“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.
nguồn ảnh internet |
Người xưa quan niệm rằng: phàm là những ai được lưu danh trong sử sách, thì đều là đã được Thần an bài điều đó với mục đích lưu lại lịch sử văn hóa nhân loại, giáo dục con người đời sau không quên nguồn cội và các giá trị đạo đức nhân sinh. Trước khi trở thành những vị Thánh nhân, những vị Thần Tiên như trong sử sách và các câu chuyện cổ, những vị ấy cũng đã từng một lúc nào đó làm người, đóng các vai trò khác nhau trong xã hội như một người mẹ, một người vợ, một người con… Thế nhưng, theo chuyện kể, trước khi hạ thế làm người, họ vốn dĩ đã là Thần Tiên trên thiên thượng rồi. Vậy ý nghĩa của việc này là gì?
“Tứ bất tử” của Việt Nam đã định ra nền tảng văn hóa tín ngưỡng Phật Đạo Thần và đạo lý làm người.
Tiếp theo phần 1 và phần 2 về nguồn gốc loài người và lịch sử hình thành đất Việt, con cái của Lạc Long Quân và Âu Cơ là các vị vua Hùng dựng lập đất nước, dạy người dân biết làm nương, làm rẫy, nấu cơm, thổi lửa, dựng vợ, gả chồng…, những kỹ năng cần thiết để sinh tồn và bảo toàn nòi giống. Tiếp theo đó, con người còn cần phải học những gì?
"Họ cần học ĐẠO, chính là đạo làm người, đạo làm con, đạo làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, đạo quân thần của đất Việt. Họ cũng cần có đức tin vào các vị Phật, Thánh, Thần, Tiên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bách gia trăm họ. Huyền thoại về “Tứ bất tử” – những nhân vật bất tử trong lịch sử Việt Nam, góp phần gây dựng những nền tảng ấy."
Tài liệu xưa nhất về thuật ngữ “Tứ bất tử” là bản Dư địa chí, in trong bộ Ức Trai di tập. Nguyễn Tông Quai ở thế kỷ XVII là người đầu tiên giải thích thuật ngữ Tứ bất tử, khi ông chú giải điều 32 trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Lời chú ấy như sau:
“… Người đời Thanh nói: Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời; Ninh Sơn (nay là Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam Tứ bất tử vậy”
Tượng Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy, một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội. |
Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung |
Thánh Gióng nhổ tre diệt giặc |
Nguyễn Minh Không, quốc hiệu Lý Quốc Sư, tại khu thờ tự quần thể chùa Bái Đính |
Kiều Oánh Mậu người làng Đường Lâm là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục có viết:
“Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.”
Những thông tin về Tứ bất tử trong thư tịch Hán Nôm, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các tài liệu tiếng Việt hiện đại sau này về Tứ bất tử thì phong phú hơn và thường nhắc tới tứ bất tử gồm: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh công chúa.
Tản Viên Sơn Thần |
Tản Viên Sơn Thần (Sơn Tinh) trong trận giao chiến với Thủy Tinh |
Như vậy, trong các ngôi vị tứ bất tử, chúng ta thấy có đại diện của cả tín ngưỡng Phật, Đạo, Thần. (Phật, Thánh, Thần, Tiên…). Đó phải chăng chính là nền tảng văn hóa cần có của người Việt đã được đặt định từ những ngày đầu học đạo?
Tín ngưỡng truyền thống bao gồm tín ngưỡng vào Phật Gia, Đạo Gia, và Đạo Tiên. Trong 6 vị được lưu danh bất tử qua các thời kỳ, Chử Đồng Tử (đời Hùng Vương thứ 18) được thờ như ông tổ của đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ); Thánh Gióng (đời Hùng Vương thứ 6) vốn là Thiên tướng trên trời, xuống giúp dân tộc Việt dẹp giặc, rồi lại bay về trời; Tản Viên Sơn Thánh (còn gọi là Sơn Tinh, đời Hùng Vương thứ 18), hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, dòng dõi con rồng cháu tiên, vốn “theo cha xuống biển”, rồi lại “từ biển đi lên” để lưu danh lịch sử.
Từ Đạo Hạnh (1072-1116) và Nguyễn Minh Không với quốc hiệu Lý Quốc Sư (1065 – 1141), là hai vị thiền sư, cao tăng nổi tiếng đời nhà Lý, với huyền sử cuộc đời mang dấu tích của Phật Pháp thần thông và đưa họ thành bất tử.
Liễu Hạnh công chúa (thời Hậu Lê) vốn là con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng Thượng Đế, 3 lần giáng trần để ngàn đời được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật.
Liễu Hạnh công chúa đã định ra tấm gương về đạo nghĩa và tứ đức Công- Dung- Ngôn- Hạnh, đã tận tâm báo hiếu ơn đức sinh thành của cha mẹ, đã một lòng chung thủy với tình nghĩa vợ chồng, đã để lại hình ảnh về phụ nữ đầy lòng nhân ái, thiện lương, thương yêu nhân dân, dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải, cứu khổ cứu nạn những người nghèo khổ, luôn khuyên bảo người khác làm điều lành, tránh điều ác.
Những phần tiếp theo chúng ta sẽ đi sâu vào sứ mệnh của mỗi từng vị trong Tứ bất tử. Xin đón đọc Phần 3.1: Ba lần chuyển sinh của Liễu Hạnh công chúa .
Nguồn: Hà Phương Linh - daikynguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét