Hiển thị các bài đăng có nhãn dòng họ Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dòng họ Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Văn hóa dòng họ trong thời đại hội nhập


Trong quá trình hình thành văn hóa làng xã Việt Nam, văn hóa dòng họ là một yếu tố rất quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn. Tuy nhiên trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày nay, văn hóa dòng họ đã có không ít những dấu hiệu của sự mai một. Cũng chính vì thế, vấn đề gìn giữ và bảo tồn những giá trị tinh thần vô cùng quý báu của văn hóa dòng họ là điều đặc biệt quan trọng và cần thiết, để góp phần phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc
 
Văn hóa dòng họ là đặc sản của nền văn hóa Việt Nam, bắt nguồn từ cộng đồng làng xã vốn lấy nền kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo. Từ xưa, văn hóa dòng họ là sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa các gia đình trong một dòng tộc, giữa các thế hệ trong cùng gia đình…, mà ở đó trật tự, nề nếp gia phong luôn được coi trọng, tinh thần đoàn kết, gắn bó, kính trên nhường dưới, quan hệ hàng xóm làng giềng… luôn được mọi người nâng niu và gìn giữ.
Giống như ở quê hương tôi, vốn là một làng thuần nông tại Hà Tây (cũ), trước kia văn hóa dòng họ cũng luôn được coi trọng. Ở quê hương tôi nói riêng hay ở cả vùng đồng bằng Bắc Bộ thậm chí cả xã hội Việt Nam thời xưa, mỗi dòng họ tuy nghề nghiệp có khác nhau, nhưng phần lớn sống dựa vào ruộng đất, một số ít làm nghề thủ công, một số có tham gia đôi chút thương nghiệp kèm với nghề nông, chăn nuôi, nhưng cả họ đều gắn bó với nhau và noi gương một số gia đình nho học, những gia đình nho học này không những có uy tín trong họ, trong làng mà thường vượt ra khỏi phạm vi làng. Người đỗ đạt cao nhất họ hoặc một nhà nho có uy tín trong vùng thường là chỗ dựa và là niềm tự hào của dòng tộc. 
Nhiều dòng họ đã lập nên những quỹ khuyến học để khuyến khích các bạn trẻ nỗ lực học tập

Hàng năm, vào những ngày trọng đại của dòng họ như ngày giỗ tổ, ngày lễ tết, con cháu nội ngoại từ khắp nơi hội tụ về từ đường để tưởng nhớ vong linh ông bà tổ tiên, đọc cho nhau nghe tộc phổ, nhắc nhở con cháu mối quan hệ thiêng liêng gắn bó họ hàng, chọn nêu gia đình tiêu biểu nhất làm tấm gương về nhân cách, đạo đức cho dòng họ noi theo. Vào những ngày lễ, các gia đình trong cùng dòng họ cùng tới nhà nhau chúc tết hoặc vào những ngày giỗ tổ, mỗi một gia đình trong cùng dòng họ lại cử ít nhất một đại diện đến nhà của Trưởng họ để tổ chức một bữa cơm liên hoan, tạo không khí gẫn gũi, đoàn kết gắn bó giữa các thành viên.
Cũng chính vì thế, vấn đề quan tâm nhất của dòng họ không phải là kinh tế mà chính là ở tư cách đạo đức và học vấn. Các thành viên trong các gia đình tiêu biểu của dòng họ đều ý thức mình phải sống mẫu mực, bởi vì dòng họ, làng xã đều chú ý đến gia đình mình. Mỗi việc làm của họ hoặc mang lại niềm vinh hạnh cho cả dòng tộc, cả làng xã hoặc ngược lại. Chính vì thế truyền thống văn hóa của dòng họ phải luôn luôn được gìn giữ và mọi thành viên phải nhớ câu tục ngữ “giấy rách phải giữ lấy lề”.
Cũng như ở quê hương tôi, mỗi dòng họ lại lập một quỹ khuyến học, nhằm hỗ trợ và khuyến khích mỗi bạn trẻ nỗ lực học tập. Hàng năm, mỗi một bạn trẻ đậu đại học lại được một phần thưởng của dòng họ, mặc dù phần thưởng không lớn về giá trị vật chất tuy nhiên nó lại có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, bởi đó là sự ủng hộ và ghi nhận của cả dòng họ về chặng đường phấn đấu và nỗ lực học tập của mỗi bạn trẻ.
Không chỉ vậy, mỗi khi một gia đình trong dòng họ có công việc quan trọng như việc cưới xin, ma chay… là cả dòng họ lại cùng nhau tham gia. Mỗi khi trong họ có một người không may gặp ốm đau, bệnh tật, là những thành viên khác trong họ lại tới để thăm nom, chia sẻ… Không chỉ vậy, nhiều dòng họ lớn còn tham gia giúp đỡ nhau trong việc liên kết và phát triển kinh tế, những gia đình khá giả có thể cho các gia đình khó khăn trong họ vay vốn để làm ăn…
Có thể nói trong nền văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa, nhắc đến văn hóa dòng họ là người ta nghĩ tới một cộng đồng văn hóa mà trong đó cả cộng đồng đều yêu thương đoàn kết, đùm bọc, hòa hợp với nhau, gắn kết giữa cá nhân và tập thể, giữa cái riêng và cái chung… Điều này cũng được thể hiện trong việc nhiều dòng họ xây dựng từ đường, huy động lập chợ, xây dựng trường học, trùng tu đình miếu, cùng nhau xây dựng đường làng ngõ xóm… Đó thực sự là những giá trị văn hóa rất quý báu của cả dân tộc Việt Nam.
Thách thức trước thời đại hội nhập
Văn hóa dòng họ quý báu là vậy, nhưng rất khó để phủ nhận một hiện thực đó là: những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng họ đang có dấu hiệu bị mai một trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Trong thời đại ngày nay, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao (như những vùng ven các đô thị lớn) thì sự mai một của văn hóa dòng họ càng trở nên rõ rệt. 
Văn hóa dòng họ đang dần bị mai một, đặc biệt là ở cuộc sống đô thị (ảnh minh họa)

Ở những đô thị lớn, mỗi gia đình đều không còn bị phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp nữa mà thay vào đó là đời sống công nghiệp, dịch vụ… mà ở đó, mỗi cá nhân đều trở nên bận rộn hơn, ít thời gian dành cho họ hàng, làng xóm hơn. Ở thời đại hội nhập, đặc biệt là ở giới trẻ thì ngoài việc học hành bận rộn, các bạn trẻ cũng có quá nhiều tác động xung quanh, những tác động về môi trường xã hội, về quan hệ xã hội, cộng với việc ngày càng có rất nhiều loại hình giải trí nên các bạn trẻ ngày càng “quên” đi những giá trị truyền thống quý báu của cha ông.
Ở thời đại hội nhập, giữa cuộc sống ngày càng năng động và hệ quả là những sức ép ngày càng nhiều hơn… mỗi cá thể đều trở nên sống nhanh hơn, lối sống “cá nhân chủ nghĩa” ngày càng phát triển thì tất yếu đã dẫn tới hệ quả là họ ngày càng ít quan tâm tới dòng họ, tới làng xã.
Đan xen trong tốc độ phát triển kinh tế thì ở xã hội công nghiệp hóa, những giá trị nề nếp, gia phong và truyền thống trong gia đình ở nhiều nơi cũng dần bị mai một, với nhiều gia đình ở các đô thị thì thời gian dành cho dòng họ là rất ít, chỉ những ngày giỗ lớn hay những dịp tết thì họ mới có điều kiện để trở về quê, tìm về với cội nguồn dòng họ của mình.
Thêm vào đó, trong thời đại hội nhập, ngoài những giá trị mang tính phi vật thể thì cả văn hóa vật thể như từ đường, gia phả, bia ký... trải qua thời gian cũng không còn được nguyên vẹn. Hiện tại ở nhiều địa phương, nhiều dòng họ thì vấn đề khôi phục và xây dựng lại từ đường, tìm lại gia phả…cũng đã gặp không ít những khó khăn.
Bảo tồn những giá trị quý báu của văn hóa dòng họ là vô cùng cần thiết (ảnh minh họa)

Như vậy có thể thấy, những giá trị của văn hóa dòng họ đang đứng trước thách thức ngày càng lớn trong thời đại hội nhập. Chính vì thế, để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của cha ông thì cách tốt nhất là mỗi một cá nhân rất cần ý thức được một cách sâu sắc về những giá trị tốt đẹp đó để từ đó trân trọng và bảo vệ. Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý ngành văn hóa cũng cần có thêm những giải pháp nhằm xây dựng và đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tôn vinh gia đình văn hóa, hỗ trợ phục hồi văn hóa dòng họ, tôn vinh những dòng họ có đóng góp lớn cho xã hội…. Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật… cũng cần được nêu cao hơn nữa, đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng cộng đồng đặc biệt là với thế hệ trẻ về giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng họ. Chỉ có sự ý thức của mỗi cá nhân đồng thời là sự chung tay của toàn xã hội thì những giá trị của dòng họ mới luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt luôn tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
L.Sơn
spacer
do