Tín ngưỡng thờ linh thú của người Việt tại các cơ sở đình, đền, miếu ở Bình Phước
Tín ngưỡng thờ linh thú trong các đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp mang tính nhân văn của người Việt có mặt ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Người dân tỉnh Bình Phước cũng duy trì nét tín ngưỡng đó như một sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, gắn liền với sức sống và sự phát triển của một vùng đất, kết tinh từ quá trình định cư và cộng cư. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn, sùng bái của cộng đồng cư dân trước thiên nhiên từ những ngày đầu mở đất.
Theo sử liệu, người Việt bắt đầu đến Bình Phước lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XVII, sau đó là những đợt di cư rải rác trong các thể kỷ XVIII, XIX và nhiều nhất là vào thời gian thực dân Pháp bắt đầu khai thác các đồn điền cây công nghiệp đầu thế kỷ XX. Hầu hết những người Việt đến mưu sinh ở Bình Phước vào lúc ban đầu đều là nông dân nghèo, những người chống đối bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn Bắc Bộ, những nông dân miền Trung mất đất canh tác vì không chịu nổi sưu thuế nặng nề của triều đình. Quá trình khai hoang, mở ấp, lập làng của họ diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm “rừng thiêng nước độc”, phải băng rừng lội suối vạch lau sậy. Nhiều người đã phải bỏ nơi này về quê cha đất tổ để làm ăn sinh sống... còn những người ở lại cố gắng vượt qua, tạo ra các niềm tin bằng việc lập ra đền, chùa, đình, miếu để cầu được sự che chở, đi kèm theo đó là tục thờ các linh thú để có được sự an tâm trong cuộc sống buổi đầu đến đây khơi dựng cơ nghiệp.
Tục thờ thần Hổ
Xưa kia, vùng đất Bình Phước còn hoang vu, rừng rậm có nhiều thú dữ, đặc biệt là cọp. Chúng thường xuyên xâm phạm đến con người và phá hoại vật nuôi của cư dân trong xóm làng. Từ đó, tín ngưỡng thờ thần Hổ xuất hiện, nhằm tạo niềm tin bình an yên ổn cho cư dân buổi đầu khai hoang lập ấp. Chính từ tín ngưỡng đó mà tập tục xưa đã để lại trong làng xã rằng hội đồng kỳ mục chỉ được cử đến chức Hương Chủ, còn chức Hương Cả là chức vụ cao nhất đứng đầu của làng phải dành cho Cọp. Trước đây, hàng năm trong các dịp lễ, người dân trong làng đều phải biện vật phẩm cúng thần Hổ gồm trà, rượu, nhang đèn, thịt heo sống, trứng gà, vịt sống… Người ta cho rằng nếu ai vi phạm lệ tục này thì bị cọp về móc họng chết. Không những thế, dân làng phải làm lễ bầu Ông rồi cúng cho ông Cả Cọp một cái thủ vị và dâng tờ cử chức Hương Cả. Mãi đến khoảng gần cuối thế kỷ XIX, tục lệ này mới được bãi bỏ.
Việc thờ thần Hổ cũng dựa trên truyền thuyết dân gian rằng ở mỗi cụm rừng đều có một vị chúa tể chốn sơn lâm, được coi là thần Hổ. Vị thần Hổ này thống lĩnh các loài thú trong rừng, góp phần giúp đỡ và bảo vệ mùa màng cho dân làng có được cuộc sống được ấm no hạnh phúc, nhà nhà yên ổn người người an vui và cũng còn có chức năng hộ vệ cho vị Thành hoàng Bổn cảnh.
Ngày nay, tại nhiều đền, đình, miếu ở Bình Phước vẫn còn có chỗ để thờ ông Cả Cọp. Nhiều nơi đặt bức bình phong một mặt có khắc hình Cả Cọp, thường được dựng ở trước cửa vào gian chánh điện theo quan niệm phong thủy, vừa che chắn những điều không hay, vừa tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, cũng có khi bức bình phong này được đặt trước sân. Một số nơi còn lập riêng một miếu nhỏ với hoa văn trang trí, bát hương, và bài vị đặt bên, ghi “Sơn Quân chi thần”, “Lý Nhị Đại tướng quân”, “Sơn lâm Hổ lang chi thần”, “Mãnh hổ Đại tướng quân”, “ Ngũ Hổ Đại tướng quân”. Những hình thức thờ tự này vẫn còn thấy tại nhiều nơi trong tỉnh Bình Phước như đình thần Hưng Long, huyện Chơn Thành; đình Tân Lập Phú, phường Phú Thịnh, huyện Bình Long; đình Thành Hoàng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; đình Tân Khai, huyện Hớn Quản; đình Thanh An, xã Thanh An, huyện Hớn Quản; đền thờ Trần Hưng Đạo xã Thanh Phú, huyện Bình Long; đền Đức Thánh Trần, phường Hưng Chiến, Bình Long; các miếu Ông Hổ ở phường Phú Đức, huyện Bình Long và ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản...
Bình phong thờ thần Hổ tại đền đức thánh Trần ở xã Thanh Phú,
huyện Bình Long, Bình Phước
Tục thờ Rồng
Theo sách Thuyết văn giải tự, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông (tả Thanh long) và của mùa xuân. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hoặc không gian cư trú. Rồng là con vật có sự kết hợp của chín loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.
Trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu… trong dân gian. Ngày trước, nhà nước phong kiến vẫn có những quy định khá chặt chẽ trong việc sử dụng hình tượng con rồng. Chẳng hạn, từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng năm móng; các hoàng tử thứ hai, thứ ba và thứ tư chỉ được dùng hình ảnh rồng bốn móng; từ hoàng tử thứ năm trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng ba móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có bốn hoặc ba móng.
Thờ rồng tại đình Tân Lập Phú, huyện Bình Long, Bình Phước
Rồng cũng xuất hiện trong các đình đền, chùa, miếu ở Bình Phước như đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai, đình thần Hưng Long, đình Thành Hoàng ở huyện Bù Đăng… Rồng được thể hiện nơi ngai điện, trên bức liễn hoặc bức bình phong thể hiện sức mạnh của thần linh, là chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi.
Tục thờ Hạc và Rùa
Hạc và rùa cũng xuất hiện nhiều trong các ngồi đình, đền, miếu ở Bình Phước. Theo truyền thuyết thì rùa và hạc là đôi bạn thân thiết. Rùa vốn là con vật sống dưới nước và có thể bò trên mặt đất. Hạc là sinh vật sống trên cạn nhưng lại biết bay. Khi trời làm mưa lũ gây ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Những hình ảnh này tượng trưng cho lòng chung thuỷ và sự giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn giữa những người bạn tốt. Cũng theo truyền thuyết thì rùa và hạc đều là những sinh vật có tuổi thọ và là những hình ảnh tượng trưng cho sự thanh cao thoát tục.
Rùa là con vật đứng hàng thứ ba trong tứ linh “long, lân, quy, phụng” của người Việt Nam từ xa xưa. Theo truyền thuyết trong lịch sử dân tộc ta, rùa đã có nhiều thành tích trong việc dựng nước và giữ nước, như truyền thuyết Thần rùa Kim Quy giúp An Dương Vương làm nỏ thần đánh thắng kẻ thù Triệu Đà và xây dựng thành Cổ Loa hay chuyện rùa thần đã giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh… Những truyền thuyết đó đã nhắc nhở những người dân từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh-Nghệ-Tĩnh đi khai phá vùng đất Bình Phước mang theo tín ngưỡng thờ thần rùa. Hiện nay, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa cũng được thấy ở các ngôi đình như đình thần Hưng Long, đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai… như thể hiện khát vọng trường tồn và những ước muốn thanh cao của người dân Bình Phước trong cuộc sống từ xưa cho đến nay được lưu giữ cho đến muôn đời sau.
Hoàng Nguyên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Bạch Đằng (1991), Địa chí tỉnh Sông Bé, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé
1. Trần Bạch Đằng (1991), Địa chí tỉnh Sông Bé, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé
2.Sơn Nam (2006), Đình Miếu lễ hội dân gian miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ
3.Trương Văn Khôi (2013), Tín ngưỡng thờ linh thú của người Việt tại các cơ sở tín ngưỡng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kỷ yếu hội thảo khoa học Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Nam Bộ, Ban tuyên giáo Trung ương Đồng Nai – Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Chi hội văn nghệ dân dân Đồng Nai, tr 75-76
4.Trần Đức Anh Sơn (2011), Những linh thú đất Việt, đăng trên báo baothuathienhue ngày 24 tháng 3 năm 2011.
5.Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nhà xuất bản Đồng Nai.