Đền Đồng Cổ là đền thờ vị thần Trống Đồng có công lao với nước.
Đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn
Nam, Đông Xã, Yên Thái (nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận
Tây Hồ, Hà Nội), đến nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố
thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy
nga. Trải qua nhiều thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn
sùng. Đền mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu
nước của người Việt Nam.
Sân trước đền Đồng Cổ, nguồn sưu tầm: vanhien.vn
Đền thờ thần Trống Đồng, đền gắn với một truyền thuyết lịch sử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư
ghi rằng vào năm 1028 thời vua Lý Thái Tông: “Phong tước cho thần núi
Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm
trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là
thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực
Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị,
quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho ty dựng miếu ở bên
hữu thành Đại La chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đàn ở trong
miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc
lời thề rằng: “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung mong thần minh giết
chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn
thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển
sang ngày mồng 4 tháng 4”[1].
Hiện nay đền còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong cổ: 4 đạo thời Lê, 6 đạo
thời Tây Sơn, 4 đạo thời Nguyễn. Số sắc phong này hiện được lưu trữ và
bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhận thấy đây là số sắc phong
quý nên chúng tôi xin giới thiệu một số đạo sắc tiêu biểu.
Sắc phong 1:
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc
Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy
Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh
Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông
Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Đại
Vương, sơn xuyên chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ phúc dĩ tích
dân xích tử đồng đăng xuân thọ, hiệp bách linh nhi hộ quốc, hồng cơ
vĩnh điện Thái Bàn, kí chiêu đốc bật chi công, hạp cử bao phong chi điển
vi. Tự vương tiến phong vương vị lâm cư chính phủ, lễ hữu đăng trật,
ứng gia phong mĩ tự nhị tự, khả gia phong: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân
Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ
Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh
Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy
Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết
Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Đại Vương. Cố sắc!
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên ngũ nguyệt thập lục nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn
Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích
Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên
Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh
Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng
Lược Đại Vương, núi sông chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn,
thu ngũ phúc để ban cho con dân cùng lên vực thọ, hòa hợp với bách linh
mà che chở cho đất nước, cơ đồ mãi mãi vững như điện Thái Bàn, đã sáng
rõ công lao to lớn lại hợp được bao phong làm (mặc tướng). Trẫm tiến
phong vương vị đến ở chính phủ, theo lễ thăng bậc, gia phong mĩ tự hai
chữ. Xứng đáng được gia phong là: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc
Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu
Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh
Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông
Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Hựu
Thánh Dực Chính Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783).
Sắc phong 2:
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn
Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích
Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên
Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh
Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng
Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, sơn xuyên
chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ khánh dĩ tích dân xích tử đồng đăng
thọ vực, hiệp bách linh nhi hộ quốc hồng cơ, vĩnh điện Thái Sơn, kí
chiêu bảo tá chi công, hạp cử bao phong chi điển vi mặc tướng. Quốc gia
phi xiển, hồng đồ quang ứng tuấn mệnh, lễ đương đăng trật, ứng gia phong
mĩ tự nhị tự: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa
Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu
Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân
Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị
Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính
Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ Liệt Đại Vương. Cố Sắc!
Quang Trung Tam niên thập nguyệt thập nhị nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn
Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích
Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên
Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh
Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng
Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, núi sông
chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn, thu ngũ khánh để ban cho con
dân cùng lên đài xuân vực thọ, hòa hợp với bách linh mà che chở cho đất
nước, cơ đồ mãi mãi vững như Thái Sơn, đã sáng rõ công lao che chở lại
hợp được bao phong làm mặc tướng. Quốc gia mở mang rộng lớn, cơ đồ rạng
ứng mệnh to, theo lễ thăng bậc, được gia phong mĩ tự 2 chữ: Bảo Hựu
Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính
Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại
Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung
Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán
Tuấn Triết Dũng Lược Hữu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ
Liệt Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 12 tháng 10 năm Quang Trung 3 (1790).
Sắc phong 3:
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Phiên âm:
Sắc Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, nhưng chuẩn Vĩnh Thuận huyện, An Thái phường y cựu phụng sự. Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Tự Đức thập niên thập nguyệt sơ tam nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, giúp nước che chở dân, tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm nối mệnh lớn nghĩ đến những điều tốt đẹp của thần, xứng đáng được gia tặng là Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, chuẩn cho phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ và che chở cho dân của ta. Kính thay!
Ngày 3 tháng 10 năm Tự Đức 10 (1857).
Thay lời kết:
Đền Đồng Cổ là đền thiêng liêng, thờ vị
thần Trống Đồng có công lao với nước. Đền được xây dựng vào thời Lý, đến
nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch
sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy nga. Trải qua nhiều
thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn sùng. Đền mang giá trị
văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu nước của người Việt
Nam. Đến nay hàng năm vẫn có rất nhiều nhân dân thập phương đến chiêm
bái, hương khói không dứt, thể hiện lòng tri ân và tôn kính đối với vị
thần có công với đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1.Đại Việt sử kí Toàn thư; Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Văn Học, tái bản năm 2017.2.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, 14 đạo sắc phong đền Đồng Cổ.
LÊ THÔNG
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
[1] Đại Việt sử kí Toàn thư. Nxb Văn Học. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, trang 154.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét