Con đê và vết hằn lên tính cách người Việt

Những di chỉ khảo cổ đã dẫn dắt các nhà khảo cổ học và dân tộc học từ lâu đến kết luận rằng có một sự diễn tiến liên tục từ văn hoá Phùng Nguyên, qua các văn hoá Đồng Đậu, Gò Mun đến văn hoá Đông Sơn, rằng chủ nhân văn hoá Đông Sơn chính là tổ tiên của người Việt ngày nay, và rằng “ Những văn hoá Tiền Đông Sơn cùng với văn hoá Đông Sơn hợp thành một hệ thống văn hoá... có thể gọi là hệ thống văn hoá sông Hồng. Trong bài viết này, dựa trên những thành tựu của nghiên cứu địa lý - địa chất vùng đồng bằng sông Hồng, những thành tựu và phát hiện khảo cổ học, những công trình nghiên cứu văn hoá tộc người đã được công bố, chúng tôi thử đưa ra một sự hình dung về một quá trình, tạm gọi là quá trình Đông tiến, của tổ tiên người Việt, chủ yếu dọc theo dòng chảy sông Hồng, từng bước từng bước trở thành chủ nhân của vùng châu thổ Bắc Bộ - cũng là vùng lãnh thổ giữ vai trò hạt nhân trong quá trình hình thành quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, đó lại cũng vẫn là một nhiệm vụ quá lớn, quá nghiêm túc, do vậy câu chuyện chủ yếu sẽ chỉ diễn ra xung quanh việc người Việt từ xưa tới nay đã trở nên thế nào “dọc theo những triền đê”.


1.- Theo dấu người xưa xuôi dòng chảy:
1.1. Thuở đất mới ngoi dần.
Không còn một hệ thống thần thoại nào theo đúng nghĩa liên quan đến quá trình thành tạo vùng châu thổ sông Hồng. Chẳng rõ từng có hay không, mà hầu như chắc là chưa từng có một hệ thống thần thoại như vậy. Bởi đồng bằng sông Hồng là một “bình nguyên trẻ”. “Bất hạnh” của loại bình nguyên này là khi vẫn đang trong quá trình được kiến tạo thì con người đã kịp tiến vào thời đại văn minh, nghĩa là đã kịp gác lại việc sáng tác thần thoại nhất là những hệ thần thoại hoành tráng vào thời quá khứ tuyệt đối. Chỉ còn một câu chuyện, nửa thần thoại nửa truyền thuyết, mà kỳ thay, lâu nay nhiều người chỉ hăm hở đọc và giải thích nó theo tinh thần của “chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt”, nghĩa là đọc theo lối “ngoài việc xây dựng những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”, còn phải tôn trọng “tính chính xác của các chi tiết”(!).
Tầm quan trọng của câu chuyện này (truyền thuyết về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh)  khiến ta rồi sẽ phải đọc lại nó theo những nguyên lý đọc của huyền thoại học cấu trúc. Vài chục năm trước đây, nhiều đại gia của khoa học xã hội Việt Nam khá đồng thanh trong việc khẳng định nguyên nhân việc hình thành quốc gia dân tộc sớm (mà không ít người đã coi là “tự thuở Hùng Vương”) là bởi người Việt phải liên kết nhau lại trong hai việc lớn, dần thành “quốc gia đại sự”, là việc chống ngoại xâm và việc đắp đê trị thuỷ. Nhưng chống ngoại xâm, theo lôgích, chỉ có nghĩa khi đã xác định được cái gì đó là “nội”, nghĩa là nhiều lắm thì chống ngoại xâm chỉ củng cố, “kiện toàn” thêm cho thực thể có trước, chứ không thể nào lại là “nguyên nhân” ra đời của thực thể đó. Còn về việc trị thuỷ, nói đúng ra, việc đắp đê, thì cần một sự tìm hiểu lại căn bản hơn.

Truyền thuyết, di chỉ khảo cổ và những mảnh vụn tín sử đều cho phép người nghiên cứu hình dung về vùng đất trung du ngày nay, nghĩa là vùng hạ tán dưới chân của mấy ngọn Tam Đảo, Ba Vì và những vùng đất đá ong, cùng những “vùng cọ đồi chè” khác, nay thuộc địa phận của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, và có thể kể cả “xứ Đoài mây trắng” (cách đây chưa lâu) nữa, như là nơi khởi nguyên của một hành trình thành tạo quốc gia - dân tộc. Tâm thức cộng đồng coi đó là đất Tổ. Nhưng cũng đã từ lâu lắm rồi, ít ra là hàng hơn hai nghìn năm nay rồi, địa bàn sinh tồn chủ yếu của người Việt đã dịch dần xuống phía Đông (ghé Nam, theo hướng chính của dòng chảy sông Cả). Vài chục năm trước đây, nhiều đại gia của khoa học xã hội Việt Nam khá đồng thanh trong việc khẳng định nguyên nhân việc hình thành quốc gia dân tộc sớm (mà không ít người đã coi là “tự thuở Hùng Vương”) là bởi người Việt phải liên kết nhau lại trong hai việc lớn, dần thành “quốc gia đại sự”, là việc chống ngoại xâm và việc đắp đê trị thuỷ. Nhưng chống ngoại xâm, theo lôgích, chỉ có nghĩa khi đã xác định được cái gì đó là “nội”, nghĩa là nhiều lắm thì chống ngoại xâm chỉ củng cố, “kiện toàn” thêm cho thực thể có trước, chứ không thể nào lại là “nguyên nhân” ra đời của thực thể đó. Còn về việc trị thuỷ, nói đúng ra, việc đắp đê, thì cần một sự tìm hiểu lại căn bản hơn.  Đã coi vùng trung du là đất Tổ, nơi ít ra vài nghìn năm “cố quốc” từng hiện hữu, thì phải khẳng định lại cho rõ rằng địa bàn chính yếu của “nước tổ” không phải là vùng đồng bằng. Nơi ấy, đê điều không phải là mối quan tâm hàng đầu, “nỗi lo quanh năm” của cộng đồng cư dân. Cũng đã vài ngàn năm nay, không có những tuyến đê lớn và xung yếu ở vùng đất ấy. Trong nhiều lý do, có một lý do giản dị: lụt lội không đe dọa lớn đối với vùng trung du như đối với đồng bằng, và mật độ cư dân ở những vùng ấy không thể so sánh được với cư dân ở những nơi đang hình thành bình địa đủ mênh mông với những “bờ xôi ruộng mật” về sau. Chắc chắn rằng, cộng đồng Việt “từ nơi ấy ra đi”, nhưng “tính cách Việt” liệu về cơ bản, có đã được định hình từ nơi ấy, từ thuở ấy? Một số người trích dẫn Lịch Đạo Nguyên qua Thuỷ Kinh chú, hiểu câu “Lạc dân... quán điền tòng thuỷ triều thượng hạ” (Dân Lạc... tưới ruộng theo thuỷ triều lên xuống) để khẳng định rằng người Việt cổ đã sử dụng đê điều từ thuở trước (và cho tới tận thời) Bắc thuộc, vậy thì đê từ xưa đã quan hệ xiết bao! Nhưng “tưới ruộng theo thuỷ triều lên xuống” sao lại là việc sử dụng đê điều làm thuỷ lợi? Và ở đâu, cho đến nay, còn có lối canh tác sử dụng đê để “tưới ruộng theo sự lên  xuống của thuỷ triều”? Hiểu ngược lại thì đúng hơn: ít nhất vào thời Lịch Đạo Nguyên viết Thuỷ Kinh chú, đê chưa phải là nỗi ám ảnh của Lạc dân.  Vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, mới có thể khẳng định chắc chắn về một (hay những) đợt di dân của người Việt dọc theo các triền sông xuôi xuống phía Đông. Có thể hình dung rằng vào thời điểm ấy, cả lưu vực ngày nay là vùng châu thổ Bắc Bộ vẫn còn là một vùng đất thấp đang được thành tạo nham nhở. Ngoài dòng chảy lớn, chính yếu là sông Hồng, còn có sự góp nước, góp phù sa của nhiều con sông lớn nhỏ khác, xuất phát từ những triền núi khác, hướng dòng chảy có thể gọi là “châu tuần”. Từ sơn hệ đá vôi thuộc địa phận Hoà Bình đến Ninh Bình, Bắc và Tây Bắc Thanh Hoá ngày nay, hướng dòng chảy của các sông là hướng Đông Bắc. Từ vòng cung Sông Gâm - Đông Triều, hướng dòng chảy của các sông chủ yếu là hướng Đông Nam. Phú Thọ, Vĩnh Phúc,Tây Bắc tỉnh Sơn Tây, Bắc Giang và phần lớn Bắc Ninh về cơ bản đã ổn định “mặt bằng” từ thời gian đó trở về trước. Sông Hồng là con sông lớn nhất, lưu lượng nước lẫn nguồn phù sa khổng lồ của nó đã đóng vai trò quyết định trong việc thành tạo nên cả diện tích lẫn sự phì nhiêu của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Bởi thế, các nhà khoa học (cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã  hội) đều chấp nhận sự đồng nhất hoá tương đối của hai cách định danh “đồng bằng sông Hồng” và “đồng bằng Bắc Bộ”.

Điều cần nhấn mạnh, rằng “người Việt thời châu thổ” đã là một giai đoạn khác so với “người Việt thời trung du”, giữa hai thời kỳ này đã có những biến chuyển to lớn mà việc hiểu đúng về những chuyển biến ấy có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng đối với việc nhận thức về những đặc điểm và bản sắc của cộng đồng tộc người và bản sắc quốc gia – dân tộc. Gần như có thể khẳng định chắc chắn rằng vào thuở “vua Hùng dựng nước” (theo lối diễn đạt thông lệ ngày nay) cư dân Việt cổ (gồm cả tổ tiên Kinh, Mường) là cư dân thuộc nền “văn hoá thung lũng” mà chưa phải là cư dân thuộc “văn hoá đại bình nguyên”. Việc tiếp cận rồi làm chủ được một bình nguyên rộng lớn đã có vai trò quan trọng làm đột biến tính cách của cộng đồng tộc người. Cũng theo nguyên lý chung “hoàn cảnh quyết định tính cách”, những đặc tính của đồng bằng sông Hồng sẽ in đậm dấu ấn của nó lên tính cách của “người sông Hồng”. Điều cần nhấn mạnh, rằng “người Việt thời châu thổ” đã là một giai đoạn khác so với “người Việt thời trung du”, giữa hai thời kỳ này đã có những biến chuyển to lớn mà việc hiểu đúng về những chuyển biến ấy có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng đối với việc nhận thức về những đặc điểm và bản sắc của cộng đồng tộc người và bản sắc quốc gia – dân tộc.

1.2.- Đất nổi tới đâu người chia nhau tới đấy.
Một dòng chảy khổng lồ lấy thế năng từ một vùng đất cao nguyên rộng lớn đưa phù sa về vùng hạ lưu giao thoa với những dòng chảy lớn nhỏ khác tạo nên một “ mạng lưới sông rạch”, làm hình thành nên những gò, những ụ, những bãi, những đầm.Giữa vô số những sự lắng đọng, trầm tích ngẫu nhiên vẫn dần dần hình thành nên những thế, những mạch đất “có tính khuynh hướng”, được tổ chức và bị điều chỉnh theo hoạt động của dòng sông mẹ. Vùng đất nào được bồi cao sớm, lại gần với những vùng cư trú cũ, tự nhiên dễ dàng được cư dân sống gần nơi đó nống thêm, khoanh lại, bao lấy, nhập vào. Ở một thuở xa xưa, theo cách hình dung của K.Marx, “việc chiếm hữu từng mảnh trên mặt địa cầu làm của riêng vốn có tính ngẫu nhiên”, nên giản dị như cách nói và làm của dân gian, ai “xí” trước thì người ấy được. Mùa này nối mùa khác, năm này liền năm khác, thập niên, thế kỷ này đến thập niên thế kỷ khác, các cộng đồng thoạt đầu chỉ ở quy mô công xã thị tộc cứ thế đông đúc lên, lớn mạnh dần, khôn ngoan ra, kiên nhẫn mở đất, kiên nhẫn canh tác. Ở quy mô công xã thị tộc, rồi thành làng thành họ, thành chòm thành xóm, các cộng đồng ấy tự làm hình thành nên những mối liên kết nội tại phức tạp hoá dần dà, để đến lúc xuất hiện những lệ, những tục, những quy, những định, những khoán, những ước...Mọi cá thể - thành viên cộng đồng vừa có những nhu cầu, ham muốn, lợi ích... riêng phải cố mà đạt tới, vừa hiểu dần cái lẽ “Một cây làm chẳng nên non”, “Lụt thì lút cả làng”, nhận thức dần ra tính tất yếu phải tương thân, tương ái, tương trợ, khi cần thậm chí phải biết nhịn, phải chịu thiệt. Trong mọi nỗi lo, nỗi lo âu phổ biến hình thành sớm nhất ở các cá thể của những cộng đồng như vậy hẳn phải là nỗi lo “bật bãi”. Nỗi lo ấy lớn đến mức đã có lúc người ta khuyên nhau hoặc thậm chí tự nhủ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Thà chết một đống hơn sống một người”.
Không có sẵn một bình nguyên mênh mông mà ruột đất đã hình thành đâu đó từ “muôn năm cũ”, người Việt cổ hướng dần ra cái khoảng trời đất nước đang sôi sục tự nhào nặn để định hình kia những mong giành được, đoạt lấy hay gom thêm những khoảnh những vạt những rẻo những doi ...mới. Không  chỉ thụ động chờ đợi cho đến lúc “Sông kia rày đã nên đồng”, họ cũng tận dụng cả những hiểu biết dẫu còn khá thô sơ về thiên văn thời vụ, “chớp cơ hội” tranh với các nhiên thần quyền đổ mồ hôi để thu về hoa lợi trên những mảnh đất còn đỏng đảnh chơi vơi giữa hai bờ sở hữu. Cứ thế, cứ thế, người Việt  xuôi về hạ lưu của một trong những con sông dữ. Không có sẵn một bình nguyên mênh mông mà ruột đất đã hình thành đâu đó từ “muôn năm cũ”, người Việt cổ hướng dần ra cái khoảng trời đất nước đang sôi sục tự nhào nặn để định hình kia những mong giành được, đoạt lấy hay gom thêm những khoảnh những vạt những rẻo những doi ... mới. Không  chỉ thụ động chờ đợi cho đến lúc “Sông kia rày đã nên đồng”, họ cũng tận dụng cả những hiểu biết dẫu còn khá thô sơ về thiên văn thời vụ, “chớp cơ hội” tranh với các nhiên thần quyền đổ mồ hôi để thu về hoa lợi trên những mảnh đất còn đỏng đảnh chơi vơi giữa hai bờ sở hữu. Cứ thế, cứ thế, người Việt  xuôi về hạ lưu của một trong những con sông dữ.

Thành Cổ Loa là bằng chứng rõ ràng đầu tiên của sự tồn tại của một cộng đồng đã được tổ chức tới quy mô nhà nước. Nhưng chỉ An Dương Vương nửa thực nửa huyền là được khẳng định từng đóng đô ở đấy. Triệu Đà, người cho đến nay vẫn phải chịu tình trạng chân trong chân ngoài giữa những dòng lịch sử Việt Nam, thì lại định đô ở Phiên Ngung, tít tận Quảng Châu (Trung Quốc), chứ không phải ở hữu ngạn sông Hồng như “đồng nghiệp” bị ông thôn tính. Trong kỷ thuộc Tây Hán, trị sở của quan lại đô hộ được sử chép là đặt tại Long Biên, nhưng thành Long Biên ấy ở đâu thì nói rằng chưa kê cứu được (có thuyết từ xưa nói rằng Long Biên là Liên Lâu, cũng tức Luy Lâu, trên đất huyện Thuân Thành nay), còn đến thời Đông Hán, thì lị sở là ở Mê Linh (Vĩnh Phúc ngày nay), tức trở lại “vùng đất cao và chắc, vùng đất an toàn”! Cha con ông cháu Sĩ Nhiếp thì “định đô” ở Long Biên (vẫn là thành Long Biên chưa kê cứu được kia), cho tới tận Lý Bí, tức Lý Nam Đế, đô lại được đặt ở đất Long Biên ấy!

Cần chú ý rằng lúc yếu thế, Lý Bí tránh vào động Khuất Lạo, mà theo kê cứu đời sau, là động thuộc đất Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Người anh hùng cứu quốc tiếp theo, Triệu Quang Phục, đô ở Long Biên, rồi dời sang Vũ  Ninh (Quế Võ ngày nay), khi bị thất thế, lấy vùng đất sông rạch đầm phá là Dạ Trạch làm căn cứ địa kháng chiến. Hậu Lý Nam Đế thì đóng đô ở Phong Châu. Nhà Đường cậy là đại đế chế, sức dài vai rộng, mới đắp La Thành làm phủ trị của An Nam đô hộ phủ. Nhưng rồi qua mấy lần bị người Nam Chiếu tranh chấp, La Thành chịu cảnh trống không. Mãi tận khi viên kiêu tướng Cao Biền trấn giữ xứ này, La Thành mới có được một chặng ngắn lâm thời sinh sắc. Ngoái nhìn sử cũ, từ Hai Bà Trưng cho tới tận Lê Ngọa Triều, các vị quân chủ người Việt chưa mấy ai đủ điều kiện và/ hoặc đủ can đảm để chọn vùng đất Hà Nội làm nơi định đô.

Nguyên nhân chủ yếu hẳn là do không thể “cãi giời”: cả vùng đất ấy vẫn  đang trong quá trình thành tạo tưng bừng, mang sẵn trong mình độ rủi ro cực lớn cho những ai hăm hở sớm đóng gông nó lại! Nhưng tới đầu thế kỷ XI thì cục diện địa chất của đồng bằng sông Hồng nói chung và vùng đất Hà Nội ngày nay nói chung đã nhiều phần khác xưa.Tuy vẫn là miền lắm sông nhiều bến, nhằng nhịt kênh rạch, nhưng với một thiên niên kỷ phù sa, thềm địa chất của đoạn trung lưu này đã kịp ổn định về cơ bản. “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”- Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ hân hoan khẳng định. Đó cũng là niềm hân hoan của hàng triệu cư dân từ đây có một quốc gia hùng mạnh để ổn định lâu dài, có một miền “thản địa” để cày sâu cuốc bẫm. Dù sao, đã dời đến rồi định đô ở vùng trung thổ, miền đất vẫn chưa hoàn toàn ổn định về kết cấu tự nhiên, gần bốn thế kỷ thời đại Lý - Trần buộc phải có lắm việc phải làm với môi trường sông nước. Quân đội của hai triều đều rất mạnh thuỷ binh, thạo thuỷ chiến, có nhiều chiến công lẫy lừng gắn với môi trường và những địa danh sông nước. Nhưng nhiều sự kiện trái khoáy, nhiều biến cố bất tường cũng bởi môi trường sông nước mà ra.

2.-Lược truyện những triền đê :
Loại đê đầu tiên mà người Việt tạo nên phải là loại đê bao, có dạng  thức từ hình cánh cung đến tối đa là một hình tròn khép kín. Quy mô và chủ thể sở hữu, chủ thể trách nhiệm của loại đê “đời đầu” ấy phổ biến là làng. Do tựa vào những triền đất cao và ổn định, nên phần lớn đê ở giai đoạn đầu tiên này có hình bán nguyệt. Sông Hồng bắt nguồn từ một cao nguyên đang trong quá trình bazan hoá mạnh mẽ nên lắm phù sa, lại thêm độ cao so với mực nước biển lẫn độ dốc đều lớn nên tuy sông cũng khá dài nhưng lưu lượng dòng chảy lớn và xiết. Kể từ ngày cư dân Việt cổ rời vùng trung du và thung lũng xuôi dần xuống vùng đồng bằng đang trong quá trình thành tạo như đã nói, họ buộc phải tích luỹ kinh nghiệm để ứng xử hữu hiệu với những biến cố do nước lớn gây nên. Dễ dàng hình dung được rằng những con đê đầu tiên mà họ đắp nên chưa vượt quá khoảng không gian mà họ sống quen thuộc, định cư và canh tác. Nói khác đi, loại đê đầu tiên mà người Việt tạo nên phải là loại đê bao, có dạng thức từ hình cánh cung đến tối đa là một hình tròn khép kín.
Quy mô và chủ thể sở hữu, chủ thể trách nhiệm của loại đê “đời đầu” ấy phổ biến là làng. Do tựa vào những triền đất cao và ổn định, nên phần lớn đê ở giai đoạn đầu tiên này có hình bán nguyệt. Sử liệu chính thức từ thời Lý ngược lên trước ít thấy chép về công việc đê điều, cũng thấy ít những “đại sự kiện” liên quan đến lũ lụt nói riêng, thuỷ tai nói chung. Nhưng đến thập kỷ thứ hai của triều Trần thì sử gia không thể cứ dửng dưng với thuỷ thần mãi được nữa. Mậu Tuất, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 7 (1238), mùa thu, tháng 7, nước to, vỡ tràn vào cung Thưởng Xuân; Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình nămthứ 9 (1240), tháng 7, gió lớn, mưa to, động đất; năm sau, 1241, mùa hạ, tháng tư, hạn hán, núi lở, đất toác; tháng 5 tháng 6/1242, lại hạn hán; mùa thu, tháng 8/ 1243 nước to, vỡ thành Đại La; Ất Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 14,(1245)  mùa thu, tháng 8, vỡ đê Thanh Đàm, tiếp đến mùa đông, tháng 12, gió to mưa lớn 3 ngày, nước sông tràn ngập, thuỷ tộc chết nhiều. Dẫu rằng vào thời đoạn ấy “quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân” (1), thì đến năm 1248, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17, lịch sử ngành Thuỷ Lợi ở Việt Nam đã có được  một mốc lớn làm ngày kỷ niệm: “Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập. Đặt chức quan hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó (tôi nhấn mạnh – TNV)”(2).

Đê từ đây, và chỉ từ đây, mới là loại công trình mang tính quốc gia, dù ở thời kỳ bắt đầu nhà nước hoá này, các chức quan coi đê chỉ mới mang quan hàm ngang với tri huyện (ngũ phẩm). Chức quan coi đê được coi là chức “ngồi chơi xơi nước”. “Nguyên Phong năm thứ 5,(1255), mùa hạ, tháng 4, chọn tản quan (quan nhàn rỗi) làm hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi, thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi đề phòng lụt, hạn”.
Bên cạnh và song song với việc tổ chức đắp đê, triều đình cũng thường xuyên cho tiến hành nạo vét các kênh rạch, sông ngòi (hẳn phần lớn bị phù sa - chứ không phải rác và nước thải như ngày nay - làm tắc nghẽn), đặc biệt là các đoạn sông chảy qua/ chảy trong kinh thành. Sau những hoạt động vừa đào vừa đắp ấy, dù hẳn là đào chưa phải quá sâu, đắp chưa hẳn cần quá cao, thuỷ tai diễn ra thưa thớt hơn, về cơ bản “nằm trong tầm kiểm soát hoặc chí ít, cũng là những thiệt hại ở mức “chấp nhận được” (sic!).
Tuy lũ lụt không năm nào là không có, nhưng rõ ràng vào thời kỳ đầu việc đắp đê liên hương, rồi liên lộ, từ đầu nguồn tới bờ biển như vậy đã tỏ rõ công hiệu. Hàng trăm năm sau khi thông đê toàn tuyến, sử liệu mới ghi nhận một đôi lần vỡ đê gây ra những tổn thất đáng kể ( như vụ vỡ đê mùa thu tháng 7 Thiệu Phong năm thứ 12 - tức năm 1352). Ngoài tuyến đê chính là tuyến đê sông Hồng, lần lượt hình thành các tuyến đê dọc theo các con sông khác cả trong lẫn ngoài phạm vi đồng bằng Bắc Bộ. Khi các tuyến đê hình thành mạng lưới liên thông và khép kín một cách tương đối, cũng là khi quá trình thành tạo tự nhiên của vùng châu thổ Bắc Bộ chấm dứt. Thuộc về hay chủ yếu thuộc về vùng châu thổ ấy là các tỉnh / thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ), Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng và Thái Bình ngày nay. Trong các tỉnh, thành ấy, Hưng Yên và Thái Bình là hai tỉnh chẳng đào đâu ra cảnh quan “sơn kỳ thuỷ tú”, bởi đơn giản là hai tỉnh này không có núi. Các nhà địa mạo học mô tả hình thế của tam giác châu Bắc Bộ nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bề mặt giống chiếc phễu bổ đôi, còn mặt cắt ngang thì giống như cái võng. Cái “võng” ấy lại không chỉ lộ ra trên bề mặt, mà “võng từ nền”, từ cấu trúc “móng”: lớp trầm tích của phù sa chỗ “đáy võng” dày tới 30 – 40 km! Và “vùng đáy võng” ấy chính là Hà Nội.(3) Hà Nội “trũng cả trên lẫn dưới”. Nhà địa lý nhân chủng học Pierre Gourou đã diễn đạt thật hay toàn trạng ấy: “Châu thổ sông Hồng đã chết trong tuổi vị thành niên của nó”(4). Dĩ nhiên, đó là cái chết về mặt kiến tạo địa chất. Nói một cách sòng phẳng, chính việc xâm nhập và định cư quá sớm của con người đã làm đứt đoạn những quá trình thành tạo của tự nhiên. Một trong những dấu vết rõ ràng nhất  (và cũng sẽ là tai hoạ trên nhiều phương diện) của việc làm đứt đoạn quá trình thành tạo tự nhiên đó chính là sự hiện hữu của những vùng đất thấp – dân gian gọi là vùng chiêm trũng, nôm na hơn lại gọi là vùng “cầu tõm”.

Đê ở vùng châu thổ Bắc Bộ - một khi người quan sát nhìn nhận trực diện và toàn diện những công quả và hệ lụy mà nó đưa lại - đáng được coi là sản phẩm của một lối ứng xử mang tính đối phó tiêu cực trước các điều kiện tự nhiên. Vậy mà giới tự nhiên, cụ thể trong trường hợp này là con sông Hồng, cứ tiếp tục “vô tư” thực thi tiếp những “thiên chức, thiên năng” của mình. Nước lớn vẫn cứ theo mùa mà lớn, theo năm tháng càng về sau càng lớn. Phù sa vẫn trôi xuôi, hàng thiên niên kỷ nay vẫn cứ đậm đặc, màu mỡ thế. Nhưng đê đã nhô cao, chặn mất lối “xuống đồng”. Sông sẽ “làm gì”? Thì chỉ có “giữ lại ngay giữa lòng mình những nỗi niềm phù sa” ấy. Hoặc, nếu có thể, đưa nhau về xa hơn tới tận “chân trời góc biển”. Lòng sông bị tôn cao, đê vì thế cũng phải tôn cao tương ứng. Xen vào nhịp điệu vận hành thường biến, xuất hiện hiện tượng đổi dòng (những vết nứt sâu địa chất), bên lở bên bồi hay khi lở khi bồi. Từ đời Lê Trung Hưng trở đi, trấn Sơn Nam đã được mở rộng thêm nhiều về lãnh thổ, dân cư cũng đông đúc lên gấp bội. “Lẽ tự nhiên”, trong tứ trấn, Sơn Nam được - bởi đủ điều kiện để được -  tách đôi, thành Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ. Nhưng cũng từ thời Lê Trung Hưng trở đi, những phức tạp và biến thiên của đời sống chính trị - xã hội (cục diện Nam Bắc triều, kết cấu lưỡng đầu chế, cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, mật độ dày đặc những cuộc nổi dậy của nông dân, ....) phần nào đó đã che mờ những mối quan tâm của những nhà chép sử đối với những biến cố liên quan đến các đấng “cao dày”- trời, đất, nước. Đến Nguyễn sơ, khi rốt cuộc, giang sơn đã quy về một mối, chính quyền đã đạt tới trạng thái đại thống nhất, đại tập trung, cúng là tới thời điểm sau hơn nửa thiên niên kỷ quen đến mức cơ hồ quên sự hiện diện của đê điều, vấn đề trị thuỷ ở vùng châu thổ Bắc Hà chợt như nóng bỏng trở lại.  
Ngay sau khi ổn định được Bắc Hà về mặt chính trị, vừa tổ chức xong lễ đại tể tướng sĩ trận vong, các quan trấn thủ Bắc thành đã tâu lên Gia Long rằng “Thế nước sông Nhị Hà rất mạnh, đê bên tả, bên hữu ven sông thuộc Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng hạ nhiều chỗ vỡ lở, xin thuê dân sửa đắp để chống lụt mùa thu. Lại thủ đạo các trấn nhiều nơi ứ tắc, xin hạ lệnh cho trấn thần tuỳ thế khơi vét” .Vua theo lời tâu, cho đắp 7 đoạn đê mới, lại đắp bồi một đoạn đê cũ, chi hết 80.400 quan tiền (5). Đắp đê, là làm theo nếp cũ. Đáng chú ý là việc ngay sau đó Gia Long xuống chiếu lệnh cho quan lại sĩ thứ Bắc Thành phải điều trần về việc đê. Lời chiếu viết: “Làm lợi bỏ hại là việc trước tiên của chính trị. Xét xưa sánh nay, phải sao cho đúng lẽ. Những huyện ở ven sông trong địa phương các ngươi từ trước đã lập đê điều để phòng nước lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê điều vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và súc vật cũng bị hại. Bọn ngươi, người thì sinh ở đó, người thì làm việc ở đó, thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê và bỏ đê, cách nào lợi, cách nào hại, cho được bày tỏ ý kiến. Lời nói mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng”(6). Nhưng “đề ra” trong lời chiếu không nhận được “đáp án” nào ngã ngũ, vậy nên sang năm sau (tháng 3 năm 1804) lại vẫn tiếp tục việc đắp 8 đoạn đê mới nữa ở Bắc Thành, tiêu tốn 89.000 quan. Một trong những lý do căn bản để không đưa ra được quyết định phá đê, là việc không ai đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi: phá ở đâu, bỏ đoạn nào, giải quyết hậu quả của việc phá bỏ những đoạn đê ấy ra sao.
Dưới thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX, vấn đề trị thuỷ ở Bắc Kỳ lại được đặt ra một cách cấp bách. Tất nhiên, người Pháp có những thuận lợi riêng trong việc đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi vừa nêu. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 cùng những vấn đề chính trị - kinh tế cấp bách khác đã lại một lần nữa ngăn cản việc giới cầm quyền đưa ra những giải pháp mang tính đột biến đối với vấn đề trị thuỷ sông Hồng.

Và vấn đề cứ thế được “bảo lưu” cho đến tận ngày nay. Vấn nạn đê điều vùng châu thổ Bắc Thành tiếp tục theo đuổi ám ảnh vua tôi nhà Nguyễn suốt các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Thời kỳ Nguyễn Công Trứ làm Tuần phủ Hải Dương, Tổng đốc Quảng Yên, rồi làm Dinh điền sứ, ông đã phải trăn trở rất nhiều về việc giữ hay bỏ đê. Theo các bản điều trần mà Nguyễn Công Trứ gửi lên Minh Mệnh, thì khi hỏi ý kiến các bậc kỳ lão trong trấn, tỷ lệ người cho rằng nên bỏ đê có đến 6, 7 trong số 10 người. Nhưng cho đến tận thập kỷ thứ sáu của thế kỷ XIX, thời kỳ diễn ra nhiều trận lụt gây hại lớn, triều đình cử đại thần là Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản ra Bắc (cũng tức là về quê)  chuyên lo việc trị thuỷ, được quyền tự quyết xử lý công việc tại chỗ, thì ông này cũng không thể đưa ra một quyết sách nào khác và mới hơn là tiếp tục đào đắp và khơi vét. Một trong những lý do căn bản để không đưa ra được quyết định phá đê, là việc không ai đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi: phá ở đâu, bỏ đoạn nào, giải quyết hậu quả của việc phá bỏ những đoạn đê ấy ra sao. Dưới thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX, vấn đề trị thuỷ ở Bắc Kỳ lại được đặt ra một cách cấp bách. Tất nhiên, người Pháp có những thuận lợi riêng trong việc đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi vừa nêu.
Nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 cùng những vấn đề chính trị - kinh tế cấp bách khác đã lại một lần nữa ngăn cản việc giới cầm quyền đưa ra những giải pháp mang tính đột biến đối với vấn đề trị thuỷ sông Hồng. Và vấn đề cứ thế được" bảo lưu " cho đến tận ngày nay.

3 - Chuyện đất, nước và tính cách cộng đồng:  
Trở lại với câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Trong nhiều loại tài liệu khác nhau, “nhân thân” của hai “nhân vật” này khá phong phú và phức tạp. Tuy vậy, trong tâm thức cộng đồng, khi nhắc đến Sơn Tinh phản ứng của bất cứ người Việt bình thường nào cũng hầu như ngay lập tức liên tưởng, liên hệ tới Thuỷ Tinh, đến cả Mỵ Nương con gái vua Hùng và đến “cuộc tình tay ba” éo le, nhiều hậu quả phức tạp lâu dài của họ. Chắc chẳng mấy ai phản đối khi cho rằng truyền thuyết này, trước hết, phản ánh sự tương khắc (và cả tương hợp nữa) giữa “tính núi” và “tính nước”. Không phải, không đơn giản là giữa “đất” và “nước”. Người đẹp Mỵ Nương, trong tình huống của câu chuyện truyền thuyết này, bị buộc phải lựa chọn giữa hai ứng viên để chỉ theo một “vu quy”. Buộc phải lựa chọn nhưng lại không được thực thi quyền lựa chọn. Không thấy có dị bản nào kể rằng Mỵ Nương thực sự có cảm tình với ai, bởi nàng thực ra chỉ là “kẻ đứng ngoài”, alibi. Từ chuyện “sơ tuyển” qua “các vòng đấu loại”, đến chuyện chỉ còn lại “hai đối thủ đứng nhất hai bảng vào đá trận chung kết”, cả chuyện đặt luật chơi của trận chung kết cho đến lúc công bố kết quả cuối cùng, đều chỉ thấy sự hiện diện của vua cha mà không thấy dù chỉ thấp thoáng bóng hình người đẹp. Đó là nguyên lý tuân phục sự lựa chọn của tiền nhân. Người đẹp sẽ vô can một cách bẽn lẽn, hay theo cách hình dung của Nguyễn Nhược Pháp, là với một sự đắc chí nhẹ dạ. Dân thung lũng, dân trung du mắc kẹt giữa hai thế lực đối đầu, một đằng cao, một đằng sâu, bên thú dữ, bên thuỷ quái, với một chỗ đứng hẹp và chênh vênh để chờ một sự ngã ngũ. Hiềm một nỗi, sự lựa chọn, dù tự thân hay chọn hộ thì vẫn vậy thôi, trở nên đặc biệt khó khăn vì ai trong số hai ứng viên - đối thủ kia cũng đều “hết ý”, tịnh không chút chi là tầm thường hay non kém. Lỗi thuộc về người đến muộn, nhưng chỉ là lỗi đến muộn. Mà kẻ đến muộn trong trường hợp này chỉ có thể là Thuỷ Tinh, bởi Sơn Tinh “chân liền”, Sơn Tinh là “xóm giềng chung bờ dậu”, còn “kẻ kia”, dù gì đi nữa, vẫn cứ phải “cách đò trở giang”. Luật chơi tưởng công bằng lại hoá không, bởi một sự ngầm định của thứ ưu thế “nhất cự ly nhì tốc độ”.
Rốt cuộc Mỵ Nương đã không theo về thuỷ phủ, mà theo lên sơn trại. Kẻ thua thì đáng ghét hay vì đáng ghét nên thua? Dường như trong mỗi góc khuất của tâm hồn Việt vừa vương vất một chút chạnh lòng vừa gai gai một chút ác cảm với người kém may mắn. Mà không ai, không bao giờ có ai tỏ ra mảy may khó chịu với thần núi may mắn cả. Chàng sẽ ở lại, hoá thân làm rể đời đời, lâu ngày quên rằng mình đôi khi cũng nên tỏ ra khách khí, khi cần lại vẫn có thể làm thánh làm thần, mà là “đệ nhất đẳng thần”, thành một vị anh hùng khai sáng, anh hùng văn hoá, anh hùng lao động của cộng đồng đằng nhà vợ. Nhập làm một với họ nhà vợ.

Từ người Việt trung du đến người Việt sông Hồng đã diễn ra một quá trình vừa kế thừa vừa biến thiên những đặc điểm lớn trong “tính cách Việt”, “tâm hồn Việt”.Theo nghĩa đa trị của hình tượng, chính sự ra đời và lớn dần của những con đê, của hệ thống đê điều phản ánh một cách tập trung cái quá trình lưỡng diện ấy. Và mặt trái của những con đê, mặt trái của hệ thống đê điều cũng phản ánh luôn những hạn chế, những bất cập, những cố tật nữa, của tâm thức cộng đồng Việt. Chọn núi, nhưng núi với tâm thức Việt lại chỉ là chỗ đất nhô cao, đứng lên thấy vững, làm nhà lên thấy chắc, gieo giống lên thấy cho thu hoạch, chứ không phải núi với hun hút đại ngàn, voi rống cọp gầm, vách đá lởm chởm. Đó là thứ núi gần nước, soi được vào nước, chế hoá qua lại với nước. Không phải thứ “núi suông”. Nói khác đi, ở núi chứ không phải ở rừng, chọn núi chứ chưa hẳn đã chọn rừng.
Đôi lời ngỏ:Nghịch lý lâu dài, cơ hồ vĩnh hằng trong tâm thức Việt, ấy là vừa vô cùng cần nước vừa hãi sợ nước. Mấy nghìn năm tồn tại cạnh một con sông lớn dữ dằn, chút lơ đãng có thể phải trả bằng sinh mạng, sao chẳng phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng? Nhưng đấy cũng lại là con sông mang về nguồn sống, sục sôi và rạo rực nhựa sống, làm sao có thể quay lưng với nó! Từ người Việt trung du đến người Việt sông Hồng đã diễn ra một quá trình vừa kế thừa vừa biến thiên những đặc điểm lớn trong “tính cách Việt”, “tâm hồn Việt”. Theo nghĩa đa trị của hình tượng, chính sự ra đời và lớn dần của những con đê, của hệ thống đê điều phản ánh một cách tập trung cái quá trình lưỡng diện ấy. Và mặt trái của những con đê, mặt trái của hệ thống đê điều cũng phản ánh luôn những hạn chế, những bất cập, những cố tật nữa, của tâm thức cộng đồng Việt.
------
[1 Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Bản in Nội các quan bản, NXB Văn hoá
Thông tin, H.2000, tr.27.
2 Sđd, tr.28.
3 Xem thêm, chẳng hạn, các công trình của Lê Bá Thảo, Trần Nghi,
Nguyễn Quang Mỹ, Đào Đình Bắc, Huỳnh Ngọc Hương ... về địa chất và địa
mạo Bắc Bộ.
4 Pierre Gourou.- Les paysans du delta tonkinois. EFEO. Paris, 1936.
5 Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục .- T.1 (gồm 10 tập);
NXB Giáo dục,H., 2006, tr.561
6  Sđd, tr.573.


--
Tác giả: GS. Trần Ngọc Vương

Nguồn: Trần Ngọc Vương (2011), Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb Tri Thức, H.,
Share:
spacer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

do