Trong nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, đền, miếu thờ ở nước ta còn
lưu giữ nhiều đạo sắc phong thần do các triều vua Lê, Mạc, Tây Sơn và
Nguyễn ban cấp.. Trải qua thời gian mấy trăm năm, mặc dù được bảo quản
trong hộp gỗ nhưng tới nay một số đạo sắc phong đã bị sờn, rách, chuyển
màu vàng nhạt hay hồng nhạt. Đây là những cổ vật bằng chất liệu
giấy hiếm quý. Tình trạng các đạo sắc phong này rất cần thiết phải bảo
quản theo phương pháp khoa học để bảo tồn lâu dài.
Về kích thước, các đạo sắc phong đều có
hình chữ nhật, phổ biến có chiều dài trong khoàng 119cm đến 140cm và
rộng từ 44cm đến 53cm. Đặc biệt, sắc phong đời Cảnh Hưng hiện lưu giữ
tại Bảo tàng lịch sử quốc gia có chiều dài 195cm, rộng 60cm.
Loại giấy dùng làm sắc là giấy dó có độ dai và dày, thường gọi là giấy Nghè
vì làm tại làng Nghè, làng Nghĩa Đô huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là loại
giấy đặc biệt chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng . Trên mặt trước
của mỗi đạo sắc thường có diềm vẽ nền gấm chữ Vạn, bên trong diềm vẽ trang trí hình Rồng, mây và chữ Thọ.
Nội dung của đạo sắc là bài minh chữ Hán viết tay nên tự dạng khá phong
phú. Mỗi bài minh đều có cấu trúc khá giống nhau, đọc từ phải sang
trái. Dòng cuối cùng ghi niên hiệu của triều vua và ngày tháng ban cấp
đạo sắc. Trên dòng chữ này có đóng một dấu Kim bảo màu son đỏ với 4 chữ
Hán theo kiểu Triện thư. Dấu triện này có thể xem như biểu tượng linh
thiêng của nhà Vua. Đó là các chữ Tiên Nhu Chi Bảo và Sắc Mệnh Chi Bảo.
Nhưng ngẫu nhiên trong số 15 đạo sắc phong thần còn lưu giữ tại Miếu
Cầu Vương ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi
thấy đạo sắc phong ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh
Mệnh (1821), dấu triện là Phong tặng chi bảo. Vì vậy, bài viết này xin làm rõ hơn về các dấu triện trên các đạo sắc phong thần từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, 1428-1945.
Trước tiên, chúng tôi nêu qua nghi thức
đóng dấu kim bảo dưới triều Nguyễn để bạn đọc tham khảo. Các kim ngọc
bảo tỷ được cất giữ ở điện Trung Hòa trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các
dùng đến kim bảo nào thì do Cung giám phụng mang kim bảo đó ra. Mỗi lần
đóng dấu kim bảo Ngự tiền chi bảo , Văn lý mật sát và Sắc mệnh chi bảo,
quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đương trực, thiết án giữa Tả vu của
điện Cần Chánh để hầu bảo. Khi dùng đến những bảo tỷ khác quan trọng hơn
phải theo một thủ tục riêng. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm
phiến tấu trình lên Hoàng đế để xin phép định ngày’’ hầu bảo’’. Đúng
ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại điện Cần Chánh.
Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra. Vệ binh cầm kiếm tuốt vỏ đứng hầu
hai bên án. Quan Nội các và Bộ quan đương trực mặc phẩm phục bước vào
chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, kim bảo được
đặt lại vào tráp. Quan Nội các niêm phong giao cho Nội thần nhận thỉnh
cất giữ. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, Hội đồng phải lập biên bản và ghi
vào sổ để theo dõi. Như thế, nghi thức đóng dấu kim bảo của triều Nguyễn
rất trang nghiêm và quy củ chặt chẽ mang tính chất nghi thức của quốc
gia.
1. Dấu triện Tiên nhu chi bảo.
Ảnh 1. Dấu Tiên nhu chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 5 tháng 5(Âm lịch) năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792).
Khi tìm hiểu các đạo sắc phong dưới thời Tây Sơn (1778-1802), các nhà nghiên cứu thấy xuất hiện dấu triện Quảng vận chi bảo đóng trên các văn bản niên hiệu Thái Đức 10 và 11(1787-1788); niên hiêụ Quang Trung 2 (1789), Quang Trung 5 (1792). Dấu Triều Đường chi ấn
đóng trên văn bản niên hiệu Quang Trung 5 (1792). Các loại dấu triện
này không rõ được được đúc hay khắc bằng chất liệu gì. Nhưng hình dấu
son có thể thấy trên sách La Sơn phu tử ( Hoàng Xuân Hãn, 1952) hay sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005). Ngoài ra ,thời Tây Sơn còn dùng 2 dấu triện khác là Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo đóng trên các đạo sắc phong thần.
Về dấu triện Sắc mệnh chi bảo
thời Tây Sơn, đến nay chỉ thấy duy nhất trên tờ tư liệu của cụ Hoa
Bằng ghi lại ngày 11 tháng 12 năm 1949. Bản này in lại trang 267 của
sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.267). Đây là
đạo sắc phong cho Phan Huy Ích chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu,
Thị trung Ngự sử , tước Thụy Nham hầu, ngày 18 tháng 4 nhuận, năm Quang
Trung 5(1792). Thật tiếc cho đến nay không còn một đạo sắc nào để truy
cứu so sánh. Nhưng xem hình dấu, tôi thấy khác hẳn với tự dạng trên dấu
triện Sắc mệnh chi bảo thời Lê. Chữ Sắc mệnh kiểu Triện thư, với chữ Mệnh nhô hẳn lên chữ Sắc . Nhưng 2 chữ chi bảo lại giống dấu Tiên nhu chi bảo. Chữ chi có uốn gấp khúc, cân đối.
Theo Nguyễn Công Việt, dấu triện Tiên nhu chi bảo được
xem là dấu chỉ dùng dưới thời Tây Sơn. Dấu triện có cạnh vuông 15,2cm x
15,2cm. “ Ý nghĩa là các vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mầm lúa
mọc tươi tốt”. Dấu triện này trên đạo sắc phong năm Quang Trung 3
(1790). Chúng tôi thấy trên đạo sắc phong thần ngày 5 tháng 5, năm Quang
Trung 5 (1792) ở Miếu Cầu Vương (Ảnh 1). Như vậy, dấu triện Tiên nhu
chi bảo được sử dụng phổ biến trên các đạo sắc phong thần thời Tây Sơn.
2. Dấu Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo
Cho
đến nay các tài liệu cho biết những đạo sắc phong thần còn lưu giữ được
sớm nhất là thời Lê Sơ (1428-1527). Nhưng nhiều nhất vẫn là thời Lê
Trung hưng, thế kỷ 17-18. Trên các đạo sắc phong thần thời Lê đều thấy
đóng dấu triện son Sắc mệnh chi bảo. Dấu triện này có kích thước 11,5cm x 11,5cm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Bình (1435), hoàn thành đúc 6 quả ấn bằng vàng, bạc là :
• Thuận Thiên thừa vận chi bảo , dùng khi truyền ngôi.
• Đại Thiên hành hóa chi bảo, dùng khi xuất binh đánh dẹp.
• Chế cáo chi bảo, dùng khi ban chế, chiếu ra thiên hạ.
• Sắc mệnh chi bảo, dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn khác.
• Ngự tiền chi bảo, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách.
• Ngự tiền tiểu bảo, dùng khi có việc cơ mật.(Đại Việt sử ký toàn thư,1972,t3,tr.102)
Như vậy, sử liệu này cho biết rõ dấu triện Sắc mệnh chi bảo
được đúc vào năm 1435. Nhưng trên các văn bản thế kỷ 15 có đóng dấu
này còn lại đến nay thực là hiếm.Trên đạo sắc phong cho Phụ chính Tham
tướng Phạm Như Tăng làm Trung quân Đô thống tạm quyền lãnh ấn tiên phong
chỉ huy 10 đạo binh tiến đánh Chiêm Thành có đóng dấu Sắc mệnh chi bảo
trên dòng niên hiệu Hồng Đức 2 (1471) .(Nguyễn Công Việt,2005, tr. 111) .
Dưới thời Mạc (1527-1592), theo Nguyễn
Công Việt, những vấn đề đại sự quốc gia đựơc ban bố ra quốc dân thiên hạ
như chiếu, chỉ, cáo, sắc vv…nhà Mạc vẫn dùng theo cách của nhà Lê Sơ,
các văn bản này đều được đóng dấu Kim bảo Sắc mệnh chi bảo của
nhà Lê. Sắc phong thần ở thời Mạc còn lại đến nay cũng rất ít. Tại đền
Quang Lãng, xã Thụy Hải, huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình còn 3 đạo sắc
phong thần vào ngày 5 tháng 12, năm đầu niên hiệu Minh Đức (1527); ngày
10 tháng 6, năm đầu niên hiệu Quảng Hòa (1540); ngày 28 tháng 4, năm đầu
niên hiệu Cảnh Lịch (1548). Cũng như đạo sắc phong thần ở đình Tử Dương
, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 6 tháng 11, năm Sùng Khang 9 (1576).
Các đạo sắc này đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.
Dưới thời Lê Trung hưng (1533-1788), trên các đạo sắc phong thần chỉ duy nhất dùng dấu Sắc mệnh chi bảo
, là Kim bảo đúc từ thời Lê Sơ. Các bản sắc phong từ niên hiệu Vĩnh Tộ 8
(1626) cho đến niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) in trong sách của Nguyễn
Công Việt đều thấy dấu triện này. (Nguyễn Công Việt, 2005,tr.203-206).
Chúng tôi thấy 3 đạo sắc phong thần tại
Miếu Cầu Vương, ngày 8 tháng 8, năm Cảnh Hưng 28 (1767); ngày16 tháng 5
và ngày 26 tháng 7, năm Cảnh Hưng 44 (1783) đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.
Dấu son trên các đạo sắc thời Lê Trung hưng đều giống nhau về kiểu chữ
và kích thước chứng tỏ được đóng từ một Kim bảo. Cũng thật tiếc là dấu
Kim bảo ấy nay không còn.
Cho đến nay chỉ may mắn còn lại Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc Mệnh Chi Bảo của triều Nguyễn ,hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, LSb.34447 (Ảnh 2)
nh 2: Kim bảo Sắc mệnh chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
(BẢO VẬT QUỐC GIA)
Kim Bảo: Sắc mệnh chi bảo,
cao 11,0cm; cạnh 14,0cm x 14,0cm, dầy 2,5cm. Kim bảo có 2 cấp hình
vuông, quai rồng cuộn ngồi xổm, đầu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xoè 9 dải
hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:
– Bên trái: 十 歲 皇 金 重 二 百 二 十 三 両 六 錢 Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền, [khoảng 8,3kg]) .
– Bên phải: 明 命 八 年 十 月 吉 日 造 Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827).
Mặt
Kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện trong khung diềm: 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo.
(Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009,
tr.23,126-127). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, có đoạn chép lời
Dụ của vua Minh Mệnh năm 1828: “Từ trước đến nay phong tặng cho các
thần kỳ cùng văn võ quan phẩm, thì đều dùng ấn 封 贈 之 寶 Phong tặng chi
bảo. Nay mới đúc ấn 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo, từ nay phàm có ban cấp cho
văn võ, phong tặng cho thần dân đều cho dùng.” ( Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993,tr. 34).
3. Dấu Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong Tặng Chi Bảo
Theo
tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong
tặng chi bảo, LSb.35184, được đúc bằng bạc , cao 7,0cm; cạnh vuông
10,88cm x 10,88cm, dầy 2,42cm (Ảnh 3) .Quai hình tượng rồng tư thế đang
chạy, đầu ngẩng, lưng uốn, 4 chân chùng, đuôi hình dải mây. Mặt trên
Kim bảo hình vuông, 4 mặt bên vát hình thang, phía dưới hình chữ nhật.
Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:
Ảnh 3: Kim bảo Phong tặng chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
– Bên trái: 封 贈 之 寶 重 八 笏 四 両 Phong tặng chi bảo, trọng bát hốt tứ lạng. (Ấn phong tặng chi bảo, nặng 8 thoi 4 lạng).
– Bên phải: 壬 戌 春 正月吉日監 造 Nhâm Tuất xuân , chính nguyệt cát nhật, Giám tạo. (Giám tạo vào ngày lành tháng Giêng mùa xuân năm Nhâm Tuất, 1802).
Mặt kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, kiểu chữ cùng đặc điểm 3 chiếc Kim bảo khác như Chế cáo chi bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo.( Nguyễn Đình Chiến, 2015,tr. 35-36).
Ấn
này dùng đóng trên các đạo sắc, cáo, phong tặng cho các quan văn võ,
công thần hay nhân thần . Như vậy, với thông tin này cho biết, các đạo
sắc phong thần của triều Nguyễn, kể từ năm 1802 đến 1827, khoảng 25 năm,
đều dùng dấu triện Phong tặng chi bảo.
Theo Nguyễn Công Việt, trên đạo sắc phong thần ở đình thôn Đoài, xã Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh có đóng dấu Phong tặng chi bảo ở dòng cuối Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật. Nghĩa là vào ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh,1821.(Nguyễn Công Việt, 2005,tr.309).
Cùng
với đạo sắc phong thần ở Miếu Cầu Vương, ngày 20 tháng 7, (Âm lịch) năm
thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh, 1821, có đóng dấu Kim bảo Phong tặng chi bảo là các minh chứng trùng khớp giữa thư tịch và thực tế (Ảnh 4).
Ảnh 4: Dấu Phong tặng chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 21 tháng 7(Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821).
Tóm lại, qua các triều vua , từ thời Lê
Sơ đến thời Nguyễn , chúng ta thấy trên các đạo sắc phong thần đã sử
dụng những loại dấu triện Kim bảo như sau:
– Thời Lê Sơ (1428-1527) , năm 1435, đúc kim bảo Sắc mệnh chi bảo,cạnh mặt ấn 11,5cm x 11,5cm.
-Thời Mạc (1527-1592), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Lê Trung hưng (1533-1788), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Tây Sơn (1788-1802), đúc mới và sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo khác cùng dấu Tiên nhu chi bảo.
– Thời Nguyễn (1802-1945), từ năm 1802-1827 sử dụng dấu Phong tặng chi bảo còn từ 1828-1945, sử dụng dấu Sắc Mệnh chi bảo.
Việc nghiên cứu các dấu triện Kim bảo này, không chỉ làm rõ về những
loại dấu triện đóng trên các đạo sắc phong thần từ 1428 đến 1945 mà còn
có ý nghĩa với công tác giám định sắc phong thật và giả trong tình hình
hiện
TS. Nguyễn Đình Chiến
Nguyên PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đình Chiến,2015,
Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
2.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009,
Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam.BTLSVN xb.
3.Nguyễn Công Việt, 2005,
Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. NXB KHXH Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư,1972, t. 3 ,Nxb KHXH Hà Nội.
4.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993, Nxb .Thuận Hóa, Huế.
5.Hoàng Xuân Hãn ,1952,
La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris.
6. Nguồn: luutruquocgia1.org.vn