Lưu truyền năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế, đặt quốc hiệu là “Đại Cồ Việt” và hai năm sau (970) lấy niên hiệu Thái Bình, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.
Năm chữ “Quốc hiệu Đại Cù Việt” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư bằng chữ Hán
Xem lại Đại Việt Sử Ký toàn thư nguyên bản bằng chữ Hán
thì quả thật quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng gồm ba chữ viết từ trên
xuống là “ (Đại cù/ cồ (?) Việt)”. Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia)
giải thích: “Đại” theo nghĩa chữ Hán là lớn, “Cồ ()” trong tiếng Việt cổ
cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép hai chữ cả Hán và Việt để khẳng
định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào.
Tra hầu hết các loại Hán - Việt từ điển hiện có đều
không thấy chữ “cồ” mà chỉ có chữ “cù ()” với 3 nghĩa là “nhìn lấm lét”,
“một loại binh khí cổ” và “họ Cù”. Riêng Từ điển Hán - Việt của Đào Duy
Anh (cũng như của Nguyễn Văn Khôn), không rõ căn cứ vào đâu(?), lại cho
chữ Hán này đọc là “cồ”, không có âm “cù”. Để chắc chắn, tôi tra Từ
nguyên, chữ này có hai âm phiên thiết: “kỳ cụ thiết, bình (thanh)” như
vậy âm một phải đọc là âm “cù”, hoặc “cửu ngộ thiết, khứ (thanh)” tức âm
hai phải đọc là “cố” (như họ Cố), không hề có âm “cồ”!
Thật ra sử sách cũ ngày nay chỉ còn Đại Việt Sử Ký toàn
thư gọi là văn bản gốc, nhưng đây cũng không phải là chữ viết gốc thời
Đinh Tiên Hoàng mà đã “tam sao thất bản” nhiều lần qua các bản chép tay
của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, sử thần triều Lê... Nhưng lần “thất bản”
lớn nhất, theo tôi, là chuyển từ bản chép tay sang khắc mộc bản để in
sách từ thời Lê Chính Hòa năm 1697.
Chúng ta đều biết rằng “cồ” là tiếng Việt cổ, như ta
nói “con gà cồ” có nghĩa là con gà to lớn và là một ngôn ngữ thuộc hệ
Nam Á, khác với tiếng Trung Quốc thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Còn chữ
Việt cổ có thể là “chữ khoa đẩu” hình nòng nọc hoặc “hỏa tự” hình đốm
lửa, khác hẳn với chữ Nôm thuộc hệ chữ Hán mới hình thành khi độc lập
sau cả ngàn năm Bắc thuộc. Cho nên khi ký âm chữ “cồ” bằng chữ Nôm cũng
không nằm ngoài “lục thư” tức sáu cách hình thành chữ Hán...
Tôi cho rằng hai
chữ “đại cù” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư chính là một chữ Nôm “cồ ”,
có cấu tạo hài thanh, gồm chữ “đại ()” nằm trên để mang ý nghĩa “to
lớn”, ghép với chữ “cù ()” nằm dưới để láy âm, biến thành âm “cồ”.
Một trang gia phả của tộc Đinh viết thời Khải Định (1916-1925) bằng chữ
Hán có phụ chú quốc ngữ, trong đó phiên âm quốc hiệu là “Đại Cù Việt”
Người xưa khi viết sử bằng chữ Hán, tất nhiên viết dọc
từ trên xuống từ phải sang trái và chép bằng tay thì chữ to nhỏ không
đều, riêng vẫn có thể thêm những danh từ riêng bằng chữ Nôm vào. Do vậy
chữ Nôm “cồ” rất dễ đọc nhầm thành “đại cù”. Khi người thợ đem bản chép
tay Đại Việt Sử Ký toàn thư đi khắc trên gỗ để in hàng loạt sách, thấy
chữ Nôm “cồ” quá lạ (còn chữ “Việt” thì chữ Nôm viết cũng như chữ Hán),
lại có thói quen đọc sử bằng chữ Hán nên cho rằng chắc là hai chữ Hán
“đại cù” mà viết quá gần nhau, rồi khắc tách ra thành hai chữ riêng biệt
như ngày nay ta thấy, nhưng thật ra chỉ là một chữ Nôm và đọc là “cồ”
mà thôi.
Rồi đến các nhà nghiên cứu sau này, khi đọc và dịch Đại
Việt Sử Ký toàn thư tất nhiên phải đọc là “Đại Cù Việt ()”, nhưng xét
chữ “cù” ở đây rất vô nghĩa(!), nên giải thích rất khiên cưỡng là đọc
“cồ” vì là chữ Nôm, “tiếng Việt cổ”.
Nước ta từng có quốc hiệu Vạn Xuân năm 544 nhưng Đinh
Tiên Hoàng dùng lại chữ “Việt” là tìm về cội nguồn Lạc Việt (tổ tiên của
dân tộc Việt chúng ta), lại thêm chữ “cồ” (tiếng Việt) để muốn giương
cao nước Cồ Việt là một nước rộng và có nền văn hóa “lớn” thuần Việt
(phi Hoa phi Ấn), thuộc một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của
nhân loại là văn hóa Đông Sơn (năm 700 TCN - 100) mà đỉnh cao là trống
đồng Đông Sơn - trống đồng Ngọc Lũ lan tỏa cả vùng Hoa Nam (Trung Quốc
ngày nay); vì theo Hán thư và Cựu Đường thư thì người Lạc Việt từng sinh
sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam và cả vùng sông Hán...
Những nguyên nhân trên làm tôi cho rằng đây là lần đầu
tiên trong lịch sử VN dựng nước, Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu dùng luôn
chữ Nôm để đặt quốc hiệu gồm hai tiếng thuần Việt/chữ Nôm là “CỒ VIÊT ”,
chứ không phải ba chữ Hán “Đại Cù/Cồ Việt ”! và chữ “cồ” ở đây là một
chữ hài thanh (đủ cả âm lẫn nghĩa), vì chọn quốc hiệu hay tên riêng thì
không thể dùng một chữ giả tá mượn âm nhưng vô nghĩa (đối với danh từ
riêng đó), như chữ “cù/cồ” được!
Chứng cứ rõ nhất là trong đền vua Đinh Tiên Hoàng lại
Hoa Lư, ở Bái đường có bức hoành Chính thống thủy (mở nền chính thống
của nước Cồ Việt) và hai câu đối:
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An
Tạm hiểu là:
Nước Cồ Việt cùng thời Khai Bảo (968-976) nước Tống,
Kinh đô Hoa Lư (của Cồ Việt) cũng tựa như Tràng An thời Hán vậy.
Cho thấy rõ ràng quốc hiệu cũng chỉ có hai chữ “Cồ
Việt”. Nếu là ba chữ “Đại Cồ Việt” thì tất nhiên câu đối dưới cũng phải
có tám chữ. Quốc hiệu là danh từ riêng, lẽ nào không thể viết đầy đủ ba
chữ mà phải viết hai chữ, và câu đối đâu bắt buộc phải chỉ viết bảy chữ!
Do giới hạn của trang báo, tôi chỉ nêu vấn đề chứ chưa
thể trình bày đầy đủ các vấn đề liên quan, rất mong được nghe thêm ý
kiến của các nhà sử học, ngôn ngữ học...