Giới thiệu gia phả họ Võ phái Nhì làng Phú Thái - Quế Sơn


LỜI GIỚI THIỆU

“Nước có sử, nhà có phả” là đạo lý của dân tộc có văn hiến.
Nhiều năm trăn trở, bác Lan đã hoàn thành được bộ gia phả cho phái Nhất. Bộ gia phả nầy có hình thức và phương thức  biên tập mới có nhiều ưu điểm để con cháu đời sau lãnh hội một cách rõ ràng về thân thế và sự nghiệp phái Nhất và phản ánh một phần tộc Võ của chúng ta tại làng Phú Thái.
       Đây cũng là ước ao của cả họ Võ và phái Nhì.
      Nay cơ duyên đến, anh em nhận được thông tin đã phát tâm vun bồi công đức, cúng tiến tài vật, công sức để thực hiện bộ gia phả của phái Nhì.
      Với bề dày hình thành dòng họ cùng sự phát triển lớn mạnh của con cháu bộ gia phả phái Nhì có nội dung nhiều hơn và chi tiết phong phú hơn. Do đó, ngoài việc tài trợ kinh phí của gia đình hậu duệ Võ Văn Trạm tại Hoa Kỳ, các hậu duệ tại quê nhà gồm có ông Võ Văn Toàn (đời XI) dự tri, ông Võ Văn Học, ông Võ Văn Vĩnh (đời XII), các ông Võ Thanh Tơ, Võ Thanh Hà, Võ Văn Hoa, Võ Văn Bền, Võ Văn Tào và Võ Văn Một (đời XIII) đã phải tích cực làm việc, cung cấp thông tin, đi điền dã  khảo sát, ghi hình nhiều ngôi mộ, đến từng nhà chụp hình ảnh thờ, ảnh cá nhân để tổng hợp sự kiện. Tại Sài Gòn có ông Võ Thôi trách nhiệm bổ sung các tình tiết hành trạng các ông bà đời trước hậu sanh chưa rõ. Tư vấn và biên soạn do chuyên viên gia phả của TTNC&THGP TPHCM trực thuộc Hội Khoa Học Lịch Sử đảm nhận.
        Gia phả dựa vào hai tư liệu: thứ nhất là bản Phó Ý cầu siêu soạn năm Nhâm Thân (1872), thứ hai là bản Tông đồ bằng vải lập năm 1995; được nghiên cứu và thực hiện trong thời gian là năm tháng. Bản thảo do hội đồng gia tộc họp bàn, chỉnh lý và thống nhất. Bản chính in thành sách khổ 20x30, bìa cứng chữ mạ vàng, số lượng 5 bộ (01 tại nhà thờ tộc, 02 tại nhà thờ phái I &II, 01 tại hải ngoại, 01 gửi lưu trữ tại Thư Viện KHTH TPHCM).
         Nội dung gồm có:
        -         Lời tựa
        -         Phả ký: Phần nầy tóm lược quá trình tạo nghiệp của Tổ tiên, Tiền hiền - Giới thiệu tổ quán làng Thổ Ngõa, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang - Giới thiệu ấp Phú Khương nơi dừng chân của người họ Võ đầu tiên - Ảnh hưởng của người họ Võ đối với quê quán và các họ và Tiểu sử Ngài Tổ họ Võ Việt Nam.
        -         Bản Phó Ý biên soạn năm Nhâm Thân (1872).
        -        Tông đồ họ Võ, gồm bản thứ nhất thể hiện từ Thủy tổ, đời thứ I là ngài Tiền hiền Võ Văn Nhân đến đời thứ VIII. Các bản thứ hai, ba, bốn và năm… hệ thống theo từng phái và từng đầu ông.
        -         Phả hệ phái Nhì: Đây là phần chi tiết của từng thành viên thuộc phái Nhì dòng họ Võ; có hành trạng, thân thế, sanh mất, mồ mả, các con và nơi sanh sống, hình ảnh liên quan. Sắp xếp theo từng chi; chi ngài Võ Đức Thắng trước tiên, đến ngài Đức Thuận, ngài Đức Hòa và sau cùng là ngài Võ Đức Du. Trong các chi sắp xếp theo thứ tự từng đời , anh trước em sau có ghi rõ con của ai.
         -       Phần phụ khảo: Giới thiệu các nhà thờ họ Võ làng Phú Thái, ý nghĩa các hoành phi - câu đối, bài viết của con cháu…, ngày kỵ giỗ của tộc - của gia đình.
Bản gia phả có độ dày 300 trang, kèm theo một đĩa VCD thể hiện đầy đủ một thiên gia sử họ Võ làng Phú Thái, biên soạn có khoa học, không có định kiến xã hội, chính trị, tôn giáo mà chỉ mang tính sâu đậm tình cảm huyết thống gia tộc, những tình tiết chỉ là hành trạng cần chia sẻ, không ảnh hưởng quan hệ dòng họ. Bố cục và hệ thống của gia phả dễ dàng cho việc bổ sung, nhưng phải nói thêm rằng, có một số vấn đề khó giải quyết trong bộ gia phả nầy, hậu sanh không am tường, có lẽ tiền nhân không quở trách. Theo Phó Ý thì có tên ông bà nhưng gia phả không biết phải đưa vào đâu vì phó ý chỉ thể hiện tên họ và đời không ghi việc sanh hạ. Tông đồ lập năm 1995 thì ghi sai đời của các ngài cao đời, phải chuyển đổi cho đúng đời nhưng hệ thì còn một vài sai trật, khó xác định.
           Các hậu duệ quan tâm đến dòng họ, xem gia phả để hiểu về dòng họ, tự hào truyền thống gia phong nhà ta. Đây là tư liệu của gia tộc và là tài liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội học và văn hóa dòng họ.

            Xin cám ơn Tổ tiên đã cho chúng con duyên lành để hoàn thành ao ước, để cốt nhục nhiều đời nối kết rõ ràng hơn và thâm tình huyết thống đậm đà, bền chắc. Nhà thờ họ tôn nghiêm, tráng lệ và gia phả minh bạch, trang trọng, mồ mả huy hoàng là phong thái sáng ngời của văn hóa dòng họ, nay họ Võ ta có đủ là niềm vui lớn của con cháu.
            Nhìn thiên hạ biết mình, con cháu họ Võ xưa nay luôn thấy đâu là trọng trách!

         Soạn giả và Nội tôn đời thứ XII, XIII
         
          Cẩn bút




Ảnh nhà thờ tộc năm 2012



HÀNH TRÌNH

KHAI NGHIỆP ĐẤT PHÚ KHƯƠNG

Ngài Võ Chánh Đức người làng Thổ Ngõa, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, Nghệ An thừa tuyên; làng , xã nay đổi tên gì chưa biết, huyện Thiên Lộc nay là huyện Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tỉnh. Ông làm quan được phong tặng đến chức Tuyên Chế Binh Thư Vụ Trung Đô Cận Thần, khi mất có hiệu là Thượng Sĩ chi linh.

Bà Tuyên Chế Binh Thư phu nhân không rõ.
Ông bà sanh ba người con, cả là bà Võ Thị Thượng, thứ hai là ngài Võ Văn Nhân và người thứ ba là ngài Võ Chánh Trực.
Ngài Võ Văn Nhân làm quan được phong tặng đến chức Lê Triều trung Quân Đề Lãnh Thự Quốc Công nhưng ông cáo quan về trí sĩ. Các ông bà đều ở nguyên quán, riêng ngài Võ Văn Nhân đưa vợ con vào Quảng Nam khai nghiệp.
Khoản thập niên đầu thời Vua Lê Hy Tông (1675-1705), ông đến ấp Phú Khương, tổng Xuân Phú Trung, huyện Duy Xuyên, gặp địa thế tốt nên dừng chân, khai phá rừng tạo dựng điền viên, ruộng rẫy.
Ngày xưa, từ Nghệ An muốn đến Quảng Nam phải băng bộ vượt ngàn, qua ngọn đèo Ngang và đèo Hải Vân, không những thế, truông Nhà Hồ không cản trở nhưng còn sợ phá Tam Giang không dễ để người qua. Do đó đi được lại khó về, ngài Võ Văn Nhân đành lòng ở lại lo vun bồi cơ nghiệp. Phụ thân nơi quê nhà trăm tuổi đăng tiên, ngài nghĩ chữ hiếu chưa tròn, chữ ân khó báo, hơn nữa để đời sau còn nhớ cội nguồn, ngài lập phong phần (mả gió) và truy tặng là ông lớn họ Võ tức Võ đại lang, người đời thường gọi là mả Ngài truy tặng, tại xứ Lò Thổi – Giếng Bàu Làng.
 Khi ngài đến ấp Phú Khương thì đã có nhiều tộc họ khác đến trưng vùng lân cận, ấp Phú Khương chỉ là một vùng nhỏ bé nằm lọt giữa vòng bao của làng An Xuân và làng Phước Chỉ. Ngài khai phá xây dựng nên khu dân cư và các tộc khác đến cùng ngài khuyếch trương thành làng. Về sau thành làng Phú Thái, dân tôn ngài thành Tiền Hiền, các Tổ họ Cao, Tổ họ Lý, Tổ họ Nguyễn, Tổ họ Đặng và Tổ họ Trần là các Hậu Hiền. Dân làng Phú Thái cùng con cháu họ Võ sanh sống truyền nối trong cảnh an lạc, đình làng được xây dựng để tưởng nhớ Tiền Hiền khai khẩn, ghi ơn Hậu Hiền khai cơ, có sắc chỉ vua phong Bổn Cảnh Thần Hoàng sở tại lo hộ quốc tí dân, sức dân y cựu phụng thờ. Chiến tranh, thời thế xoay chuyển, đình xiêu mái đổ, sắc chỉ là vật quý chẳng ai màng, kẻ mang về gói thuốc lá người đem bồi quạt, tất cả nét văn hóa dân gian làng Phú Thái mất hết. Các Tiền hiền - Hậu hiền mỗi tộc được đưa về thờ tự riêng lẻ theo từng tộc.
Ngài tiền hiền họ Võ sanh hạ trai là các ngài Võ Kim Bảng làm Quản Cơ lính triều Lê, ngài Võ Viết Phú làm quan phong đến tước Hầu là Dực Nghĩa Hầu Đô Sứ và ngài Võ Đức Nhuận là con trai thứ ba tài liệu không ghi thân thế. Các ngài sau được tôn là đệ Nhị thế Tiền hiền. Ngài đệ Nhị thế Tiền hiền Võ Kim Bảng sanh hạ Ngài Võ Văn cảnh, Võ Văn Thanh, Võ Văn Long, Võ Công Ba; ngài đệ Nhị thế Tiền hiền Võ Viết Phú sanh hạ người con thứ nhất (nhất lang) là ngài Võ Công Đạt, người con thứ hai (nhị lang) là ngài Võ Văn Thông; còn ngài Võ Đức Nhuận không sanh hạ. Tất cả các ngài trong trong phó ý là Lục đại tổ. Những ngài hàng lục đại tổ sanh hạ 15 người con trai (các bà liệt kê riêng) gọi là Ngũ đại tổ, trong đó ngài Võ Công Đạt sanh hạ con trưởng là ngài Võ Viết Khương, con thứ hai là ngài Võ Viết Ninh và con trai thứ ba (quí lang) là ngài Võ Văn Minh; ngài Võ Văn Thông sanh hạ các ngài Đức Thắng, Đức Kế, Đức Năng, Đức Thuận, Đức Hòa và Đức Du; các ngài (chữ nghiêng) trong phú ý có 20 vị, gọi là Cao tổ. Đến đời Tằng tổ, con của các cao tổ cả tộc có 39 vị (xem phần giải trinh chương cuối).
Tổ tiên họ Võ sanh hạ con cháu đông nhất và đã truyền cho một phong cách, một nghĩa khí được người đời trọng nễ. Có nhiều ông sau một thời lận đận với luân hồi, tạo lập gia đình, sanh con làm quan, lại chọn cửa Phật cầu an nhàn, giải thoát. Tính đến nay có 15 đời, thời nào cũng có hào kiệt, có kẻ kề cận chốn quan trường. Khoa bảng đời trước có nhiều người lai kinh đăng khoa đắc Tú Tài, và cũng không ít người phận duyên chưa thành, mang văn thơ, chữ nghĩa về phụng sự hương thôn; thời nay lớp trẻ đã có bằng thạc sĩ, cử nhân, còn tú tài hầu như đều có. Giàu nghèo có số, chưa phải ai giỏi sẽ được giàu mà giàu được còn tùy nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đời nhà nông, cày sâu cuốc chín lấy mồ hôi đổi lấy ước mơ, giàu sang đầy gian nan trước mặt. Kẻ đi ra, vận thời không dễ kiếm, nếu có thì sẻ chia cũng trong chừng mực. Do đó, làng Phú Thái  nói chung, con cháu họ Võ nói riêng chưa mấy thay da đổi thịt, tuy nhiên nhìn thấy nhà họ Võ hiện nay, trước sân có hoa thường nở, nhà xây mái ngói, xe máy xuýt xoa làm đẹp là điều đáng mừng vui.  
Nước nhà can qua nhiều chinh chiến, giấc mơ hiển vinh của cháu con gặp phải thăng trầm. Cốt nhục phân ly ít có ngày hội tụ, kẻ mất người còn nỗi buồn chưa dứt nên việc điểm tô dòng giống khó thành. Rất may, dù phải lăn lộn với súng đạn ác nghiệt nhưng người họ Võ vẫn sống, chỉ có một ít, định mệnh an bày phải chết đi, thương tiếc vô cùng nhưng thời gian cũng sẽ rửa trôi hết dần thương tích.
Lân lý gần xa xưa nay đều gắn bó. Lật những trang gia phả họ Võ mới ngộ ra rằng từ tỉnh Lai Châu tận cùng phía Bắc, đến Huế và miền Nam, nơi nào cũng là quê ngoại dòng họ Võ. Các bà dâu từ nơi đó đủ các họ, thậm chí họ La, họ Thiều hiếm khi nghe cũng có trong họ Võ. Rễ họ Võ cũng từ Bắc chí Nam. Các họ hàng quanh ta rốt cuộc thành anh em kẻ ngoại người nội, xa hơn chút nữa cũng thành thông gia.
Nay, hơn 30 năm thái bình, đạn bom không còn rình rập, cơ hội để con cháu nhiều nơi quay về cội nguồn tìm hơi ấm tổ tiên, tìm bà con và huyết thống. Mồ mả Tiền hiền cùng ông bà cao đời được chỉnh trang đẹp cảnh ấm thân, khang trang sáng rực từ Lò Thổi đến Xứ Tràm, Rừng làng và Dương, Trũng. Nhà thờ phái I xây xong tại vườn ông Lắm, thì Từ đường họ Võ tráng lệ nguy nga, đồ sộ giữa Xóm Trong, nhà ông Võ Trạm được hiến làm nhà thờ phái II / chi II, anh em xóm ngoài xóm trong ngồi chung mừng rỡ, sanh khí nhà họ Võ bắt đầu vượng phát. Tổ tiên có áng điện ngự lâm, mộ có long chầu cho huyệt phát, phước ấm cũng sẽ từ đây chiêu thùy cùng con cháu.
Hy vọng xứ sở Phú Khương xưa và Phú Thái ngày nay vẫn mãi thấp thoáng hình ảnh một thời cốt cách công hầu.
Sài Gòn, ngày 10.12.2012
LÀNG PHÚ THÁI
NƠI NGƯỜI HỌ VÕ ĐẦU TIÊN DỪNG CHÂN
Sau sự kiện vua Chế Mân đem Châu Ô và Châu Lí làm sính lễ cầu hôn Công Chúa Trần Huyền Trân, đất Đại Việt mở thêm, Quảng Nam cũng đồng thời hiện diện chạy dài giáp đến Qui Nhơn. Ấp Phú Khương gần như hoang sơ thuộc địa phận tổng Xuân Phú Trung, huyện Duy Xuyên. Huyện Quế Sơn giai đoạn nầy chưa có, dần dần có làng Phú Thái thuộc tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Hoa sau là Thăng Bình. Đất Quế Sơn là một phần của huyện Duy Xuyên và một phần của huyện Lễ Dương, thời vua Minh Mạng, đến đời vua Thiệu Trị thứ I đổi như ngày nay.
Qua các thời kỳ, làng Phú Thái nhập chung với làng An Xuân, Phước Chỉ, Xuân Phước thành xã Phú Thọ. Sau năm 1975 đổi là xã Quế Mỹ, đến 1990 đổi Phú Thọ, xã duy nhất mang tên cũ tại Quế Sơn. Nếu con cháu về thăm quê hương, nguyên quán, nhà thờ, dòng họ, trên đường quốc lộ 1 nay gọi là Quốc lộ 1A phải dừng tại Hương An. Đường về Phú Thọ, Quế Sơn bắt đầu từ Hương An qua các địa danh Núi Quế, Quế Cường, đường xe lửa, Xuân Phước rẻ trái. Phú Thái hiện nay không còn lấy làm địa giới hành chánh, càng lâu hơn có lẽ gặp khó tìm hơn.
Làng Phú Thái vốn là của con cháu sáu họ Tiền hiền , Hậu hiền. Thời kỳ chống Pháp người miệt Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Xuân đến cư ngụ rất đông, lớp người tuổi trên 80 của các địa phương đó đều biết và có người thành dân của xã. Người dân ở đây, đạo của họ là đạo thờ ông bà và đạo Phật. Người theo chúa Nguyễn, vua Lê đánh đuổi Chiêm Thành, kẻ phò Tây Sơn bình định sơn hà; lớp sau làm Việt Minh đánh Pháp, theo Quốc Dân đảng ly khai đối đầu hai thế lực, theo chính phủ Sài Gòn chống Cộng Sản, theo Giải Phóng đánh Mỹ, giành chính quyền. Anh hùng, liệt sĩ, nghĩa tử, quan quyền đều có mỗi kẻ một phần. Tuy họ không cùng quan điểm nhưng tình nghĩa hương thôn, tối lửa tắt đèn họ vẫn đùm bọc chở che, họ vẫn giữ hiếu đạo hiền nhân muôn thuở như tổ tiên xưa cùng nương nhau, thương nhau giữa sơn lâm chướng khí, phá rẫy lập làng. 
Sau năm 1975 điều kiện sinh hoạt kinh tế không mấy thuận lợi nên dân chúng đi lập nghiệp nhiều nơi, nhất là lớp trẻ. Tại làng người già nhiều hơn người trẻ, họ ở lác đác dọc theo các con đường làng trải bê tông 4 mét - 2 mét. Tổng số chỉ chưa đầy 60 hộ, tổng số dân chưa tròn 200 nhân khẩu. Đất đai khoảng 30 ha, xưa kia trồng mía , trồng sắn ngày nay chỉ trồng rừng, cấy lúa, chăn nuôi. Thường ngày ít thấy người sang, nhưng họ sống thảnh thơi. Tụ điểm, trường học, quán xá … chưa tối đèn đường đã sáng, có lẽ đã xua đi rất xa thời Phú Thọ, Quế Mỹ núi rừng và tăm tối.
Nơi đâu rồi cũng sẽ phát triển, bỏ làng đi hết là nỗi xót xa, dẫu thế nào, ở đâu vẫn phải cám ơn người ở lại gìn giữ cái nơi ngài Tiền hiền tạo dựng cả đời biền biệt cố hương. Con cháu họ Võ Phú Thái lớn lên từ đây, nhận nơi đây làm nguyên quán, tình nghĩa ấy nhũ lòng đừng để phôi pha.
Sài Gòn, ngày 15.12.2012.





TÁC GIẢ: +TRẦN VĂN ĐƯỜNG
Mobiphone Viber: 0913 966 658

Share:
spacer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

do