Tiết lộ thú vị nơi hóa của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Buổi thuyết trình "Đi tìm nơi Vua hóa Phật" với phần trình bày của thạc sỹ Nguyễn Văn Anh đã tiết lộ thú vị về am Ngọa Vân dưới thời Trần.

Am Ngọa Vân là nơi tu hành và hóa Phật của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông, tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm. Một số ý kiến cho rằng, Ngọa Vân nằm trong quần thể di tích Yên Tử, nay thuộc hai xã Thượng Yên Công và Đông Phương, thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Số khác lại cho rằng, Ngọa Vân thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả buổi thuyết trình của thạc sỹ Nguyễn Văn Anh đã đưa ra nhiều chứng cứ quan trọng để giải đáp thắc mắc về vị trí của am Ngọa Vân.

Ngọa Vân Nhà Trần
Vị trí chùa chính

Nhiều chứng tích lần đầu phát lộ


Con đường từ núi Phật Sơn lên đỉnh Vây Rồng, nơi có am Ngọa Vân nổi tiếng khá dốc. Am Ngọa Vân hay còn gọi là Vân Phong ngự trên đỉnh Ngọa Vân thuộc núi Bảo Đài của dãy Yên Tử. Tại các điểm di tích ở Ngọa Vân, đoàn khảo cổ đã tìm thấy những chứng tích mang tính thuyết phục về nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật.

Đó là bia đá ghi chép về việc trùng tu, tôn tạo lại di tích được lập vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Mặt trước được khắc nổi 5 chữ Hán lớn "Trùng tu Ngọa Vân tự" tức "trùng tu chùa Ngọa Vân". Hiện nay, nhà sư tự Giác Hưng, hiệu Viên Minh trụ trì tại chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài đã trùng tu gác chuông và tăng phòng, cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim am, Hương Vân am, Giải Thoát am. Tất thảy đều kiên cố, thâm nghiêm.

Tại dốc Đô Kiệu đã tìm thấy những viên ngói cánh sen in nổi hai chữ Hán "Vân Phong", giống như ghi chép của các tài liệu cũ. Những chứng tích khảo cổ mà các nhà nghiên cứu tìm thấy khá thú vị là những bằng chứng về quan hệ giữa di tích và Trần Nhân Tông. Bia trùng tu Ngọa Vân tự còn chép: "Chùa Ngọa Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều , phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương" càng rõ hơn khi văn bia ghi: "Nguyên bản xã vâng chỉ chuẩn cho sai người thờ phụng năm vị Hoàng đế Trần triều tại điện An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc. Hàng năm, các hộ phân chia thời gian chăm lo việc thờ cúng, được miễn trừ sưu sai tạp dịch".

Bia Trần Triều Bi ký dựng tại đền An Sinh phía dưới chân núi Bảo Đài, phần khắc ghi sắc lệnh của các chúa Trịnh đều giao cho xã An Sinh có trách nhiệm trông coi, phụng thờ Trần Nhân Tông tại chùa Ngọa Vân; đồng thời cấp đất và hàng năm miễn phu dịch cho xã. Thần tích, Thần sắc đình Đốc Trại xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương (nay là làng Trại Lốc, xã An Sinh), trên bia ghi: Đền của làng thờ 8 vị Hoàng đế nhà Trần làm thành hoàng. Nhưng trong đền chỉ đặt bài vị của 7 vua, bài vị của vua Trần Nhân Tông được thờ tại chùa Ngọa Vân, cũng thuộc đất của xã Đốc Trại.

Dựa vào những chi tiết trên, thạc sỹ Nguyễn Văn Anh kết luận: "Có thể thấy, chùa - am Ngọa Vân xây dựng trên núi Bảo Đài (hay núi Vây Rồng) dưới thời Trần thuộc đất An Sinh, thời Lê thuộc xã An Sinh, thời Nguyễn thuộc xã Đốc Trại và ngày nay là thuộc địa phận hai xã An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh".

Qua khảo sát, các nhà khảo cổ còn ghi nhận nhiều vết tích thời Trần được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này cho thấy, có thể dưới thời Trần, Ngọa Vân đã là một quần thể các di tích mà Ngọa Vân am chỉ là một phần trong quần thể đó và ngay cả khi Trần Nhân Tông mất đi, nó còn được tiếp tục xây dựng và thậm chí được mở rộng.

Các di tích thời Lê được tìm thấy có dấu vết của thời Trần và những di tích không có dấu vết của thời Trần lại cho thấy: Dưới thời Lê, quần thể di tích này đã được trùng tu và mở rộng, trong đó các khu vực như Thông Đàn, Ngọa Vân, Đá Chồng được trùng tu và xây dựng mới với những quy mô rất lớn. Nhìn rộng hơn, hầu hết các di tích chùa Tháp của thiền phái Trúc Lâm như khu Yên Tử, chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn... đều được trùng tu và mở rộng trong giai đoạn thế kỷ 17-18, nó cho thấy sự "phục hưng" của thiền phái này vào thời hậu Lê.
Bia di tích nhà trần
Bài vị của Thiền sư Viên Mãn Chân 

Leo núi, ăn cơm chùa, tìm chứng cứ


Thạc sỹ Nguyễn Văn Anh từng là cán bộ trẻ của viện Khảo cổ học, sau đó "đầu quân" cho trung tâm Nghiên cứu kinh thành và khá thành công với nhiều dự án nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc và đô thị. Với Văn Anh, công trình nghiên cứu về Ngọa Vân thực sự là một cái duyên của anh với vùng đất Đông Triều (Quảng Ninh) - nơi có quần thể di tích Yên Tử với nhiều điều bí ẩn chưa được khai quật.

Cuộc sống của chàng trai tâm huyết với nghề, 5 năm nay dường như chỉ gói gọn trong những chuyến đi Hà Nội - Quảng Ninh. Anh chia sẻ một cách hài hước về cuộc sống mà mình cùng nhóm cộng sự trong quá trình khám phá và khai quật các di tích thuộc quần thể di tích Yên Tử phần lớn là "màn trời chiếu đất" và ăn cơm... chùa. Nói thế quả không ngoa, bởi khi nói đến Ngọa Vân, ít người biết đến bởi khu di tích này nằm ở trên cao, phương tiện duy nhất để di chuyển lên đó chỉ có thể đi bộ.

Những năm trước, chưa mở đường, mỗi chuyến leo lên núi như thế thường mất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Đường lên vô cùng nguy hiểm, bởi một bên là vực thẳm sâu hun hút, còn suốt dọc đường đi là những phiến đá to, rất dễ trượt chân. Có những đoạn dốc cao gần như dựng đứng, rất khó để vượt qua. Để đi qua những đoạn đường hiểm trở này, đoàn khảo sát chỉ còn cách cột dây vào đỉnh núi để đu lên như những nhà thám hiểm thứ thiệt.

Do tính chất công việc chủ yếu đi vào mùa khô, điều kiện thời tiết ở trên cao nhiệt độ lạnh hơn ở dưới rất nhiều, có nhiều khi xuống tới 2oC nên đoàn gặp không ít những khó khăn. Lương thực mang theo chỉ có thể là đồ ăn khô hoặc những thứ cơ động và nhẹ nhàng nhất để giảm tải cho quá trình mang vác suốt một quãng đường dài. Từ nhiều năm nay, chùa Hồ Thiên đã là điểm dừng chân quen thuộc của cả đoàn. Dường như cảm phục bởi những tâm huyết với nghề của chàng trai trẻ, nên vị sư trụ trì luôn mở rộng cánh cửa để giúp họ có điểm dừng chân nghỉ ngơi chu đáo nhất. Đến bây giờ, kỷ niệm trong anh là những bữa cơm chay đạm bạc cùng chiếc giường cũ kỹ được kê trong căn phòng nhỏ... nơi góc chùa Hồ Thiên và đặc biệt là tình cảm, sự đức độ của sư thầy Thích Trí Thông.

Dường như mỗi lùm cây, phiến đá nơi đây đã trở nên quen thuộc với từng bước chân của Văn Anh. Thế nhưng nhà khảo cổ trẻ này rất đau lòng bởi hiện tượng khai thác cổ vật bừa bãi, khiến diện mạo khu di tích trở nên tan hoang. "Chỗ nào cũng bị giật mìn, bị đào phá, đập nát. Cổ vật quý hiếm gần như đã bị đào trộm gần hết..." - Văn Anh nói. Do đó, việc tìm được một phế tích nguyên vẹn là điều vô cùng khó khăn.

Sự xâm phạm một cách thô bạo đó đã gây không ít khó khăn cho những người làm công tác khảo cổ đích thực. Với Văn Anh, mỗi lần tìm thấy một di vật, chứng tích nào đó, anh đều cảm thấy vô cùng xúc động. Mỗi lần như thế nghĩa là một trang lịch sử lại một lần nữa được làm rõ và điều này khiến anh cảm thấy vô cùng tự hào, bởi những đóng góp nhỏ nhoi của mình.

T.L
Share:
spacer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

do