BÀI VĂN BIA CỔ TÍCH LINH TỪ BI KÝ Ở NÚI TỬ TRẦM (HÀ TÂY) DO NHÀ
SỬ HỌC LÊ TUNG SOẠN
NGUYỄN QUANG HÀ
NGUYỄN QUANG NGỌC
1. Xuất xứ tấm bia và vài nét về tác giả
Tại xóm San, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây hiện còn lưu giữ được tấm bia Cổ tích linh từ bi ký. Bia có chiều cao 1,22m, rộng 1,20m, trong đó trán bia cao 0,24m, chạm hoa văn rồng chầu mặt nguyệt cách điệu, hai diềm bia chạm hoa, dây leo. Bia được dựng trong một am nhỏ có mái che, chữ còn khá rõ nét, viết chân phương, dễ đọc. Bia gồm 22 dòng, mỗi dòng khoảng 50 chữ, tổng cộng hơn 1200 chữ, một bài tựa và một bài minh dài hơn 70 câu (mỗi câu 4 từ). Phần cuối bia là dòng lạc khoản ghi: “Hồng Thuận nhị niên, tuế thứ Canh Ngọ trọng thu, cát nhật, Tiến thận quang lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu(1) Tri kinh diên sự thần Lê Tung đẳng phụng sắc soạn”. Nghĩa là: (Ngày tốt, tháng giữa thu [tháng 8] năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 [1510] do Tiến thận Quang Lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự thần Lê Tung kính cẩn soạn sắc)
Đây là tấm bia mà soạn giả là một nhà sử học nổi tiếng sống cách chúng ta khoảng 500 năm. Nội dung tấm bia cho biết nhiều sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu thế kỷ XVI, xung quanh việc Lê Tương Dực (1509 - 1516) lên ngôi. Ngoài ra, nội dung tấm bia còn mô tả về quang cảnh khu di tích núi Trầm thời Lê(2).