Nguồn bài viết: nguyencuulichsu.com - Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh
Bài 2: Nguyễn Trường Tộ trao lại những gì?
Số phận các bản điều trần
Nói chung, chúng không được thực hiện vì không đủ cả thời gian lẫn điều kiện. Nhưng bao trùm lên tất cả là vua Tự Đức không thể dứt bỏ ý thức hệ Nho Giáo, mặc dù đến lúc ấy đã trở thành phản động khi chủ nghĩa tư bản phương Tây đang đua nhau tìm kiếm thị trường và thuộc địa.
Nguyễn Trường Tộ |
Đưa ra quá muộn
– Trong 11 năm cuối đời, Nguyễn Trường Tộ (1829-1871) dành phần lớn thời gian và suy nghĩ để soạn thảo và liên tiếp gửi lên triều đình tới 58 bản điều trần. Số bản hiện nay còn tìm được (khoảng ba chục) cho thấy cụ quan tâm mọi mặt (Chính trị, Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính, Kinh tế, Võ bị, Học thuật…) với những kiến nghị rất cụ thể. Nhưng lúc này đã quá muộn.
– Trước đó ba-bốn chục năm, các nước tư bản liên tiếp xin được buôn bán với Đại Nam, nhưng đều không đạt kết quả. Ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ khiến triều đình coi các nước phương Tây là những “thế lực thù địch” tiềm tàng, và gọi họ là bọn “man di”; cho nên chính sách chung là đóng cửa. “Lẽ ra” đây chính là thời gian thích hợp nhất để Nguyễn Trường Tộ gửi bản “Luận về các “thế lớn” trong thiên hạ” – đặng “mở mắt” cho vua Minh Mệnh, nhưng cụ lại không gửi – chỉ vì cụ chưa ra đời. Té ra, triều Nguyễn cần tới 60 năm để thay đổi nhận thức: Trong kỳ thi Nho Học cuối cùng (1919) vua Khải Định ra đầu đề: Bàn về văn minh (từ các nước phương Tây lan ra thế giới).
Phải đợi đến khi cháu nội của vua Minh Mệnh – tức là vua Tự Đức – lên ngôi và ở ngôi được 15 năm, triều đình mới nhận được bản điều trần nói trên. Lúc này, đã hết giai đoạn thương thuyết buôn bán, thực dân đã thấy rõ nước ta quá lạc hậu, chi rẽ (cấm đạo, nông dân nổi loạn liên miên) nên “tiện nhất” là chiếm lấy nước ta bằng vũ lực – mở màn là trận tấn công Đà Nẵng (1858). Khi bản điều trần cuối cùng đến tay vua, Pháp đã vững chân ở Nam Bộ, chuẩn bị đánh ra Bắc Bộ.
– Mặt khác, chuyện cách tân không thể “một sáng, một chiều” mà xong. Ví dụ, chỉ một việc không lớn lắm là mở trường kỹ thuật – nằm trong kiến nghị cách tân về Giáo dục – dù đã được triều đình cấp đủ tiền để phái đoàn (do đích thân Nguyễn Trường Tộ tham gia) đáp tàu sang Pháp mua sắm sách vở, trang thiết bị, mời thầy; rồi đất xây trường đã được cấp… nhưng rốt cuộc vẫn không có trường vì bị những việc khẩn cấp hơn chen ngang vào.
Trong hoàn cảnh thực dân quyết tâm chiếm nước ta, việc mất nước có những nguyên nhân sâu xa từ trước đó rất lâu, dẫn đến tình hình suy thoái nặng nề ở nửa sau thế kỷ XIX. Đây cũng chính là thời gian đủ để chủ nghĩa thực dân đã phân chia xong các thuộc địa trên toàn cầu, có nước ta trong đó. Việc phê phán triều Nguyễn phải đặt trong bối cảnh này để đứng quá khắt khe.
Lực cản quá lớn
Ý chí, thời gian và nguồn lực đều hạn chế, do vậy các bản điều trần không thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu tổng hợp lại, thực chất nội dung cần cách tân chính là chấp nhận chủ nghĩa tư bản: Học tập và thực hiện những thành quả cụ thể của nó. Ví dụ (theo một bản điều trần về giáo dục) cần đưa vào chương trình các môn khoa học, phế bỏ những nội dung “vô bổ” (hiểu là bỏ tứ thư, ngũ kinh); cần thay đổi cách thi cử để tuyển chọn được nhân tài “hữu ích”, sử dụng chữ Nôm thay cho chữ Hán… Nếu làm theo, nghĩa là bước đầu phế bỏ Nho giáo – khốn nỗi đây lại là thứ ý thức hệ biện minh cho sự mặc nhiên tồn tại của ngôi vua. Nho giáo có địa vị chính thống ở nước ta từ ngàn năm trước. Không những vua Tự Đức, mà ngay các vị trọng thần tiến bộ nhất, như Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Trương Đăng Quế…) đều chưa thể dứt bỏ Nho Giáo, dù nhiều người đã ra nước ngoài, đã thấy sức mạnh của công nghiệp, dù bản thân đã có một số tư duy mới mẻ và việc làm mạnh bạo… Nhưng đó chỉ là suy nghĩ và hành vi của những cá nhân chưa thoát khỏi cái bóng của Khổng Tử. Tuy vậy, thời nay, vẫn cần khẳng định rằng vua Tự Đức và các vị nói trên đều sống rất đạo đức, đều là những người rất mực yêu nước. Sau khi vua Tự Đức mất, phe chủ chiến vẫn chiếm ưu thế trong triều; hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi vẫn được hưởng ứng mạnh mẽ. Ngay nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch cũng khuyên triều đình dời bỏ kinh đô (Huế) lập căn cứ kháng chiến ở Thanh Hóa.
Các bản điều trần còn để lại những giá trị gi?
– Giá trị như một công cụ tác động tư tưởng (!?).
Cần làm cho mọi người tiếc “đứt ruột” (!) vì những viễn kiến sáng suốt nhường ấy mà cái triều đình hủ bại kia lại không chịu thực hiện, khiến “nước mất, nhà tan”, nhân dân “làm thân trâu ngựa”. Điều này đã được sử học sau 1945 triệt để khai thác, kể cả dùng thứ văn phong tố khổ rất đặc trưng. Đích phải đạt tới là đưa vào sách giáo khoa một bản án nặng nề cho vua tôi nhà Nguyễn.
– Vậy thì, chúng chỉ còn giá trị tư liệu lịch sử?
Nghĩa là chúng giúp hậu thể biết rằng cách nay 150 năm nước ta có một bậc thức giả, sinh ra không gặp thời?. Nhưng thời nào? Thời Tự Đức (dài 36 năm), hay là thời chế độ phong kiến châu Á đã lê thê từ ngàn năm đến nay?
Với nước ta khi đó, có hai điều cần nói:
1- Dẫu cụ Nguyễn Trường Tộ sinh sớm 30 năm hay sinh muộn 30 năm, vẫn không có vị vua nào đủ thức thời để nghe theo cụ. Nếu sinh muộn 30 năm, cụ sẽ mất vào năm 1901; mà đến năm 1919 triều đình mới bỏ các ký thi Nho Giáo.
2- Thật ra, sở học của vị học giả này chưa bắt kịp trình độ thời đại, tuy đã vượt xa, rất xa, các tiến sĩ nho học trong nước. Những điều mà cụ kiến nghị đều xuất phát từ những gì cụ thấy ở nước ngoài; nhưng “thấy” là một chuyện (ví dụ, cụ thấy cái bóng đèn lộn ngược mà vẫn sáng), còn “hiểu” là chuyện khác; rồi từ hiểu thấu đáo tới mức “làm” được, lại là một bước nữa. Chẳng hạn, khi mang số tiền lớn sang Pháp mua sắm trang thiết bị cho trường kỹ thuật, cụ và vị giám mục đi cùng đã mua nhiều thứ vô dụng, lãng phí so với yêu cầu giảng dạy ở một trường kỹ thuật. Do vậy, thực chất, nếu đặt đúng chỗ trong lịch sử, những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ chỉ là sự khát khao của một cá nhân muốn một đất nước quá lạc hậu nhích một bước vào thế giới công nghiệp đã đi trước chúng ta nhiều trăm năm. Do vậy, “viết ra khao khát” không khó bằng thực hiện những gì đã viết ra.
– Nội dung các bản điều trân thể hiện lòng yêu nước?
Đúng, nhưng cần nói cụ thể hơn. Nguyễn Trường Tộ yêu nước không phải bằng nội dung của các bản điều trần do cụ soạn thảo. Nội dung có thể tăng, giảm, thêm, bớt, hoặc thay đổi, thậm chí đúng-sai… Nhưng mục đích điều trần thì duy nhất. Ngay từ đầu, cụ Nguyễn đã bàn luận về các “thế lớn” trong thiên hạ. Và đi đến kết luận: Muốn giữ nước phải hòa nhập vào xu thế chung. Cưỡng lại bằng cách đóng cửa, khư khư ôm lấy Nho Giáo và trông cậy vào nhà Thanh là hỏng. Các nội dung canh tân chỉ là phương tiện để nước ta mạnh lên, từ đó, dám đặt ra mục đích hòa nhập. Nó cũng là phương tiện để cụ Nguyễn nói cho người nắm quyền lực dễ nghe. Thời đó mà xui vua phế bỏ ý thức hệ Nho Giáo thì chết như… bỡn! Nhưng nếu nói cần canh tân những gì cụ thể, khiến vua nhận ra được sự cấp bách, sẽ dễ lọt tai đức vua hơn. Nếu được vậy, sớm muộn gì sẽ làm bộc lộ sự lạc hậu của ý thức hệ khiến tín đồ của nó dám từ bỏ nó. Nhưng không đủ thời gian để thực hiện.
– Nội dung canh tân có tác dụng chống xâm lược?
Cần nhìn với nhãn quan khác: Chính quân xâm lược muốn giành lấy vai trò canh tân đất nước này. Lý do? Vì chúng là tư bản và thực dân.
Khi nước ta chưa mất, canh tân có tác dụng chấn hưng đất nước; từ đó chúng ta dám “mở cửa” và sức mạnh nội tại của ta sẽ làm nhụt ý chí quân xâm lược. Nhưng khi nước đã mất, chính thực dân sẽ thực hiện – và thực hiện nhiều hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn – các nội dung mà cụ Nguyễn đã đề xuất. Nói khác, những gì cụ Nguyễn đề xuất là quá ít và quá thấp so với dự kiến của thực dân Pháp. Cứ cho là cụ Nguyễn sống thêm 30 năm nữa, cụ cũng không dám kiến nghị triều đình bắc chiếc cầu sắt kếch sù đến vậy qua sông Hồng. Nhưng ngay khi chưa bình định xong các cuộc khởi nghĩa chống đối (ví dụ, của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế), Pháp đã xây xong cầu Long Biên. Lý do? Rất đơn giản, nếu chúng ta hiểu “thực dân” là gì. Thực dân “thứ thiệt” có mục đích lập nghiệp vĩnh viễn ở thuộc địa, chứ không phải đó là lũ chỉ biết ăn xổi.
Trao lại cho ai?
Trí thức thời sau không nhìn học giả Nguyễn Trường Tộ như một vị học giả, mà cụ còn là một trí thức lớn của thời trước, với đầy đủ các tiêu chuẩn. 1- Có trình độ, và kiếm sống (hành nghề) bằng cái vốn đó. 2- Vị này đã thực hiện chức năng xã hội khi đứng ở vị trí trung gian giữa giới cai trị và giới bị trị. a- Với giới cai trị, cần chỉ ra những bất cập xã hội và kiến nghị biện pháp khắc phục – vì đây là trách nhiệm của giới nắm quyền; b- Với giới bị trị, cần nâng cao dân trí để dân tự mưu cầu hạnh phúc, đồng thời dám áp lực để giới cầm quyền thực thi các kiến nghị mà trí thức đã nêu lên.
Các suy nghĩ thể hiện trên giấy là sản phẩm của học giả (ví dụ, một bài thơ, một áng văn, một bàn luận…), nhưng nếu đó là thông điệp nhằm gửi tới giới cầm quyền, thì đó là sản phẩm của trí thức.
Các bản điều trần của cụ Nguyễn khi gửi lên vua chính là sản phẩm của trí thức, nhưng muốn thực hiện phải có quyền và lực. Triều Nguyễn có quyền, nhưng thiếu lực. Thế thì chế độ thực dân sẽ thực hiện chúng, chứ sao?. Tình thế trở nên khôi hài: Người cha, chủ gia đình không thực hiện được trách nhiệm, thì để người hàng xóm làm thay? Hoàn cảnh oái oăm này Nguyễn Trường Tộ không bao giờ mong muốn. Tuy nhiên, xã hội không bao giờ vắng bóng trí thức, kể cả dưới chế độ thực dân. Do vậy, giới trí thức hậu duệ chính là người tiếp thu, phê phán và kế tục những gì giới trí thức tiền nhân để lại.
Trao lại cái gì cho giới trí thức? Trước hết, là trao lại sứ mệnh
– Tổ tiên trao lại cho dân Việt sứ mệnh chiến đấu giữ nước
Khi thực dân chiếm nước ta bằng vũ lực, phản ứng đương nhiên – do ý thức dân tộc di truyền từ trong máu thịt – dân ta cũng phải dùng vũ lực chống lại. Rất nhiều học giả, trí thức đã tham gia, thậm chí lãnh đạo các cuộc kháng chiến – với tư cách người dân mất nước. Chính các nhà cải cách, như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch cũng có nhiều đóng góp theo cách của mình. Thực chất, đây là cuộc so đọ giữa sức mạnh công nghiệp với sức mạnh nông nghiệp. Sau hai thế hệ thử sức (dài nửa thế kỷ), dân ta nhận ra không thể giành lại độc lập bằng cách đối kháng quyết liệt: Dùng bạo lực chống bạo lực. Phải tìm cách khác, và phải chờ cơ hội.
– Nguyễn Trường Tộ và thế hệ trí thức tiền bối trao lại sứ mệnh.
Sứ mệnh mặc nhiên của trí thức, như trên đã nói, là phản biện xã hội và nâng cao dân trí. Các bản điều trần của cụ Nguyễn chính là như vậy. Nội dung phản biện xã hội rất dễ thấy trong từng bản điều trần. Còn nâng cao dân trí thể hiện rất rõ trong kiến nghị về giáo dục và học thuật (học những gì thiết thực, bỏ lối học “máy móc, tín điều” kiểu Trung Hoa; học chữ nôm, cải cách thi cử…).
– Trường hợp Nguyễn Lộ Trạch (1853-1895)
Đây là nhà cải cách có 18 năm sống cùng thời với Nguyễn Trường Tộ. Khi cụ lớn lên, nguy cơ mất nước đã hiển hiện, do vậy các kiến nghị của cụ thiên về cảnh báo âm mưu kẻ thù, nâng cao sức mạnh quân sự và năng lực hậu cần cho cuộc chiến đấu chống giặc đang và sẽ diễn ra.
Nhân đầu đề ở kỳ thi hội năm 1892, vua hỏi về “đại thế toàn cầu”, ông tự viết ra và công bố rộng rãi bài “Thiên hại đại thế luận” (bàn về các thế lớn trong thiên hạ) trong đó nói rõ: Đại thế ngày nay đã khác. Pháp quyết chiếm lấy nước ta; không thể đối phó bằng nhượng bộ và cầu hòa. Muốn giữ nước, phải 1) sửa sang chính trị và giáo dục, nhất là học tập những nước tiên tiến (Đức, Anh – kẻ thù của Pháp); 2) bỏ hẳn tệ quan liêu, tham nhũng, hư danh…
Chịu ảnh hưởng rất lớn của luận văn này (đọc, truyền tay) là thế hệ trí thức đàn em: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Phạm Hàm, Trương Gia Mô, v.v… Tất cả các vị này, đều có giai đoạn sống cùng thời với Nguyễn Lộ Trạch và rất khâm phục cụ.
Về tình hình chung, giới “có học” nói trên lớn lên khi nước vừa mới mất (hòa ước 1883), các cuộc chống đối lần lượt nổi dậy và lần lượt bị đàn áp. Câu hỏi là tiếp tục nổi dậy hay tìm cách khác? Về giáo dục, nền cựu học đang suy tàn, nhưng tân học còn sơ sinh. Do vậy, trong họ có nhiểu quan điểm: chủ chiến hay chủ hòa; khai thác những văn minh công nghiệp (mà thực dân mang tới), hay chống lại mọi thứ ngoại lai… Điển hình của chủ chiến là Phan Bội Châu, ngược lại là Phan Chu Trinh. Đó là thái độ đổi với thực dân Pháp, nhưng cả hai vị này đều thống nhất: Cần nâng cao dân trí.
Thế hệ sau họ, chính là bộ ngũ: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố và Phan Khôi. Họ sinh ra và lớn lên khi nước đã mất hẳn.
Click xem tiếp bài 3
Click xem tiếp bài 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét