Câu chuyện về cột đồng Mã Viện trong lịch sử
Mã Viện tự Văn Uyên, người Phù Phong,
Mậu Lăng nay là huyện Phù Phong, địa cấp thị Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây,
Trung Quốc. Việc Mã Viện dựng cột đồng có liên quan mật thiết với cuộc
nổi dậy của Hai Bà Trưng.
Theo đó, ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu
(tức năm 41), nhà Hán thấy Hai Bà Trưng xưng vương dấy quân đánh lấy các
thành ấp, các quận biên thùy, nên hạ lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp
Phố và Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi
khe, chứa thóc lương. Đồng thời, Vua Hán cũng giao cho Mã Viện làm Phục
Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược.
Cánh quân bộ tiến vào vùng Đông Bắc,
Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến
Lãng Bạc. Năm Quý Mão (tức năm 43), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân
nhà Hán, thế cô nên bị thua, đều tử trận.
Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót
lại huyện Cư Phong. Sau đó, Mã Viện bèn dựng cột đồng, tương truyền ở
trên động Cổ Lâu, châu Khâm làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán và khắc
lên đó dòng chữ thề: “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt” (Đồng trụ chiết,
Giao Chỉ diệt).
Có nhiều tài liệu lịch sử ghi lại câu
chuyện về việc Mã Viện dựng cột đồng này. Theo sách “Thủy Kinh chú sớ”
của Lịch Đạo Nguyên thì: “Mã Văn Uyên (Mã Viện, tên tự là Văn Uyên) đã
cho dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung
Quốc ngày nay.
Mốc đồng ấy tức là cột đồng”. Sách
“Đại việt sử lược” cũng chép rằng: “(Kiến Vũ) năm thứ 19 (tức năm 43),
Trưng Trắc càng nguy khốn bèn trốn chạy, bị Mã Viện giết... (Sau đó) Mã
Viện dựng trụ đồng làm ranh giới cuối cùng (của nhà Đông Hán)”.
Trong sách “Việt Nam sử lược”, sử gia
Trần Trọng Kim cũng nhắc lại chuyện cột đồng: “Mã Viện đánh được Trưng
Vương, đem đất Giao Chỉ về thuộc nhà Hán như cũ,... Đem phủ trị về đóng ở
Mê Linh, và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới”. Theo đó, cột đồng
Mã Viện là có thật. Tuy nhiên, chỗ dựng thì cả ba sách đều biên chép khá
mơ hồ.
Về địa điểm dựng cột đồng, một số ý
kiến cho rằng cột đồng được dựng ở Khâm Châu. Theo đó, sách “Lĩnh ngoại
đại đáp” của Chu Khứ Phi đời Tống (Trung Quốc) và “An Nam chí lược” của
Lê Tắc đời Trần (Việt Nam) đều chép Cột đồng Mã Viện được dựng ở vùng
hang động Cổ Sâm (có sách ghi là Cổ Lâu) thuộc Khâm Châu (trước thuộc
Quảng Đông, nay thuộc Quảng Tây), Trung Quốc.
Đến cuối thế kỷ XVII, sử thần Ngô Sĩ
Liên trong bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi là cột đồng tương
truyền dựng ở trên động Cổ Lâu, thuộc châu Khâm. Tuy nhiên, cũng có một
số thông tin cho rằng, cột đồng Mã Viện được dựng ở Lâm Ấp.
Sách “Khâm định Việt sử Thông giám
cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Theo Tùy sử, tướng
Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía nam 8
ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806 -
820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã
Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba (Mã
Viện)”.
Do địa điểm dựng cột đồng Mã Viện vẫn
còn là một bí ẩn chưa được giải mã nên có một số ý kiến cho rằng câu
chuyện cột đồng chỉ là chuyện đặt thêm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng
việc Mã Viện dựng cột đồng chỉ là giai thoại và không nên chép chuyện
này vào sử sách vì không có chứng có chính xác.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác
lại nói thêm: “Nhiều nhà nghiên cứu, nhà chính trị Trung Quốc ở thế kỷ
sau đã nhiều lần tìm lại dấu vết cột đồng Mã Viện mà không thấy. Họ cho
rằng cột đồng đã bị đá bồi lấp mất hay bị nước biển cuốn đi. Thực ra,
theo nhà nghiên cứu sau này, cột đồng và câu chuyện về cột đồng của Mã
Viện đều là chuyện đặt thêm”.
Tuy nhiên, vẫn có người tin rằng
chuyện “cột đồng Mã Viện” là có thật, bởi trong lịch sử Trung Quốc việc
dựng cột để ghi công sau một cuộc viễn chinh là chuyện thường thấy. Sau
Mã Viện, những tướng khác như Hà Lý Trinh, Trương Chu và Mã Tống thuộc
đời Đường; Mã Hy thuộc đời Hậu Tấn cũng đã dựng cột đồng ở các xứ phía
Nam. Một số triều đại phong kiến ở Trung Quốc đã tỏ ra khá quan tâm về
chuyện cột đồng Mã Viện.
Giai thoại dân gian và câu chuyện bùa trấn yểm
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền
những câu chuyện liên quan đến cột đồng Mã Viện. Có chuyện kể lại rằng:
“Mã Viện, tướng nhà Đông Hán, dựng cột đồng ở biên giới - tương truyền
là trên ngọn rú Rum (Lam Thành). Cột đồng có khắc dòng chữ “Đồng trụ
chiết, Giao chỉ diệt”, làm cho dân Việt vô cùng căm giận. Có vợ chồng
nhà kia ngày ngày lên núi hái thuốc về sao chế, đem ra chợ bán, làm kế
sinh nhai...
Một hôm, lên núi, họ phát hiện ra nơi
trồng cái cột đồng đáng nguyền rủa. Hôm sau, họ mang theo cái cưa lên
núi. Hai vợ chồng dốc sức kéo cưa, quyết hạ cho được cột đồng. Chẳng bao
lâu, chiếc cột đã bị cưa đứt và bị ném xuống sông. Người trong vùng
nghe chuyện đều cảm phục.
Về sau dân Châu Hoan nhớ công lao, bèn
lập đền thờ, tôn vợ chồng họ làm Thành hoàng. Trong đền có thờ cả đôi
quang gánh để nhắc đến nghề nghiệp cũ của thần. Tương truyền, ngôi đền
ấy ở một xóm nhỏ bên bờ biển Đông, sau này là đất phường Trung Ca, huyện
Thiên Lộc”.
Cho đến sau năm 1945, ở thôn Trung
Thịnh (tên mới của phường Trung Ca, nay thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Can
Lộc), vẫn còn ngôi đền thờ một vị thần có hiệu “Dực bảo trung hưng Linh
phù bản cảnh Thành hoàng Linh ứng Đôn ngung tôn thần” là tổ sư nghề hát,
nghề thuốc và là “người cưa đứt cột đồng Mã Viện”.
Cho đến nay, đền thờ đã không còn
nhưng vẫn còn có 3 đạo sắc phong thần (vào năm đầu đời Thành Thái
(1889), năm thứ 3 đời Duy Tân (1909) và năm thứ 9 đời Khải Định (1922).
Cùng với đó là bản thần tích do ông Cung Khắc Lược đã phát hiện ra.
Bản thần tích bằng chữ Hán được đề là
“Hà Tĩnh, Can Lộc huyện, Trung Thịnh thôn bản cảnh Thần hoàng sự tích”
do vị hương lão họ Trần viết vào tháng giêng Thành Thái năm đầu (1889).
Bản thần tích được dịch ra tiếng Việt với nội dung như sau: “Tương
truyền, thời Trung Nữ Vương, ở Dung Sơn có vật yểm. Mã Viện muốn hại dân
nước Nam, thường lập cột đồng tại các yếu địa.
Đương thời ở thôn Trung Thịnh có chàng
trai lực điền họ Hoàng tên Cơ Thạch, nhà nghèo, thân đơn chiếc, nhưng
tính tình vui vẻ, ham thích hát ca. Ngày ngày, chàng lên Rum sơn, nơi
bốn mùa cây cỏ tốt tươi, phong phú, là kho thuốc quý, hái thuốc về, trữ
đầy cả gian nhà tranh, sao chế, đóng gói đưa ra chợ vừa bán, vừa cho, để
giúp người bệnh và có tiền độc nhật.
Một hôm lên núi, chàng thấy có vật lạ,
về hỏi các cụ già, mới biết đó là cây cột đồng chôn để yểm trấn. Hôm
sau, chàng dậy sớm, mang theo cơm gạo, búa, cưa, vội vã lên núi quyết
phá cho được cái vật đáng nguyền rủa kia. Chàng hì hục cưa từ sáng đến
chiều thì cây cột đổ. Dân là biết chuyện đều hết sức thán phục.
Trong làng có phường hát, chàng họ
Hoàng cũng nhập hội, quanh năm cùng vui vẻ hát hò, và vẫn làm nghề thuốc
cứu người. Lúc về già chàng truyền nghề thuốc, nghề hát cho đám trai
trẻ trong làng nên ở đây rất nhiều người giỏi thuốc, giỏi hát.
Ông già Hoàng Cơ Thạch không ốm đau,
một hôm nằm ngủ thiếp đi và qua đời... hôm ấy là 20 tháng giêng. Dân
làng vô cùng thương tiếc. Hằng năm vào ngày này, họ làm giỗ ông, rồi về
sau, dựng đền thờ, để tưởng nhớ công lao của ông”.
Về việc cột đồng Mã Viện là bùa trấn
yểm nước Việt thì theo nhà khảo cứu độc lập Thiên Đức, cột đồng này
chính là một phần của trận đồ phong thủy được lập để diệt tận mọi mầm
mống phản kháng ở nước ta. Cụ thể, Mã Viện đã sử dụng một loại bùa rất
hiếm hoi đề cập trong sách vở là loại bùa Lưỡng Nghi tức là bùa Âm Dương
có hiệu lực cao hơn bùa bát quái hai bậc theo Kinh Dịch.
Yếu tố Dương trong bùa yểm này là
chiếc cột đồng, còn yếu tố Âm là Kiến Thành - tòa thành hình cái kén
được Mã Viện cho xây ở Phong Khê. Hình dáng Kiến Thành kết hợp với cột
đồng Mã Viện tạo nên một đạo bùa mạnh nhằm trấn yểm không cho người đàn
bà Giao Chỉ (mà thời nhà Hán gọi là yêu nữ) tiếp nối truyền thống anh
hùng dân tộc.
Nói theo kiểu dung tục thì Mã Viện đã
chơi một trò rất thô bỉ là “đóng cọc” người đàn bà Giao Chỉ nhằm triệt
tiêu con đường kết phát vương quyền cho nữ giới Việt Nam sau này. Ngoài
ra, câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” về bản chất là một câu thần phù
hay một lời nguyền.
Chữ “chiết” ở đây không có nghĩa là
gãy mà có nghĩa là tách làm hai. Do đó, câu này nên giải thích là “trụ
đồng tách huyệt (đế vương) ra làm hai, vua Giao Chỉ bị giết”, chứ không
thể dịch là “trụ đồng bị gãy, dân Giao Chỉ bị giết”. Chữ “huyệt” và chữ
“vương” là hai chữ đã bị ẩn trong câu này.
Theo Hôn nhân & Pháp luật
Nguồn: Hôn Nhân & Pháp Luật