THẤU ĐỊA LỤC THẬP LONG QUYẾT ĐOÁN CÁT HUNG






  TRẦN VĂN ĐƯỜNG
  Biên dịch



THẤU ĐỊA
QUYẾT ĐOÁN
KIẾT HUNG







LỜI MỞ ĐẦU

Phong thủy là niềm tin trong cuộc sống của nhiều người để giải tỏa những lo âu do thị phi bàn bạc. Có thể không cần dùng hai từ phong thủy để xác định một quan cảnh sống hợp lý, hài hòa, thỏa mái; từ cách nhìn không vướng mắt, đến chỗ nằm chỗ ngồi an tâm đã là phong thủy trong cuộc sống.
Tuy nhiên chiều sâu của phong thủy được nhiều tiền bối gạn lọc, tích lũy lại thành sách vở cho đời là vấn đề cần giải mã đúng, ứng dụng có khoa học, tất nhiên sẽ tránh trước được những thiếu sót không đáng có. Mỗi tiền bối soạn một sách dựa trên cơ bản của âm dương dịch lý biến hóa qua 64 phép chập của tám quẻ  theo hậu thiên hoặc phối hợp âm dương trên tiên thiên bát quái để định kiết hung. Sở dĩ mỗi vị thầy dụng một sách vì nhìn nhận của thầy nằm trong tư duy có thể có phần bảo thủ của thầy. Điều quan trọng là kết hợp tại đâu cho khoa học, kiểm nghiệm thực tế từ đâu để kết luận nên làm hoặc nên tránh.
Lòng không yên cuộc sống sẽ chưa yên, do đó ta đi tìm nơi nương tựa mà cơ bản là điều người xưa đã xác nhận.

Thấu địa lục thập long quyết đoán cát hung là tài liệu viết bằng chữ Hán của Đài Loan, một phần trong một tác phẩm phong thủy ấn bản năm 1946. Đây là cơ bản của khoa phân châm lý khí, không thể thiếu nhưng chỉ một thấu địa lục thập long là thiếu để tìm cát sự. Hai yếu tố khác cần có để hội đủ trong phạm vi xác định âm phần không bao gồm hung niên, trạch nhật. Thứ nhất là định đúng la bàn khi mỗi năm địa từ trường đẩy lệch kim nam châm theo tuần dương, tuần âm có biên độ rộng đến 23 độ trong khi chỉ cần 5 độ là đã có thể rơi vào vị trí hung hướng, sát sơn. Thứ hai là kết hợp khoa loan đầu định cuộc, nếu lý khí đạt vị thủ tọa túc hướng tốt nhưng không thể để đầu xoay vào hướng thấp hoặc trực xung thủy xạ. Không ai là nhà nghiên cứu phong thủy cả, tất cả chỉ là người tìm tư liệu - tổng hợp - ứng dụng, hơn thua là vấn đề biết loại bỏ những thủ thuật đưa thiên hạ vào chốn mê hoặc và biết vận dụng những phát minh chuẩn xác hiện đại. Đừng vội đề cao mình là thầy giỏi, quan trọng là đủ sách để ứng dụng chưa chứ không phải lợi khẩu nói hay là giỏi, không rõ thì không nên làm đừng đổ hết phần họa phước vào phước chủ,

Mỗi vị trí, mỗi hướng tốt xấu chưa có thầy nào nhìn nỗi vũ trụ vận hành tạo ra ảnh hưởng ấy, nhưng tất cả như một bài toán (dịch lý) có lời giải sẵn, sự xung khắc hòa hợp dựa trên thể dụng của vũ trụ trước mắt ta. Tóm lại ta không cần biết số p do đâu và bao giờ là hữu hạn mà ta là người thừa hưởng, ứng dụng phong thủy cũng giống vậy.

Muốn sử dụng được Thấu địa lục thập long quyết đoán cát hung trước hết phải biết xem la bàn. Sở dĩ tôi giới thiệu đến thân hữu tập sách nầy vì có những khuôn khổ ngày nay đã khép việc chôn cất theo quy hoạch, việc của chúng ta là tìm tránh những xung phạm theo sách vở chứ không còn quyền định cuộc trong một quần thể nghĩa địa quy hoạch. Như vậy ta có thể chấp nhận với thực tế để chế lại trong phạm vi còn được phép.

Hy vọng tập sách nầy tuy ít nhưng góp phần lớn trong việc tạo phước cho nhiều nhà, giải tỏa được một phần lo âu khi người thân nằm xuống nơi lòng đất chờ được hóa thân.



Thành phố HCM, mùa thu năm Quý Tỵ (2013)
Trần Văn Đường
Tranvanduong.sg@gmail.com






spacer

VĂN HÓA DÒNG HỌ - DI SẢN KẾT NỐI HUYẾT THỐNG VÀ THÂN TÌNH MỌI NHÀ


             
               VĂN HÓA DÒNG HỌ
---
---
DI SẢN KẾT NỐI HUYẾT THỐNG VÀ THÂN TÌNH MỌI NHÀ
Trần Văn Đường, chuyên viên gia phả TTNCTHGP - Viện LSDH Tp HCM

Cụm từ Văn Hóa Dòng Họ được khai sinh vào thập niên đầu của thế kỷ 21, rất đơn giản nhưng khi phân tích mới thấy rất sâu sắc đối với các dòng họ Việt Nam.
Văn hóa dòng họ Việt Nam hay văn hóa của các họ người Việt Nam là sợi dây ràng buộc huyết thống nhiều đời, nhiều thế kỷ của người Việt Nam, là con đường dẫn dắt từng thành viên bước ra từ gia đình để đến với gia tộc, với đại gia tộc, với đồng tông, với các quan hệ các tộc họ và cuối cùng là quốc tổ được gói gọn trong hai tiếng đồng bào. Việt Nam là một trong số rất ít của các nước Châu Á có nét văn hóa sâu đậm tính nhân văn, gắn liền với đạo đức truyền thống giống nòi, luôn quý trọng những gía trị riêng tư thuộc về dòng họ và tổ tiên đã giữ gìn cẩn trọng như sợ dòng máu họ sẽ bị loãng đi làm cho con cháu xa lìa nguồn cội tổ tông.
Nét văn hóa dòng họ đó đang hiện diện ở đâu?
Trước tiên là con người mang phong thái, thể diện của nhân tố từ cốt cách gia phong của mỗi gia đình đang chịu ảnh hưởng những ước lệ và giá trị đạo đức truyền thống của họ tộc. Ai cũng có tình cảm và tập quán của gia đình, họ khó có thể chối bỏ gia đình để chấp nhận một sự thật xấu hơn để giẫm lên đau thương của gia đình và không thể quên niềm tự hào gia đình, gia tộc. Gia đình đã tạo ra con người mang văn hóa gia đình thì chính dòng họ tạo ra gia đình có văn hóa dòng họ, ngược lại con người văn hóa làm nên vẻ vang của gia đình và dòng họ tạo sự ảnh hưởng sâu đậm nét văn hóa cho nhiều dòng họ. Mọi gia đình, mọi gia tộc đều có sự vinh quang để tự hào dẫu tộc họ, họ lớn hay nhỏ, gia đình giàu hay nghèo vẫn gắn liền với lịch sử nên phải thăng trầm, chuyển đổi, có thể không giống nhau trên phương diện bề dày thời gian trú ngụ, chưa đủ lực để phô trương nhưng chiều sâu văn hóa đã rất phong phú.
Họ nội, họ ngoại là những cánh cửa để đến tiếp nhận giá trị chân thực tình cảm của một nửa dòng máu cha và một nửa còn là dòng máu mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triễn trong họ nội nên mỗi dòng họ có một hoạch định riêng giữ gìn nền nếp của họ.
Làm người sợ nhất là làm ô nhục gia đình, tổ tông; đó chính là tình cảm tìm ẩn trong tình yêu gia tộc, là động lực phát sinh ra nhiều hình thức làm đẹp dòng họ. Mọi người hãy dành vài phút đánh thức tiềm thức mình, chắc chắn văn hóa dòng họ sẽ hiện diện với mình như một trang nghĩa tình có sẵn.
Xa hơn nữa trên phạm vi cả nước, sự kết nối với đồng tông, mọi người đều thầm hiểu ra rằng ta có chung một cội nguồn nguyên thủy, mọi người đều cảm nhận trong máu họ có nhiều ít giống nhau về huyết khí nguyên sinh để gần lại với nhau, cùng tìm ra một lịch sử để tự hào, cùng tìm ra một chặng đau thương để xót xa. Lấy ví dụ, người họ Trần luôn tự hào và cảm nhận dòng máu Đông A mang theo hào khí đang chảy trong họ dù rất nhiều đời vẫn không khô cạn và các dòng họ khác cũng có điều vinh quang để hãnh diện về tổ tiên mình. Sự lan tỏa không còn giới hạn trong dòng họ, trong đồng tông mà đã đan xen tình dân tộc, hướng về với Vua Hùng, với giòng giống Lạc Hồng, với tổ quốc Việt Nam để cùng tự hào dân tộc 4000 ngàn năm văn hiến, cùng đau nỗi đau 100 năm đô hộ giặc Tây, cùng hờn căm 1000 năm Bắc thuộc. Sự hình thành đó, tinh thần đó chỉ có bắt đầu trong văn hóa dòng họ Việt Nam.
Một chuỗi kết nối từ gia đình, họ tộc đến dân tộc và đất nước được vun bồi, muốn duy trì sự kết nối ngàn đời cho huyết thống không mờ nhạt, cho thân tình không mai một, nghĩa đồng bào không cạn kiệt cần phải phát huy và bảo tồn các hình thái di sản văn hóa dòng họ.
Đó chính là đạo lý sống của con người mà then chốt là kỷ cương gia đình và dòng họ, phải được luật pháp của nhà nước bảo hộ. Bất kỳ ai cũng phải hiểu biết quyền thừa hưởng giá trị đạo lý gia đình và phải có bổn phận thực hiện những việc tạo ra sản phẩm đạo lý gia đình, dòng họ.
Không ai dám phủ nhận tình yêu của kẻ sanh thành đã đặt để trên họ, không ai chối bỏ mầm sống đang mang theo hạt giống tâm hồn của chính họ do cha mẹ và tổ tiên ban tặng, dù họ có theo một đạo giáo nào ngoại trừ kẻ mất nhân phẩm. Cha mẹ sanh ra con và nuôi dưỡng không kỳ hẹn thời gian và không gian, không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu cha mẹ dành cho con. Tình yêu ấy trải dài đến thế hệ kế tiếp là cháu, bao nhiêu đánh đổi trong cả một đời, khoảng cách cuối cùng cũng chỉ cho con, cháu, chắc, chít; họ đang tiếp nối nhau hoàn thành sứ mệnh trồng người cho một dòng họ.
Gia tài vật chất của tổ tiên không đủ để trang trải một cách đồng đều trên mọi con cháu nhưng gia tài tình yêu của tổ tiên thì bao la đang là bóng che cho tất cả. Kẻ sanh thành không tham vọng người kế thừa phụng sự gì cho họ mà chỉ duy nhất một ước mơ là kẻ được họ sanh ra xứng đáng làm người, con người đủ nhân nghĩa, trí tuệ và đức độ. Chúng ta không thể quên đi công ơn, không thể không quý mến và không thể không trân trọng một tình thương đang thầm lặng trong trái tim người Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam từ lâu hình thành một di sản văn hóa dòng họ.
Với tình thương, với niềm tin, với mong đợi của tổ tiên ta nghĩ gì, trách nhiệm mỗi người cần tìm lại những gì, tìm nơi đâu và báo đáp như thế nào? Chúng ta nên bước theo dấu vinh quang tổ tiên từng bước, chúng ta hãy vun bồi đạo lý, tình thương, tinh thần dân tộc từ trong dòng họ cho lớp lớp hậu sanh được kế thừa. Lễ nghi, di chỉ, văn tự, di tích hiện hữu được bảo tồn và đang phục dựng là nền tảng phát triển chúng ta cần bàn dưới đây.
1/ Không gian thờ tại gia đình:
Mọi gia đình Việt Nam đều bày trí thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân đã từ trần trong nhà. Mục đích để tỏ bày lòng kính yêu và nhớ thương người thân của gia đình, nhưng sự bày ra không chỉ trong suy nghĩ đó mà tổ tiên đã muốn con cháu họ thấy rằng họ đang hiện diện ở đó để từng thế hệ có mối quan hệ huyết thống cùng về sum họp trong những ngày giỗ chạp, những ngày lễ truyền thống dân tộc. Không gian thờ tự, linh vị, di ảnh đã hiện thực hóa một đại gia đình có đủ ông bà, cha mẹ, anh em, đánh thức tình cảm thiêng liêng mỗi con người, làm gần lại trong hai tiếng cốt nhục tình thâm.
2/ Nhà thờ tộc- Nhà thờ đại tộc:
Sau bốn đời tổ, đời tổ thứ năm được quy tụ thờ tại nhà thờ tộc như câu nói dân gian "ngũ đại mai thần chủ", thờ các tổ từ đời thứ năm trở về trước cho đến vị đầu phái hoặc vị tổ của tộc được bày trí theo một cung cách khác hơn gia đình. Bởi lẽ, kinh phí hương hỏa đến đó không còn đủ để tạo ra cơ hội cho con cháu tụ tập tại gia đình mà hiệp kỵ tòng theo ngày húy kỵ của vị tổ tộc. Như vậy, sau gia đình là nhà thờ tộc vẫn là nơi để con cháu sum họp, sợi dây kết nối dài hơn để trói buộc nhiều thế hệ trong những ngày giỗ tộc.
Tổ tiên không chờ đợi cháu con về dâng lễ phẩm, cúng tế thỉnh rước long trọng tại ngôi từ đường trong những dịp lễ mà đó là nghi thức mang tính tâm linh con cháu cần thực hiện để không quên mình là con cháu. Trong khung cảnh trang nghiêm khói hương lan tỏa ca ngợi linh thiêng tổ tông, gia thế dòng họ; các hoành phi câu đối thâm sâu ý tứ chuyển tải cả lịch sử dòng họ mình là lúc cháu con nội ngoại đang lắng nghe và đang tìm kiếm sự gần gũi với tổ tiên với anh em, để cùng vinh danh mình, biết rỏ hơn về mình.
Do phát triễn số người, số hộ trong họ, quá đông hội đồng gia tộc chia thành chi tộc, nhà thờ cựu vẫn giữ và trở thành nhà thờ đại tộc. Nơi đây phụng thờ vị sơ tổ của dòng họ và các đời kế tiếp đến vị tổ của các chi họ, thờ phụng tại nhà thờ tộc. Ngày giỗ ở đây sẽ quy tụ cháu con toàn tộc, bao gồm các chi họ, ý nghĩa và tinh thần ngày hội giống giỗ tộc, lễ nghi không khác nhưng có thể hằng năm hoặc ba năm tổ chức một lần. Sự kết nối lớn hơn, sự chia sẻ có tầm ảnh hưởng sâu xa hơn. Dưới bóng tổ tiên, họ có cơ hội tỏ bày tình cảm bằng nhiều cách nãy sinh những chương trình tương tế, khuyến học, học bỗng ... xây dựng phát xuất từ yếu tố văn hóa.
3/ Lăng mộ:
 Lăng mộ, nơi gửi hình hài người quá cố, ở đây là người thân của gia đình họ hàng, chút thương ngày trước chắc chắn phải còn vương vấn quanh đây. Sống nhà thác mồ, người qua đời cũng muốn ấm thân, tất nhiên phận làm con cháu phải biết nhìn xung quanh. Ngày thanh minh tảo mộ một nén hương nhớ người nằm đó, khói bay quấn quýt  không khỏi luyến thương bên lòng người đang sống. Cha nặng lòng, con cảm mến, anh em cả họ đồng nghĩ suy tự nơi đó gắn nhau huyết thống, gần đó bao người cũng cảm thông là văn hóa. Con cháu ngồi bàn xây mộ tổ, gia đình chung cùng sửa mộ mẹ cha, cả nghĩa địa như phố phường nho nhỏ không phải là hoang phí mà chính là văn hóa của dân ta để quê hương là một phần xương thịt người thân.
4/ Gia phả:
Bằng chứng đích thực nhất của mối dây thế thứ ràng buộc gia tộc và quan hệ tình thân từ nhiều họ ngoại là gia phả. Gia phả đã mở cho chúng ta đường về quá khứ tìm dấu vết tổ tiên đi qua thời gian, từng chặng gian nan lúc huy hoàng và cả ân tình nghĩa trọng đều được ghi trên đó. Chúng ta không có gia phả là chúng ta đang lạc loài, không có tổ tông, không đối chứng được khi tìm gốc tích. 
Nước có sử nhà có phả, vạn vật hồ thiên nhân sanh hồ tổ, chúng ta đừng quên điều đó, đừng mong đợi tìm ra dòng máu trong họ đạo hay hộ tịch chính quyền.
4/ Đình làng:
Sở dĩ đề cập đình làng khi bàn về văn hóa dòng họ vì chúng ta phải hiểu đình làng đúng nghĩa đã thờ ai. Đầu tiên đình là nơi dừng chân của mỗi địa phương, kế đến dùng làm cơ quan của hội tề làng, sau cùng thờ Bổn Cảnh Thần Hoàng sắc phong "Lệnh cho Thần Hoàng bổn cảnh hộ quốc tí dân, dân có bổn phận thờ tự", cách đối đầu với Pháp để giữ đất của vua Tự Đức (nơi nào có sắc vua nơi ấy dân của triều đình). Nhưng đó là nơi thờ Tiền Hiền, những tổ tiên của các họ đầu tiên đến phá cỏ cây lập làng. Ngôi nhà chung của các họ, chỗ chư tộc cùng sum họp hội hè, họ đã ngồi chung với nhau như tổ tiên họ ngồi trên hương áng, tình quê tình làng nghĩa xóm có được từ đây bắt nguồn trên văn hóa dòng họ.
5/ Ban Liên Lạc dòng họ - Nhà thờ đồng tông:
Ban liên lạc dòng họ, huyện, tỉnh, vùng và nước Việt Nam được hình thành dựa trên tinh thần văn hóa dòng họ nhằm gìn giữ đạo đức, phát huy các phong trào lợi ích vì dòng họ. Mỗi họ đã chọn một lịch sử, một Tiền bối họ mình có sự nghiệp vẻ vang nhất để làm tổ họ cả nước, để cuối cùng kết nối với Vua Hùng tổ của trăm họ.
6/ Trung Tâm UNESCO Văn Hóa Dòng Họ Việt Nam:
Quan niệm khác biệt của văn hóa phương Tây, ông bà cha mẹ nuôi con là trách nhiệm, quan hệ gia đình rời rạc, xã hội chi phối hầu như không cần huyết thống, vợ lấy cồng lấy theo họ chông thậm chí chọn họ một cách tự do. Bởi vậy Liên Hiệp các Hội UNESCO không ngần ngại thâm nhập văn hóa dòng họ Việt Nam thông qua tổ chức UNESCO thế giới. Mục đích tìm hiểu và nhân rộng nét phong phú cho nhân loại, nhằm giáo dục cho xã hội có một đức tính cao đẹp. Đúng vậy, TT UNESCO nghiên cứu văn hóa dòng họ Việt nam đã có quan hệ hầu hết các tộc họ, họ đã thừa nhận dòng họ Việt Nam mới sâu sắc, mới thật sự thân thiện và tìm phương hướng chia sẻ kinh nghiệm đến mọi nơi.    
Để khẳng định sức mạnh văn hóa dòng họ của con người trong xã hội Việt Nam, qua thời gian đã có những vấn đề cho chúng ta nhìn nhận.
- Thiên Chúa giáo truyền bá vào Việt Nam, giáo lý dạy không thờ lạy thánh thần ma quỷ, hơn 200 năm, giáo dân quay lưng với việc thờ cúng tổ tiên, tách rời văn hóa dòng họ, họ đã cô đơn lạc loài giữa cộng đồng dân tộc. Cuối cùng các cha xứ đã nhìn nhận được sai trật tìm cách đưa giáo dân về lại bản sắc xưa, lập lại bàn thờ tổ tiên, về lại các từ đường dâng hương cùng dòng họ, nhận lại tình yêu thiết thực từ tổ tiên.
- Sau một thời gian dài lặng im gần như cấm đoán dưới thời bao cấp, ngày giỗ của gia đình đơn sơ hóa trong sự khó khăn do quản lí của nhà nước, ngày giỗ tộc, ngày chạp mả không còn, nhà thờ tộc hoang vắng. Một thực tế của suy sụp văn hóa dòng họ dẫn đến hệ lụy người cùng huyết thống, cháu con nội ngoại thành người dưng, thêm vào đó ba đời trực hệ được lấy nhau đã xô đẩy xã hội vào bờ vực loạn luân, xa lìa thuần phong mỹ tục.
Khi nhà nước bắt đầu công nhận những di tích lịch sử ở nhiều nơi, nhiều cấp vào thập niên cuối cùng thế kỷ 20, tín hiệu văn hóa dòng họ được khôi phục, mọi người thấy rằng không thể xóa bỏ dù ở trường hợp nào. Văn hóa dòng họ vẫn mãi là sợi dây không thể vứt bỏ, được trải ra từ nhiều đời tổ tiên để mọi nhà, mọi người vin vào đi theo gìn giữ giống nòi, không để lạc mất nhau, không từ bỏ cội nguồn và tình thân cả dân tộc cũng được tô bồi.

Ngày 10 / 7 / 2018 
tại OREGO USA.







spacer

Hoang tàn mộ phần phi tần bạc mệnh



Từng là phi tần của vua Thành Thái nhưng một người con của làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị) là bà Dương Thị Ngọt đã chết một cách đầy bí ẩn. Ngày nay, ngôi mộ của bà vẫn còn đó, nhưng hoang phế đến mức tội nghiệp như chính cuộc đời của giai nhân này…







Cái chết bí ẩn
Đến tận bây giờ, đi dọc dòng Ô Lâu hỏi ai là người phụ nữ tài sắc bậc nhất của vùng quê kiểng này, hẳn người am tường vẫn còn nhắc tên bà Dương Thị Ngọt. Bà được ví như sinh ra từ dòng nước sông mát lành.
Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, người từng giữ đến chức Bố Chính tỉnh Khánh Hòa (quan trông coi tài chính cho tỉnh). Sử xưa kể lại rằng trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu là Dương Thị Ngọt theo cùng.
Càng lớn lên, Dương Thị Ngọt càng xinh đẹp. Chính vì thế, bà nhanh chóng lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái. Bà Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, bậc chín, được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo. Bà sinh được một hoàng nam nhưng bị đau chết, khi mới một tuổi.

 
Mộ bà phi tần Dương Thị Ngọt nằm giữa bãi đất trống sau làng Hội Kỳ


Cái chết của phi tần Dương Thị Ngọt gắn liền với những giai thoại bí ẩn. Chuyện rằng, khi đã là người của vua, bà Ngọt được sủng ái muôn phần, nên bị các bà phi khác đố kỵ. Có tích rằng, những người này đã lừa cắt của bà Ngọt một nắm tóc (điều cấm kỵ đối với phi tần thời phong kiến) rồi mật báo cho vua Thành Thái. Vua nổi giận lôi đình nên đưa bà Ngọt ra xử chém.
Nhưng cũng có một tích khác do ông Dương Quang Diêu (sống ở làng Hội Kỳ, cháu họ của bà Ngọt đời thứ 3) kể thì có vẻ như bà Ngọt chết chỉ bởi… một câu nói. Chuyện rằng, vua Thành Thái thường cắt tóc ngắn, dạo đó sau khi cắt tóc, vua đi hỏi các bà phi xem có đẹp không. Trong khi các bà đều ve vuốt, khen đẹp thì bà Ngọt lại nói trớ ra rằng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Chỉ vì câu nói này, bà Ngọt phạm tội khi quân, đã bị nấu trong vạc dầu đến chết. Tuy nhiên, cũng có người phản đối tích này vì cho rằng triều Nguyễn ngày xưa không sử dụng hình thức vạc dầu để xử tử.
Dù ra lệnh xử tử bà Ngọt nhưng cũng chính vua Thành Thái lại tổ chức hậu sự cho ái phi của mình hết sức trọng thị, đúng lễ nghi. Theo lời kể đầy tự hào của ông Diêu thì quan tài bà Ngọt được đưa từ kinh thành Huế về làng Hội Kỳ bằng đường sông, trên thuyền rồng. Khi lên bờ, các phu phen gánh quan tài đi đến đâu thì rải chiếu hoa đến đấy. Sau khi an táng, nhà vua còn cử 4 từ phu coi lăng và cấp ruộng đất cho những người này như cách để trả công.

Cái chết của phi tần Dương Thị Ngọt gắn liền với những giai thoại bí ẩn


Cho đến hiện nay, nhiều người vẫn coi câu chuyện của bà Ngọt là “tình sử Ô Lâu”. Còn theo nhà báo Nguyễn Hoàn, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (người từng có chuyến điền giả để lần theo dấu vết cuộc tình này) thì còn nhiều hoài nghi trong các chết của bà Ngọt.
“Nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của bà Ngọt có liên quan sâu xa gì đến tâm sự u uất của vua Thành Thái không? Ông vua yêu nước Thành Thái đã từng giả điên để che giấu mưu đồ chống Pháp (bởi thế mà ông từng được mệnh danh là “vua điên”). Quyền hành nhà vua bị thực dân Pháp thu hẹp dần, mọi cải cách nhà vua đưa ra đều bị cản trở. Cả đến những cử chỉ “duy tân” của nhà vua như tự lái xe hơi, lái xuồng máy, cắt tóc ngắn... cũng bị khâm sứ Pháp và bọn bồi Tây dò xét, nghi ngại. Thậm chí, chúng còn phao tin nhà vua điên thật để kiếm cớ truất phế. Vậy cái chết của bà Ngọt có liên quan gì đến chuyện “giả điên” của vua Thành Thái không, có liên quan gì đến một khúc quanh của lịch sử không?”, ông Hoàn đặt vấn đề.
 
Xót xa bên mộ người xưa
Một ngày giữa tháng giêng năm Mậu Tuất 2018, men theo con đường mòn dẫn ra một khoảng đất trống hoang vắng phía sau làng Hội Kỳ, chúng tôi đến được khu vực mộ của bà Dương Thị Ngọt. Qua thời gian, ngôi mộ vợ vua Thành Thái đã xuống cấp nghiêm trọng, làm cho những ai chứng kiến đều không khỏi xót xa.

 
Bên trong khu vực mộ của bà Dương Thị Ngọt
Dẫu rằng, qua những gì còn sót lại có thể thấy so với ngày trước, đây là một lăng mộ bề thế, lại được đặt ở vùng thôn quê như Hội Kỳ thì hẳn không thể có cái nào lớn hơn vào thời kỳ đó. Lăng được xây tường gạch bao quanh, có cổng vòm, diện tích bên trong chừng 20 m2, phía chính giữa là ngôi mộ bà Ngọt cùng bia đá. Hiện nay, hầu như các hạng mục của khu vực mộ bị xuống cấp nặng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Chúng tôi phải lấy khăn chùi lớp bụi trên bia đá mới thấy được những Hán tự khắc bên trên: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”.Tạm dịch: “Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thụy là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13”.


 Được biết, trước đây gia đình bà Dương Thị Ngọt có lưu giữ một tờ sắc phong cổ nhưng sau đó có nhà báo đến tìm hiểu, mượn tờ sắc phong cổ đó nhưng không trả lại nên giờ thất lạc đâu không rõ.




    

 
spacer

Tuần phủ Lê Trung Ngọc với việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

1.Lê Trung Ngọc là quan Tuần phủ tỉnh Phú Thọ (từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921).
Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1867 (tức ngày 23 tháng 9 năm Đinh Mão), trong một gia đình nho học; quê ở làng Liên Thành (xưa là ấp Tân Quảng), tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).

Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 – 1928).(Ảnh do cháu nội cụ cung cấp năm 2009)
– Năm 1883, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông ra đất Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn.
– Tháng 1 năm 1903: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Ninh.
– Tháng 7 năm 1903: Làm Thương tá tỉnh Vĩnh Yên.
– Tháng 3 năm 1908: Làm Án sát tỉnh Vĩnh Yên; sau đổi làm Án Sát tỉnh
Phúc Yên.
– Tháng 6 năm 1909: Làm Án Sát tỉnh Sơn Tây.
– Tháng 2 năm 1912: Làm Tuần phủ tỉnh Sơn Tây.
– Tháng 4 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Giang.
– Tháng 12 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Quảng Yên.
– Tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921: Làm Tuần phủ tỉnh Phú Thọ.
– Tháng 2 năm 1921: Làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương.
– Tháng 1 năm 1924: Làm Tổng đốc tòa Thượng thẩm, Hà Nội.
– Tháng 7 năm 1927: Nghỉ hưu tại Hà Nội.
– Ngày 8 tháng 6 năm 1928 (tức ngày 21 tháng 4 năm Mậu Thìn): ông mất tại Hà Nội; hưởng thọ 62 tuổi.
Tuần phủ Lê Trung Ngọc còn là một trong những người sáng lập ra Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội (hiện còn bia khắc tên tại 79 phố Hàng Trống – Hà Nội).
Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương như: Kỷ niệm chương Bắc kỳ năm 1888; Huân chương Hiệp sỹ con rồng An Nam năm 1890; Huy chương bạc hạng nhất năm 1891; Huy chương vàng 1892; Hồng Lô tự thiếu khanh năm 1896; Kim Thánh năm 1898; Huân chương Viện hàn lâm năm 1904; Huân chương quốc gia Vương quốc Căm Pu Chia năm 1913…
2.Trong những năm làm Tuần phủ Phú Thọ (1915 – 1921) Lê Trung Ngọc đã dành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ông sống gần dân và đặc biệt quan tâm tới dân. Ông nhận thấy tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Lăng miếu thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương, hàng năm nhân dân cả nước nô nức tìm đến lễ bái; họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 Âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu. Như vậy thời gian lễ bái duy trì kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.
Đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế / quốc lễ – Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.
Bia “ Hùng miếu điển lệ bi ” được Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và  dựng tại đền Thượng – KDT Đền Hùng mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (năm 1923), đã ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng này (Hiện bia được bảo tồn tại đền Thượng trong KDT lịch sử Đền Hùng).
3.Tên tuổi quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc kể từ đó được sử sách ghi chép với tư cách ông là tác giả của việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Tuần phủ Lê Trung Ngọc luôn được người đời tôn trọng vì ông là ông quan gần dân, thương dân, cảm thông với nỗi khổ của người nông dân; đồng thời ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ, có ý thức tiết kiệm ngân khố của dân, của nước.
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ, mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm ”.

Năm 2017, kỉ niệm 100 năm sự kiện lịch sử định lệ chính thức Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Tổ chức nghi lễ cấp quốc gia), ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các Vua Hùng, có sự tham gia góp giỗ trực tiếp của Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thái Bình, Bình Phước, Bến Tre.

Với ý thức hướng về cội nguồn dân tộc , bài viết này nhằm cung cấp tư liệu lịch sử và giới thiệu xuất sứ của việc định lệ quốc lễ ngày GTHV; đồng thời cũng cung cấp thông tin về sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp của quan Tuần phủ Phú Thọ (1915 – 1921) Lê Trung Ngọc là người có công đầu trong việc chính thức định lệ ngày quốc lễ trọng thể này./. 
Phạm Bá Khiêm – Chủ tịch Hội VNDG tỉnh Phú Thọ
Theo baotanglichsu.vn
spacer

Về các loại dấu triện kim bảo trên sắc phong thần 1428- 1945

Trong nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, đền, miếu thờ ở nước ta còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong thần do các triều vua Lê, Mạc, Tây Sơn  và Nguyễn ban cấp.. Trải qua thời gian mấy trăm năm, mặc dù được bảo quản trong hộp gỗ nhưng tới nay một số đạo sắc phong đã bị sờn, rách, chuyển màu vàng nhạt hay hồng nhạt. Đây là những cổ vật bằng chất liệu giấy hiếm quý. Tình trạng các đạo sắc phong này rất cần thiết phải bảo quản theo phương pháp khoa học để bảo tồn lâu dài.

Về kích thước, các đạo sắc phong đều có hình chữ nhật, phổ biến có chiều dài trong khoàng 119cm đến 140cm và rộng từ 44cm đến 53cm. Đặc biệt, sắc phong đời Cảnh Hưng hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia có chiều dài 195cm, rộng 60cm.
Loại giấy dùng làm sắc là giấy dó có độ dai và dày, thường gọi là giấy Nghè vì làm tại làng Nghè, làng Nghĩa Đô huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là loại giấy đặc biệt chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng . Trên mặt trước của mỗi đạo sắc thường có diềm vẽ nền gấm chữ Vạn, bên trong diềm vẽ trang trí hình Rồng, mây và chữ Thọ. Nội dung của đạo sắc là bài minh chữ Hán viết tay nên tự dạng khá phong phú. Mỗi bài minh đều có cấu trúc khá giống nhau, đọc từ phải sang trái. Dòng cuối cùng ghi niên hiệu của triều vua và ngày tháng ban cấp đạo sắc. Trên dòng chữ này có đóng một dấu Kim bảo màu son đỏ với 4 chữ Hán theo kiểu Triện thư. Dấu triện này có thể xem như biểu tượng linh thiêng của nhà Vua. Đó là các chữ Tiên Nhu Chi Bảo Sắc Mệnh Chi Bảo. Nhưng ngẫu nhiên trong số 15 đạo sắc phong thần còn lưu giữ tại Miếu Cầu Vương ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi thấy đạo sắc phong ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821), dấu triện là Phong tặng chi bảo.  Vì vậy, bài viết này xin làm rõ hơn về các dấu triện trên các đạo sắc phong  thần từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, 1428-1945.

Trước tiên, chúng tôi nêu qua nghi thức đóng dấu kim bảo dưới triều Nguyễn để bạn đọc tham khảo. Các kim ngọc bảo tỷ được cất giữ ở điện Trung Hòa trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến kim bảo nào thì do Cung giám phụng mang kim bảo đó ra. Mỗi lần đóng dấu kim bảo Ngự tiền chi bảo , Văn lý mật sátSắc mệnh chi bảo, quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đương trực, thiết án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để hầu bảo. Khi dùng đến những bảo tỷ khác quan trọng hơn phải theo một thủ tục riêng. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm phiến tấu trình lên Hoàng đế để xin phép định ngày’’ hầu bảo’’. Đúng ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại điện Cần Chánh. Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra. Vệ binh cầm kiếm tuốt vỏ đứng hầu hai bên án. Quan Nội các và Bộ quan đương trực mặc phẩm phục bước vào chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, kim bảo được đặt lại vào tráp. Quan Nội các niêm phong giao cho Nội thần nhận thỉnh cất giữ. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, Hội đồng phải lập biên bản và ghi vào sổ để theo dõi. Như thế, nghi thức đóng dấu kim bảo của triều Nguyễn rất trang nghiêm và quy củ chặt chẽ mang tính chất nghi thức của quốc gia.

1. Dấu triện Tiên nhu chi bảo.

Ảnh 1. Dấu Tiên nhu chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 5 tháng 5(Âm lịch) năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792).
Khi tìm hiểu các đạo sắc phong dưới thời Tây Sơn (1778-1802), các nhà nghiên cứu thấy xuất hiện dấu triện Quảng vận chi bảo đóng trên các văn bản niên hiệu Thái Đức 10 và 11(1787-1788); niên hiêụ Quang Trung 2 (1789), Quang Trung 5 (1792). Dấu Triều Đường chi ấn đóng trên văn bản niên hiệu Quang Trung 5 (1792). Các loại dấu triện này không rõ được được đúc hay khắc bằng chất liệu gì. Nhưng hình dấu son có thể thấy trên sách La Sơn phu tử ( Hoàng Xuân Hãn, 1952) hay sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005). Ngoài ra ,thời Tây Sơn còn dùng 2 dấu triện khác là Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo đóng trên các đạo sắc phong thần.

Về dấu triện Sắc mệnh chi bảo  thời Tây Sơn, đến nay chỉ thấy duy nhất trên tờ tư liệu của cụ Hoa Bằng ghi lại ngày 11 tháng 12 năm 1949. Bản này in lại trang 267 của sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.267). Đây là đạo sắc phong cho Phan Huy Ích chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thị trung Ngự sử , tước Thụy Nham hầu, ngày 18 tháng 4 nhuận, năm Quang Trung 5(1792). Thật tiếc cho đến nay không còn một đạo sắc nào để truy cứu so sánh. Nhưng xem hình dấu, tôi thấy khác hẳn với tự dạng trên dấu triện Sắc mệnh chi bảo thời Lê. Chữ Sắc mệnh kiểu Triện thư, với chữ Mệnh nhô hẳn lên chữ Sắc . Nhưng 2 chữ chi bảo lại giống dấu Tiên nhu chi bảo. Chữ chi có uốn gấp khúc, cân đối.
Theo Nguyễn Công Việt, dấu triện Tiên nhu chi bảo được xem là dấu chỉ dùng dưới thời Tây Sơn. Dấu triện có cạnh vuông 15,2cm x 15,2cm. “ Ý nghĩa là các vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mầm lúa mọc tươi tốt”. Dấu triện này trên đạo sắc phong năm Quang Trung 3 (1790). Chúng tôi thấy trên đạo sắc phong thần ngày 5 tháng 5, năm Quang Trung 5 (1792) ở Miếu Cầu Vương (Ảnh 1).  Như vậy, dấu triện Tiên nhu chi bảo được sử dụng phổ biến trên các đạo sắc phong thần thời Tây Sơn.

2. Dấu Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo
Cho đến nay các tài liệu cho biết những đạo sắc phong thần còn lưu giữ được sớm nhất là thời Lê Sơ (1428-1527). Nhưng nhiều nhất vẫn là thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18. Trên các đạo sắc phong thần thời Lê đều thấy đóng dấu triện son Sắc mệnh chi bảo. Dấu triện này có kích thước 11,5cm x 11,5cm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Bình (1435), hoàn thành đúc 6 quả ấn bằng vàng, bạc là :
Thuận Thiên thừa vận chi bảo , dùng khi truyền ngôi.
Đại Thiên hành hóa chi bảo, dùng khi xuất binh đánh dẹp.
Chế cáo chi bảo, dùng khi ban chế, chiếu ra thiên hạ.
Sắc mệnh chi bảo, dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn khác.
Ngự tiền chi bảo, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách.
Ngự tiền tiểu bảo, dùng khi có việc cơ mật.(Đại Việt sử ký toàn thư,1972,t3,tr.102)
Như vậy, sử liệu này cho biết rõ dấu triện Sắc mệnh chi bảo được đúc vào năm 1435. Nhưng trên  các văn bản thế kỷ 15 có đóng dấu này còn lại đến nay thực là hiếm.Trên đạo sắc phong cho Phụ chính Tham tướng Phạm Như Tăng làm Trung quân Đô thống tạm quyền lãnh ấn tiên phong chỉ huy 10 đạo binh tiến đánh Chiêm Thành có đóng dấu Sắc mệnh chi bảo trên dòng niên hiệu Hồng Đức 2 (1471) .(Nguyễn Công Việt,2005, tr. 111) .

Dưới thời Mạc (1527-1592), theo Nguyễn Công Việt, những vấn đề đại sự quốc gia đựơc ban bố ra quốc dân thiên hạ như chiếu, chỉ, cáo, sắc vv…nhà Mạc vẫn dùng theo cách của nhà Lê Sơ, các văn bản này đều được đóng dấu Kim bảo Sắc mệnh chi bảo của nhà Lê.  Sắc phong thần ở thời Mạc còn lại đến nay cũng rất ít. Tại đền Quang Lãng, xã Thụy Hải, huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình còn 3 đạo sắc phong thần vào ngày 5 tháng 12, năm đầu niên hiệu Minh Đức (1527); ngày 10 tháng 6, năm đầu niên hiệu Quảng Hòa (1540); ngày 28 tháng 4, năm đầu niên hiệu Cảnh Lịch (1548). Cũng như đạo sắc phong thần ở đình Tử Dương , huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 6 tháng 11, năm Sùng Khang 9 (1576). Các đạo sắc này đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.
Dưới thời Lê Trung hưng (1533-1788), trên các đạo sắc phong thần chỉ duy nhất dùng dấu Sắc mệnh chi bảo , là Kim bảo đúc từ thời Lê Sơ. Các bản sắc phong từ niên hiệu Vĩnh Tộ 8 (1626) cho đến niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) in trong sách của Nguyễn Công Việt đều thấy dấu triện này. (Nguyễn Công Việt, 2005,tr.203-206).

Chúng tôi thấy 3  đạo sắc phong thần tại Miếu Cầu Vương,  ngày 8 tháng 8, năm Cảnh Hưng 28 (1767); ngày16 tháng 5 và ngày 26 tháng 7, năm Cảnh Hưng 44 (1783)  đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo. Dấu son trên các đạo sắc thời Lê Trung hưng đều giống nhau về kiểu chữ và kích thước chứng tỏ được đóng từ một Kim bảo. Cũng thật tiếc là dấu Kim bảo ấy nay không còn.
Cho đến nay chỉ may mắn còn lại Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc Mệnh Chi Bảo của triều Nguyễn ,hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, LSb.34447 (Ảnh 2)


nh 2: Kim bảo Sắc mệnh chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
                                                                                      (BẢO VẬT QUỐC GIA)
Kim Bảo: Sắc mệnh chi bảo, cao 11,0cm; cạnh 14,0cm x 14,0cm, dầy 2,5cm. Kim bảo có 2 cấp hình vuông, quai rồng cuộn ngồi xổm, đầu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xoè 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:
– Bên trái: 十 歲 皇 金 重 二 百 二 十 三 両 六 錢 Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền, [khoảng 8,3kg]) .
– Bên phải: 明 命 八 年 十 月 吉 日 造 Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827).
Mặt Kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện trong khung diềm: 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo. (Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, tr.23,126-127). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, có đoạn chép lời Dụ của vua Minh Mệnh năm 1828: “Từ trước đến nay phong tặng cho các thần kỳ cùng văn võ quan phẩm, thì đều dùng ấn 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo. Nay mới đúc ấn 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo, từ nay phàm có ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân đều cho dùng.” ( Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993,tr. 34).

3. Dấu Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong Tặng Chi Bảo
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, LSb.35184, được đúc bằng bạc , cao 7,0cm; cạnh vuông 10,88cm x 10,88cm,  dầy 2,42cm (Ảnh 3) .Quai hình tượng rồng tư thế đang chạy, đầu ngẩng, lưng uốn, 4 chân chùng, đuôi hình dải mây. Mặt trên Kim bảo  hình vuông, 4 mặt bên vát hình thang, phía dưới hình chữ nhật. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:

Ảnh 3: Kim bảo Phong tặng chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
– Bên trái: 封 贈 之 寶 重 八 笏 四 両 Phong tặng chi bảo, trọng bát hốt tứ lạng. (Ấn phong tặng chi bảo, nặng 8 thoi 4 lạng).
– Bên phải: 壬 戌 春 正月吉日監 造 Nhâm Tuất xuân , chính nguyệt cát nhật, Giám tạo. (Giám tạo vào ngày lành tháng Giêng mùa xuân năm Nhâm Tuất, 1802).
Mặt kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, kiểu chữ cùng đặc điểm 3 chiếc Kim bảo khác như Chế cáo chi bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo.( Nguyễn Đình Chiến, 2015,tr. 35-36).
Ấn này dùng đóng trên các đạo sắc, cáo, phong tặng cho các quan văn võ, công thần hay nhân thần . Như vậy, với thông tin này cho biết, các đạo sắc phong thần của triều Nguyễn, kể từ năm 1802 đến 1827, khoảng 25 năm, đều dùng dấu triện Phong tặng chi bảo.
Theo Nguyễn Công Việt, trên đạo sắc phong thần ở đình thôn Đoài, xã Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh có đóng dấu Phong tặng chi bảo ở dòng cuối Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật. Nghĩa là vào ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh,1821.(Nguyễn Công Việt, 2005,tr.309).
Cùng với đạo sắc phong thần ở Miếu Cầu Vương, ngày 20 tháng 7, (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh, 1821, có đóng dấu Kim bảo Phong tặng chi bảo là các minh chứng trùng khớp giữa thư tịch và thực tế (Ảnh 4).
Ảnh 4: Dấu Phong tặng chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 21 tháng 7(Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821).
 
Tóm lại, qua các triều vua , từ  thời Lê Sơ đến thời Nguyễn , chúng ta thấy trên các đạo sắc phong thần đã sử dụng những loại dấu triện Kim bảo như sau:
– Thời Lê Sơ (1428-1527) , năm 1435, đúc kim bảo Sắc mệnh chi bảo,cạnh mặt ấn 11,5cm x 11,5cm.
-Thời Mạc (1527-1592), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Lê Trung hưng (1533-1788), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Tây Sơn (1788-1802), đúc mới và sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo khác cùng dấu Tiên nhu chi bảo.
– Thời Nguyễn (1802-1945), từ năm 1802-1827 sử dụng dấu Phong tặng chi bảo còn từ 1828-1945, sử dụng dấu Sắc Mệnh chi bảo.
    Việc nghiên cứu các dấu triện Kim bảo này, không chỉ làm rõ về những loại dấu triện đóng trên các đạo sắc phong thần từ 1428 đến 1945 mà còn có ý nghĩa với công tác giám định sắc phong thật và giả trong tình hình hiện

TS. Nguyễn Đình Chiến 
Nguyên PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đình Chiến,2015,  Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
2.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam.BTLSVN xb.
3.Nguyễn Công Việt, 2005, Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. NXB KHXH Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư,1972, t. 3 ,Nxb KHXH Hà Nội.
4.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993, Nxb .Thuận Hóa, Huế.
5.Hoàng Xuân Hãn ,1952, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris.
6. Nguồn: luutruquocgia1.org.vn


spacer

Về sắc phong đền thờ vị thần trống đồng ở nước ta

Đền Đồng Cổ là đền thờ vị thần Trống Đồng có công lao với nước. Đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái (nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), đến nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy nga. Trải qua nhiều thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn sùng. Đền mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu nước của người Việt Nam.

Sân trước đền Đồng Cổ, nguồn sưu tầm: vanhien.vn

Đền thờ thần Trống Đồng, đền gắn với một truyền thuyết lịch sử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi rằng vào năm 1028 thời vua Lý Thái Tông: “Phong tước cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung mong thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4”[1]. Hiện nay đền còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong cổ: 4 đạo thời Lê, 6 đạo thời Tây Sơn, 4 đạo thời Nguyễn. Số sắc phong này hiện được lưu trữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhận thấy đây là số sắc phong quý nên chúng tôi xin giới thiệu một số đạo sắc tiêu biểu.

Sắc phong 1:



 Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Đại Vương, sơn xuyên chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ phúc dĩ tích dân xích tử đồng đăng xuân thọ, hiệp bách linh nhi hộ quốc, hồng cơ vĩnh điện Thái Bàn, kí chiêu đốc bật chi công, hạp cử bao phong chi điển vi. Tự vương tiến phong vương vị lâm cư chính phủ, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong mĩ tự nhị tự, khả gia phong: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Đại Vương. Cố sắc!
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên ngũ nguyệt thập lục nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận  Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Đại Vương, núi sông chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn, thu ngũ phúc để ban cho con dân cùng lên vực thọ, hòa hợp với bách linh mà che chở cho đất nước, cơ đồ mãi mãi vững như điện Thái Bàn, đã sáng rõ công lao to lớn lại hợp được bao phong làm (mặc tướng). Trẫm tiến phong vương vị đến ở chính phủ, theo lễ thăng bậc, gia phong mĩ tự hai chữ. Xứng đáng được gia phong là: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Phúc Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Thùy Hưu Diên Phúc Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Khánh Thái Bình Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Duệ Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng 44 (1783).

 Sắc phong 2:



Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
 Phiên âm:
Sắc Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ  Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, sơn xuyên chung tú, kì điện phân phù, liễm ngũ khánh dĩ tích dân xích tử đồng đăng thọ vực, hiệp bách linh nhi hộ quốc hồng cơ, vĩnh điện Thái Sơn, kí chiêu bảo tá chi công, hạp cử bao phong chi điển vi mặc tướng. Quốc gia phi xiển, hồng đồ quang ứng tuấn mệnh, lễ đương đăng trật, ứng gia phong mĩ tự nhị tự: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ  Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ Liệt Đại Vương. Cố Sắc!
Quang Trung Tam niên thập nguyệt thập nhị nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hựu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Đại Vương, núi sông chung đúc tươi đẹp, cõi đất phiên trấn, thu ngũ khánh  để ban cho con dân cùng lên đài xuân vực thọ, hòa hợp với bách linh mà che chở cho đất nước, cơ đồ mãi mãi vững như Thái Sơn, đã sáng rõ công lao che chở lại hợp được bao phong làm mặc tướng. Quốc gia mở mang rộng lớn, cơ đồ rạng ứng mệnh to, theo lễ thăng bậc, được gia phong mĩ tự 2 chữ: Bảo Hựu Hộ Quốc An Dân Diễn Khánh Tuy Lộc Phổ Hóa Hoằng Hưu Phù Vận Cương Chính Hùng Lược Vĩ Tích Phù Hưu Diên Khánh Triệu Tường Tích Dận Hùng Tài Đại Lược Anh Linh Diên Chỉ Thái Ninh Chí Nhân Anh Vũ Thần Mưu Duệ Toán Trung Chính Túy Tinh Thông Minh Đặc Đạt Ôn Nghị Chính Trực Duệ Trí Anh Đoán Tuấn Triết Dũng Lược Hữu Thánh Dực Chính Thánh Văn Thần Vũ Hồng Du Vĩ Liệt Đại Vương. Vậy nên sắc!
Ngày 12 tháng 10 năm  Quang Trung 3 (1790).

Sắc phong 3:

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
 Phiên âm:
Sắc Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, nhưng chuẩn Vĩnh Thuận huyện, An Thái phường y cựu phụng sự. Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Tự Đức thập niên thập nguyệt sơ tam nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bản Thổ Chi Thần, nguyên tặng Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Chi Thần, giúp nước che chở dân, tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm nối mệnh lớn nghĩ đến những điều tốt đẹp của thần, xứng đáng được gia tặng là Bảo Hộ Quảng Thí Bác Huệ Đôn Ngưng Chi Thần, chuẩn cho phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ và che chở cho dân của ta. Kính thay!
Ngày 3 tháng 10 năm Tự Đức 10 (1857).
Thay lời kết:
Đền Đồng Cổ là đền thiêng liêng, thờ vị thần Trống Đồng có công lao với nước. Đền được xây dựng vào thời Lý, đến nay đã được gần 1000 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều thời đại mà đền vẫn sừng sững nguy nga. Trải qua nhiều thời kỳ đều được phong tặng sắc phong, được tôn sùng. Đền mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện lòng trung thành và yêu nước của người Việt Nam. Đến nay hàng năm vẫn có rất nhiều nhân dân thập phương đến chiêm bái, hương khói không dứt, thể hiện lòng tri ân và tôn kính đối với vị thần có công với đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1.Đại Việt sử kí Toàn thư; Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Văn Học, tái bản năm 2017.
2.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, 14 đạo sắc phong đền Đồng Cổ.

LÊ THÔNG
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I                                                                                           
[1] Đại Việt sử kí Toàn thư. Nxb Văn Học. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, trang 154.
spacer

"Đại Cồ Việt" hay "Cồ Việt"?

Lưu truyền năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế, đặt quốc hiệu là “Đại Cồ Việt” và hai năm sau (970) lấy niên hiệu Thái Bình, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.

 Năm chữ “Quốc hiệu Đại Cù Việt” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư bằng chữ Hán

Xem lại Đại Việt Sử Ký toàn thư nguyên bản bằng chữ Hán thì quả thật quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng gồm ba chữ viết từ trên xuống là “ (Đại cù/ cồ (?) Việt)”. Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) giải thích: “Đại” theo nghĩa chữ Hán là lớn, “Cồ ()” trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép hai chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào.
Tra hầu hết các loại Hán - Việt từ điển hiện có đều không thấy chữ “cồ” mà chỉ có chữ “cù ()” với 3 nghĩa là “nhìn lấm lét”, “một loại binh khí cổ” và “họ Cù”. Riêng Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh (cũng như của Nguyễn Văn Khôn), không rõ căn cứ vào đâu(?), lại cho chữ Hán này đọc là “cồ”, không có âm “cù”. Để chắc chắn, tôi tra Từ nguyên, chữ này có hai âm phiên thiết: “kỳ cụ thiết, bình (thanh)” như vậy âm một phải đọc là âm “cù”, hoặc “cửu ngộ thiết, khứ (thanh)” tức âm hai phải đọc là “cố” (như họ Cố), không hề có âm “cồ”!

Thật ra sử sách cũ ngày nay chỉ còn Đại Việt Sử Ký toàn thư gọi là văn bản gốc, nhưng đây cũng không phải là chữ viết gốc thời Đinh Tiên Hoàng mà đã “tam sao thất bản” nhiều lần qua các bản chép tay của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, sử thần triều Lê... Nhưng lần “thất bản” lớn nhất, theo tôi, là chuyển từ bản chép tay sang khắc mộc bản để in sách từ thời Lê Chính Hòa năm 1697. 

Chúng ta đều biết rằng “cồ” là tiếng Việt cổ, như ta nói “con gà cồ” có nghĩa là con gà to lớn và là một ngôn ngữ thuộc hệ Nam Á, khác với tiếng Trung Quốc thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Còn chữ Việt cổ có thể là “chữ khoa đẩu” hình nòng nọc hoặc “hỏa tự” hình đốm lửa, khác hẳn với chữ Nôm thuộc hệ chữ Hán mới hình thành khi độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc. Cho nên khi ký âm chữ “cồ” bằng chữ Nôm cũng không nằm ngoài “lục thư” tức sáu cách hình thành chữ Hán...
Tôi cho rằng hai chữ “đại cù” trong Đại Việt Sử Ký toàn thư chính là một chữ Nôm “cồ ”, có cấu tạo hài thanh, gồm chữ “đại ()” nằm trên để mang ý nghĩa “to lớn”, ghép với chữ “cù ()” nằm dưới để láy âm, biến thành âm “cồ”.

 Một trang gia phả của tộc Đinh viết thời Khải Định (1916-1925) bằng chữ Hán có phụ chú quốc ngữ, trong đó phiên âm quốc hiệu là “Đại Cù Việt”

Người xưa khi viết sử bằng chữ Hán, tất nhiên viết dọc từ trên xuống từ phải sang trái và chép bằng tay thì chữ to nhỏ không đều, riêng vẫn có thể thêm những danh từ riêng bằng chữ Nôm vào. Do vậy chữ Nôm “cồ” rất dễ đọc nhầm thành “đại cù”. Khi người thợ đem bản chép tay Đại Việt Sử Ký toàn thư đi khắc trên gỗ để in hàng loạt sách, thấy chữ Nôm “cồ” quá lạ (còn chữ “Việt” thì chữ Nôm viết cũng như chữ Hán), lại có thói quen đọc sử bằng chữ Hán nên cho rằng chắc là hai chữ Hán “đại cù” mà viết quá gần nhau, rồi khắc tách ra thành hai chữ riêng biệt như ngày nay ta thấy, nhưng thật ra chỉ là một chữ Nôm và đọc là “cồ” mà thôi.
Rồi đến các nhà nghiên cứu sau này, khi đọc và dịch Đại Việt Sử Ký toàn thư tất nhiên phải đọc là “Đại Cù Việt ()”, nhưng xét chữ “cù” ở đây rất vô nghĩa(!), nên giải thích rất khiên cưỡng là đọc “cồ” vì là chữ Nôm, “tiếng Việt cổ”.
Nước ta từng có quốc hiệu Vạn Xuân năm 544 nhưng Đinh Tiên Hoàng dùng lại chữ “Việt” là tìm về cội nguồn Lạc Việt (tổ tiên của dân tộc Việt chúng ta), lại thêm chữ “cồ” (tiếng Việt) để muốn giương cao nước Cồ Việt là một nước rộng và có nền văn hóa “lớn” thuần Việt (phi Hoa phi Ấn), thuộc một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại là văn hóa Đông Sơn (năm 700 TCN - 100) mà đỉnh cao là trống đồng Đông Sơn - trống đồng Ngọc Lũ lan tỏa cả vùng Hoa Nam (Trung Quốc ngày nay); vì theo Hán thư và Cựu Đường thư thì người Lạc Việt từng sinh sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam và cả vùng sông Hán...
Những nguyên nhân trên làm tôi cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử VN dựng nước, Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu dùng luôn chữ Nôm để đặt quốc hiệu gồm hai tiếng thuần Việt/chữ Nôm là “CỒ VIÊT ”, chứ không phải ba chữ Hán “Đại Cù/Cồ Việt ”! và chữ “cồ” ở đây là một chữ hài thanh (đủ cả âm lẫn nghĩa), vì chọn quốc hiệu hay tên riêng thì không thể dùng một chữ giả tá mượn âm nhưng vô nghĩa (đối với danh từ riêng đó), như chữ “cù/cồ” được!
Chứng cứ rõ nhất là trong đền vua Đinh Tiên Hoàng lại Hoa Lư, ở Bái đường có bức hoành Chính thống thủy (mở nền chính thống của nước Cồ Việt) và hai câu đối:
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An
Tạm hiểu là:
Nước Cồ Việt cùng thời Khai Bảo (968-976) nước Tống,
Kinh đô Hoa Lư (của Cồ Việt) cũng tựa như Tràng An thời Hán vậy.
Cho thấy rõ ràng quốc hiệu cũng chỉ có hai chữ “Cồ Việt”. Nếu là ba chữ “Đại Cồ Việt” thì tất nhiên câu đối dưới cũng phải có tám chữ. Quốc hiệu là danh từ riêng, lẽ nào không thể viết đầy đủ ba chữ mà phải viết hai chữ, và câu đối đâu bắt buộc phải chỉ viết bảy chữ!
Do giới hạn của trang báo, tôi chỉ nêu vấn đề chứ chưa thể trình bày đầy đủ các vấn đề liên quan, rất mong được nghe thêm ý kiến của các nhà sử học, ngôn ngữ học... 

BS NGUYỄN ANH HUY

spacer

Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua

Nhiều bằng chứng xác thực của giáo sĩ Julien Faulet chứng minh Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ.


Hình minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử (1875 - 1955)

Ảnh: Tư liệu
Julien Faulet sinh ngày 21.11.1741 ở Guilliers (Pháp), đi truyền giáo từ ngày 29.11.1773, được chuyển đến Cao Miên tháng 6.1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở khu vực này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề. Cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải trở về Bretagne, Pháp.

Giáo sĩ Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Miên và Hà Tiên, trong đó có hai tài liệu quan trọng: 1/ Bản ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao (tu viện do giám mục xây dựng ở phía nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ). Sau đó, qua những gì được ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Miên. Tóm lại: Bá Đa Lộc bỏ Hà Tiên ngày 29.7.1777 chạy sang Cao Miên. Như vậy, giám mục không thể nào “cứu” Nguyễn Ánh trong tháng 9 - 10.1777 được. 
 
2/ Trong một bức thư khác, giáo sĩ Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9 - 10.1777. Đó là lá thư ông viết ở Cao Miên ngày 25.4.1780, gửi giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, kể tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu: “Chính cha Paul (Paul Nghị) đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức thánh cha (Bá Đa Lộc) biết”. Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà giám mục Bá Đa Lộc, cho nên biết rõ chuyện cha Nghị giấu Nguyễn Ánh trong thuyền của mình. 
 
Câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, có một chứng nhân tại chỗ, người Pháp, là giáo sĩ Faulet, xác định: cha Nghị là người cứu sống Nguyễn Ánh. Lời cha Faulet lại trùng hợp với lời một người Việt, là tác giả Sử Ký Đại Nam Việt

Trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử mô tả về quá trình trốn chạy của Nguyễn Ánh


Về người mẹ của Nguyễn Ánh, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Con thứ hai của ông Vũ Vương (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), tên là Chưởng Vũ (Nguyễn Phúc Luân), chẳng khác tính cha là bao nhiêu (tức là cũng ăn chơi như cha). Trong các vợ ông Nguyễn Phúc Luân có một con hát sinh đặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên là Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long”. 
 
Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn Nguyễn Ánh trốn giặc như sau: “Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng ba anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì ba ông này lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi mà thôi. Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cũng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau lách. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ (Paul Nghị), là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là thầy cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứu. Thầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà đức thầy Vêrô (Bá Đa Lộc). Khi ấy đức thầy Vêrô đã sang bên Cao Miên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gửi tin cho người biết sự ấy cho kịp. Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà đức thầy Vêrô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phaolồ, hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phaolồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi. Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Miên, ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá. Cũng một khi ấy đức thầy Vêrô ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang (Jean) có nghề võ cùng bạo dạn gan và có tài đánh giặc lắm”. 
 
Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, có ba người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn: Một đứa nhỏ nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách. Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh giấu vào thuyền mình, chở về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy vị giám mục đang ở Cao Miên. Ít lâu sau sợ bị lộ, cha Nghị đem Nguyễn Ánh trốn vào rừng. Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.

 Thụy Khuê (Trích từ cuốn Vua Gia long và người Pháp do NXB Hồng đước và Saigon nooks an hang thang 1/2017)



spacer
do