VỀ MỘT CHI HỌ LÝ (ĐÌNH BẢNG) Ở HUYỆN ĐÔNG SƠN, THANH HÓA

VỀ MỘT CHI HỌ LÝ (ĐÌNH BẢNG) Ở HUYỆN ĐÔNG SƠN, THANH HÓA

PHẠM THỊ THÙY VINH

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua và dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng chính là thời kỳ dòng họ Lý ở Đình Bảng chính thức bước lên vũ đài chính trị. Nhà Lý đã có những đóng góp xuất sắc đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Nền văn hiến Đại Việt giàu bản sắc văn hóa cũng được bộc lộ rõ nhất từ chính thời đại này. Nhưng sau khi nhà Trần giành Vương triều từ nhà Lý với sự nhường ngôi cho chồng của Lý Chiêu Hoàng, vai trò chính trị của nhà Lý chấm dứt. Dòng họ Lý đã thất tán đi nhiều nơi và có một bộ phận đổi sang họ Nguyễn.


Trải qua những biến cố và thăng trầm của lịch sử, con cháu của dòng họ Lý (Đình Bảng) đã có những biến chuyển lớn. Một trong số đó là sự kiện ra đi của Hoàng tử Lý Long Tường đến bán đảo Triều Tiên sinh sống, câu chuyện này đã được nhiều sách báo giới thiệu. Tuy nhiên còn có một sự di chuyển âm thầm khác của con cháu dòng họ Lý vào xứ Thanh mà dường như ít có thông tin đề cập đến. Sự ra đi khỏi quê cha đất tổ để đến lập nghiệp ở một miền quê khác của con cháu dòng họ Lý dường như đã bị thời gian làm cho quên lãng vì họ đã mai danh ẩn tích và các sử gia cũng không ghi chép lại. Nhưng cũng thật là bất ngờ và cảm động khi chúng tôi được biết ngày nay hậu duệ của vua Lý Thái Tổ ở Thanh Hóa vẫn còn có những chứng tích ghi nhận nguồn gốc của mình.
Cuối tháng 8/2004 chúng tôi có dịp vào thăm xã Đông Hòa huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Chuyến đi này do bác Nguyễn Thìn Xuân là người trong dòng họ Nguyễn gốc Lý và ủy ban Nhân dân xã Đông Hòa tổ chức. Xã Đông Hòa ngày nay là xã Đồng Phô trước kia (bao gồm cả vùng đất của xã Đông Ninh huyện Đông Sơn) thuộc huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa. Đây là vùng đất Việt cổ, hiện còn bảo lưu rất nhiều phương ngữ cũng như những hiện vật cổ như: gốm, sứ, tiền đồng, trống đồng. Tấm bia cổ nhất khắc chữ Hán còn lại ở Việt Nam niên hiệu Đại Nghiệp 14 (618) nhà Tùy cũng chính được đặt tại xã Đồng Phô (nay thuộc phần đất xã Đông Ninh huyện Đông Sơn).

Chúng tôi đã được bác Xuân cho biết tóm tắt về sự xuất hiện của con cháu dòng họ Lý tại địa phương này. Hiện nay tại Đông Hòa có hai nhánh của dòng họ Lý (Đình Bảng), một là nhánh Nguyễn Thìn, hai là nhánh Nguyễn Đình. Ông tổ của hai nhánh này cũng là những người đầu tiên đến đây lập nghiệp.
Ông tổ của nhánh Nguyễn Thìn vào Đồng Phô là Đông Chinh Vương, ông tổ nhánh Nguyễn Đình vào Đồng Phô là Dực Thánh Vương. Đây là hai anh em ruột với Lý Phật Mã tức vua Lý Thái Tông.
Chúng tôi đã kiểm tra lại các sự kiện liên quan đến hai vị Đông Chinh và Dực Thánh qua các tư liệu lịch sử.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ (tập 2) ghi về hai vị Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ như sau:
- Năm Thuận Thiên thứ 6 (1015) xuống chiếu cho Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đỗ Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên…(1)
- Năm Mậu Ngọ Thuận Thiên thứ 9 (1018) mùa đông tháng 10, sắc phong cho Hoàng tử Lực làm Đông Chinh Vương(2).
Năm Mậu Tuất, Thuận Thiên thứ 13 (1022), xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch(3).

- Năm Đinh Mão Thuận Thiên 18 (1027), mùa thu tháng 8, xuống chiếu cho Khai Thiên Vương (Lý Phật Mã) đi đánh Thất Nguyên và Đông Chinh Vương đi đánh Văn Châu(4).
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép khá kỹ loạn “Tam vương” nhà Lý sau khi Lý Thái Tổ mất và Lý Phật Mã nhận di mệnh lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tông:
“Mùa xuân tháng 2, vua không khỏe, ngày Mậu Tuất vua băng hà ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh Lực, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục ở cửa Quảng Môn, đợi Thái tử vào thì đánh úp”.
Nhưng việc định lật đổ Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi vua của ba vương bị thất bại, do Tướng quân Lê Phụng Hiểu đã liều mình dâng gươm xin phá vây cứu Thái tử. Trong trận chiến đó Vũ Đức Vương bị giết cùng với tất cả binh lính của ba phủ, chỉ có Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là chạy thoát. Ngày Kỷ Hợi, Thái tử Phật Mã lên ngôi vua trước linh cữu của vua Thái Tổ, cũng ngày ấy hai vương Đông Chinh và Dực Thánh đều đến cửa khuyết xin chịu tội nhưng được vua ban chiếu xá tội và ban lại cho tước cũ(5).

Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: Năm Mậu Dần Thông Thụy thứ 5 (1038), tháng 12 năm ấy Đông Chinh Vương chết(6).
Đến đây các sự việc liên quan đến Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương không thấy các sử gia ghi chép nữa.
Qua các sự kiện được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy hai vương Đông Chinh và Dực Thánh từng được vua Lý Thái Tổ cử đi đánh dẹp loạn ở nhiều nơi và họ đều lập công xuất sắc. Trong cuộc đảo chính để giành ngôi báu với Thái tử Lý Phật Mã họ đã bị thua nhưng không bị trả thù, vua Lý Thái Tông vẫn ban chiếu xá tội và ban lại tước cũ cho họ. Các sự việc này cũng được Việt sử lược ghi chép lại. Đại Việt sử ký toàn thư ghi sự kiện Đông Chinh Vương chết năm 1038, tức là sau sự kiện đảo chính 10 năm. Từ đây chúng ta có thể loại bỏ khả năng hai vương đi vào xứ Thanh ngay sau khi cuộc đảo chính bất thành, và vì thế họ không thể là những người đầu tiên của hai nhánh họ Nguyễn vào Đồng Phô, Đông Sơn lập nghiệp. Sự kiện con cháu dòng họ Lý (Đình Bảng) chuyển sang họ Nguyễn chỉ bắt đầu từ khi nhà Trần lên ngôi, và dòng dõi của vua Lý Thái Tổ đã phải chạy đi nhiều nơi khác sinh sống để bảo tồn giống nòi. Điều này khiến chúng tôi suy luận: có lẽ chỉ các thế hệ sau của hai vương Đông Chinh và Dực Thánh mới là những người đầu tiên của chi họ Lý (Đình Bảng) vào Thanh Hóa. Chúng tôi cũng được nghe báo cáo của người trong dòng họ Nguyễn Thìn và Nguyễn Đình ở xã Đông Hòa cho biết: dòng họ đã vào Thanh Hóa trong khoảng 800 năm. Như thế có thể cho phép đoán định con cháu của Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đã vào xứ Thanh Hoa sớm nhất là từ cuối thế kỷ XII chậm nhất là đầu thế kỷ XIII. Trong khi đó Đông Chinh Vương đã mất từ cuối những thập kỷ đầu của thế kỷ XII. Phải chăng con cháu của hai Vương đã dự cảm được điều gì đó bất ổn về tình thế chính trị nên đã lánh trước vào Thanh Hoa? Tuy nhiên chúng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: “Tại sao lại chỉ có con cháu của hai vương Đông Chinh và Dực Thánh trong loạn “Tam vương” chạy vào Thanh Hoa sinh sống mà không phải là thêm các chi nhánh khác?” Phải chăng có một sự liên hệ nào đó giữa việc đảo chính bất thành và việc di cư vào xứ Thanh để lập nghiệp ? Câu hỏi này chúng tôi xin nêu ra để chờ cơ hội giải đáp.

Cũng trong dòng họ Nguyễn ở xã Đông Hòa có một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng là Tướng quân Nguyễn Chích, ông là hậu duệ đời thứ 5 của Lý Công Uẩn(7). Hiện tên ông được lấy để đặt tên cho trường cấp II của huyện Đông Sơn.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu hệ thống hoành phi câu đối tại hai nhà thờ của dòng họ Nguyễn Đình và Nguyễn Thìn ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự liên hệ giữa họ Nguyễn ở đây và nơi phát tích là Đình Bảng.

(1) Câu đối hoành phi tại nhà thờ Nguyễn Thìn
Chính giữa của từ đường là bức hoành phi to, cổ kính khắc bốn chữCổ pháp triệu cơ 古 法 肇 基 (保 大 甲 申 年) (Bảo Đại Giáp Thân niên). Tại đền Đô xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn nơi thờ tám vị Hoàng đế nhà Lý cũng treo một bức hoành phi khắc 4 chữ này. Các cụ ở xã Đông Hòa cho biết chính nhờ bức hoành phi này mà con cháu họ Lý ở Hàn Quốc và họ Lý ở Đình Bảng đã về đây nhận họ. Ngoài ra ở nhà thờ họ Nguyễn Thìn còn có một đôi câu đối khác cũng ghi nhận sự quan hệ mật thiết giữa dòng họ này và quê hương của Lý bát đế. Đó là câu đối:

出 蕉 山 廷 榜 前 池 消 舊 水
派 延 河 銅 鋪 昔 樹 發 今 花
(壬 午 春)
“Xuất Tiêu Sơn Đình Bảng tiền trì tiêu cựu thủy
Phái Diên Hà Đồng Phô tích thụ phát kim hoa(8)”
(Nhâm Ngọ xuân)
Tạm dịch là:
Xuất phát từ Đình Bảng Tiêu Sơn, ao trước tiêu hết nước cũ
Chia phái vào Đồng Phô Diên Hà, cây xưa nở hoa mới.
(Mùa xuân năm Nhâm Ngọ)
2) Câu đối ở nhà thờ Nguyễn Đình
a. 歷 世 王 公 功 在 前 朝 名 在 史
累 朝 花 袞 傳 於 後 裔 蔭 於 民
“Lịch thế vương công, công tại tiền triều danh tại sử
Lũy triều hoa cổn truyền ư hậu huệ, ấm ư dân.”
Tạm dịch:
Vương công nhiều đời, công lao ở triều trước, tên ghi trong sử
 sách
Vẻ vang mấy thuở truyền cho hậu duệ, dân được hưởng phúc ấm
b. 入 文 相 出 為 武 將
生 帝 臣 化 作 福 神
“Nhập văn tướng xuất vi võ tướng
Sinh đế thần, hóa tác phúc thần.”
Tạm dịch:
Khi vào là tướng văn khi ra là tướng võ
Khi còn sống là vua, khi hóa là phúc thần.
c. 騰 國 山 河 留 姓 字
累 朝 袍 笏 國 恩 長
“Đằng quốc sơn hà lưu tính tự
Lũy triều bào hốt quốc ân trường.”
Tạm dịch:
Đất nước, núi sông ghi tên họ
Nhiều đời áo bào hốt ngọc, ơn nước trường tồn.
d. 奕 葉 箕 裘 家 眷 在
故 家 鐘 鼎 等 春 秋
“Dịch diệp cơ cầu gia quyến tại
Cố gia chung đỉnh đẳng xuân thu.”
Tạm dịch:
Truyền đời con cháu nối nghiệp gia quyến vẫn còn
Gia tộc xưa đã một thời vương quyền bá nghiệp lừng lẫy.
e. 配 上 等 神 千 古 石 碑 留 姓 字
贊 中 興 業 億 年 香 火 樹 風 聲
“Phối thượng đẳng thần thiên cổ thạch bi lưu tính tự
Tán trung hưng nghiệp ức niên hương hỏa thụ phong thanh.”
Tạm dịch là:
Phối thờ cùng Thượng đẳng thần, nghìn năm bia đá còn lưu
tên họ
Giúp sự nghiệp Trung hưng, vạn năm hương hỏa còn tạo nên
phong phú.
Trên đây là một số hoành phi câu đối ở hai nhà thờ Nguyễn Đình và Nguyễn Thìn vốn là hậu duệ của vua Lý Thái Tổ ở xã Đình Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tuy hai nhánh này vào Thanh Hóa lập nghiệp đã hơn 800 năm nhưng ký ức về một thời hào hùng oanh liệt của tổ tiên vẫn còn được truyền tụng từ đời này sang đời khác. ý thức tự hào về nguồn cội của con cháu dòng họ Lý xưa kia vẫn còn chảy rất mãnh liệt trong các thế hệ đã mang họ Nguyễn hôm nay. Đó là một ý thức rất đáng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt chúng ta. Hy vọng rồi đây chúng ta có thể còn được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu quý khác về dòng họ Lý ở Đình Bảng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (Đông Đô) Hà Nội.
P.T.T.V
CHÚ THÍCH:
(1) Xem Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 1, tr.84, Nxb. KHXH, H. 1998.
(2) nt, trang 85.
(3) nt, trang 85.
(4) nt, trang 86.
(5) nt, trang 88.
(6) nt, trang 96.
(7) Chi tiết này do bác Nguyễn Thìn Xuân hiện là cán bộ hưu trí tại Hà Nội cung cấp.
(8) Tại nhà thờ Nguyễn Thìn còn một số đôi câu đối nữa nhưng do chưa có điều kiện nên chúng tôi mới chỉ có trong tay đôi câu đối này.
Share:
spacer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

do