GIA PHẢ
TRẦN CÔNG TỘC
LÀNG THANH CHÂU
TỔNG THANH CHÂU
HUYỆN HÒA VANG
PHỦ ĐIỆN BÀN
TỈNH QUẢNG NAM
Hiện nay: Cẩm Châu – Cẩm Thanh, Thị xã Hội An,
Tỉnh Quảng Nam.
Tựa.
Dòng giống Tiên
Rồng
Lạc
Long Quân là ai? Mẹ Âu Cơ là ai? Một kẻ giống rồng, một người dòng Tiên cho dân tộc có từ thời Lạc
Việt. Sự mở đầu của dân tộc Việt Nam
cùng ở “đồng” một “bào” 100 trứng đẻ ra trải dài theo lịch sử biết yêu thương
đùm bọc lấy nhau. Dẫu chỉ là giả sử, dẫu chỉ là truyền thuyết nhưng có ai trong
ta không tự hào cái cội nguồn mấy ngàn năm lắng trong dòng máu.
Biết
thế, sao vẫn có người quên cái riêng tư khi hỏi gia phả là caí gì chẳng biết!
Một sự tủi hổ lớn mà làm người cần tỉnh ngộ. Ai sinh ra ta và trên ta ai là kẻ
sinh ra, ấy là dòng giống của tộc họ. Ta biết hô hào theo bà ca của đất nước,
biết cung thanh là tiếng mẹ, biết âm trầm là giọng cha thì ta phải biết cái họ
ta mang là ở nơi nào. Ví như dòng họ ta đã có liệt oanh thì noi gương liệt oanh
đó mà phát huy, mà tái tạo cho thế tộc hiển vinh, cho gia đình rạng rỡ. Dẫu
chưa có được hiển hách bằng thiên hạ thì ta cố gắng ngẫng đầu tạo dựng để thế
gian này không chỉ của người ta.
Gia
phả là gia sử, người trước phải ghi chép để lưu truyền, kẻ đời sau giữ gìn và
bổ khuyết để con cháu thấy được huyết thống, biết tự hào và cũng biết ngậm ngùi
để nuôi dưỡng những ước mơ vinh quang đời đời phải có. Hãy để tiên tổ, tiền
nhân dòng họ Trần Công vẫn sống như bình sanh trong con cháu, cuốn gia phả này
được biên tập kỹ lưỡng, thiết kế mỹ thuật, rõ ràng và có thể nói chưa có được
bao giờ của dòng tộc. Con cháu hãy tiếp nối cho trọn vẹn. Ta chỉ có thể nói
thiếu chứ không nói thừa, vì tư liệu không dễ gì đáp ứng đủ và ta cũng không đủ
sức để sưu tập hết tư liệu để được đầy đủ tình tiết.
Hơn
nữa, những cảm nhận và những uổn khúc cũng đã buộc ta che giấu nhiều điều. Có
những cái thật cần mạnh dạn nêu lên vì
rồi đây thời gian và lịch sử sẽ nói khác hơn ngày nay nói. Những định kiến
riêng tư trong gia phả không nên có, vì dòng máu này chỉ có một và luôn phải
ngồi bên nhau, ôm nhau chia sẻ từng nỗi đau bởi vì “máu chảy ruột mềm”. Đó là
vì dòng tộc, vì máu thịt trong một gốc của tổ tông chia ra để lại trong ta.
Hy vọng sự mở
đầu này là một trang nhắc lại, để những dòng nghĩ suy xanh tươi trong lòng thế
hệ sau, để những giọt máu Trần Công thắm đượm hơn nhiều so với hai tiếng dòng
giống Rồng Tiên.
Ngàn
năm văn hiến còn vang vọng
Một thuở công hầu bỗng nhạt
phai
Nỗi
lòng trăn trở của con cháu Trần Tộc xuôi mãi theo thời gian, gần 400 năm chỉ
một thoáng hồi sinh rồi lặng lẽ. Còn chăng chỉ là dư âm một thời kì “Hoàng đế
Trần Triều”, Trần Công Tộc Thanh Châu. Rời xa Thăng Long thành vào sanh cứ đất
Quảng Nam, còn trước đó chốn củ có phải chăng là Tống Sơn-Thanh Hoá hay là đất
Thiên Trường- Nam Định vẫn chưa đến hồi kết luận đúng sai. Nay tìm tòi mãi giữa
những trường thiên chính sử vẫn chưa thấy đâu là nguồn cội. Thế sự vùi dập do đổi
chúa thay ngôi, người chép sử xưa không để lại sự thật, vì ngọn bút lông ngày
ấy vô tình không giao duyên cùng giấy mực, vì công hầu dưới trướng nặng nợ phải
phụng sự cơ đồ của nguyên đại quân vương ! Điều đó sẽ được minh chứng phần nào
trong bộ gia phả Trần Công qua những di tích bằng hiện vật đang còn. Người xem
không khỏi chạnh lòng cho một tộc Trần từng lừng lẫy đã hoá thành tàn tro trong
mạt hạng của thế nhân.
Sử
sách không lưu dấu, cháu con tộc Trần phải tìm trong di chỉ chép lại thành văn
tự để lưu truyền. Vương hầu hoàng tộc mất nhưng dòng máu anh linh và niềm tự
hào của cháu con ngàn đời sau không bao giờ mất, tàng cốt của Tiên Nhơn vẫn toả
ra nguồn “Trường sinh từ” bồi tụ cho hậu duệ một giống dòng hào kiệt.
Lần
mở từng trang sử ca ngợi vua quan Trần, nhìn bia mộ rêu phong dấu tích, vén
nhiễu điều dò từng chữ cổ Hán Nôm trên linh vị, xét khí tiết của cháu con tộc
Trần hiện hữu vẫn thấy ấm lạnh dòng máu ngang tàng. Điều đó cho phép cháu con
Trần Công Tộc làng Thanh Châu, tổng Thanh Châu, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn,
tỉnh Quảng Nam được phép nghĩ mình là dòng hoàng tộc tự thuở xưa. (*)
Cố phủ Thiên
Trường hồn đất nước,
Hoành Sơn nhất
đới tiết vương gia.
Thanh gươm Tân
Hoá còn thấp thống,
Nhạc ngựa Tống
Sơn vọng chốn xa.
Trãi mấy thu
phong dù hưng phế
Liệt oanh dòng
máu chẳng phôi pha!
Sách
sử thì quá nhiều tài liệu, ít ai có công tìm ra để thấy, để hiểu nên ở đây khi
truy tập đã trích dẫn một số tư liệu của một số tác giả để vừa thuận cho người
xem đồng thời vừa có tính khách quan cho những người biên tập. Đó là phần trích
chương “Tức Mặc Quê Vua” trong Hoàng Đế Trần Triều của tác giả Trường Khánh –
Nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc, “Các Triều Đại Việt Nam” của tác giả Quỳnh Cư
& Đỗ Đức Hùng - Nhà xuất bản Thanh Niên, “Những nhân vật lịch sử” của Đinh
Công Vĩ – Nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc, cùng nhiều sử liệu chính biên bản dịch
như “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương
Mục” được tham khảo để có được các tình tiết đối chiếu. Phần tiếp là dẫn dịch
Gia Phả cổ Trần Công Tộc bản chữ Hán Nôm
viết vào thời vua Tự Đức, vua Thành Thái , vua Khải Định và Bảo Đại, thêm vào
đó còn có các bản dịch gia phả Tộc, gia phả các chi phái.
(*)
Xem: Những điều không khác biệt tổ tông.
(**)
Thiên Trường: làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định –
Dương cơ của các vua Trần.
Hoành Sơn: Địa danh cũ có Quảng Nam, Bình
Định, các tỉnh nơi có con cháu Trần Công và di tích
Tống
Sơn ở Thanh Hoá và Tân Hoá ở Thăng Long thành.
Họ Trần có nơi phát tích là nước Trần Cổ
của Bách Việt nay đã thành đất Trung Quốc. Nước Trần Cổ ở đất Dĩnh Xuyên, nay
là huyện Vũ, tỉnh Hà Nam. Bởi thế, con cháu họ Trần mỗi khi khấn cúng đều có
dùng “Dĩnh Xuyên quận Trần Công,...” trên văn tế. Hậu duệ của vua Thuẫn là Hồ
Công Mẫn lập ra nước Trần, con cháu Hồ Công Mẫn lấy tên nước đặt cho tánh của
dòng họ mình. Họ Trần khai sinh từ thuở đó. Khác với các tộc họ khác là lấy họ
theo tên nước nhưng họ Trần lập nước Trần để lấy họ trong lúc thiên hạ cũng lấy
tên nước làm họ nhưng nước là nước của vua. Xét cho cùng tộc Trần có sự khởi
đầu là vua chúa của thiên hạ.
Ngài
Trần Lãm về làm tướng nhà Đinh không thân phận chưa mấy vinh vang nên phần hậu
vận đời sau không ai rõ.
Mãi
đến lúc Tức Mặc (xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, phủ Thiên Trường) là
chốn tạo dựng dương cơ. Họ Trần từ ông tổ Kinh, và con cháu làm nghề đánh cá,
một thời tiềm long xử thế, đợi tinh anh gia thế đủ đầy bước lên chín bệ giữ đạo
trời coi sóc con dân Đại Việt.
Suốt
từ năm 1225 đến năm 1400 chống Nguyên- Mông trị nước, đạo quân thần trên dưới
như cha con, lòng dân như nhất. Một trang sử oai hùng chói lọi phương Bắc chẳng
dám coi khinh. Nhưng chẳng mấy ai vạn đợi công hầu, vận vua cũng có ngày mai
một. Quyền uy chuyển đổi, Lê Quí Ly từ thời Trần Thuận Tông đã bắt đầu thao
túng, sau đó giết Thuận Tông đưa Trần Thiếu Đế mới 3 tuổi lên ngôi để chờ cơ
cướp lấy ngôi. Cha con Hồ Quí Ly 7 năm chiếm lấy ngôi vua đổi nước thành Đại
Ngu. Hồ Quí Ly tài tuy có nhưng đức mỏng, uy lực không đủ bị nhà Minh bắt đem
về đày làm lính. Nhà hậu Trần khôi phục lại từ năm 1407 đến năm 1413. Vua bị
quân Minh bắt cùng tuỳ tùng, trên đường giải về Tàu nhảy xuống biển tự vẫn. Con
dân Đại Việt phải chịu lầm than cảnh mất nước 4 năm. Lê Lợi ( tức Lê Thái Tổ)
dấy binh giải phóng được cho dân thoát hoạ mất nước và đã tìm hậu duệ vua Trần
là Trần Cáo lên làm vua để chiêu an trên dưới và cả nhà Minh.
Công
của ai họ Trần đã biết, khó lòng, phải bỏ cung hoàng xuống thuyền trốn vào Nghệ
An nhưng Lê Lợi đã sai người đuổi theo bắt về bức tử rồi đem chôn theo nghi
thức nhà vua. Lòng dân còn mến đức họ Trần, lợi dụng lòng mến mộ ấy, nhà Minh
buộc Lê Lợi đi tìm dòng họ Trần để nối ngôi. Lê Lợi trả lời với nhà Minh, họ
Trần không còn ai nữa và đã xưng vương.
Trần
Nguyên Đán có cháu, ngoại là Nguyễn Trãi, nội là Trần Nguyên Hãn, một quan văn
từng tương kế, một võ tướng thường mưu lược theo giúp Lê Thái Tổ dựng cơ đồ Lê
Triều. Nhưng người họ Trần thì bị trấn nước trên sông Lô trên đường về kinh
kháng án, người họ Nguyễn do cớ Lệ Chi Viên lãnh án tru di tam tộc. Sự truy sát
từ thời cha con Hố Quí Ly, rồi nhà Hậu Lê, cháu con nhà Trần lưu lạc, mai danh
cải tánh, có người đã đổi thành họ Đông lên vùng núi Thái Nguyên ẩn náu, sau
này là họ Nông và sau chuyển thành họ Đặng (*)
Theo
gia phả cổ của Trần Công Tộc, khoảng cuối thế kỷ XV thời vua Lê Thánh Tôn (1470
– 1497), có một Trần Công sinh ra có quê quán tại xã Tân Thuận, huyện Tân An,
phủ Tân Hoá, thành Thăng Long. Sau đó vào tổng Thanh Châu, huyện Hoà Vang, phủ
Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp. Ông đã sanh hạ ra dòng họ Trần tại xứ sở
nầy. Cụ Tổ đã thành Triệu Tổ, gia phả các ông bà xưa ghi chép có thiếu những
thông tin về các vị Tổ cao đời nên chỉ thể hiện từ Tổ Ông Trần Công Phạp, sau
nầy phát hiện thêm ngôi mộ Tổ ông Trần Công Mộ do Tổ ông Trần Công Phạp lập mộ
nên trong tộc đã thống nhất tôn Tổ ông Mộ là thủy tổ. Các ông đã chọn thế trạch
có phong thuỷ để định cư rất vương triều tính cách, ẩn dật một thời. Các ông
vẫn chọn sóng nước trùng dương để sinh nhai, ngoài nghề đánh bắt cá ông cùng
cháu con sáng lập ra nghề khai thác yến sào và cũng từ đó có địa danh làng Yến
Thanh Châu. Đến thời thứ IV kể từ Tổ ông Mộ, thì bắt đầu trở lại chốn quan
trường dưới trướng Tây Sơn. Hai lăm năm (từ năm 1778 đến năm 1802) của triều
đại Tây Sơn là 25 năm họ Trần khôi phục lại ở bậc vị công hầu, chưa đủ để họ
Trần lần nữa oai phong ghi tên vào lịch sử.
(*)
Xem phần Ngoại phả: Gia phả Đặng Trần trích trong “Đặng gia phả
lệ toàn chính thực lục” của Ngô Thế Long- Đại Học Quốc Gia Hà Nội ấn hành.
Vua
Gia Long dựng nên cơ đồ Nguyễn Phước, dòng họ Trần cùng chung số phận với nhà
Tây Sơn. Tây Sơn là Nguỵ các công thần đã hoá thành giặc, thanh thế bao năm qua
đã phải nhạt nhoà. Cũng từ thuở ấy, thần dân Tây Sơn bị truy sát khắp nơi, Trần
Công Tộc lại có thêm một trang gia sử đầy tang tóc bi thương. Có người đi không
còn tung tích, bia mộ bị xích xiềng cho đến lúc nhà Nguyễn cáo chung, bi chí
phải đục hết chữ cho cơ may cháu con yên ổn sống còn. Bà Trần Thị Quỵ Đông Châu
Quí Phi Quang Trung Hoàng Đế bị trảm thủ sau những ngày trốn về đưa đò trên
sông Hoài, các anh em của bà cũng chẳng còn ai sống sót. Con cháu Trần Công ly tán,
lưu lạc nhiều nơi vì gươm đao rình rập hành hình.
Cảnh
hoang phế dấu xưa một thời oanh liệt, gần 200 năm tộc họ không có được ngôi tế
tự, cho đến năm 1999 từ đường mới được tạo dựng lại. Năm 1991, Bộ Văn Hoá công
nhận quần thể mồ mã quan Trần và bà Quí phi là di tích văn hoá cấp quốc gia.
Biển bảng cháu con mừng đón rước về thờ vọng nhưng mộ bia rêu mọc lại xanh hơn.
Nét vàng son không ai tô điểm, chỉ nghe đâu đó đất nước và con người vỗ về một lời ru! Cảnh ngộ cháu con
chưa thấy bóng dáng của sự hồi sinh, giàu chưa đáng mặt, quan chưa sáng danh
quan, dân không yên với phận dân vì đố kị, so bì. Họ Trần hậu sinh yêu nước yêu
dân, gần một phần năm tộc họ hoá thành liệt sĩ nhưng âm thầm làm chiến sĩ vô
danh.
Phải
chăng xưa ngài Thái sư Trần Thủ Độ có tạo ra cho dòng họ món nợ nào chưa trả
xong cho Tiên Đế Lý Triều! Hay nơi yên nghỉ của Tiên nhơn bị các vua Lê - vua
Nguyễn phá đoạn long mà con cháu không đứng ngẫng đầu tạo lại uy linh Tiên Tổ
được.
Họ
Trần trên dưới xưa nay sống không có ác tâm, Đức vẫn lưu truyền đâu đó, cháu
con cùng tìm cho gặp lại, trước ấm phần hương hoả báo đáp ơn cúc dục lâu đời, sau
tìm phương hoá giải.
Gia
phả Trần Công Tộc gồm một quyển Thượng chép lại từ Thuỷ Tổ đến đời thứ bảy theo
thế thứ tại Thanh Châu, các quyển Hạ từ đời thứ bảy nối đến các chi phái lưu
lai kế tục tục biên.
Các
vị là con cháu Trần Tộc xã Tân Thuận, huyện Tân An, phủ Tân Hoá, thành Thăng
Long cựu tộc truy tập thấy rằng tộc Trần Công là hậu duệ lạc loài nơi xa xứ Nam
Phương nhớ nhắn cho cốt nhục nối liền cốt nhục, cho tình thâm gặp lại tình
thâm.
Các
tộc họ Trần đồng tánh nếu thấy gốc tích mình ở đây hãy nối lại dòng máu nguyên
sinh, cùng dựng lại một gia phong cho ngời sáng.
Tổ
tiên đặt hoài vọng nơi ta, đừng để Tổ tông mắng quở ta “Lũ cháu con vô dụng”!
Đinh
Hợi, Quý Xuân
(Tháng 5-2007)
Nội tôn +Trần Văn Đường phụng ký
Cây Bồ đề 30 năm đâm chồi xanh sống
với làng Vân Quật
thay cho cội Thị già còn đó hơn
400 năm.
Khi
vua Gia Long lên ngôi, hai tiếng Việt Nam gắn liền với dân tộc, hy vọng một
thời tranh chấp đã qua, sơn hà một mối, trăm họ sẽ hưởng được cảnh thanh bình
trong đó có Trần Công Tộc. Ai biết rằng từ đó Trần Công Tộc Thanh Châu bắt đầu
lưu lạc, dân làng Yến Thanh Châu chịu sự chi phối cuả triều đình, người trông
doanh Quảng Nam là hộ trưởng Hồ Văn Hoà chứ không là con cháu người tạo lập
thuở xưa. Không muốn người sai khiến ta như một thứ dân, thà rằng nơi đâu gốc
tích mình không ai biết, ông Trần Công Phận, đời thứ bảy huynh đệ thúc bá đồng
đường với bà Quí phi Vũ Hoàng Đế Quang Trung đã bỏ làng Thanh Đông, tổng Thanh
Châu đến làng Vân Quật, huyện Duy Xuyên lập lại cơ nghiệp.
Về
với làng Vân Quật, cháu con ngài Trần Công Phận, một nửa tung hoành cùng sông
nước biển khơi trên ghe bầu Nam Bắc làm thương nhân, dắt anh em theo làm thuỷ
thủ như một thương đoàn. Nửa cháu con mua đất đai sống đời nông tang điền viên
an phận. Kẻ buôn bán bằng ghe thuyền trên biển, dĩ nhiên không thể nói là
nghèo, người có tiền mua đất đai liền cả dãy ở đầu làng thì không thể nói không
giàu. Ông bà về đây trong tư thế thượng lưu, danh gia vọng tộc nhưng không mang
tư tưởng phong kiến cường hào, đã kính trên nhường dưới, không khinh ai, không
nịnh hót ai để tiếng xấu ở đời. Các ông đã kết hôn với các bà tại nơi cư ngụ,
các bà hầu hết mang tộc họ tiếng tăm. Ngược lại, các bà là gái tộc Trần Công
thì gã cho các ông không danh phận, vì quan niệm của ông bà có khác “Người hiền
khó tìm, tính cần mẫn khó kiếm, sự thể ở giàu sang mà có, dễ tạo được”, bởi vậy
rễ tộc Trần vốn kẻ cần mẫn hiền từ.
Chùa
Giác Vân dấu xưa làng Vân Quật
Chùa
Thoại Nam Phật Đường Nam Tông xây dựng cùng thời với
các
chùa cổ ở Hội An và được tái tạo nhiều lần ở đầu làng Vân Quật
Ông
bà mang danh phận người lánh nạn, dù khá giả, dù có học, dưới mắt dân bản xứ
vẫn là dân ngụ cư, không được cái quyền ăn trên ngồi trước, chức hương dịch ở
làng cũng không được cử. Ông Tú Cẩn đậu tú tài Nho song chỉ được làm Thủ Bộ,
giữ gìn mấy cuốn bộ làng, ông Thủ Thiều thi rớt trường ba được phân cho làm Thủ
Bổn xóm Thượng Bình, coi sóc lỉnh khỉnh một bồ trống, chiêng, áo mão, cờ xí tế
thần. Chủ yếu là lấy tiền mua việc để khỏi làm chuyện đốn bổi thui trâu, chiếu
trên ai ngồi mặc họ.
Đời
chẳng để cho yên, uất ức việc làng, giận vì danh phận, cháu con ông Trần Công
Trạch (con ông Phận) phá vườn, chặt cau, đốn tre kết bè xuôi sông cái về làng
cũ. Đất không còn, phải lập vườn gần cửa Đại bên đầu cầu Phúc Trạch sanh hạ một
dòng thành chi phái Thanh Đông.
Con
cháu ông Trần Công Diệu bào đệ của ông Trạch tiếc của bao năm vun trồng, mến
dòng họ ngoại chở che, ở lại gắn bó nghiệp nhà nông cho đến bây giờ. Con cháu
ông Diệu được hậu duệ Trần quan lớn Tiền hiền nhận là anh em hậu tộc, giao phần
thừa tự hương hoả Xuân Thu tế tự kỵ giỗ các quan.Tuy vậy, lệ làng vẫn lớn, hơn
nữa Trần Công Tộc Vân Quật vốn là thần dân của Tây Sơn đang hồi truy xét nên
chẳng ai dám đứng lên đòi phần trên trước.
Trần
Công Tộc ngược về Vân Quật, cốt để được bình yên dưới triều Nguyễn đương thời.
Mặc dầu vua Bảo Đại đã đến hồi thoái vị nhưng thời cuộc có khác nên phải vẫn giấu
kín dấu tích công hầu cuả dòng họ. Đúng là thế, tại làng Vân Quật từ lâu không ai
biết Trần Công Tộc vốn dĩ là tộc họ công hầu, thậm chí con cháu ngoại cũng
không ai hay điều đó. Một dáng vóc rất bình thường, không ai biết trong đó có
một cội nguồn ít dòng tộc nào sánh kịp.
Khi
đất nước có tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trai tráng Trần Công có người đánh
Tây trên đầu bút và ai cũng làm người cầm gậy tầm vông. Mẹ đưa con vào trận,
gánh chịu nhiều đắng cây để chồng đến chiến khu, chôn giấu nỗi lòng khi vợ Nam
chồng Bắc chờ hồi đất nước hết chia đôi. Và đã có mẹ anh hùng của đất nước ngày
nay. Đã có bà dẫn con tập kết ra miền Bắc, chồng ở miền Nam chịu tù đày. Thời
miền Nam là Việt Nam Cộng Hoà có kẻ dấn thân làm lính, có người đã dành chút
quyền nơi quận, xã để anh em có nơi nương dựa, nhưng chẳng nên tích sự, thắng
thua dòng đời cứ lặp lại như thuở trước, lúc trở về kẻ mất-người còn, làm đời
dân dã. Sau giải phóng 1975, có người là đại tá,trung tá, có kẻ là bác sĩ, năm
ba kĩ sư ,thầy giáo chưa lấy làm vinh hạnh, mấy chiến sĩ vô danh mờ tỏ chưa đủ
trả ơn đời.
Xưa
nay, giáo gươm súng đạn vẫn vô tình, chinh chiến can qua, tộc họ nào cũng mất
mát tang thương không riêng gì tộc ta. Trần Công Tộc Vân Quật và Thanh Châu
không có gì khác biệt, giàu sang không đáng mặt, nghèo khó có nhiều, thân thế
nhiều đời chẳng lấy gì làm rạng rỡ. Chỉ một điều cốt cách vương gia vẫn còn
trong dòng máu, vẫn thấy hơn người bằng đức độ và chẳng thua người ở nét tài
hoa nhưng vẫn nhún nhường để đãi thế tri nhơn. Dù nghèo, dù giàu dòng họ một
lòng hiếu để với mẹ cha với ông bà, truyền nối như câu “Hiếu thuận hoàn sanh
hiếu thuận tử” và vẫn chưa vướng bận câu “Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi”.
Bà con tộc họ công việc ai nấy lo nhưng lòng luôn gắn bó, bát cơm khoai sắn đã
từng chia trong tình nghĩa anh em. Nếu có kẻ chẳng may nhắm mắt cả một dòng
không còn nói chuyện riêng tư. Một cái đẹp không thể không ghi vào phả kí cho
nhiều đời con cháu noi theo.
Lời
giới thiệu mang theo trái tim, dòng máu ông cha Trần Công nhiều đời để rưới lên
từng cuộc đời cháu con đang lặng lẽ giữ lại giống dòng. Không thể mãi mãi giấu
thân nơi tàn tro của lịch sử mà vô tình thành người thất hiếu với tiền nhân.
Thời thế tạo anh hùng nhưng ta cứ để ta trong tàn lụi thì thời thế đâu cho ta
thế đứng anh hùng. Hãy mơ về một thời liệt oanh của Hoàng Đế Trần Triều, hãy tưởng đến lúc dưới trướng là Công
hầu, hậu cung là Vương Phi Tây Sơn Triều Đại, hãy sống trong dòng máu tự hào
từng giục ngựa truy phong bao đời vì con dân Đại Việt. Anh linh tiên tổ sẽ
truyền cho ta khí tiết vương gia để mọi thời đại sống đủ nghĩa con người.
Mơ ước và nguyện cầu sao cho:
“Phương danh Tổ
Đức minh quốc sử,
Hào kiệt đương lai chiếu gia phong”.
Sống
lại bằng chính cốt nhục mình, ấy là con cháu Trần Công vậy!
Sài Gòn, Đinh Hợi
Minh Điêu (6/2007)
Nội tôn +Trần Văn Đường
chấp bút.
BA LINH VỊ TRẦN QUAN LỚN
TIỀN HIỀN VÂN QUẬT
Sau
ngày giải phóng 30 tháng 04 năm 1975, căn nhà tranh một nưả, tôn một nửa của
ông Xuân được dựng lên và tồn tại ở Vân Quật 20 năm với hình hài ấy. Căn nhà cổ
ba gian hai hè, xuyên trính chạy chỉ, kèo ba đoạn có chạm trổ hình đầu dao và
lá liểu – hồi văn. Tuy nhiên nó có cái xác của hoa mỹ ấy còn thực sự nó đã
thương tích và chấp vá nhiều chỗ vì hậu quả của chiến tranh. Nó đại diện một
cách trung thành cho sự què quặc, sự sa sút đáng nhạo báng, đáng thương tâm của
một nhà họ Trần giữa những dư ảnh còn rơi rớt trong mắt nhiều người, khi dòng
họ này đã có một gia thế khá vượt trội từ lâu. Giống như một sự cân bằng, bao
nhiêu trưởng giả tiếng tăm thì bấy nhiêu rách nát, thậm chí không còn khả năng
để tạo dựng lại căn nhà tử tế để cùng bà con trong làng chung hưởng mừng vui
cảnh thanh bình.
Một
diện mạo như một tướng quân ngã ngựa, và bên trong là một gia bảo, không phải
một mà là ba diện mạo “Tướng Công” bị thế sự lãng quên.
Ba
linh vị đặt trên cái bàn vuông đơn sơ thô thiển, phía sau là bức vách tre đan,
bên hông trái là tấm tôn loang lổ quá nhiều không thể lợp được, dựng làm vách.
Trong khung cảnh buồn thiu vì không còn chỗ nào khác hơn và yên ổn hơn khi được
ngồi ở đó sau chiến tranh miếu võ bị san bằng. Thềm hoang thay vì chín bệ, dưới
trướng công hầu giờ đây là mái lá liêu xiêu. Thời gian xói mòn màu son đỏ chữ
thiếp vàng, lũ sâu mọt cũng hùa theo đục khoét loang lổ trên từng phiền gỗ. Chữ
nghĩa của người xưa cháu con mỗi lúc lau chùi không buồn đọc, chẳng còn biết
ông là ai, ông ở đâu, tự lúc nào.
Sao mà
bả công hầu phủ phàng đến thế!
Ông
Xuân qua đời, bà Xuân già yếu, căn nhà không thể gánh nắng chịu mưa và không
thể gằm mặt nghe những nguyền rủa cho họ Trần được nữa. Căn nhà ấy sụp đổ. Dâu
trưởng ông Xuân nghinh các linh vị về nhà thiềt bàn thờ tự, chăm chuốc ba linh
vị có phần chấn nguyên thịnh khí.
Nơi đây đã là nơi thờ tự các linh vị Tiền Hiền
Quan Lớn
Sau đó
nhà thờ tộc ở Thanh Châu khánh thành, nghinh về an vị khói hương cùng Trần Công
Tộc. (dự kiến Trần Công Vân Quật có được từ đường sẽ nghinh về lại vì nơi đây
mới chính là chỗ của các ông)
Ông là
ai! Chẳng còn ai tìm ông nữa! Vì sao thế, trong lúc biết bao tộc họ phải nhờ
những nhà khoa học ngược xuôi truy tìm cho họ cội nguồn? Nhìn tập gia phả của
họ người chỉ vỏn vẹn sáu đời, họ mừng vui, trịnh trọng sửa lễ đón nhận, bỗng
chạnh lòng nên chấp bút. Cám cảnh người sanh cám cảnh ta, sẽ biết ông trong
những dòng dịch từ linh vị.
§Tán Trị CôngThần
Chính Trị Lại Bộ Thượng Thư Trụ Quốc Tham Chính Tiết Văn Hầu Trần Quý Công
Tăng Phong Tấn Kim Nghi Tử Lộc Đại Phu
§Tiền Hiền Nguyên
Hy Triều Binh Bộ Thượng Thư
Hằng Đức Hầu Trần Quý Công.
§Tiền
Hiền Nguyên Quảng Yên Tuần Vũ
Trần Quý Công Thần Vị.
Sử các
triều đại không ghi tước vị các ông. Tuy nhiên qua truy tập trong gia phả thấy
rằng:
Ngài
Lại Bộ Thượng Thư là quan thời vua Lê Anh Tông, niên hiệu Chính Trị (Năm 1558 –
1571) dưới trướng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, thụy hiệu Thế Tổ Gia Dụ Hoàng đế.
Phụng mệnh:
“Hoành
Sơn viễn trấn Nam phục Triệu cơ ngã”.
Thỉ tổ
Vân Long hầu hộ giá tồ chinh khai cương tịch kiệm, khai phá tự Hải Vân Quan chí
Bình Định, Cao Đôi chư sơn lộ.
Phá
thảo lập lại lư lý.
Ngài
nhậm lịnh Nguyễn Hoàng tức Gia Dụ Hoàng đế trấn đất Hoành Sơn tức Quảng Nam
khai tịch lập ấp từ Hải Vân đến Bình Định.
Các
Ngài trước không có sắc phong “Tiền hiền” làng Vân Quật. Điều này chứng tỏ Ngài
là Đại Thần, làng Vân Quật chưa đủ tư cách để thờ, nhưng làng phải giỗ. Mộ quan
lớn trong quần thể 5 vị không bia nên con cháu không phân biệt được.
Ngài
Bộ Binh Thượng Thư được ghi là ”Hy triều Binh Bộ…” Ngài làm quan thời Võ Vương
Nguyễn Phúc Khoát, thụy hiệu Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Đế (1738_1765).Ngài theo mẫu
thân vào Bồng Sơn , Bình Định, (tùng mẫu Nam Thiên thích tư lạc thổ tức sở Bồng
Sơn Ngung).
Ngài
Tiền Hiền Nguyên Quảng Yên Tuần Vũ cũng làm quan cùng thời. Hai vị tiền hiền
được truy phong thời vua Tự Đức năm thứ 5, năm1852. Vua Tự
Đức
xuống chiếu lập sắc phong tặng 13066 sắc chỉ Tiền Hiền, nơi nào có sắc chỉ sắc
phong thì đất nơi đó của vua, dân ở đó là dân của vua, một hình thức tranh thủ
giành đất giành dân.
Tương
truyền trong gia tộc Ngài Tuần Vũ Quảng Yên trước là quan Thượng phẩm triều
đình bị giáng chức thành quan hành tẩu tại đất Lao Qua (nước Lào) sau mới về
Quảng Yên làm Tuần Vũ. Thanh thế các ông còn đươc ghi chép trong di chỉ bản Hán
ghi chép năm Thành Thái thứ 3, ban biên tập có in lại và âm dịch trong phần
sau.
Trở
lại vấn đề vì sao Trần Công Vân Quật trách nhiệm gìn giữ thờ tự ba linh vị nói
trên. Khi Trần Công Tộc Thanh Châu thất thế, là tội đồ của vua quan nhà Nguyễn.
Đời thứ 7 bắt đầu phiêu bạt nhiều nơi, Vân Quật là điểm đến của một chi phái –
Đến Vân Quật các tiền bối gọi nhau là dòng họ, Trần Công là hậu tộc. Con cháu
các tiền hiền Trần đã chuyển dời về Thôn Vạn Đức , xã Hoài Ân, huyện Hoài Nhơn,
tỉnh Bình Định gần hết tộc họ nay tiếp tục qui tụ và giao lại cho Trần Công.
Khế ước có ghi: “Trần Công Tộc là hậu tộc, vườn quan lớn trên 2 mẫu, dưới 4 mẫu
thành 6 mẫu đất điền hương hỏa (1 mẫu = 5.000 m2) đích tôn thừa tự,
kế thế phụng thủ, quản canh phụng tự, linh vị miếu vỏ bảo tồn, xuân thu quí
tiết tư tế, kỵ giỗ mùng 7 tháng chạp hằng năm, đãi làng không phân biệt”.
Đất
đai hương hỏa trước chiến tranh, đến thời ông Thủ Thiều, rồi ông Hai Xuân làm
chủ tự đã chia trong tộc Trần Công mỗi hộ một ít để canh tác mỗi năm chung cùng
cúng giỗ, chủ tự giữ canh tác nhiều hơn lo xuân thu tế tự. Sau ngày giải phóng
1975 đất đai này trở thành đất hợp tác xã nông nghiệp, không để lại được phần
nào trí tự cả, từ đó Bà Đường dâu trưởng ông Xuân hằng năm tự sắm sửa cúng giỗ
nhưng không còn khả năng đãi làng nữa. Văn tế, trống- chiêng- cờ lọng đâu còn
như xưa!
Miếu
tọa lạc trong khuôn viên đất làng, 4 x 20 mét, bên trái là đình làng, bên phải
là nghĩa từ, sau Giải phóng đã san bằng làm sân phơi hợp tác xã nôngnghiệp.
Mồ
mã: Các ngôi mộ đất cao chừng 2m hình tròn đường kính khoảng 8m, có án, huynh,
nấm đều đắp bằng đất, không có bia,
giống nhau ở giữa đồng Trung Bình và Tân Hưng trước nhà ông Hạnh con trai ông
bà Nhĩ thuộc làng Vân Quật và Cồn Chùa. Năm 1977 vào mùa hè khô, Hợp tác xã
nông nghiệp cải tạo đất tiến hành cuộc cách mạng quan hệ sản xuất đối với nông
nghiệp. Con cháu Trần Công lúc ấy không mấy người ở quê không đủ sức nên chỉ di
dời được 01 ngôi còn lại đã bị san bằng, hài cốt các ông bà đến nay hơn 30 năm
nằm giữa ruộng đồng, khó lòng định vị. Có lẽ những nhát cuốc, những đường cày,
bao nhiêu lần dày xéo của máy cày, máy kéo nắm xương khô kia đã rãi khắp ruộng
đồng.
Xa
xưa các ông về đây khai mở đất cho dân làng, làm tiền hiền cho dân thờ lạy rồi
chính dân làng ở đây đem xác thân các ông bón cho ruộng đồng xanh mượt không
chút ngần ngại, chẳng chút xót thương.
Công
Hầu trị quốc ai hờn ghen, một nắm xương tàn mộ không bi chí vẫn không được nằm
yên và đi dần vào mất tích. Hương hỏa điu hiu, hành trạng xoá nhoà, kim cổ khó
giải bày, hỏi nhân tình, thể phách liệu còn thiêng để đãi phước cho hậu lai.
Khéo
trách xưa bày chi cổ bàn thù tạc cả làng, một tấm bia không cắm ghi lại dấu ông
bà. Cũng có thể uẩn khúc nào đây không cho những công thần này tỏ mặt, chẳng
phải nghèo mà cháu con không sắp đặt cho các ông, bà một âm phần đủ như thiên
hạ, có phải chăng họ Trần đều phải mang một vận nạn như nhau, đều phải chịu
cảnh tan tác lâu đời vây bủa. Ở đây ta có thể xét, con cháu ruột thịt của quan
lớn Trần Tiên Hiền bỏ đất Vân Quật nơi hằng năm phù sa rãi đều màu mỡ, cây chưa
bao giờ héo úa bởi đất đai mang tiếng bạc màu để đi đến Bình Định lập nghiệp.
Đất Hoài Ân thôn Vạn Đức, huyện Hoài Nhơn vùng miền núi khô hạn, đất cát bạc
màu, cây cối chẳng mấy xanh, cây mì (sắn) đứng phơi mình như xương khô, chỉ có
cây dừa là gan góc với xứ người, thì ai bảo Bình Định nơi tốt lành để con cháu
đến sinh nhai.Sự tình cháu con không ai hiểu cho tường tận để giải bày .Đúng là
thế, vẫn sợ có ngày tàn của họ Trần trên đất Hoài Nhơn, ông bà lo dựng bia ghi
dấu lại, giấu trên núi với 4 chữ “Trần
Gia Tổ Sơ”.
Bia
bằng đá núi, rộng hơn 1m, cao hơn 2m nét chữ to 10cm. Bắt đầu thập niên năm
mươi – Sáu mươi thế kỷ XX con cháu muốn lên thăm viếng cúng tế phải mé rừng đi,
về suốt một ngày đường. Một dấu vết đã trở thành hư danh, trở thành món đồ giả
tạo, một bia tánh giấu nơi cùng cốc thâm sơn và một dòng họ sống âm thầm danh
phận lu mờ!
Danh
Thần lương Tướng thế xuất kỳ nhơn, Công danh thùy thanh sử, tử tánh đằng cự tộc
đang xếp lại nơi đâu? Còn chăng chỉ biết hỏi trái tim mình!
“Thể phách tồn thiên địa
Tinh thần tại tử tôn”
Đinh Hợi, Thiên
Trung Ngày mồng 2(16 – 06 – 2007)
Đích Tôn Hậu Tộc
Trần Văn Đường
chấp bút.
Đại Nam thực lục tân
biên quyển 2 có ghi: ông Trần Đức Hòa , người giàu mưu lược, làm quan Khám Lý
Hoài Nhơn – Quảng Nam.
Thời kỳ ấy Hoài Nhơn còn
thuộc tỉnh Quảng Nam, nên ông Hòa có phải là dòng họ của tiền hiền Trần Quan
lớn Vân Quật?
Phiên âm
Gia Phả
Tiền Hiền Trần Quan Lớn Vân Quật
Hoàng Triều
Thành Thái Tứ Niên
TRẦN TỘC PHỔ
NGUYÊN TỰ
Gia chi hửu Phổ,
Quốc chi hửu Sử. Quốc vô sử hà dĩ kỹ Đế Vương chi thống, gia nhược vô phổ hà dĩ
minh thế thứ chi truyền. Thị tắc gia phổ chi tu hồ dung hoản dã huống hồ trung
tộc chi gia khởi khả khuyết như phụng ngã.
Trần Tộc Thanh
Hoá, Tống Sơn nhân dã phụng tự,
Hoàng Tiên Triều
Thái Tổ GIA DỤ Hoàng Đế.(*)
Hoành Sơn viễn
trấn Nam phục Triệu cơ ngã.
Thỉ tổ Vân Long
Hầu hộ giá tồ chinh khai cương tịch kiệm,
.
Khai phá tự Hải
Vân Quan chí Bình Định, Cao Đôi chư sơn lộ.
Phá thảo lập lai
lư lý.
Do bổn xã phụng
công vi khai canh chi To, nhân lệ tịch yên, tức xã danh Vân Khốt, Tam thế tương
thừa khắc đôn nghiệp nghiệp đãi chí .
Hiếu Võ thần
ngã. (**)
Cao Tổ Hằng Đức
Hầu, tùng mẫu Nam Thiên thích tư lạc thổ tức sở Bồng Sơn Ngung.
Tự thử dĩ lai,
danh thần lương tướng, thế xuất kỳ nhơn vĩ tích phong.
Công danh thuỳ
thanh sử, Châu lư phiên ngung công chi dự, tử tánh đằng cự tộc chi xưng.
Hoàng Triều khai
Quốc Trung Hưng chi công thần ngã liệt tổ hàm dư kỳ liệt tắc ngã Trần.
Quốc lộc luỹ hà
hồng tư huân nghiệp thanh thỉ ứng, dữ Đông Triều Hầu chi thế gia.
Tịnh trĩ vĩnh
ngôn tư chi hạt thắng, ngưỡng chỉ huệ cố sơn lỵ cận công vụ sảo mẫn.
Hội đồng mưu cập
gia kế tài tu tộc phổ, vĩnh thị lai tư ý triết nhơn tính hỹ khái viên nguyên.
Thức chi ích thủ
chi nghiệp thị chi vị tự. Hoàng Triều Thành Thái Tam niên
Phần mộ kính tại
Quảng Nam, Vân khốt xã.
Trần Văn Nghĩa
Trần Văn Đắc
Trần Văn Chế
Trần Văn Từ
Trần Văn Sắc
Trần Văn Miễn
Trần Văn Thông
Trần Văn Minh.
**Trần Văn Quý do
hậu Tuấn, Hàn Lâm thăng nhi Binh Bộ Thượng Thư, Hằng Đức Hầu.
**Trần Văn Tiết,
Lại Bộ Thượng Thư tăng phong Tấn Kim Nghi Tử Lộc Đại Phu, Trụ Quốc Tham Chánh
Tiết Văn hầu.
Trần Văn Hòa
**Trần Văn Khiêm,
Hàn Lâm Viện tu soạn kiến (tiến cử) văn
thư, hành tẩu . . .
Cao Tổ khảo Trần
Văn Tránh, mộ Vân Khốt.
Tằng tổ khảo Ông
Kỳ tức Trần Văn Thu ,kị thập nhị ngoạt thập nhứt nhựt,mộ tại Vân Khốt, bà Kỳ
tức Trương Thị Kiến, kị tứ ngoạt sơ bát nhựt, mộ tại Bồng Sơn.
Hiển Tổ khảo
Trần Văn Xuân bà Nguyễn Thị Trữ.
Hiển khảo Binh
Bộ Thượng Thư Trần Văn Tuấn (Quý).
Sanh hạ trưởng
nam Diệu tức Trần Văn Diệu.
Thứ namTrần Văn
Bạt mộ tại Vân Khốt xã,
Trần Thị Hán, mộ
tại Vân Khốt xã.
(*) Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế Chúa
Tiên Nguyễn Hoàng, Lê triều niên hiệu Chính Trị.
(**) Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng đế, Võ
Vương Nguyễn Phúc Khoát, Lê triều niên hiệu Vĩnh Hựu.
TIỀN
NHƠN TRẦN TỘC TIỀN HIỀN VÂN QUẬT
TƯỚC
HIỆU – CÔNG THẦN
-
Tổ công: TRẦN QUÝ CÔNG (TRẦN VĂN TIẾT)
Tước vị: Tán Trị Công Thần Chính Trị Lại Bộ
Thượng
Thư Trụ Quốc Tham Chính
Tiết
Văn Hầu Trần Quý Công.
Tăng
phong: Tấn Kim Tử Đại Phu.
-
Tổ công: TRẦN QUÝ CÔNG (TRẦN VĂN TUẤN)
Tước vị:
Tiền Hiền Nguyên Hy Triều Binh Bộ Thượng Thư Hằng Đức Hầu Trần Quý Công.
-
Tổ công: TRẦN QUÝ CÔNG (TRẦN VĂN KHIÊM)
Tước vị: Tiền
Hiền Nguyên Quảng Yên Tuần Vũ Trần Quý Công.
TIỀN
NHƠN TRẦN CÔNG TỘC THANH CHÂU
TƯỚC HIỆU - CÔNG THẦN
-
Tổ công: TRẦN CÔNG PHẠP
Truy Tặng hiệu: Thục Túc
-
Tổ công:
TRẦN CÔNG NGHỊ
Tước vị: Nghị Luận Trần Hầu
-
Tổ công: TRẦN CÔNG LỢI
Tước vị: Tri Phủ Hàn Lâm Lục Hàm
-
Tổ mẫu: PHẠM THỊ BẠN
Tòng hiệu:
Tri Phủ Phu Nhân
-
Tổ công: TRẦN CÔNG CẨN
Tước vị: Hiền
Hầu Đặc Trấn Chưởng Cơ
Võ Dũng Tướng Quân – Phủ Quốc
Oanh Liệt Trần Hầu Tướng Quân.
-
Tổ công: TRẦN CÔNG THỨC
Tước vị: Quân Tán Trấn Quốc Đại Tướng Quân
Trụ Quốc Đại Đô Đốc – Tri Quận Công
Trần Tướng Công.
-
Tổ mẫu: TRẦN THỊ LƯỚI
Tước vị:
Mạng Phụ Y Phu Đô Đốc Tri
Quận Công Nương Nương.
-
Tổ công: TRẦN CÔNG THÀNH
Tước vị: Đặc Trấn Phụ Quốc Thượng Tướng
Quân - Thái Uý Chơn Quận Công.
Tăng Phong:Thái
Bảo Quốc Công Tứ Hàm Trung
Thuận Trần Tướng Công.
- Tổ mẫu: ĐẶNG THỊ CƠ
Tước
vị : Quận Công Nương Nương
-
Tổ công: TRẦN CÔNG THẠNH
Tước vị: Đô Ti Tả Thị Hầu Trần Tướng Công
-
Tổ mẫu: TRẦN THỊ DIÊN
-
Tước vị: Đô Ti Trần Phu Nhân Tướng Công Nương Nương
-
Tổ công: TRẦN CÔNG TRỊ
Tặng hiệu:
Viên Thái.
-
Tổ công: TRẦN CÔNG GIAI
Tước vị: Võ Vệ Cai Đội Nguyên Hoà Hầu
Trần Tướng Quân.
-
Tổ cô: TRẦN THỊ QUỴ
Tước vị: Đông Châu Tiền Triều Hoàng Đế
Quý Phi Nương Nương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét