Khu di tích Gò Lăng (ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định) được các nhà nghiên cứu và người dân địa phương nghi ngờ là khu lăng mộ của nhà Tây Sơn.
Ông Mai Văn Châu bên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn đang bị hoang phế |
Đầu năm 2013, trong lần trở lại viếng lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn (ở thôn Phú Lạc) - ông nội của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (90 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã bật khóc khi chứng kiến cảnh hoang phế. Theo cụ Liễn, dù đã được phát hiện hơn 20 năm qua, nhưng ngành văn hóa tỉnh Bình Định ngoài việc công nhận là di tích cấp tỉnh vào cuối năm 2012 vẫn chưa có động thái nào đáng kể trong việc trùng tu, bảo vệ ngôi mộ cổ này.
Tháng 4.1990, trong quá trình đào đất đắp đường, người dân địa phương phát hiện được một tấm bia mộ làm bằng đá (cao 125 cm, rộng 68,5 cm, dày 13 cm) nằm sâu dưới đất ruộng ở làng Phú Lạc. Trên tấm bia có 3 dòng chữ Hán, được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đọc và dịch nghĩa. Dòng chính giữa có 15 chữ lớn đọc là “Việt Cố Hoàng Hiển Tổ Khảo Cang Nghị Mưu Lược Minh Triết Công Chi Lăng”, nghĩa là: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, mưu lược, cương nghị. Dòng chữ nhỏ bên phải đọc là “Tuế thứ Kỷ Hợi Trọng Xuân Cốc Nhật”, nghĩa là: Ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi. Dòng chữ nhỏ phía trái là “Ngự Chế”, nghĩa là: Nhà vua lập bia.
Tấm bia này được xác định là của ngôi mộ cổ cách đó khoảng 15 m. Ngôi mộ cổ nằm trên một gò cao khá rộng, chung quanh là ruộng lúa, chính giữa chân mộ còn dấu vết chỗ cắm bia đã bị gỡ từ trước. Mộ có 2 vòng thành trong, vòng ngoài, giữa hai vòng cách nhau 60 cm, cách mộ chừng 4 - 5 m còn dấu vết một vòng thứ ba. Ngôi mộ cổ này nằm cách di tích Gò Lăng, nơi có nền và vườn nhà của ông bà Hồ Phi Tiễn và bà Nguyễn Thị Đồng (được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988) khoảng 500 m.
Tấm bia trên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn - Ảnh: Hoàng Trọng |
Qua nghiên cứu tấm bia và nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn xác định ngôi mộ cổ là lăng mộ của ông Hồ Phi Tiễn. Lăng mộ này do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng vào năm 1779 (năm Kỷ Hợi), sau khi lên ngôi hoàng đế chừng mấy tháng. Tổ tiên của Nguyễn Nhạc là ông Hồ Phi Long, từ xứ Nghệ vào Bằng Châu (Bình Định) phối hôn với bà họ Đinh (người Bằng Châu) sinh ra ông Hồ Phi Tiễn. Ông Tiễn lên Phú Lạc buôn trầu, hôn phối với bà Nguyễn Thị Đồng (con một gia đình giàu có ở Phú Lạc) rồi cất nhà ở luôn bên vợ.
Ông Tiễn và bà Đồng sinh được một con trai là Hồ Phi Phúc, về sau đổi họ thành Nguyễn Phi Phúc. Ông Nguyễn Phi Phúc hôn phối với bà Mai Thị Hạnh (tức bà tổ cô của Mai Xuân Thưởng), sinh hạ được ba con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. “Lý do đổi họ Hồ thành họ Nguyễn không phải vì nguyên nhân chính trị như lâu nay người ta nói mà chính vì lý do kinh tế. Bà Nguyễn Thị Đồng là con gái độc nhất của gia đình, để đủ tư cách kế thừa hợp pháp món gia tài của cha mẹ bà để lại nên bà Đồng bàn với ông Hồ Phi Tiễn đổi họ con từ Hồ thành Nguyễn, nghĩa là theo họ mẹ. Nhiều ý kiến nói bà Đồng là mẹ của 3 anh em nhà Tây Sơn là không chính xác, phải là bà nội mới đúng”, cụ Vũ Ngọc Liễn khẳng định.
Còn nhiều lăng mộ chưa phát hiện ?
Di tích lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn và di tích Gò Lăng hiện do ông Mai Văn Châu (62 tuổi, ở thôn Phú Lạc) trông coi. Ông Châu là con cháu dòng họ của bà Mai Thị Hạnh. Theo ông Châu, gia đình họ Mai dời đến ở tại khu vực Gò Lăng đã hơn 4 đời. Khi mới đến, khu vực Gò Lăng vốn bỏ hoang, cây cối rậm rạp, trong quá trình phát dọn thì họ Mai phát hiện được ngôi mộ cổ mà sau này được xác định là của ông Hồ Phi Tiễn. Người họ Mai tự nguyện trông coi và chọn ngày mồng một tết cúng cơm ngôi mộ, tục lệ này tồn tại cho đến ngày nay. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nghe các cơ quan chức năng có kế hoạch trùng tu ngôi mộ của ông (cụ Hồ Phi Tiễn - PV) nhưng đâu thấy động tĩnh gì. May mà người dân chúng tôi rất có ý thức bảo vệ mộ ông chứ không thì nó sẽ bị xâm hại, xuống cấp hơn nữa”, ông Châu nói.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, ngôi mộ ông Hồ Phi Tiễn là ngôi mộ duy nhất của dòng họ nhà Tây Sơn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi mộ này đã tránh được những đòn trả thù tàn bạo của vua Gia Long Nguyễn Ánh là nhờ người thời đó có công chôn giấu bia mộ một cách chu đáo. Hiện tấm bia này đã được mang về Bảo tàng Quang Trung để lưu giữ, trưng bày. “Xung quanh khu vực Gò Lăng có thể còn nhiều ngôi mộ cổ khác liên quan đến dòng họ nhà Tây Sơn nhưng đang bị vùi lấp dưới đồng ruộng cũng nên. Dân gian lưu truyền địa danh Gò Lăng mà chỉ có một lăng mộ và một cái miếu cổ nhỏ bé gọi là miếu Gò Lăng thì cũng hơi vô lý. Lăng mộ của cụ Hồ Phi Tiễn ở đây còn lăng mộ của bà Nguyễn Thị Đồng ở đâu? Khu di tích Gò Lăng phải được tiếp tục đầu tư nghiên cứu”, cụ Vũ Ngọc Liễn nói.
Tại gò Thỏ (ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định), có ngôi mộ “Bà Vua” được xác định là mộ bà Nguyễn Thị Bích, thứ phi vua Quang Trung. Trước kia, mộ "Bà Vua" chỉ là một nắm đất nhỏ, không bia, không rõ danh tính, nhưng họ Nguyễn ở xã Cát Hanh vẫn tổ chức cúng giỗ hằng năm. Năm 1997, sau khi tra cứu gia phả, các nhà sử học khẳng định bà Nguyễn Thị Bích là vợ vua Quang Trung. Theo sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế - 2003) của TS Đỗ Bang, bà Bích, quê ở Mỹ Chánh (xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), mất ngày 10 tháng 9, mộ táng tại gò Thỏ, thôn Vĩnh n (nay là thôn Vĩnh Long). Sau khi nhà Tây Sơn mất, bà Bích đến nương náu nhà người anh tên Nguyễn Văn Tuấn. Ông Tuấn làm quan thơ lại ở cửa biển Đề Gi và sống ở quê vợ tại thôn Vĩnh n.
|
Hoàng Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét