Hiển thị các bài đăng có nhãn gia phả họ Võ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn gia phả họ Võ. Hiển thị tất cả bài đăng

Phát lộ văn bia của dòng họ Vũ Khắc ngành

Tảng đá cổ nặng chục tấn nhọn như mũi giáo được khắc một bản văn tự toàn chữ Hán nằm giữa vườn khiến gia chủ và người dân ở xóm 9, xã An Sơn sợ hãi.

Hàng chục năm nay, người dân xóm 9, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng như gia đình bà Mạc Thị Xuân rất hoang mang trước tảng đá cổ hình thù kỳ dị giống đầu mũi tên đá khổng lồ, một mặt được khắc toàn chữ Hán nằm trong vườn nhà. Tảng đá có phần thân hình chữ nhật, 4 cạnh bằng nhau, dài khoảng 3m, nằm trên đất, một mặt được khắc chữ Hán. Phần đầu là chóp nhọn cao 1m, trong đó có 3 mặt để trơn, một mặt khắc 21 vạch song song và đều nhau.
Tảng đá lớn nhọn một đầu nhằm trong vườn nhà bà Mạc Thị Xuân, xóm 9, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: Giang Chinh
Bà Mạc Thị Xuân cho hay năm 1990, gia đình bà ra chân núi Thiên Triều khai hoang, sinh sống, một năm sau thì làm nhà. Khi đó tảng đá lớn nằm án ngữ giữa vườn nên gia đình định chuyển bỏ. Tuy nhiên, khi đi xem thầy, xem thợ, họ khuyên không nên đụng vào bởi đó là tảng đá thiêng được trấn yểm.
Gia đình bà Xuân càng sợ hãi khi các cụ cao tuổi kể lại, vào đầu thập niên 80, ông Huân, người trong xóm không nghe người dân khuyên can, vác búa ra đập để lấy đá về làm nhà đã gặp chuyện không may. Mới quai nhát búa đầu tiên, một miếng đá vỡ găm thẳng vào chân, khiến ông phải nhập viện điều trị. Về sau, không hiểu vì lý do gì, ông Huân chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.
Thêm vào đó, một số người lạ nghe nói về tảng đá cũng đã tìm về ngó nghiêng, rồi âm thầm rút đi, càng khiến người dân nơi đây tin rằng đó là bùa yểm của người xưa. Kể từ đó đến nay, gia đình bà Xuân không dám “xâm phạm” đến tảng đá.
Văn tự bằng chữ Hán trên tảng đá cổ nặng cả chục tấn đang được gia đình bà Mạc Thị Xuân lưu giữ. Ảnh: Giang Chinh
Cụ ông Trần Gia Viễn, một bậc cao niên trong xóm 9, cho hay tảng đá xuất hiện ở chân núi Thiên Triều từ bao đời nay. Cụ Viễn chỉ biết khi lớn lên đã thấy nó nằm đó. Còn trong hang núi, cách tảng đá này không xa có một tảng đá hình vuông khá lớn cũng được đục đẽo bằng tay. Thời kỳ chiến tranh, hang là nơi du kích và nhân dân trú ẩn. Thời gian này, hang bị giặc đánh mìn, khiến đá sập xuống lấp mất cửa hang.
Để giải mã tảng đá cổ và bản văn tự chữ Hán, cụ Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, được mời về khảo cứu. Sau khi cọ rửa, làm sạch lớp rêu phong, các chữ dần hiện ra, nhà sử học dịch và cho biết tảng đá này thực chất là văn bia của dòng họ Vũ Khắc ngành 2. Nội dung văn bia cho thấy, ngày 18 tháng 9 năm Quý Tỵ (năm Vua Đồng Khánh thứ 15), chi trưởng Vũ Khắc của dòng họ này đã về vùng đất này lập nghiệp, rồi khắc văn bia thay cho gia phả để nhắc nhở các con cháu về sau không quên tổ tông, nguồn cội…

Sau khi khảo cứu, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết tảng đá cổ là văn bia của dòng họ Vũ Khắc ngành 2 và nó được chế tác, khắc chữ Hán cách đây hơn 100 năm. Ảnh: Giang Chinh.
Còn về 21 vạch kẻ tại đầu nhọn của văn bia, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho rằng nhiều khả năng đây là ký hiệu cho thấy ông chi trưởng ngành 2 là đời thứ 21 của dòng họ Vũ Khắc.
Sau khi tảng đá được “giải oan”, gia đình bà Mạc Thị Xuân cũng như người dân trong xóm thở phào, không còn lo sợ.
Hiện văn bia vẫn đang được gia đình bà Xuân lưu giữ tại vườn.

spacer

GÓP BÀN THÊM VỀ LỊCH SỬ CỦA MỘT DÒNG HỌ

GÓP BÀN THÊM VỀ LỊCH SỬ CỦA MỘT DÒNG HỌ


 Tóm tắt: Bài viết đưa ra các cứ liệu chứng tích để chứng minh họ Vũ, một dòng họ phổ biến, sinh ra nhiều người con ưu tú của dân tộc, đã xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử Việt Nam. Qua các dấu tích (đền thờ và thần tích), tác giả đã nêu ra những vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu về lịch sử của một dòng họ mà cho đến nay vẫn có nhiều người nhìn nhận chưa thật khách quan.
 
Trong tiến trình lịch sử văn hoá của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, các dòng họ, đặc biệt là các dòng lớn đều có vai trò nhất định. Ở Việt Nam, họ Vũ được xếp vào một trong những dòng họ phổ biến. Theo Lê Trung Hoa trong cuốn Họ và tên người Việt Nam, tại Việt Nam số lượng người mang họ Vũ xếp thứ bảy, với 3,9% dân số(1). Dòng họ này cũng đã sinh ra cho dân tộc những người con ưu tú được xếp vào bậc hào kiệt, danh nhân của đất nước như: Vũ Thục Nương, Vũ Văn Nhậm, Vũ Quốc Trân, Vũ Tông Phan, Võ Nguyên Giáp, Vũ Trọng Phụng, Vũ Ngọc Phan, Vũ Bằng, Vũ Cao, Vũ Ngọc Liên, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hoà), Võ Thị Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Sáu ), Võ An Ninh, Vũ Đình Hoè, Vũ Ngọc Khánh, Vũ Khoan, Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Ngọc Nhạ, Vũ Nguyên Bác,…Tự hào về dòng họ của mình, không ít người đã mang tâm huyết tìm hiểu về lịch sử, tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh và phát huy vai trò của dòng họ này trong điều kiện hiện nay với mong muốn tiếp tục phát huy vai trò của con cháu họ Vũ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, khi tiếp cận với các tư liệu hiện hành về lịch sử, nguồn gốc, xuất xứ của dòng họ Vũ, tôi thấy có một số vấn đề cần được quan tâm một cách sâu sắc và đầy đủ hơn. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn tham góp những cứ liệu lịch sử và các sự kiện được lưu truyền trong dân gian để chúng ta có thể nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về lịch sử dòng họ Vũ tại Việt Nam.
Khi xác định nguồn cội của dòng họ Vũ ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, thuỷ tổ của dòng họ Vũ  hiện nay bắt đầu từ cụ Vũ Hồn, được thờ tại nhà thờ họ Vũ tại Mộ Trạch, Hải Dương. Trong từ điển tra cứu Wikipedea, nguồn gốc của họ Vũ ở Việt Nam đã được viết như sau: “Tương truyền họ Vũ ở Việt Nam có nguồn gốc đầu tiên tại làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương, miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, không có chứng cứ khẳng định rằng tất cả các gia tộc họ Vũ tại Việt Nam đều có cùng gốc từ đây.
Theo gia phả, tộc phả và thần phả ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương, ông tổ họ Vũ là ông Vũ Hồn (804-853) là con trai một quan phủ nhà Đường (618-907) tên là Vũ Huy, người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Sau khi từ quan, Vũ Huy đã đi du ngoạn phương Nam và đã dừng chân tại  đất Giao Châu, khi ấy là khu đất thuộc đồng bằng Bắc Bộ bây giờ. Ông đã lấy một người thôn nữ tên là Nguyễn Thị Đức tại làng Mạn Nhuế thuộc huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu (sau này là tỉnh Hải Dương). Ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Thân (804) bà Đức sinh con trai, đặt tên là Vũ Hồn (804-853). Hiện có đền thờ tại Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là một công thần mà húy nhựt là ngày mùng 3 tháng chạp âm lịch.” (2)
Trên trang Web của họ Vũ, trong bài viết Xuất xứ họ Vũ Việt Nam, tác giả Đặng Phương Nghi đã khẳng định: Dòng họ Vũ ở Việt Nam, bao gồm cả dòng họ Võ ở Miền Trung và Nam Bộ, đều chỉ có chung một thủy Tổ là Cụ Vũ Hồn ở làng Mộ Trạch, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng. (3)  Tác giả đã đưa ra một lập luận: “Nếu họ Vũ đã có từ trước Ông Vũ Hồn, thì tại sao trước đó không có các danh nhân họ Vũ được ghi trong sử sách ? Tại sao các danh nhân họ Vũ được ghi trong sử sách Việt Nam, sau thời Ông Vũ Hồn, lại hầu hết là người vùng đồng bằng Bắc Bộ - Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Bắc, Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nam Hà, v.v., và sau này có cả Thanh Hóa, Nghệ An, v.v...- nhưng không thấy ai sinh trưởng ở vùng thượng du - Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Thái ?” (3)
Lẽ nào để đưa ra kết luận về xuất xứ và lịch sử của một dòng họ, chúng ta có thể xuất phát từ những suy luận mang tính cảm tính như vậy?
Là một người con của họ Vũ, tôi cũng đã tìm về nhà thờ họ ở Mộ Trạch, Hải Dương. Qua các tư liệu và huyền tích về Vũ Hồn (804 – 853), ông là người tài cao, học rộng đã thi và đỗ đạt cao vào năm mười tám tuổi. Ông được bổ làm quan, được vua Đường phong chức Đô Ngự xứ ở quận Giao Châu (Việt Nam lúc bấy giờ). Đô Ngự xứ Vũ Hồn đi kinh lý thấy vùng đất Bách nhạn hồi sào ở vùng Bình Giang ngày nay, cho rằng nơi đây mến mộ lòng người, dân chúng có thể phát về đường khoa cử, bèn lập ấp đem mẹ từ phương Bắc sang nuôi dưỡng và gọi vùng đất này là Khả Mộ. Tên có từ ngày ấy. Dần dần lưu truyền đời con đời cháu, đọc chệch đi nên làng mang tên Mộ Trạch như ngày nay.
Năm  853, mẹ mất. Vũ Hồn đưa về mai táng ở thôn Kiệt Đặc thuộc vùng núi Phượng Hoàng, Chí Linh bây giờ. Cũng năm đó, ngày 23 tháng Chạp năm Quý Dậu (853) Vũ Hồn mất, hưởng dương 49 tuổi. Vua Đường đã ra sắc phong cho ông là Đương Cảnh thành hoàng. Nhân dân đã rước bài vị của ông vào đình thờ tôn là thành hoàng làng.
Con cháu họ Vũ đời sau có người đã suy tôn ông là thuỷ tổ dòng họ Vũ ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là đến thế kỷ thứ 9, Việt Nam mới có họ Vũ. Và nguồn gốc của họ Vũ ở Việt Nam xuất phát từ một viên quan lại người Hoa. Trước những tư liệu và sự khẳng định của những người nghiên cứu về dòng họ Vũ, tôi không tránh khỏi sự băn khoăn, trăn trở.
Sự băn khoăn của tôi bắt đầu từ những huyền tích, chứng tích về một nhân vật lịch sử thời Hai Bà Trưng. Trong các nữ tướng tụ nghĩa dưới cờ của Bà Trưng, Bát Nạn tướng quân (có sách chép là Bát Nàn) là một nữ tướng có công lao, đóng góp lớn. Bà có tên thật là Vũ Thị Thục (còn gọi là Thục Nương), quê ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Linh, tỉnh Vĩnh Phú. Theo thần tích được lưu giữ tại đền Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, bà là con của ông Vũ Chất. Bà nổi tiếng là người xinh đẹp và tài giỏi, với mối thù Thái thú Tô định đã giết vị hôn phu của mình, khi Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà đã tụ nghĩa dưới cờ của bà Trưng. Bà đã trở thành trợ thủ đắc lực của Hai Bà Trưng và được phong là Đông Nhung đại tướng quân. Sau khi lên ngôi, bà Trưng đã phong cho bà là Trinh Thục công chúa. Năm 42, khi Mã Viện cầm quân tiến đánh, bà đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh vào ngày 18 tháng 3. Hiện nay, đền thờ của bà đã được lập tại quê hương và tại Thái Bình. Bà đã được suy tôn thành một linh thần đất Việt. Ngoài hai đền thờ tại Phú Thọ và Thái Bình, tượng của bà còn được phối thờ tại các đền thờ Hai Bà Trưng, như ở Mê Linh. Ở Trung Quốc, tại tỉnh Quảng Đông cũng có đền thờ Bà (6)
Các tư liệu lịch sử và những truyền thuyết được lưu truyền về Bát Nạn tướng quân, người con gái họ Vũ, là một chứng tích thể hiện họ Vũ ở Việt Nam đã xuất hiện ngay từ thế kỷ 1, trước khi có ngài ‘thuỷ tổ’ Vũ Hồn.
Sự băn khoăn về thuỷ tổ họ Vũ càng lớn hơn và đã trở thành nỗi day dứt khi chúng tôi có thêm được một số cứ liệu khác qua các di tích đến nay vẫn còn hiện hữu ở Việt Trì, Phú Thọ. Nhân đây,  tôi  xin được cung cấp để các nhà nghiên cứu tham khảo.
Thứ nhất là đền thờ bà Vũ Thị Hiền tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì.
Thứ hai là miếu Thiên cổ thờ Vũ Thê Lang ở thôn Hương Lan, xã Trưng Vương thành phố Việt Trì.
Theo ngọc phả hiện còn được lưu giữ, Bà Vũ Thị Hiền là vợ của Đại Nại Cao Sơn Đại vương, một linh thần được thờ tại thôn Kim Quất Thượng, tổng Lân Thượng nay thuộc phường Tân Dân, thành phố Việt Trì. Đại Nại là em của Vua Hùng Vương thứ nhất. Bà Vũ Thị Hiền là người đã cho đào giếng Rùng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Khi biên soạn cuốn Linh thần Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo cũng đã kể đến Đại Nại Cao Sơn Đại vương trong từ điển. (5)
Sau khi các tư liệu về chữ cổ của của Việt Nam được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã tìm đến nhà ông Đỗ Văn Xuyền ở tại nhà số 2 ngõ 55 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. i đã được ông kể lại quá trình đi tìm chữ cổ và được ông tặng bài viết về hệ thống giáo dục thời Hùng Vương. Theo ông, ngay từ thời Hùng Vương, nước ta đã có một nền giáo dục phát triển toàn diện, với hệ thống trường lớp quy củ ở kinh đô Văn Lang. Tuy những nghiên cứu khảo cổ chưa tìm được chính xác nền giáo dục nước ta thời đó phát triển đến mức nào, nhưng có thể khẳng định từ thời Hùng Vương, người dân Đại Việt đã có truyền thống hiếu học và chúng ta đã có chữ viết riêng để phục vụ việc học. Và thú vị hơn, ông đã giới thiệu cho tôi 18 người thày dạy học thời kỳ này. Là một nhà giáo, tôi thấy đây là một tư liệu quý. Trong số các thày giáo đó, tôi đã chú ý tới thày Vũ Thê Lang. Trong một số lần đi công tác, tôi đã được anh Vũ Viết Thành đưa tới thăm miếu Thiên cổ, nơi thờ hai vợ chồng Thày Vũ Thê Lang cùng hai công chúa để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của người thày giáo họ Vũ này. Ngôi miếu cổ nằm tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương thành phố Việt trì. Trải qua bao cuộc bể dâu, ngày nay ngôi miếu cổ vẫn còn trên một quả đồi nhỏ, dưới tán hai cây táu cổ thụ đã hơn ngàn tuổi, một cây hoa vàng, một cây hoa bạc. Theo các cụ quản lý, trông coi trong miếu cho biết: từ ngân sách của địa phương và sự đóng góp của nhân dân, ngôi miếu hiện nay đã được trùng tu, xây dựng lại trên nền miếu cổ sau khi bị cháy .
Trong Thiên cổ miếu, hiện có treo bức hoành phi ghi Thiên cổ miếu và hai câu đối: "Hùng Lĩnh trung chi thắng tích. Nam thiên trích khí linh từ" bằng chữ Hán (dịch là: Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của nước Nam). Ngoài ra, trong ngôi miếu cổ này còn có những lư hương cổ bằng gốm có từ đời nhà Lý, nhà Lê...
Hình ảnh tượng Thày Vũ Thê Lang được thờ trong miếu Thiên cổ  
Sau đó, khi tìm hiểu thêm, tôi đã đọc được bài “Thiên cổ miếu và những chứng tích về nghề giáo thời Hùng Vương”.
Bài viết này đã cung cấp một số thông tin liên quan đến thân thế của thày giáo Vũ Thế Lang. Sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn: “Ngọc phả (hiện đang được lưu giữ trong miếu) được viết lần đầu vào năm Hồng Phúc thứ 2 (tức năm 1573), đời vua Lê Anh Tông, do Đông các Học sĩ Nguyễn Bính phục soạn, ghi chép lại nguồn gốc của ngôi miếu cổ này. Theo đó, người được thờ trong đền là thầy Vũ Thế Lang (quê ở Mộ Trạch - Hải Dương) và vợ là bà Nguyễn Thị Thục - là thầy giáo dạy hai công chúa Tiên DungNgọc Hoa.
 Trong cuốn ngọc phả bằng giấy dó đã cũ nát theo thời gian, có ghi: "Đời Hùng Duệ VươngVũ Thê Lang là con của Vũ Công, người Mộ Trạch, Hải Dương, do gia cảnh khốn khó mà lên kinh đô Văn Lang tìm kế sinh nhai. Do học rộng, hiểu nhiều, ông được vua Hùng thứ 18 tin tưởng gửi gắm dạy dỗ hai công chúa Tiên DungNgọc Hoa. Hai vợ chồng cùng chết vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Dậu, được chôn cùng một mộ và được dân làng Hương Lan lập đền thờ ".(4)
Năm Kỷ Dậu được xác định là năm 289 trước Công Nguyên (6). Người thày họ Vũ này đã gắn với hai vị công chúa mà tên tuổi của họ được lưu truyền gắn liền với tín ngưỡng dân gian Tứ bất tử của nước Nam. Tiên Dung sau kết hôn với Chử Đồng Tử và Ngọc Hoa kết hôn với Tản Viên Sơn Thánh.
Từ những tư liệu và chứng tích này, người nghiên cứu lại có thêm các minh chứng chứng tỏ họ Vũ ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm, trước cả thời Hai Bà Trưng, ngay từ đời Hùng Vương thứ 1, hàng nghìn năm trước Công Nguyên. Nước có nguồn, cây có cội. Tìm về cội nguồn là một trong những việc làm đáng quý của con người. Có thể có nhiều người trong họ Vũ hôm nay có gốc từ Cụ Vũ Hồn, nhưng coi đó là thuỷ tổ của họ Vũ ở Việt Nam thì e là một việc chưa thoả đáng. Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dòng họ Vũ đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của lịch sử dân tộc. Thời gian có thể phủ bụi và xoá nhoà đi nhiều thứ, nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật. Những đền thờ, những thần tích đã ghi dấu về sự hiện diện của dòng họ này. Đó là những cứ liệu không thể xem nhẹ và bỏ qua. Một dòng họ mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử văn hiến và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cần được các nhà nghiên cứu và các cháu con tìm hiểu một cách sâu sắc và thận trọng hơn.
Tài liệu tham khảo
1.      Lê Trung Hoa (2005), Họ và tên người Việt Nam,  Tái bản lần thứ 3, có sửa chữa, bổ sung. Khoa học xã hội, Hà Nội, 218tr.
3.      Đặng Phương Nghi, Xuất xứ họ Vũ Việt Nam. http://hovuvovietnam.com

TG: VŨ DƯƠNG THUÝ NGÀ

spacer

Giới thiệu gia phả họ Võ phái Nhì làng Phú Thái - Quế Sơn


LỜI GIỚI THIỆU

“Nước có sử, nhà có phả” là đạo lý của dân tộc có văn hiến.
Nhiều năm trăn trở, bác Lan đã hoàn thành được bộ gia phả cho phái Nhất. Bộ gia phả nầy có hình thức và phương thức  biên tập mới có nhiều ưu điểm để con cháu đời sau lãnh hội một cách rõ ràng về thân thế và sự nghiệp phái Nhất và phản ánh một phần tộc Võ của chúng ta tại làng Phú Thái.
       Đây cũng là ước ao của cả họ Võ và phái Nhì.
      Nay cơ duyên đến, anh em nhận được thông tin đã phát tâm vun bồi công đức, cúng tiến tài vật, công sức để thực hiện bộ gia phả của phái Nhì.
      Với bề dày hình thành dòng họ cùng sự phát triển lớn mạnh của con cháu bộ gia phả phái Nhì có nội dung nhiều hơn và chi tiết phong phú hơn. Do đó, ngoài việc tài trợ kinh phí của gia đình hậu duệ Võ Văn Trạm tại Hoa Kỳ, các hậu duệ tại quê nhà gồm có ông Võ Văn Toàn (đời XI) dự tri, ông Võ Văn Học, ông Võ Văn Vĩnh (đời XII), các ông Võ Thanh Tơ, Võ Thanh Hà, Võ Văn Hoa, Võ Văn Bền, Võ Văn Tào và Võ Văn Một (đời XIII) đã phải tích cực làm việc, cung cấp thông tin, đi điền dã  khảo sát, ghi hình nhiều ngôi mộ, đến từng nhà chụp hình ảnh thờ, ảnh cá nhân để tổng hợp sự kiện. Tại Sài Gòn có ông Võ Thôi trách nhiệm bổ sung các tình tiết hành trạng các ông bà đời trước hậu sanh chưa rõ. Tư vấn và biên soạn do chuyên viên gia phả của TTNC&THGP TPHCM trực thuộc Hội Khoa Học Lịch Sử đảm nhận.
        Gia phả dựa vào hai tư liệu: thứ nhất là bản Phó Ý cầu siêu soạn năm Nhâm Thân (1872), thứ hai là bản Tông đồ bằng vải lập năm 1995; được nghiên cứu và thực hiện trong thời gian là năm tháng. Bản thảo do hội đồng gia tộc họp bàn, chỉnh lý và thống nhất. Bản chính in thành sách khổ 20x30, bìa cứng chữ mạ vàng, số lượng 5 bộ (01 tại nhà thờ tộc, 02 tại nhà thờ phái I &II, 01 tại hải ngoại, 01 gửi lưu trữ tại Thư Viện KHTH TPHCM).
         Nội dung gồm có:
        -         Lời tựa
        -         Phả ký: Phần nầy tóm lược quá trình tạo nghiệp của Tổ tiên, Tiền hiền - Giới thiệu tổ quán làng Thổ Ngõa, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang - Giới thiệu ấp Phú Khương nơi dừng chân của người họ Võ đầu tiên - Ảnh hưởng của người họ Võ đối với quê quán và các họ và Tiểu sử Ngài Tổ họ Võ Việt Nam.
        -         Bản Phó Ý biên soạn năm Nhâm Thân (1872).
        -        Tông đồ họ Võ, gồm bản thứ nhất thể hiện từ Thủy tổ, đời thứ I là ngài Tiền hiền Võ Văn Nhân đến đời thứ VIII. Các bản thứ hai, ba, bốn và năm… hệ thống theo từng phái và từng đầu ông.
        -         Phả hệ phái Nhì: Đây là phần chi tiết của từng thành viên thuộc phái Nhì dòng họ Võ; có hành trạng, thân thế, sanh mất, mồ mả, các con và nơi sanh sống, hình ảnh liên quan. Sắp xếp theo từng chi; chi ngài Võ Đức Thắng trước tiên, đến ngài Đức Thuận, ngài Đức Hòa và sau cùng là ngài Võ Đức Du. Trong các chi sắp xếp theo thứ tự từng đời , anh trước em sau có ghi rõ con của ai.
         -       Phần phụ khảo: Giới thiệu các nhà thờ họ Võ làng Phú Thái, ý nghĩa các hoành phi - câu đối, bài viết của con cháu…, ngày kỵ giỗ của tộc - của gia đình.
Bản gia phả có độ dày 300 trang, kèm theo một đĩa VCD thể hiện đầy đủ một thiên gia sử họ Võ làng Phú Thái, biên soạn có khoa học, không có định kiến xã hội, chính trị, tôn giáo mà chỉ mang tính sâu đậm tình cảm huyết thống gia tộc, những tình tiết chỉ là hành trạng cần chia sẻ, không ảnh hưởng quan hệ dòng họ. Bố cục và hệ thống của gia phả dễ dàng cho việc bổ sung, nhưng phải nói thêm rằng, có một số vấn đề khó giải quyết trong bộ gia phả nầy, hậu sanh không am tường, có lẽ tiền nhân không quở trách. Theo Phó Ý thì có tên ông bà nhưng gia phả không biết phải đưa vào đâu vì phó ý chỉ thể hiện tên họ và đời không ghi việc sanh hạ. Tông đồ lập năm 1995 thì ghi sai đời của các ngài cao đời, phải chuyển đổi cho đúng đời nhưng hệ thì còn một vài sai trật, khó xác định.
           Các hậu duệ quan tâm đến dòng họ, xem gia phả để hiểu về dòng họ, tự hào truyền thống gia phong nhà ta. Đây là tư liệu của gia tộc và là tài liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội học và văn hóa dòng họ.

            Xin cám ơn Tổ tiên đã cho chúng con duyên lành để hoàn thành ao ước, để cốt nhục nhiều đời nối kết rõ ràng hơn và thâm tình huyết thống đậm đà, bền chắc. Nhà thờ họ tôn nghiêm, tráng lệ và gia phả minh bạch, trang trọng, mồ mả huy hoàng là phong thái sáng ngời của văn hóa dòng họ, nay họ Võ ta có đủ là niềm vui lớn của con cháu.
            Nhìn thiên hạ biết mình, con cháu họ Võ xưa nay luôn thấy đâu là trọng trách!

         Soạn giả và Nội tôn đời thứ XII, XIII
         
          Cẩn bút




Ảnh nhà thờ tộc năm 2012


spacer
do