TUẤT (1802) về NHÂM TUẤT(1922). Lại một chữ LA ( chữ để ấn chứng rằng đã bắt được) ở góc trái phía trên , không thể xóa vì nó là ấn chứng của Tiên Đế Gia Long, kẻ gian đã biết một số bia của dòng họ Vũ Bá của làng La Ỷ , huyện Phú Vang có hai chữ “PHÚ” bên phải, “ LA” bên trái để chỉ “ LA Ỷ” . “ PHÚ VANG”. Kẻ gian đã lợi dụng sự kiện VŨ BÁ KHƯƠNG để khắc dòng chữ Hán “ VIỆT CỐ …LÊ QUÍ CÔNG CHI MỘ”, rồi băm nát để hợp thức hóa “dữ kiện” trong bộ hồ sơ giả , đó là “người cháu LÊ XUÂN đã cải táng hài cốt của  Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quí Công qua Ngự Bình”và tất nhiên phải hủy dòng chính của bia.

ẢnhV:   Mặt bia ngài Vũ Bá Miên, ông nội của Vũ Bá Khương. Góc phải phía trên có chữ PHÚ - LA

ẢnhX:    Mặt bia của bà Vũ Bá Miên, bà nội của Vũ Bá Khương.Góc phải phía trên có chữ PHÚ-LA
e/ Tại sao với huyệt mộ đế vương như Lăng Ba Vành , Đan Dương Lăng lại vấp phải đại nạn?

             Người xưa đã tin vào phong thủy khi an táng và Đan Dương lăng của vua Quang Trung ở địa cát “ BÀN LONG CỐ MẪU” nhưng lại gặp tai ương quá nhanh ! Tại sao ?
             Về mặt địa lý phong thủy , người xưa sẽ lý giải điều trên như thế nào ? Không tìm được một thư tịch cổ nào trong đó người xưa lý giải về bi kịch của Đan Dương Lăng dưới góc độ phong thủy học . Nếu lăng Ba Vành là Đan Dương Lăng thì phải dựa vào phong thủy học để tìm nguyên nhân về tai ương đã xảy ra đối với Đan Dương lăng.
                Trước hết phải tính đến sự có mặt của lăng Cơ Thánh , chủ nhân là Hưng Tổ Nguyễn Phúc Luân , ở ngay cổ rồng đang quay đầu về núi mẹ, đó là núi Châu Chữ. Ngôi lăng Cơ Thánh từng bị Tây Sơn phá hủy năm 1791, hài cốt bị vứt xuống vực , thế nhưng có cha con ông Nguyễn Ngọc Huyên vớt dược và bí mật chôn lại trên cuộc đất cũ. Vì vậy khi táng vua Quang Trung năm 1793 thì huyệt đất ở lăng Ba Vành ( Đan Dương lăng) đã bị “ đoạt long”  tức là bị “ đoạt khí” mạnh mẽ .
              Thứ đến , do phải giũ bí mật trong thời gian xây dựng lăng , một lượng lớn đá được khai thác tại chỗ nên tả long bị “tổn thương” trầm trọng. Hiện nay còn dấu tích về việc khai thác đá ở Kim Sơn để xây dựng lăng Ba Vành .
ẢnhY: Ảnh chụp vệ tinh nơi từng có  mỏ khai thác đá để dựng lăng Ba Vành
Tiếp theo là do huyệt mộ ở Lăng Ba Vành bị thế thủy phá. Thật vậy trong sách Bảo Ngọc Thư , cụ Việt Hải từng viết trong mục QUYẾT ĐOÁN ĐỊA CÁCH:
 “ Những cách thường hay có, đã từng thấy ứng chứng và kinh nghiệm xưa nay, nên đặt thành câu thơ phú , văn chương , để cho dễ nhớ . Vậy tôi sưu tập lại và đính chính những câu sai lầm , bởi ( bởi khi in khác ), cho phù hợp với công thức địa lý chân truyền , biên ra minh bạch như sau:

 56,.Tả , hữu, tiền , hậu, hữu sơn thủy hình tiêm nhuệ xạ , đao thương ác tử nan đào!
 - Đất ở chung quanh mộ có hình mũi nhọn , hoặc sơn hay thủy đâm vào thì , khó tránh thoát cái chết về tai nạn đâm chém!

57, Sơn tán loạn hề , tử dang thi!
58,.. Thủy khấp khốc hề sinh diệt tộc!
- Sơn sa tản mác mỗi chi một ngả, không đoàn tụ thu họp thành cục, thì có người chết phơi thây mất xác!
-Thủy chảy réo , nghe tiếng kêu ồ ồ , thì kẻ sống cũng lìa họ, bỏ làng , tức là đau khổ ! ( Ở thìn phương mà gần mộ nghe tiếng thì độc ác lắm!)

59,.Tiền diện thủy phân , gia vô ân ái ,
60,. Hậu đầu thủy phá , tộc bại yểu vong!
- Ở trước mặt mà nước phân rẽ ra hai ngả là  “Tiền diện thủy phân”, tức là cao hơn hai bên , không trừ tụ , thì anh em họ hàng ở với nhau không có tình cảm thương yêu!
- Nước đằng sau đầu chảy rốc tuột cả về đằng sau là  “ Hậu đầu thủy phá “, tức là đằng sau thấp dần dần xuống , không tụ , và không quanh về trước mộ , thì dòng họ bị bại vì chết non dần mòn hết!

               Trong mục QUYẾT ĐOÁN ĐỊA CÁCH có 72 câu đúc kết mà cụ VIỆT HẢI sưu tầm và chú giải thì 64 câu là nói về CÁT ĐỊA, còn khoảng 8 câu nói về HUNG ĐỊA, trong đó 5 câu 56, 57, 58, 59, 60 mà chúng tôi trích dẫn trên đây lại phù hợp với cuộc đất của lăng Ba Vành. Thật vậy tầm long trên đại thể, khi còn núi rừng che phủ thì quả nó là cách  “ BÀN LONG CỐ MẪU” , nhưng xem kỹ qua ảnh chụp vệ tinh mới thấy hết tính  “ HUNG ĐỊA” của cuộc đất này.
Ảnh Z:  Ảnh chụp vệ tinh vùng núi Kim Sơn,  có Kim Sơn tức núi Châu Chữ, có thôn Kim Sơn dưới chân núi.
 Nếu lăng của bà Tả Cung Họ Phạm ở địa cuộc Kim Sơn  thì quả thầy địa lý khi “ tầm long” vội vàng nơi này , sau khi huyệt mộ ở gần lăng Trường Mậu ( núi Kim Ngọc) phải bỏ vì cọp đuổi, đã không thấy hồ Thủy Tiên dẫu đẹp nhưng thuộc loại “thủy hình tiêm nhuệ xạ” , có những mũi nhọn đâm vào huyệt ( xem ảnh chụp vệ tinh hình hồ Thủy Tiên thì rõ). Còn lăng Ba Vành , tức Đan Dương lăng của vua Quang Trung , thì sau hậu đầu có một khe con    , chảy ra khe Châu Ê và khe Châu Ê lại vòng quanh chân núi Châu Chữ để chảy vào sông Hương. Đây là thế “ Hậu đầu thủy phá” đối với lăng Ba Vành. Lại thêm , gần đồi bình phong trước mặt lăng Ba Vành lại có con khe , ngăn bình phong này với vườn cam Thiên An ( hậu thân của viên lăng, có nhà hộ lăng). Con khe này và con khe vòng quanh sau hậu đầu lại làm thế “Tiền diện thủy phân” hơn là “ minh đường thủy tụ”. Mùa mưa , đứng ở lăng Ba Vành mới nghe được tiếng nước chảy ồ ồ của hai con khe này. Cũng nhờ ảnh chụp vệ tinh mới thấy tả long của lăng Ba Vành với những nhánh núi không quần tụ , thậm chí phân tán , đó là thế
“Sơn tán loạn hề, tử dang thi” vậy . Trở lại  “ thủy hình” lớn hơn và xa cuộc đất hơn thì sông Hương quả chảy tả qua hữu trước lăng Ba Vành nhưng “ Tiền diện thủy phân” ở cầu Bạch Yến” , rẻ thành nhánh sông Bạch Yến và sông Hương. Và quả sau khi táng bà Tả Cung họ Phạm thì vua Quang Trung băng hà, chỉ 8 năm sau triều Tây Sơn sụp đổ thảm hại và dòng họ vua Quang Trung hoàn toàn bị xóa sổ.
             

6/Kết luận:

      Tóm lại địa cuộc Kim Sơn trước thời Gia Long thuộc loại BÀN LONG CỐ MẪU CÁCH, CƠ ĐỒ ĐẾ NGHIỆP. Một nhà sư biết phong thủy đã bí mật tầm long điểm huyệt để gia đình của thế tử Nguyễn Phúc Luân táng ngài ở cổ rồng của địa cuộc. Khi bà Tả Cung họ Phạm qua đời năm 1791, Tây Sơn định táng bà ở gần lăng Trường Mậu không thành công, các thầy địa đã tầm long ở địa cuộc Kim Sơn. Thế thì mộ ngài Nguyễn Phúc Luân tất yếu bị quật và hài cốt bị vứt xuống sông Hương như các lăng chúa Nguyễn khác. Không may, chỉ hơn năm sau thì vua Quang Trung cũng băng hà, Tây Sơn cũng táng nhà vua ở địa cuộc Kim Sơn ( tức lăng Ba Vành) . Năm 1801, triều Tây Sơn bắt đầu sụp đổ , Đan Dương lăng và lăng bà Tả cung họ Phạm bị quật phá  và địa cuộc Kim Sơn trở thành vùng đất cấm của triều Nguyễn . Không ai dám an táng ở địa cuộc Kim Sơn . Thế nhưng , tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đã táng mẹ ở sát địa cuộc Kim Sơn và bị vạ ngay. Chỉ đến triều vua Thiệu Trị , Tự Đức triều Nguyễn mới xây dựng Xương lăng ở một nhánh rẽ của dãy Kim Sơn với tên mới là Hiếu Sơn , gần Thuận Đạo sơn . Đặc biệt sát hồ Thủy Tiên , hoàng gia triều Tự Đức đã táng bà Lệnh Phi Nguyễn Thị Nhậm , con gái của quận công Nguyễn Văn Nhân, vợ đầu của vua Thiệu Trị, do không sinh được hoàng tử nên bà hai là Phạm Thị Hằng mới được phong Hoàng Hậu . Dân gian gọi lăng này là “Lăng Bà Nhất”. Chỉ đến thời vua Khải Định năm thứ hai mới có vụ việc Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương đưa hài cốt thân phụ Vũ Bá Bình vào chôn ở lăng vua Quang Trung bị quật phá, suýt bị trọng tội , đã đưa hài cốt ra khỏi lăng Ba Vành từ năm 1917. Chỉ một năm sau , tức Khải Định năm thứ 3(1918) hoàng tộc triều Nguyễn mới dựng mộ của một bà họ Trần, vợ chánh của một vị hoàng thân  tước công thuộc dòng Bình Phú Công ( Nguyễn Phúc Miên Áo [1817-1865]) . Điều đáng ngạc nhiên là thân nhân đã tận dụng đá vữa của một lăng mộ ngang tuổi của lăng Ba Vành để đắp uynh thành vuông cho mộ này. Vừa tận dụng đá , vừa thu nhỏ qui mô lăng cũ . Bia đá không phải là bia đá Thanh như những lăng khác cùng thời . Phải chăng tiền thân của lăng bà họ Trần là lăng của bà Tả cung họ Phạm ? Vấn đề này chúng tôi sẽ trở lại trong bài viết tới , trong đó chúng tôi sẽ chứng minh lăng Ba Vành có vườn lăng, có nhà hộ lăng. Như thế địa cuộc Kim Sơn coi như một vùng đất cấm , chỉ có hoàng gia triều Nguyễn mới được phép chôn cất ở đây. Địa cuộc ở gò Bình An chỉ thích hợp để dựng chùa và tháp sư và quả chỉ có những chùa nổi tiếng, chứ ở đó có lăng mộ vua quang Trung thì quá nhiều bất cập , không sánh nổi địa cuộc Kim Sơn.
Nguồn: giaodiemonline              - Trần Viết Điềm 
Trang  Gia Phả Cội Nguồn

===========================================================
Tài liệu tham khảo chính:
[1] : Quốc Sử quán triều Nguyễn , Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân), bản dịch Phạm Trọng Điềm, NXB Thuận Hóa , Huế 1992
[2]  : Quốc Sử quán triều Nguyễn , Đại Nam thực lục chính biên , Viện Sử học, NXB Giáo Dục, H.2002.
 [3]  : Việt Hải , Bảo Ngọc Thư, (lưu hành nội bộ) , Sài Gòn , 1974.
 [4] :  Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, T.P Hồ Chí Minh,1995.
spacer

Tầm long đồ - Cao Vương chân truyền địa lý đồ chân long huyệt

Cao Vương chân truyền địa lý đồ chân long huyệt

高 王 真 傳 地 理 圖 真 龍 穴

Sách Cao Vương Chân Truyền Địa Lý Đồ Chân Long Huyệt, thác danh do Cao Vương (tức Cao Biền) truyền lại. Đầu sách là bản đồ phong thuỷ nói là của 54 huyệt đất tốt ở xứ Kinh Bắc (các huyện Hiệp Hoà, Đông Ngàn, Vũ Giàng…). Tiếp đến là các huyệt đất tốt ở xứ Sơn Nam (các huyện Thanh Trì, Thượng Phúc, Thanh Oai…), Sơn Tây (các huyện Từ Liêm, Lập Thạch, Thạch Thất, Bạch Hạc…), Hải Dương (các huyện Đường Hào, Cẩm Giàng…), Nhị thập tứ mạch lai long luận pháp 二十四脈來龍論法, Thi vân 詩雲: Bài thơ nói về đạo đức và bí quyết của thuật địa lý phong thuỷ, Địa lý chính tông gia truyền bí pháp 地理正宗家傳祕法, Tứ ngung luận 四隅論, Thần chú 神咒...”

Cao Vuong Chan Truyen
spacer

Những tri thức thiếu chính xác và một số điều cần trao đổi trong những cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam

Những tri thức thiếu chính xác và một số điều cần trao đổi trong những cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam


 Kiều Thu Hoạch 
      LTS: Viện Nghiên cứu văn hóa đang chủ trì biên soạn bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam gồm 6 tập. Tạp chí Văn hóa dân gian đã đăng nhiều bài thảo luận từ những vấn đề có tính chất lý luận, phương pháp luận và phương pháp đến những vấn đề văn hóa cụ thể (xin xem: Tạp chí VHDG số 2, số 4, số 5 năm 2005; số 3, số 4 năm 2006; số 4, số 5, số 6 năm 2007; số 2, số 3 năm 2008). Lần này, chúng tôi tiếp tục công bố bài của GS. TS. Kiều Thu Hoạch. Mong nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu.
      Nếu biên soạn lịch sử văn hóa Việt Nam, một mặt chúng tôi tán thành việc tiếp cận văn hóa sử Việt Nam từ “cái tổng thể”, nhưng mặt khác, theo thiển nghĩ, cũng rất cần  tiếp cận từ “cái cụ thể” như góp ý của Trần Nho Thìn: “Chỉ có thể khái quát đầy đủ về văn hóa dân tộc khi sự khái quát dựa trên những  nghiên cứu nghiêm túc các lĩnh vực văn hóa chuyên biệt” (Trần Nho Thìn: “Từ góc độ của người nghiên cứu văn học, thử đề xuất phương hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6/ 2006).


 Việc Trần Nho Thìn nói đến “những nghiên cứu nghiêm túc các lĩnh vực văn hóa chuyên biệt” là rất đúng, bởi lâu nay không phải tác giả nào cũng cẩn trọng khi nói đến những tri thức văn hóa cụ thể. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một số tri thức thiếu chính xác của các tác giả như sau.
      1. Trước hết là nhà sử học Đào Duy Anh, trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam (Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2005), ở tr. 54, cụ viết “chữ lạc  hay là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương tự với loài ngỗng trời. Có thể  chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt”. Trong Thể thao & Văn hoá số 66 (17/8/2004), chúng tôi có bài  trao đổi với ông Lê Văn Lan, nhân đọc bài của ông “Chim Lạc hay cò? Hãy gọi đúng tên” đăng trên thể thao & Văn hóa số 4, 5, 6 (13/1/2004). Bài viết của chúng tôi đã ghi cả bốn chữ mà ta đều đọc là lạc:  鵅,駱,雒,貉(với các bộ thủ: điểu, mã, chuy, trãi). Theo tra cứu của chúng tôi, thì bốn chữ này đều là ghi âm Hán của từ Việt cổ (rác, đrác, đác) còn thấy trong tiếng Mường, chỉ nước. (Giống trường hợp: My Linh/ Ma Linh/ Mê Linh ghi địa danh Mlinh thời Hai Bà Trưng). Còn nếu xét theo nghĩa thì:
Lạc  駱 bộ   là ngựa trắng bờm đen
Lạc  bộ truy là ngựa đen bờm trắng.
Hai chữ này  đều là chữ Kinh Thi (thiên Lỗ tụng), đều không hề có nghĩa chỉ loài chim, như cụ Đào giải thích. Chính vì vậy, chúng tôi đã căn cứ theo phương pháp ngữ âm học lịch sử để giải thích đó chỉ là những chữ mượn âm Hán để ghi âm  tiếng Việt cổ, chứ không thể máy móc giải thích theo nghĩa chữ Hán được. Và như thế, cả hai chữ đều chỉ loài ngựa (nếu hiểu theo ngữ nghĩa), chứ không chỉ hậu điểu (loài chim di trú) nào cả. (Sai lầm của cụ Đào đã kéo theo cả Trần Ngọc Thêm trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1997), tr. 276). Bài báo của chúng tôi đã được dư luận hoan nghênh, đồng tình, và ngay số báo sau, Thể thao & Văn hóa số 67 (20/8/2004) đã có bài của Văn Bình chia sẻ luận điểm của chúng tôi.
      2. Nguyễn Đăng Thục trong sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998), tr. 67, khi giới thiệu về thơ vịnh Trống đồng, đã viết “Bồ Tát Tôn Quang Hiến vịnh về Nam man có câu: Đồng cổ dữ man ca/ Nam nhân kỳ trại đa".Kỳ trại in lầm kỳ tài. Viết như thế chứng tỏ tác giả không nắm được tri thức cụ thể về lịch sử văn học Trung Quốc. Nguyên gốc đây là một bài từ làm theo điệu “bồ tát man” vốn là tên một nhạc khúc ở Giáo phường đời Đường (1); còn tên tác giả bài từ là Tôn Quang Hiến, người thời Ngũ đại (907 – 906). Vậy phải dịch là “Tôn Quang Hiến thời Ngũ đại, có bài từ vịnh trống đồng theo điệu bồ tát man như sau”. Đáng tiếc hơn nữa là còn hai câu mở đầu bài từ, phản ảnh rõ cảnh quan môi trường sinh thái của tộc người Việt ở phương nam đã không được trích dẫn:
      Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu
      Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
      Đồng cổ dữ Man ca
      Nam nhân kỳ trại đa…
      (Hoa gạo ánh đỏ cả khu đền nhỏ,
      Trong tiếng hót của đàn chim Việt dưới nắng xuân sớm
      Tiếng trống đồng hoà cùng tiếng hát của dân Man,
      Người phương Nam cầu cúng nhiều…)
      Trong Lịch sử tư tưởng Việt nam, tập II, tr. 153, nhà thơ đời Đường là Giả Đảo, ông Thục đã đọc sai thành Cổ Đảo. Bởi ông Thục không biết chữ có hai âm, khi là họ thì đọc Giả, còn đọc cổ lại có nghĩa là buôn bán                  
      3. Ông Phan Ngọc là người rất nhiệt tâm với văn hoá  dân tộc và đã có công bố nhiều đầu sách về văn hóa: Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới (1994), Bản sắc văn hóa Việt Nam (1998), Một cách tiếp cận văn hóa Việt Nam (2000), Một thức nhận về văn hóa Việt Nam (2005)... Dư luận khen chê cũng nhiều, trong đó nhược điểm lớn nhất của ông là ít đọc người khác, nặng về nghiên cứu kiểu tư biện chủ nghĩa (philosophie spéculative) và võ đoán. Nói theo cách nói của Trần Nho Thìn thì đó là lối “nghiên cứu chung chung, “đại ngôn” dẫn đến sự khái quát về đặc trưng văn hoá Việt Nam thoạt nhìn có vẻ như rất khoa học nhưng thực chất là thiếu cơ sở thực tiễn, phi khoa học”. Xin nêu một số dẫn chứng tiêu biểu: Trong sách Bản sắc văn hóa Việt Nam(Nxb. Văn hoá – Thông tin, 1998) ông cho rằng hương ước, khoán lệ không có ở Trung Quốc (tr. 285). Đây là một nhận xét hết sức võ đoán. Sách Từ nguyên định nghĩahương ước là “Hương nhân cộng thủ chi ước 鄉人共取之約” (Những quy ước mà người trong làng phải cùng nhau giữ gìn).
      Tống sử có ghi chép về cách xây dựng hương ước. Nói chung theo sử sách Trung Quốc thì hương ước bắt nguồn từ sách Chu lễ, được khởi dựng từ Bắc Tống và phát triển mạnh ở thời Minh. Theo chỗ chúng tôi được biết, thì ở ta, việc triều đình Lê Thánh Tông (1460 – 1496) ra sắc lệnh thể chế hoá hương ước ở nông thôn cũng tương tự như quy tắc thể chế hoá hương ước ở triều đại Chu Nguyên Chương (1368 – 1398) thời Minh. Về hương ước, thực ra ông Phan Ngọc không nắm được tình hình nghiên cứu sưu tầm ngay ở trong nước, chứ chưa nói đến nước ngoài. Thế nhưng ông lại nói chắc như đinh đóng cột: “Tại Viện Hán Nôm hiện nay, có văn bản 173 hương ước” (tr. 80). Viện Văn hoá dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) từng thực hiện chương trình sưu tầm, biên dịch hương ước Hán Nôm, bản thân chúng tôi cũng có tham gia, nên chúng tôi nắm khá vững số liệu hương ước hiện còn ở Viện Hán Nôm. Chỉ tính riêng hương ước cổ Hà Tây, Hưng Yên đã có trên dưới 300 văn bản. Còn nếu tính đến khối lượng hương ước cận đại (1921) thì có tới trên dưới 5000 bản. (Theo thống kê của Thư mục hương ước cận đại, Viện Thông tin Khoa học xã hội, 1991). Như vậy, đâu phải số lượng văn bản chỉ có 173 hương ước như ông Phan Ngọc nói.
      Cũng về vấn đề so sánh với văn hoá Trung Quốc, ông Phan Ngọc còn nói rằng “Kiến trúc lớn nhất phi thường nhất, phản ánh tâm thức Việt Nam là hệ thống đê điều kênh lạch” (Sđd, tr. 39). Và ở sách Nội dung xã hội và mĩ học tuồng đồ (Nxb. Khoa học xã hội, 1984), do ông Phan Ngọc  viết chung với ông Lê Ngọc Cầu, khi nêu những hằng số nói về dân tộc Việt Nam so với Trung Quốc, ông Phan Ngọc đã từng nói đầy đủ hơn về vấn đề đắp đê: “Hằng số vật chất thứ hai - Việt Nam là một dân tộc đắp đê. Địa bàn làm cơ sở cho Trung Quốc ngày xưa đó là đồng bằng sông Hoàng Hà, nơi trồng lúa mì, cao lương, đậu nành, những giống cây không cần phải giữ nước thường xuyên. Sông Hoàng Hà cũng có những nạn lụt lớn, và theo truyền thuyết, Hạ Vũ đã khơi nước sông Hoàng Hà để nó chảy ra biển.... Nói chung câu chuyện chống nước, tát nước, giữ nước không đặt ra thường xuyên cho người Trung Quốc như người Việt” (tr. 78 – 79)
      Theo cách nói của ông Phan Ngọc thì dường như người Trung Quốc chỉ chống nước theo kiểu “Hạ Vũ”, tức là là khơi nước sông Hoàng Hà cho chảy ra biển mà không đắp đê. Những thực tế có phải vậy không? Căn cứ vào sách Trung Quốc đại bách khoa toàn thư – Trung Quốc sơn xuyên (Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, 1999), chúng ta được biết: từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc khoảng thế kỉ thứ VIII trước công nguyên (TCN) - thế kỉ thứ III TCN) hai bờ sông Hoàng Hà con sông lớn thứ hai của Trung Quốc đã được đắp đê. Đê bờ bắc và đê bờ nam bắt đầu từ tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài 1.300.000m, qua bảy tỉnh. Thời Lưỡng Hán đã xuất hiện các hoạt động tu bổ bảo hộ đê Hoàng Hà. Từ thế kỉ I đến các thế kỷ sau đều có các hoạt động lớn nhằm tu bổ đê điều và phòng lụt ở Hoàng Hà… Ngoài sông Hoàng Hà mà ông Phan Ngọc có nói tới, thì sông Trường Giang, con sông lớn nhất Trung Quốc, dài 6.403.000m chảy qua 11 tỉnh, cũng có hai bờ đê khá dài, bao gồm đê chính hơn 3.100.000m và đê phụ dài 30.000.000m (nguồn: Trung Quốc đại bách khoa toàn thư, Sđd.)
      Chỉ sơ bộ nêu hai con sông lớn nhất nhì Trung Quốc cùng hệ thống đê điều của riêng hai con sông này cũng cho thấy khó có thể nói quá lời như ông Phan Ngọc, rằng đê Việt Nam là “kiến trúc lớn nhất, phi thường nhất”. Đó là nói về đắp đê. Còn về vấn đề “chống nước, tát nước, giữ nước không đặt ra thường xuyên cho người Trung Quốc như cho người Việt” liệu có đúng như nhận xét của ông Phan Ngọc hay không? Theo cách nói của ông Phan Ngọc, “chống nước” tức là chống lụt, “tát nước” tức là chống hạn và “giữ nước” tức là làm thuỷ lợi nói chung. Không rõ ông Phan Ngọc căn cứ vào đâu mà nói như vậy? Một nước nông nghiệp đất rộng người đông như Trung Quốc mà vấn đề thuỳ lợi lại không đặt ra thường xuyên kể cũng lạ. Để trả lời vấn đề này, chúng tôi chỉ xin trình bày rất sơ lược về lịch sử trị thuỷ của người Trung Quốc như sau:
      Một thuận lợi của lịch sử Trung Quốc là các sự  kiện lớn nhỏ đều được ghi chép khá kĩ. Nhờ  đó, chúng ta được biết nạn lụt của Trường Giang đã  đuợc ghi từ thời Hán. Kể từ đời Đường đến đời Thang trong khoảng 1300 năm, sông Trường Giang có 223 trận lụt rất lớn. Từ thế kỉ thứ VII trở đi, theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 1400 năm, sông Hoàng Hà đã có 110 trận lụt, và lưu vực sông này đã có 95 lần hạn hán lớn. Đặc biệt, sông Hoàng Hà còn có một tai hoạ khủng khiếp, đó là nạn ứ bùn cát ở lòng sông, từ đời Hán đã có câu: “Nhất thạch thuỷ nhi lục đẩu nê” (Một thạch nước có đến sáu đấu bùn). Do vậy, người ta phải dùng phương án “Trúc đê thúc thuỷ, dĩ thuỷ công sa” (Đắp đê bó nước, dùng nước đẩy cát). Nhờ vậy, hệ thống đê điều của Hoàng Hà ngày càng hoàn thiện; không chỉ có một đê chính, mà còn nhiều phòng tuyến đê: đê quai, đê phụ, đê từ xa ở phòng tuyến hai… Đến đời Thanh, người Trung Quốc đã nêu ra nhiều nguyên lý để trị thuỷ sông Hoàng Hà. (Điều thú vị là trong cuốn sách Hán Nôm Hà đê bộ văn tập, ký hiệu A.617, ngoài những văn kiện về hộ đê ở Bắc bộ thời Tự Đức, còn phụ lục cả bản vẽ về kè đá, cống đá trên thân đê sông Trường Giang và sông Hán Thuỷ của Trung Quốc để tham khảo). Về thuỷ lợi, tưới nước, người Trung Quốc đã thực hiện từ đời Thương. Trong chế độ tỉnh điền thời kì Tây Chu, người ta đã biết đào ngòi lạch ngang dọc theo đường bàn cờ để dẫn nước tưới ruộng. Hiện còn bốn công trình thuỷ lợi được xây dựng từ thời cổ đại, đó là: 1 - Thược Pha, xây dựng từ Chiến Quốc (thế kỉ VII TCN - thế kỉ VI TCN), nay ở tỉnh An Huy, đây là hồ chứa nước cỡ lớn, chu vi hơn 120 dặm, có thể tưới cho hàng 100 vạn mẫu ruộng, khiến cho cả một vùng trồng lúa nước (thuỷ đạo) phát triển mạnh. 2 – Chương Thuỷ thập nhị cừ (mười hai kè sông Chương Thuỷ) nằm ở địa phận tỉnh Hà Bắc, được xây dựng từ thời Nguỵ (thế kỉ V TCN - thế kỉ IV TCN). Nhờ hệ thống tưới nước này đã cải tạo vùng ruộng chua mặn thành ruộng trồng lúa nước tươi tốt cho cả vùng Hà Nội (tên quận đời Hán) của nước Nguỵ. 3 – Đô Giang yển (đập ngăn nước Đô Giang), ở vùng Tứ Xuyên, xây dựng từ đời Tần (thế kỉ III TCN), là công trình phòng lụt, phòng hạn nổi tiếng về mức độ hùng vĩ, đem lại sự phồn vinh cho cả vùng bình nguyên thành đô. 4 - Trịnh quốc cừ (Kè nước Trịnh), cũng được xây dựng từ đời Tần (thế kỉ III TCN), là một công trình tưới nước khổng lồ, nay nằm ở Thiểm Tây. Thời Tây Hán kè này được cải tạo thêm, đương thời có bài dân ca ca ngợi, còn được ghi trong Hán thư. (Nguồn: Trung Quốc văn hoá tam bách đề, công trình của Nxb. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1987, Chương Khoa học, kĩ thuật – Mục 41, 42)
      Nghiên cứu văn hoá so sánh thì phải nắm chắc được các đối tượng. Rõ ràng là, ông Phan Ngọc chưa nắm được lịch sử văn hoá Trung Quốc, do đó, không tránh khỏi những suy luận chủ quan. Bệnh của ông chẳng qua là ít đọc hoặc không đọc sách nghiên cứu văn hoá Trung Hoa. Không cứ gì các hiện tượng lịch, mà cả về mặt lý luận cũng vậy, mặc dầu ông là con người của thao tác luận, tổ quốc luận, nhân cách luận, nhận thức luận… nên khó tránh khỏi mắc cả những lỗi sơ đẳng nhất. Chẳng hạn, ông cho rằng chính người Trung Quốc đã dùng từ Văn hoá để dịch từ Culture của phương Tây (Văn hoá Viêt Nam và cách tiếp cận mới, 1994 - Phần giải thích thuật ngữ văn hoá). Có nhiều tài liệu đã chỉ rõ, từ Văn hoá là do người Nhật mượn từ Hán để chuyển dịch từ Culture của phương Tây, sau đó các sách báo hiện đại của Trung Quốc cũng dùng theo. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn dẫn dụng ngay một tài liệu của các học giả Trung Quốc nói về vấn đề này cho thêm phần khách quan. Trong sách Trung Quốc văn hoá sử tam bách đề (Sđd) ở bài Tổng luận, Mục 1. Văn hoá là gì? Các tác giả viết: “Văn hoá nhất từ, kỳ ý nghĩa hiển nhiên dữ cổ đại đích bất đồng. Tha thị thập cửu thế kỉ mạt, thông qua Nhật văn chuyển dịch, tòng Tây phương dẫn tiến đích” (Về từ văn hoá, ý nghĩa của nó rõ ràng là không giống như thời cổ. Từ này vốn đuợc chuyển dịch từ thuật ngữ phương Tây qua Nhật văn, vào cuối thế kỉ XIX).
      4. Ông Nguyễn Đăng Duy cũng là một tác giả rất say mê nghiên cứu văn hoá Việt Nam, ông viết văn hoá Việt còn nhiều hơn cả ông Phan Ngọc, chỉ tính số sách đã xuất bản, từ năm 1996 đến năm 2005, ông đã có 10 đầu sách. Chúng tôi đã có dịp đọc một số sách của ông, nhìn chung không thấy có đóng góp gì mới, chẳng những thế còn cho thấy có những nhận thức không chính xác, đúng như GS. Nguyễn Xuân Kính đã phân tích khi nói về công trình Văn hoá Việt Nam đỉnh cao Đại Việt của ông. Qua việc ông phân tích cấu tạo chữ thánh  trong  sách Văn hoá tâm linh (1996), cho rằng thánh là ở trên vua (王), chúng tôi đã biết trình độ Hán học của ông rất hạn chế và có cảm nhận rằng ông cũng là thuộc loại hình tư duy võ đoán, suy diễn chủ quan. Đến khi đọc cuốn Văn hoá Việt Nam buổi đầu dựng nước (Nxb. Hà Nội, 2002), chúng tôi càng thấy cảm nhận về chất lượng viết lách của ông là không sai. Ngay ở trang 10- 11 của sách này, ông viết: “Giống chim mỏ dài, chân cao, khi bay cánh dang rộng, ta thấy khắc trên các mặt trống đồng. Khi người Hán xâm lược chiếm đóng nước ta (111 TCN), văn hoá Hán tràn vào, trong đó có thứ chữ Trung Hoa cổ gọi là chữ Hán. Do ấn tượng mỗi khi có động, giống như chim trên đây bay lên trời hàng đàn nên hình ảnh mỗi con chim đang bay cổ vươn dài, hai cánh xải rộng, chân dài vươn ra phía sau, trông giống như chữ Lạc  , vì thế giống chim cò, vạc, giang, sếu ở nước ta khi ấy gọi thành chim Lạc. Ruộng mà có giống chim ăn cá xuống ăn gọi là ruộng Lạc…
      Thế  nhưng chữ Lạc  chỉ có nghĩa là vui, còn chữ Lạc là ruộng Lạc thì lại viết  , chim Lạc thì lại viết  【鳥+隹】  ”.
      Kể  ra, ông Nguyễn Đăng Duy cũng giàu tưởng tượng và lắm chữ nghĩa, từ hình ảnh chim bay với cổ dài cánh rộng… mà ông lại cho là giống chữ Lạc là vui, để rồi từ chữ Lạc là vui mà đính chính sang chữ Lạc là ruộng Lạc, rồi chữ Lạc là chim Lạc, khiến người đọc không còn biết đằng nào mà lần. Nhưng thực ra, đều là ông “bịa” ra hết, chẳng có sử sách nào ghi chép như thế cả. Ấy là chưa kể, mấy chữ ông viết đều lầm lẫn, chẳng đâu vào đâu. Chữ Lạc mà ông viết  để chỉ ruộng Lạc thì không có trong các từ điển Trung Quốc; có một chữ tương tự như thế, đó là chữ Lạc  【鳥+隹】(gồm chữ các một bên, chứ không phải chữ chuy), sử sách Hán Nôm của Việt Nam hay dùng để Lạc hầu, Lạc tướng, như trong Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.227/ bản lưu ở Đền Hùng cũng là bản này. Còn chữ Lạc mà ông Duy viết【鳥+隹】để chỉ chim Lạc, lại là viết sai, đúng ra phải viết (một bên là chữ các) hoặc  (một bên là chữ ) như cách viết của Thuỷ kinh chú,hoặc Sử kí Tư Mã Thiên… Mà cả hai chữ trên đều là chỉ loài ngựa, chữ Kinh Thi người Trung Quốc dùng để phiên âm tiếng Việt, chứ không có nghĩa chỉ chim Lạc như chúng tôi đã góp ý về sự ngộ nhận của học giả Đào Duy Anh ở trên.
      Cũng trong sách Văn hoá Việt Nam buổi đầu dựng nước, tr. 143, ông Duy khi nói về nhà nước Văn Lang đã viết: “Người Việt cổ ở Bắc Trung Bộ khi ấy, cũng được người Chăm cổ, người dân tộc Tây Nguyên để đầu trần đi ra ngoài, gọi là người Doan, có nghĩa là người đội nón. Từ cái tên mang tính biểu thị sinh hoạt của một cộng đồng người đội nón là người Doan, rồi biến âm hay biến nghĩa như thế nào đó, thành các tên Nôm K’châu, K’chơng, rồi Kẻ Chân, Kẻ Chơng. Cũng lại rồi để đến thời Trần các cụ Hán học chép sách đã đặt thành cái tên Hán Việt bộ Cửu Chân, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang”. Tiếp đó, tác giả lại suy luận rằng “Phải chăng là từ tên người Doan, Hán hoá thành Nhân Doan, rồi thành Nhật Nam. Như vậy, nhà nước được xác lập đã qui tụ con người với đất đai thành vùng địa danh lãnh thổ quốc gia”. Những phân tích của ông Duy như vừa nêu là thuộc lĩnh vực ngữ âm học lịch sử . Đây là một lĩnh vực đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức chung về ngữ âm; đồng thời phải hiểu biết về ngữ âm lịch sử tiếng Việt; ít ra phải đọc H. Maspéro Ngữ âm lịch sử tiếng Việt – các âm đầu, 1912, phải đọc Hoa Di dịch ngữ/ An Nam dịch ngữ do tác giả thời Minh biên soan khoảng thế kỷ XV – XVI… Đâu phải chỉ suy diễn lung tung như tác giả Nguyễn Đăng Duy đã bàn, vừa không có thông tin đang tin cậy, vừa không có cơ sở khoa học, do đó, đã không có sức thuyết phục người đọc, nếu không muốn nói có những biện luận nghe rất hài hước.
        Ở cuốn sách Văn hóa Việt Nam đỉnh cao Đại Việt (Nxb. Hà Nội, 2004), tác giả Nguyễn Đăng Duy cũng phạm nhiều sai lầm về tri thức văn hoá cơ bản, ở đây chỉ xin nêu một thí dụ tiêu biểu, đó là quan niệm chữ Hán là do thời Hán mà có: “Cưỡng chế áp đặt văn hóa, Nho giáo, văn hoá tự Trung Hoa ngay từ thời Hán, nên cũng gọi Hán học, chữ Hán” (tr. 29). “Chữ cổ Trung Hoa vào nước ta theo vào nước ta theo Nho giáo gọi thành chữ Nho, từ thời Hán nên cũng gọi chữ Hán” (tr. 30). Nhiều tài liệu Việt Nam, Trung Quốc có nói về định nghĩa chữ Hán; ở đây chúng tôi nêu ý kiến của nhà ngôn ngữ học hàng đầu Nguyễn Tài Cẩn như là một định nghĩa chuẩn mực và khoa học “Chữ Hán (hoặc còn gọi chữ Nho) vốn là một loại văn tự do người Hán sáng tạo ra cách đây khoảng trên 3000 năm, khi người Hán đang còn đóng khung địa bàn cư trú của mình trong vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và sông Vị” (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 16). Tóm lại, chữ Hán là chữ của tộc người Hán, chứ không phải là chữ xuất hiện từ thời Hán.
      5. Về công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Nxb. Thuận Hoá, 2006), do Tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá biên soạn, đây cũng là giáo trình lịch sử tư tưởng của Đại học sư phạm Huế, do đó càng đòi hỏi tính chính xác cao. Từ góc nhìn lịch sử văn hóa, chúng tôi đánh giá đây là một công trình được biên soạn công phu, có hệ thống trên cả ba lĩnh vực: tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị và tư tưởng tôn giáo. Tuy nhiên, công trình không tránh khỏi những hạt sạn ở các khoa học chuyên ngành. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một sai lầm ở lĩnh vực y học cổ truyền khi tác giả viết: “Tám mạch chỉ đạo tám vùng trong cơ thể con người, tám mạch gồm: - nhâm mạch chỉ đạo toàn bộ phía lưng, Đốc mạch chỉ đạo toàn bộ phía bụng” (tr. 75). Viết như thế là sai hoàn toàn chứng tỏ tác giả chỉ sao chép máy móc ở đâu đó, chứ bản thân không hiểu gì về “kỳ kinh bát mạch” trong y học cổ truyền phương Đông. Theo các sách về khí công, Từ nguyên, Từ hải và y học cổ thì phải hiểu ngược lại: “Trong thân thể con người, Đốc mạch dẫn trên lưng, cai quản toàn thể khí dương trong thân hình, Nhâm mạch vòng trên bụng, cai quản toàn thể khí âm trong thân hình … nên mới nói, lưng là dương, bụng là âm”. (Nguồn:Hoàng đế nội kinh tố vấn toàn tập, chương II. “Kim quĩ chân ngôn luận”, bản dịch của Nguyễn Tử Siêu, nhà thuốc Hồng Khê xb, 1954, tr. 43 – Đây là sách kinh điển y học cổ truyền).
      6. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn trong bài “Văn hoá dân tộc động lực để phát triển” (Sách Mấy vấn đề văn hoá và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Bộ Văn hoá – Thông tin - Thể thao, Hà Nội, 1992, tr. 65) đã viết. Giáo lý tôn giáo được thích nghi theo nhận thức của người dân để tồn tại. Avalokitecvara vốn trung tính được biểu hiện thành Bà Quan Âm, vì ở Việt Nam yếu tố nữ trong tôn giáo là một đặc trưng”.
      Theo chúng tôi nói ở Việt Nam yếu tố nữ  là một đặc trưng cũng còn phải xem xét đó là vào thời điểm nào, và cũng phải có  cứ liệu minh chứng; còn nói yếu tố nữ là một đặc trưng trong tôn giáo có lẽ còn phải trao đổi. Không chỉ giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, mà một số nhà khoa học khác lâu nay cũng có khuynh hướng coi yếu tố nữ trong văn hóa Việt Nam như một nét đặc trưng, do đó đã không tránh khỏi những lập luận có phần khiên cưỡng, hoặc chứng minh bằng những cứ liệu có phần gò ép, thiếu khách quan. Chẳng hạn như Trần Ngọc Thêm từng viết: “Tính chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần (Trong cuốn Các nữ thần Việt Nam của Đỗ Thị Hảo – Mai Thị Ngọc Chúc – 1984, có tới 75 nữ thần)” (Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr. 272). Hoặc Chu Xuân Diên trong Cơ sở văn hoá Việt Nam (Sđd.) đã viết về tục đúc trống đồng của người Việt cổ rằng: “Khi trống đúc xong, cả làng được mời đến dự lễ mừng. Người được vinh dự đánh trống đầu tiên là một phụ nữ” (tr. 89) (ông Diên có ghi chú ở trang 90 rằng: Xem chi tiết trong Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên – Võ Quang Nhơn, 1997, tr. 130 – 134, và Đinh Gia Khánh., 1993, tr. 261 – 265; nhưng không dẫn tên sách cụ thể, nên chúng tôi tra cứu được). Tuy nhiên, do ông Diên có nói đó là ghi chép của Quảng Châu ký, nên chúng tôi cũng đã tra cứu được nguyên văn chữ Hán của sách này. Các sách Việt Giang lưu vực nhân dân sử của Từ Tùng Thạch (xuất bản năm Trung Hoa dân quốc 28/1939), Bách Việt nguyên lưu giữ văn hóa của La Hương Lâm (xuất bản năm Trung Hoa dân quốc 44/1955), đều có dẫn các cổ thư như Quảng Châu ký, Tấn thư, Tuỳ thư có ghi chép về tục đúc trống đồng của tộc người Việt. Sách Văn minh Lạc Việt của PGS. Nguyễn Duy Hinh (Viện Văn hoá và Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2004) cũng có dẫn nguyên văn phiên âm và dịch nghĩa đoạn văn này (tr.152 – 153). Chúng tôi đã đối chiếu với nguyên bản chữ Hán, và hoàn toàn đồng thuận với cách hiểu và dịch nghĩa của ông Hinh: “Khi mới đúc xong, đem trống treo ngoài sân, đặt tiệc rượu mời đồng loại đến. Con trai con gái nhà giàu dùng thoa lớn bằng vàng bằng bạc gõ trống, xong để lại cho chủ nhân, gọi là thoa trống đồng”. Mấu chốt vấn đề là ở hai chữ “tử nữ” 子女 , trong nguyên văn. Từ nguyên giải nghĩa “tử nữ” là con trai và con gái (tử dữ nữ子與女). Đây là nghĩa cơ bản, thông dụng. Ngoài ra, Từ nguyêncòn ghi một vài nghĩa phụ: “tử nữ” chỉ nhân dân thời phong kiến, do bọn thống trị dùng (chữ Tả truyện), và nghĩa thứ ba, “tử nữ” là con gái do Hán Vũ Đế gọi con mình khi gả cho chữ Hung Nô (Hán thư) . Hai nghĩa phụ là nghĩa đặc định, được ghi cho hết lẽ cònHán Việt từ điển chỉ ghi có một nghĩa: “tử nữ” là con trai và con gái có chua cả tiếng Pháp (gar ons et filles) nghĩa là con trai và con gái, như vậy, theo ngữ cảnh phải dịch là “con trai và con gái”, chứ không thể dịch là con gái. Mà là cả đám đông nam nữ “lai giả doanh môn 來者盈門”/ người đến đầy cửa (Quảng Châu ký), chứ không phải “một phụ nữ” như trích dẫn của PGS. Chu Xuân Diên, càng không thể suy diễn “Người được vinh dự đánh trống đầu tiên là một phụ nữ”. Các tác giả Từ Tùng Thạch, La Hương Lâm không bình luận gì về yếu tố nữ khi trích dẫn các cổ thư. Điều đáng chú ý là trong nguyên văn có ghi rõ “dĩ kim ngân vi đại thoa” (dùng vàng bạc đúc chiếc thoa lớn - ông Hinh có phiên âm, nhưng khi dịch đã bỏ qua “đại thoa”). Vậy loại thoa này cốt làm to dể đánh trống chứ không phải để gài búi tóc, do đó mới có tên là “đồng cổ thoa”; vả lại làm thoa còn có dụng ý để tặng biếu chủ nhà với số lượng vàng bạc tươm tất, tỏ rõ sự trọng vọng đối với vị Đô lão/ người chủ trống đồng. Sách Lịch sử tư tưởng, tập I, của Nguyễn Đăng Thục (Sđd, tr. 66)  dẫn nguồn Tuỳ thư, Địa lý chí, cũng có lời dịch đúng về tục ăn mừng khi đúc xong trống đồng: “Khi mới hoàn thành treo ở giữa sân, đặt tiệc tiệc rượu mời đồng bào. Người đến dự có trai gái nhà giàu lấy vàng bạc làm chiếc thoa lớn, cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân gọi là thoa đồng cổ”. Tóm lại, qua các cứ liệu vừa dẫn, rõ ràng là không có chuyện người được vinh dự đánh trống đồng đầu tiên là một phụ nữ.
      Còn nói như Trần Ngọc Thêm “Trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần” và viện dẫn 72 nữ thần trong sách Các nữ thần Việt Nam để minh chứng, thì chẳng qua cũng chỉ là tầm nhìn hạn hẹp “ở nhà nhất mẹ nhì con”. Nếu nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, thì “tình trạng lan tràn các nữ thần” còn lớn hơn ta gấp bội. Qua sách Trung Quốc nữ thần (Quảng Tây giáo dục xuất bản xã, 2000) của GS. Qua Vĩ, con số các nữ thần Trung Quốc được thống kê là hơn 1000 vị; rỉêng nữ thần Long Mẫu đã có trên 300 đền thờ ở Quảng Đông, có sắc phong và văn bia từ thời Tần Thuỷ Hoàng, cách ngày nay đã 2000 năm lịch sử; nữ thần Má Tổ được ghi chép từ thời Nam Tống (thế kỉ XII), hiện ở Đài Loan có 500 miếu thờ, trên toàn thế giới có trên 1500 miếu thờ…Và nếu nói như GS. Vạn thì phải chăng đây cũng là đặc trưng của tôn giáo Trung Hoa? Trở lại vấn đề “Bà Quan Âm”, các sách Phật giáo và từ điển Trung Quốc cũng từng có thông tin; chẳng hạn sách Trung Quốc dân gian tín ngưỡng phong tục từ điển (Trung Quốc Văn Liên xuất bản công ti, Bắc Kinh, 1992) cho biết, từ đời Đường trở đi, trong tín ngưỡng dân gian, hình tượng Quan tế Âm dần chuyển sang nữ tính; cuối đời Tống, cùng với truyền thuyết Quân Âm là con gái vua Diệu Trang Vương thì từ đó Quan Âm hoàn toàn là nữ. Diều thú vị là trong truyện Tây du ký (bản dịch, Nxb. Văn học,1988, tr. 349, có đoạn kể chuyện Tôn Ngộ Không hỏi chuyện Tam tạng về bài chú “khẩn cô nhi” do ai truyền, sau khi nghe Tam Tạng trả lời đó là do một bà lão truyền cho, Tôn Ngộ Không đã tức giận nói: “Bà lão ấy đúng là Quan Âm rồi. Tại sao hại ta như vậy. Đợi ta sang tận Nam Hải nện cho mụ một trận.” Ở một chỗ khác trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không còn rủa Quan Âm: “Làm gái già suốt đời là đáng lắm”. Tiếc là câu rủa này được trích dẫn trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1964) quyển II, tr. 210, Lịch sử văn học Trung Quốc, nhưng soạn giả không nói rõ ở trang nào, nên chúng tôi chưa thể tìm thấy ở bản dịch Tây du ký tiếng Việt. Dù sao thì chúng ta cũng được biết ở Trung Quốc, Quan Âm cũng là nữ giống như ở Việt Nam. Bởi vậy coi yếu tố nữ là một đặc trưng của tôn giáo Việt Nam để lý giải hiện tượng Bà Quan Âm là không có sức thuyết phục.
      7. Công trình Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thuỷ đến thế kỷ XIX của Nguyễn Khắc Thuần, ở chương III, có một phần viết liên quan đến đề tài của chúng tôi, đó là phần B. “Một số vấn đề về văn hóa thời Bắc thuộc”. Nội dung khoa học của phần này gồm có 5 mục lớn: I – Nho giáo và qúa trình truyền bá Nho giáo vào nước ta. II - Đạo giáo và quá trình truyền bá Đạo giáo vào nước ta. III - Phật giáo và quá trình truyền bá Phật giáo vào nước ta. IV - Thực trạng và đặc trưng mới của đời sống văn hóa thời Bắc thuộc. V - Chủ nghĩa yêu nước và những nội dung biến thái mới.
      Trong 162 trang khổ sách lớn 16x24 cm viết về một số vấn đề về văn hóa thời Bắc thuộc, như tác giả đã giới thuyết, chủ yếu chỉ là nói về Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Tuy nhiên, phần thông tin về ba tôn giáo này ở Việt Nam thời Bắc thuộc lại hết sức mơ hồ, thậm chí sai lạc. Về cách viết, tác giả khi giới thiệu về các tôn giáo này ở Việt Nam, thường hay nêu luận điểm cho rằng các tôn giáo này vào Việt Nam là do chính sách nô dịch, đồng hoá của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nêu nhiều chỗ như một điệp khúc, gây phản cảm cho người đọc. Một nhược điểm nữa là phần giới thiệu lịch sử ba tôn giáo này quá dài dòng, quá bề bộn, quá lan man, chẳng hạn về Nho giáo, Đạo giáo đều viết một mạch từ nguồn gốc đến tận thời Minh, Thanh, tức là vượt xa thời Bắc thuộc. Ấy là còn chưa kể trong đó còn có những chỗ thiếu chính xác về tri thức lịch sử chuyên ngành. Ngoài ra, nói chung chung, nói suông nhiều hơn là trình bày cứ liệu, nêu rõ nguồn xuất xứ. Xin nêu một số thí dụ:
      - Về Nho giáo, cho rằng chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ chỉ cho phép truyền bá vào nước ta những nội dung nào của Nho giáo mà chúng xét cực đoan nhất và có lợi nhất cho chính sách thống trị của chúng. Và nội dung truyền bá gần như chỉ có hai “mảnh vụn cực đoan nhất của Nho giáo” (ngoặc kép của tác giả) đó là sự cổ vũ mạnh mẽ cho tiếng nói tôn quân đại thống nhất và sự quảng bá rầm rộ cho tư tưởng trọng nam khinh nữ. (tr. 134). Tác giả không hề nêu cứ liệu hoặc xuất xứ nào cả. Thế nhưng đến đoạn dưới, thì chính tác giả lại tự mâu thuẫn khi cho rằng: “Sự lợi dụng của chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ với Nho giáo là điều không thể phủ nhận, nhưng những tác dụng tích cực của Nho giáo đối với xã hội ta thời Bắc thuộc cũng là điều không thể nào phủ nhận” (tr. 135). Tác dụng tích cực ấy là gì? Tác giả giải thích: đó là từ thời Bắc thuộc, bắt đầu nhân dân ta có trường học, có thầy giáo, có học trò. Rồi từ đó chữ viết của Trung Quốc vào ta để thành văn tự chính thức trong thời gian rất lâu dài. Rồi qua Nho giáo, hệ thống nghi lễ, phong tục, qui phạm đạo đức, pháp luật “thâm nhập xã hội người Việt và “không phải là tất cả đều không hề có một chút tác dụng tích cực tốt đẹp nào”(tr. 136). Hoá ra ngoài những “mảnh vụn cực đoan nhất của Nho giáo” vẫn còn có những “mảnh vụn” khác không cực đoan và tốt đẹp đối với dân ta.
      - Về Đạo giáo, phần giới thiệu lịch sử Đạo giáo ở Trung Quốc tuy bề bộn như chúng tôi đã nêu, nhưng những kiến thức cơ bản của tác giả trong lĩnh vực này rõ ràng còn khá yếu. Chẳng hạn, nói về Trương Giác (tr. 172) người sáng lập Đạo Thái Bình, mà lại không nói gì đến một thông tin rất quan trọng đó là ông còn là Thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Hán, do nghĩa quân đầu quấn khăn vàng nên còn gọi “giặc Hoàng Cân” (Hồi thứ nhất của Tam quốc diễn nghĩa chính là kể về việc khởi nghĩa Khăn Vàng này).
      Tác giả còn nói “Đạo giáo Trung Quốc thực sự  trở thành một tôn giáo lớn cũng chỉ mới bắt đầu từ thời nhà Tấn, và đặc biệt kể từ thời Nam Bắc triều.” (tr. 173). Đây cũng là một thông tin thiếu chính xác. Thời kỳ cực thịnh của Đạo giáo Trung Quốc phải là thời Đường, do nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội, nhưng có một nguyên nhân khá lí thú đó là cha con Đường Cao Tổ Lý Uyên, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tôn Lão Tử cũng họ Lý (Lý Nhĩ) làm tổ tiên của nhà Đường để coi mình như hậu duệ của bậc thần tiên (Lão Tử được Đạo giáo tôn xưng làm Thái Thượng lão quân).
      Nói về Cát Hồng (tr. 173), tác giả cũng có chỗ bất cập là không giới thiệu được nét đặc trưng của nhân vật, đó là một Đạo giáo thuộc dòng Đạo giáo thần tiên phái kim đan. Ngoài ra, còn có một chi tiết hết sức thú vị có liên quan đến nước ta thời cổ cũng không được đề cập tới, đó là việc Cát Hồng nghe tin đất Giao Chỉ có nhiều đan sa, nên đã xin vua Tấn cho sang làm huyện lệnh huyện Câu Lậu của quận Giao Chỉ để có dịp luyện đan (Tấn thư)… Trong một công trình lịch sử văn hóa, thì những điểm nhấn như chúng tôi vừa dẫn là rất đáng chú ý. Còn việc phân tích giới thiệu hàng loạt kinh sách quá phồn tạp về Đạo giáo như tác giả đã thực hiện (tr. 173) là quá thừa, nếu không muốn nói đó là sự lấn sang lĩnh vực tôn giáo sử, hoàn toàn không cần thiết đối với người đọc sách lịch sử văn hoá.
      Về  lực lượng đạo sĩ ở thời Bắc thuộc tác giả Nguyễn Khắc Thuần nói rằng, ở thời đầu gần như chỉ có người Trung Quốc, nhưng đến cuối thời Bắc thuộc, thì số lượng đạo sĩ là người Việt ngày một nhiều hơn (tr. 182). Tuy nhiên, tác giả không nêu cứ liệu, sử liệu chứng minh, do đó mà thiếu sức thuyết phục người đọc.
      Việc liệt kê các ngôi đền thờ liệt thánh thời Bắc thuộc (tr. 184 – 198), theo chúng tôi cũng cần hết sức thận trọng có cơ sở cứ khoa học, bởi đã qua vài năm thực tế lịch sử như  thế nào thật khó mà hình dung cho xác đáng.
      - Về Phật giáo, sai lầm của tác giả Nguyễn Khắc Thuần khi nói về “Phật giáo và những cuộc tiếp xúc đầu tiên với người Việt” (tr. 245) là không nắm vững địa - lịch sử, địa – chính trị của địa bàn Luy Lâu, thời Bắc thuộc. Ông Thuần đã không thầy rằng Luy Lâu (Dâu) từng là trung tâm chính trị của chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ đồng thời đây cũng là trung tâm thương mại lớn có tầm quốc tế, các khách buôn Trung Quốc, Trung Á, Ấn Độ… từng ra vào tấp nập bằng đường thuỷ theo tuyến sông Lục Đầu, sông Thái Bình ra biển, để buôn bán nông lâm thổ sản quí hiếm của người Việt Nam (Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Phần Phật giáo thời du nhập và Bắc thuộc do nhà nghiên cứu Phật học Thích Minh Chi viết, tr. 34). Do vậy, ông Thuần đã đoán rằng tuyến đường thuỷ là từ Ấn Độ qua Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào… và Phật giáo Ấn Độ đã theo tuyến này truyền vào khu vực phía Nam nước ta, mà bấy giờ còn thuộc quyền quản lý của Chiêm Thành, Phù Nam… (tr. 245 – 246). Và ông Thuần gọi đây là đường Nam truyền của Phật giáo vào nước ta. Chính vì hiểu đường truyền phía Nam trắc trở như ông Thuần nghĩ, nên ông cho rằng Phật giáo Ấn Độ trước hết là vào nước ta theo đường Bắc truyền, tức là từ Ấn Độ qua Tây Vực, rồi từ Trung Quốc truyền xuống nước ta (tr. 245). Thực ra, theo sử sách Trung Quốc thì không phải đợi đến khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang ta, ta mới có đạo Phật, mà ngay từ thời Hán, khoảng cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, Phật giáo ở Việt Nam đã khá hưng thịnh, (do Ấn Độ theo đường biển du nhập thẳng vào Việt Nam/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr. 33). Chính vì vậy mà lại xuất hiện tình trạng ngược lại, đó là người Trung Quốc sang học Phật tại Việt Nam, và sư Việt Nam sang rao giảng Phật học tại Trung Quốc. Trong sách Lưỡng Hán hoà Tây Vực đẳng địa đích kinh tế văn hoá giao lưu của Trần Trúc Đồng, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1957, có đoạn viết: “Thời Hán Hiến Đế (189 – 220), Trung Quốc loạn lạc liên miên, nhưng ở Giao Châu (Giao Chỉ) lại tương đối yên tĩnh, nên nhiều nho sĩ người Hán đã chạy sang lánh nạn ở đây. Lúc này có Mâu Dung bèn viết cuốn Lý hoặc luận gồm 37 thiên, để giải thích cho những kẻ phỉ báng đạo Phật” (lời dịch từ nguyên văn, tr. 28). Một cứ liệu khác là Lương Cao tăng truyện, theo sách này cho biết thì khoảng đầu thế kỷ III, cha mẹ Khương Tăng Hội người Trung Á sang Giao Châu buôn bán rồi sinh ra ông, khi lên 10 tuổi thì cha mẹ mất, ông đã xuất gia theo học đạo Phật, thông cả chữ Phạn chữ Hán, sau đó ông đã từ Giao Châu sang vùng Giang Đông, Đông Ngô (Trung Quốc) để truyền đạo Phật (dẫn lại theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr. 30 - 31). Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục soạn cuối thời Lý đầu thời Trần cũng có cứ liệu tương tự.
      Ở mục IV “Thực trạng và đặc trưng mới của đời sống văn hóa thời Bắc thuộc” (tr. 263), tác giả đã nêu một số nhận xét thật khó chấp nhận: “Ngoài các hệ tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, nhiều trào lưu văn hóa khác cũng đã được truyền bá tới nước ta, ví dụ: hệ thống những tập tục và lễ nghi rất phong phú của xã hội (như hôn nhân, tang tế, hay nghi lễ giao tiếp); hệ thống những định chế tuy là bất thành văn nhưng ngày càng chặt chẽ về gia giáo; sự khai sinh cũng như ý thức xây dựng và củng cố kỉ cương của các họ tộc; quá trình truyền bá nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật ca múa nhạc…” (tr. 263). Trước hết, nhận xét vừa nêu của tác giả rõ ràng là đầy mâu thuẫn với nhận xét về truyền bá Nho giáo ở phần trên: “Mục đích truyền bá là để phục vụ cho âm mưu truyền bá và nô dịch chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ” (tr. 134). Âm mưu của chính quyền đô hộ hoá ra lại truyền bá tới nước ta ở thời Bắc thuộc nhiều cái tốt đẹp như vậy sao? Thứ hai, tác giả chỉ nêu những nhận xét nhưng không có cứ liệu, sử liệu, như thế người đọc làm sao có thể tin đó là sự thực lịch sử đáng tin cậy? Thứ ba, đến tận thời Đại Việt, khi sứ nhà Nguyên là Trần Phu sang Thăng Long đời Trần,  còn coi nước ta là man di không có phong tục và lễ nhạc giống Trung Hoa, vậy mà thời Bắc thuộc, chẳng lẽ lại có lễ nghi, phong tục, kỉ cương văn minh đời Trần? Nguyên câu của Trần Phu:
         Hạ tục kiêu phù thậm
         Trung Hoa lễ nhạc vô.
                  (An Nam tức sự)
      Nghĩa là: Phong tục của đám dân thấp kém ở đây đơn bạc chẳng ra gì/ Mà lễ nhạc như của Trung Hoa không thấy có.
      Đặc biệt ở mục V, nói về “Chủ nghĩa  yêu nước và những nỗi nội dung biến thái mới”, tác giả càng khiến cho người đọc vô cùng sửng sốt khi cho rằng trong thời Bắc thuộc: “Làng (nhất là làng ở khu vực nay thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ) luôn có đình làng, có các luỹ tre làng và có cổng làng. Làng có lính riêng của làng, đó là đội ngũ những trương tuần hoặc dân binh, làng có người chuyên lo việc truyền tin, đó là thằng mõ”. Làng cũng có pháp luật riêng của làng, đó là lệ làng và hương ước. Lệ làng và hương ước tồn tại bền vững và chi phối dân làng mạnh mẽ đến nỗi, đã có không ít khiphép vua thua lệ làng…” (tr. 268). Đọc đoạn viết này, chúng ta có cảm giác như đây là khung cảnh của một làng xã thời Lê - Nguyễn, còn ngược lên đến thời Lý - Trần thì các yếu tố như đình làng, mõ làng, hương ước… cũng không có cứ liệu, nói gì đến tận thời Bắc thuộc từ hàng ngàn năm trước. Theo nghiên cứu của giới sử học, khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử mĩ thuật, thì thế kỉ XV, thời Lê sơ, đình làng mới manh nha, đến thế kỉ XVI, thời Mạc thì hiện còn một số ngôi đình cổ (Thuỵ Phiêu, Tây Đằng, Lỗ Hạnh…). Về hương ước, chúng tôi đã trực tiếp dịch nhiều văn bản hương ước Hán Nôm, đồng thời cũng có nghiên cứu lịch sử hương ước của cả ta và Trung Quốc, thì được biết vào thời Lê, hương ước mới phát triển, chứng tỏ là Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã phải ra đạo dụ để thể chế hoá việc lập hương ước ở nông thôn (Hồng Đức thiện chính thư, A.330), nhưng văn bản hương ước thời này hiện cũng không còn. (K.T.H: Hương ước cổ Việt Nam, những giá trị văn hoá và pháp lí, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Việt - Nhật, Hà Nội, tháng 12 – 2002). Tác giả Nguyễn Khắc Thuần lại còn nói “phép vua thua lệ làng”, thì không rõ đó là vua nào ở thời Bắc thuộc, vua Việt hay vua Tàu? Những nhận định như vậy thật là tuỳ tiện và phi lịch sử.
      Tóm lại, ngót 200 trang viết về văn hoá Việt thời  Bắc thuộc thực chất chỉ có thể coi là giản sử của ba giáo Nho, Đạo, Phật của Trung Quốc, còn phần ba tôn giáo đó ở Việt Nam chỉ là cái đuôi rất mơ hồ. Nói chung, nội dung vừa thừa vừa thiếu, đọc rất khô khan, và chẳng thấy mặt văn hoá của ba tôn giáo đó ở đâu. Phải nhận rằng, trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu văn hoá Trung Quốc viết rất hay, rất hấp dẫn, và chúng ta không thiếu sách để tham khảo. Tiếc rằng ông Nguyễn Khắc Thuần đã không quan tâm hoặc không biết đến nguồn tài liệu cực kì bổ ích này.
      8. Về vấn đề văn học như là thành tố của văn hoá, thậm chí là xương sống của văn hoá (Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn) lâu nay chưa được quan tâm trong các công trình viết về văn hoá Việt Nam. Riêng Chu Xuân Diên trong Cơ sở Văn hoá Việt Nam, ở Chương Năm – Văn hoá truyền thống Việt Nam thời Đại Việt, có viết về văn học, song chỉ kể tên vài tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học Hán – Nôm, có lẽ do dung lượng công trình không cho phép nói dài, nhưng thiếu sót của tác giả vẫn là ở chỗ không nhắc gì đến dòng văn học dân gian. Trong Văn hoá học đại cương và Cơ sở văn hoá Việt Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội, không có bài tuyển chọn nào về văn học, mặc dầu phần “Sơ đồ các thành tố của văn hoá”  cũng như “Sơ đồ diễn trình lịch sử và mô hình văn hoá Việt Nam” của GS. Trần Quốc Vượng đều có ghi nhận văn học như một thành tố của văn hoá. (Trong khi đó, các công trình lịch sử văn hoá của Trung Quốc đều không bỏ qua thành tố văn học, các thể loại và tác phẩm văn học tiêu biểu như Kinh thi, Sở thi, Đường thi, Tống thi, Nguyên khúc, tiểu thuyết Minh Thanh” đều được trình bày đầy đủ như một hình thái văn hoá đặc sắc của Trung Quốc)
      Trước đây, từ 1938, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa tiền bối Đào Duy Anh, trong công trình Việt Nam văn hoá sử cương, là người sớm nhất đã nói về văn học như một thành tố của văn hoá Việt Nam. Nhưng do điều kiện sưu tầm, tập hợp tư liệu văn học lúc bấy giờ còn quá khó khăn, nên tác giả cũng chỉ có thể lướt qua với những nhận xét hết sức sơ lược mà thôi. Còn hiện nay, chúng ta đã có nhiều bộ tổng tập văn học, cả dân gian và bác học, kho tư liệu văn học đã rất phong phú, thì việc đưa văn học vào các công trình lịch sử văn hoá Việt Nam là khá thuận lợi. Vấn đề đặt ra chỉ là quan điểm tiếp cận mà thôi. Theo thiển nghĩ, bộ phận văn học trong lịch sử văn hoá không thể chỉ là văn học sử thu gọn, mà phải là văn học dưới góc nhìn văn hoá. Và, cái khó chính là ở chỗ đó. Mặt khác, một khó khăn nữa đặt ra đó là chúng ta không thể tiếp thu xô bồ tất cả các tư liệu sẵn có, bởi không phải tư liệu nào cũng hoàn chỉnh, không cần thẩm định lại, đặc biệt là các tư liệu văn học Hán Nôm. Xin nêu một vài thí dụ:
      + Ở tác phẩm Thiên Nam ngũ lục, bản phiên âm, chú thích của Nxb. Văn học, 1958, đoạn phiên âm truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thuỷ có câu: “Nghe rằng Thục có nữ nhi/ Mị Châu tên ốc đương thì thiếu đôi” (câu 780). Nhóm phiên âm do không hiểu từ cổ “ốc” nghĩa gọi, gọi là, nên đã viết hoa chữ ốc như là tên riêng. Điều thú vị là theo thông lê “dĩ ngoa truyền ngoa”, tác giả Tầm Vu (tức Trần Văn Giàu) trong bài “Tư tưởng chủ yếu của người Việt Nam thời cổ qua những truyện đứng đầu trong thần thoại và truyền thuyết” (Tạp chí Văn học, số 3 – 1967), đã chú thích cái tên ốc có vẻ dân dã trong bộ sử ca Thiên Nam ngữ lục qua bản phiên âm 1958, nên đã viết rằng Cao Lỗ “can vua đừng gả nàng Ốc (Mị Châu) cho Trọng Thủy”. Và đến giáo trình đại học Văn học dân gian, tập I (Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972), ở tr. 195, khi đó nói về Hán hoá các tên riêng, tác giả công trình đã ghi nhận ở phần chú thích: “Mị Châu theo truyền thuyết dân gian vốn tên là ốc. Vậy Mị Châu là tên ốc đã Hán hoá chăng?”.
      Tóm lại, nghĩa của cả câu đó là: Nghe rằng vua Thục có cô con gái/ tên gọi là Mị Châu đương còn chưa có đôi lứa. Nhưng do có cấu trúc câu đảo trang, nên dễ tạo thành bẫy ngôn ngữ. Hình thức cú pháp này cũng thường gặp trong các truyện thơ Nôm trung đại, kể cả Truyện Kiều, như câu: “Đoạn trường sổ rút tên ra”, thì người đọc cần phải hiểu ngượi lại là: rút tên ra khỏi sổ đoạn trường…
      + Về bản dịch Lĩnh Nam trích quái (Nxb. Văn hoá, Viện Văn học, Hà Nội, 1960). Đây là bản dịch có nhiều sai sót, tuy nhiên chúng tôi chỉ xin nói về những sai lầm ở hai chuyện “Man nương” và “Hà Ô Lôi” là hai chuyện mà giới nghiên cứu văn hoá dân gian hay trích dẫn. Ở truyện “Man nương”, trong nguyên văn chữ Hán, có cây dung thụ 榕樹nghĩa là cây Đa; bản dịch đã dịch sai thành cây phù dung - một loại cây hoa, sớm trắng chiều hồng, sớm nở tối tàn, khác hẳn với cây đa, loại cây cao to rất quen thuộc với nông thôn Việt Nam. Cũng trong truyện này, nguyên văn viết Pháp Lôi, Pháp “Điện”, bản dịch đã dịch sai thành Pháp Lôi, “Pháp Long”, sở dĩ dịch sai là bởi chữ Điện  rất giống với chữ Long  viết giản thể, lại hơi “đá thảo” (viết ngoáy) thì càng dễ lầm. Ở truyện “Hà Ô Lôi” có hai chỗ sai, nguyên văn viết 茉莉Mạt lị, tức hoa Mlài, hoa Nhài; nhưng đã dịch sai thành hoa Thái Lê, chắc đã lầm chữ Mạt  với chữ Thái  có nghĩa là rau, còn chữ     do đọc bừa thành Lê   là cây lê ăn quả, vì cũng có ghép với chữ lợi  . Một trường hợp nữa là mấy chữ  均天之節調   “Quân thiên chi tiết  điệu”, do nhầm chữ quân     với chữ điếu   là câu cá, nên đã dịch sai là “điệu ca người câu cá”. Quân thiên 均天có nghĩa là âm nhạc ở trên trời, trên thiên đình; đây là ngợi ca tiếng hát của Hà Ô Lôi là điệu ở cõi tiên, rất phù hợp với câu dưới “khác hẳn âm thanh chốn dương gian…” . Dịch là “điệu ca người câu cá” làm mất hết ý ca ngợi của nguyên văn.
      Do đây là bản dịch xuất hiện sớm, cùng với vị  thế của dịch giả, nên đã không có ít bài viết, luận án,… đã cứ “dĩ ngoa truyền ngoa” như thế trong nhiều năm nay.
      + Nhân nói về việc sai, chúng tôi xin nêu thêm về  bản dịch Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, (Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2004) do GS. Lương Duy Thứ chủ biên. Do người dịch còn hạn chế về tri thức Phật học và vốn Hán cổ, nên đã dịch sai, phiên âm sai, chú thích sai nhiều từ ngữ văn hoá - lịch sử của Trung Quốc. Chẳng hạn:
      - Thiên thai 天臺 dịch sai thành Thiên Đài . Thiên thai, tức núi Thiên thai ở tỉnh Chiết Giang, nơi phát tích của Thiên Thai tông trong Phật giáo Trung Quốc.
      - Tịnh Độ tông dịch sai thành Tịnh Thổ tông. Chữ Hán viết Tịnh thổ   nhưng phải đọc Tịnh Độ. (Các tr. 110, 111, 605, 606).
      - Bát Nhã là một từ rất quen thuộc trong Phật giáo, chữ Hán viết   般若 (ban nhược)  nhưng phải đọc Bát nhã. Vậy mà nhóm dịch sách vẫn cứ đọc Bàn Nhược. (tr. 109).
      - Từ lý thú đáng lý không cần chú thích. Vậy mà nhóm dịch sách lại chú giải: “hứng thú lý học” (tr. 117). Chúng tôi đã tra cứu chẳng thấy tài liệu nào giải thích như vậy, mà đọc từ chú giải có lẽ còn khó hiểu hơn là cứ để nguyên hai chữ lý thú, vốn là một từ ngữ thông dụng ai cũng hiểu. Riêng Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thíchlý thú là  “sự lý thú vị”.
      - Từ đoàn viên 團圓cũng là từ thông dụng, dễ hiểu, thậm chí đã nằm trong kho từ vựng Tiếng Việt, nhưng vẫn được chú thích mà lại chú giải sai, làm sai lạc cả ngữ nghĩa: “đoàn là quấn quýt, viên là hình tròn” (tr. 142). Thực ra trong chữ Hán, thìđoàn  và viên   vốn là hai từ đồng nghĩa (Từ nguyên, Hán Việt từ điển); còn đoàn viên có nghĩa là hội họp người thân, riêng chữ đoàn không hề có nghĩa quấn quýt.
      - Mục nói về thần giữ của, nguyên tên là  Thần Đồ, Uất Luỹ,                     
      người dịch do không nắm được chữ Hán cổ nên  đã đọc sai thành Thần Dư, Ức Lỗi (cả ở hai tr. 143, 144). Kể ra chữ đồ   {?cũng hơi giống chữ     ; còn chữ uất  mà đọc thành chữ ức thì có thể do chữ uất khi viết giản thể lại mượn chữ úc , những người học Trung văn hiện đại cứ suy theo âm Bắc Kinh hiện nay thì cũng rất dễ lầm. Dù sao, đây là những từ ngữ văn hoá – phong tục cũng không đến nỗi khó tra cứu, dịch sai vẫn là điều đáng trê trách. (Nhân đây chúng tôi muốn nói thêm, cuốn Lịch sử văn hoá Trung Quốc của nhóm Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý (1991) không phải cuốn sách lịch sử văn hoá Trung Quốc “phong phú và hoàn thiện hơn cả” để “có thể tìm hiểu ở đây mọi mặt của văn hoá Trung Quốc” như Lời giới thiệu của ông Lương Duy Thứ. Thực chất đây chỉ là cuốn sách viết về văn hoá tinh thần mà không phải viết về văn hoá vật chất, các vấn đề về đất nước, con người các dân tộc thiểu số đều còn bỏ trống, làm sao có thể nói rằng ở đây có mọi mặt của văn hoá Trung Quốc. Rõ ràng, việc chọn sách dịch còn rất hạn chế, chứng tỏ nhóm biên dịch chưa nắm đầy  đủ thông tin về các sách lịch sử văn hoá Trung Quốc).
      + Về vấn đề tên riêng có liên quan đến ngữ âm lịch sử, đến văn hoá - lịch sử dân tộc cũng là một lĩnh vực quan trọng mà người biên soạn lịch sử văn hoá cần quan tâm. Sau đây xin nêu trường hợp tên gọi hai vị trong 12 sứ quân, đó là Kiểu Công Hãn và Kiểu Thuận, đã bị giới sử học đọc thành Kiều Công Hãn, Kiều Thuận. Giáo trình Lịch sử Việt Nam (Thời kì chế độ phong kiến dân tộc) Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1965 (tr. 7) đọc như vậy. Cuốn Lịch sử Việt Nam, tập I, do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn, (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nôi, 1971) tr. 143, cũng đọc như vậy. Nguyên văn chữ Hán trong các văn bản Hán Nôm đều viết Kiểu . Chẳng hạn, Đại Việt sử ký toàn thư, kỉ nhà Đinh, khi nói về 12 sứ quân, đã viết đúng là Kiểu Tam Chế, Kiểu Lệnh công (Bản dịch Nxb. Khoa học xã hội, 1983) tr. 205 cũng đã dịch đúng là Kiểu. Mục “12 sứ quân” trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, các tên có chữ Kiểu cũng đều được dịch đúng. (Bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1960, tr. 156). Trong bản chữ Nôm Thiên Nam ngũ lục, kí hiệu AB.478, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phần Ngô chính kỷ, có câu: “Đứa Kiểu Công Hãn sông sênh/ Nhủ nhau thầy tớ cứ thành Phong Châu”, chữ Hán Kiểu cũng viết  . Hoặc như bản thần tích Kiểu đại vương thượng đẳng thần ký lục, ký hiệu A.2625, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nội dung nói về sự tích Kiểu Công Hãn lúc chết được thờ ở làng Bái Dương, Nam Trực, Nam Định, có sắc phong từ thế kỷ XVII, chữ Kiểu cũng viết là  . Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1921), do Nxb. Văn hoá – Thông tin in lại, 2002, tr. 91, khi nói về 12 sứ quân, có ghi rõ chữ Hán Kiểu, và đọc đúng âm là Kiểu Công Hãn, Kiểu Thuận. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca, bản chữ nôm khắc in năm Duy Tân 2 (1908) của Quan Văn Đường, ký hiệu VNv.1 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr. 24, đoạn kể về 12 sứ quân, cũng viết  (Kiểu Tam Chế, Kiểu Thuận). Nguyễn Đăng Thục trong bộ Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập II (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998) dẫn theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ (tài liệu dịch miền Nam), cũng viết đúng là KiểuTam Chế, Kiểu Thuận, (tr. 314, 315). Qua một số cứ liệu đã dẫn, cho thấy giới sử học hiện nay đã viết sai tên Kiểu thành Kiều, vốn có nguồn gốc sử liệu Hán Nôm. Có thể sai lầm này là do họ đã sử dụng nguồn sử liệu dịch, do những người dịch thuê không đảm bảo chất lượng khoa học, mà người sử dụng thì hoặc quá tin vào người dịch, hoặc còn hạn chế về trình độ Hán Nôm, nên đã không phát hiện được những chỗ dịch sai như thế. Trước đây nhiều năm, chúng tôi từng được giao quản lý công việc thuê dịch tài liệu Hán Nôm cho Viện Văn học, do đó, chúng tôi hiểu rất rõ công việc này. Theo chúng tôi, dầu sao thì đây cũng là những hạt sạn khó chấp nhận, khi biên soạn lịch sử văn hoá.
 K.T.H 
(1) Cả  GS. Trần Quốc Vượng cũng nhầm lẫn, có  thể do không có văn bản gốc. Cũng về bài từ này, ông lại viết “Bồ Tát man từ” và dịch là: Đền Bồ Tát người Man (Theo dòng lịch sử, Nxb. Văn hoá, 1996, tr. 24). Thực ra là điệu từ Bồ Tát Man như chúng tôi đã giải thích, chứ không phải ngôi đền, ông Vượng đã lầm chữ đồng âm: từ   (văn từ, ngôn ngữ) với chữ từ    (đền miếu).
* Phần chữ Hán do ban biên tập trang web tạm bổ sung, tuy đã có liên lạc với Gs Kiều Thu Hoạch và hỏi lại tác giả về từng chữ, nhưng cũng không dám chắc là hoàn toàn đúng vì chỉ được liên lạc với GS qua điện thoại. Nếu có gì sai sót mong GS và bạn đọc gần xa góp ý.

Theo Tạp chí Văn hóa Dân gian
spacer
do