Thuật ngữ quốc tế “folklore” – Văn hóa dân gian, được W J.Thom sử dụng đầu tiên vào năm
1846 để chỉ “phong tục, tập quán, nghi thức, mê tín, ca dao, tục ngữ… của người thời trước”. Từ đó đến nay, bộ môn văn hóa dân gian học đã ra đời và phát triển với ba trường phái lớn: trường phái phôn-clo Anh – Mỹ chịu ảnh hưởng nhân học, trường phái phôn-clo Tây Âu chịu ảnh hưởng xã hội học (điển hình là Pháp – Italia) và trường phái phôn-clo Nga chịu ảnh hưởng ngữ văn học.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “folklore” đã được sử dụng từ lâu và tùy theo mỗi thời kỳ được dịch ra tiếng Việt là “văn học dân gian”, “văn nghệ dân gian” và nay là “văn hóa dân gian”. Việc quan niệm rộng hẹp và chuyển ngữ sang tiếng Việt khác nhau như vậy là do sự thay đổi nhận thức của chúng ta về văn hóa dân gian và cũng do sự tiếp thu ảnh hưởng của các quan niệm folklore từ các trường phái khác nhau trên thế giới.
Hiện nay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trên các lĩnh vực sau:
Ngữ văn dân gian bao gồm: Tự sự dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ… Trữ tình dân gian (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian
Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian…); nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn…)
Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân): y học dân gian và dưỡng sinh dân gian; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất)
Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội: Các lĩnh vực nghiên cứu trên của văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục…), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân. Để nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp chúng ta cần phải có một quy phạm nghiên cứu tổng hợp.
Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng.
Văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian là sản phẩm của sự phát triển xã hội nhất định. Tuy nhiên, sau khi hình thành và định hình, văn hóa tác động trở lại xã hội với tư cách là “nền tảng tinh thần của xã hội”, là “động lực và mục tiêu của sự phát triển xã hội”.
Việt Nam là một trong các quốc gia Đông Nam Á có những nét văn hóa dân gian đặc trưng. Đó là truyền thống văn hóa truyền miệng, khác với Trung Quốc và Ấn Độ là truyền thống văn hóa chữ viết.
Văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thống hình thành, và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động.
Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hóa nước ta. Đó là văn hóa xóm làng trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành cái trục của hệ ý thức Việt Nam, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa Việt Nam…
Ngày nay, đất nước chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước đang phấn đấu thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Namtiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong bối cảnh chung như vậy, một lần nữa chúng ta thấy nổi bật vai trò của văn hóa dân gian trong văn hóa dân tộc và trong đời sống xã hội.
1 – Văn hóa dân gian – cội nguồn của văn hóa dân tộc
Người ta thường nói văn hóa dân gian là “cội nguồn của văn hóa dân tộc” là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”. Điều đó hàm nghĩa văn hóa dân gian gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Nói văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” còn là vì văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại dưới dạng nguyên hợp, các bộ phận còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo Hoài Thanh thì “Từ thủa sơ sinh, nhạc, thơ, múa và kịch đều chung một mâm. Đến khi lớn lên thì các loại hình tách bạch ra, nhưng vẫn phải nương tựa vào nhau. Thơ dân gian tồn tại, phát triển và lưu truyền bằng hát đối đáp. Nếu bỏ nhạc thì múa khó thành. Mất sự tích văn học, mất làn điệu, mất múa thì chèo cũng mất. Tranh Đông Hồ cũng phải đi liền với hội tết”.
Có con người là có văn hóa, có dân tộc là có văn hóa dân tộc. Văn hóa đó trước nhất là văn hóa dân gian, văn hóa của quần chúng nhân dân. Qua văn hóa dân gian, nhân dân lao động “tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình”. Các nền văn hóa khảo cổ thuộc xã hội nguyên thủy như Hòa Bình, Đông Sơn tuy không phải là văn hóa dân gian, nhưng lại là nguồn cội để hình thành văn hóa dân gian.
Đến thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ hình thành nền văn hóa dân tộc, thì trước hết đó là văn hóa dân gian, văn hóa của nhân dân lao động. Họ “tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình” ở thời kỳ khởi nguồn của đất nước.
Thời kỳ Đại Việt (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), cùng với sự phát triển xã hội, văn hóa dân tộc không còn thuần nhất mà bên cạnh văn hóa dân gian đã xuất hiện văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có mối quan hệ tác động qua lại: Văn hóa dân gian vẫn là cội nguồn nuôi dưỡng văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình; văn hóa bác học, chuyên nghiệp, văn hóa cung đình tác động trở lại, góp phần nâng cao và định hình văn hóa dân gian. Hiện tượng Truyện Kiều của Nguyễn Du, sách Nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh thể hiện sự tác động qua lại đó.
Từ quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là cội nguồn của văn hóa dân tộc thì trong hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc chúng ta phải bắt đầu từ văn hóa dân gian.
2 -Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc
Có thể hiểu bản sắc văn hóa như là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, và tới lượt nó, bản sắc dân tộc góp phần tạo nên bản lĩnh dân tộc, tức là sức sống và sự từng trải của dân tộc. Nhờ đó mà dân tộc có thể vững vàng và trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.
Vậy, bản sắc văn hóa là gì? Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn.
Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, như là chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa…, tính duy tình (tình thương) trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên…
Một thí dụ về một nét bản sắc của văn hóa và của con người Việt Nam, đó là tính cởi mở, năng tiếp nhận và dễ hòa nhập để từ đó bản địa hóa các nhân tố ngoại lai. Cốt cách này của văn hóa và con người Việt Nam được tạo nên có lẽ là do “số phận” lịch sử của dân tộc và đất nước Việt Nam nằm ở ngã tư con đường giao lưu và hội nhập chủng tộc và văn hóa. Trong các giai đoạn phát triển kế tiếp của ba nền văn hóa: Đông Sơn – Đại Việt và Việt Nam, thì có hai giai đoạn chuyển tiếp văn hóa mang tính bản lề: giai đoạn Bắc thuộc (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), giao tiếp giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Hán để sau đó ra đời văn hóa Đại Việt và giai đoạn Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến năm 1945), giao tiếp giữa văn minh Đại Việt với văn hóa phương Tây mà đại diện là văn hóa Pháp, từ đó tạo nên sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Từ năm 1945 đến nay, văn hóa Việt Nam còn mở rộng giao lưu với văn hóa Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Trong điều kiện giao lưu văn hóa sống động như vậy, đã tạo nên ở con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam một thái độ ứng xử không đóng kín, chối từ, mà cởi mở, tiếp nhận, hòa nhập. Thái độ hiếu học của con người Việt Nam là để tự cường vươn lên, để đổi đời, để sánh vai với bạn bè năm châu. Khả năng tiếp nhận cái của người khác, biến đổi nó (bản địa hóa) thành cái của mình, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, là bản sắc và sức mạnh của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Điều này tạo ra tính mềm dẻo, năng động, dễ thích nghi của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt trái của nó thể hiện ở sự nhiễu loạn, tính tùy tiện, nửa vời trong ứng xử và tiếp thu văn hóa của con người Việt Nam.
Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, chúng ta không thể quy tất cả về văn hóa dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian gắn với những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn – Hùng Vương dựng nước, thời kỳ mở đầu của lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia và lịch sử văn hóa Việt Nam, thời kỳ “nhất thành” để sau đó “vạn biến”. Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, tức văn hóa khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Tất cả các nhân tố kể trên khiến cho văn hóa dân gian hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của văn hóa dân tộc.
Nếu cho rằng văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, thì trong thực tiễn việc bảo tồn, làm giầu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước nhất phải từ việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian.
3 – Văn hóa dân gian – hệ giá trị và biểu tượng của văn hóa dân tộc
Trong văn hóa học giá trị và biểu tượng làm nên những cái cơ bản của văn hóa, nó là nội hàm của khái niệm văn hóa. Nói cách khác, văn hóa không phải là tất cả những gì mà con người tạo ra, mà chỉ những cái đã được chắt lọc, kết tinh, thăng hoa thành các giá trị, và biểu tượng.
Giá trị và biểu tượng cũng là hai phạm trù gắn bó hữu cơ với nhau. Có thể nói, giá trị kết tinh và làm nên cái cốt lõi của biểu tượng. Hay nói cách khác, trong mỗi biểu tượng người ta đều tìm thấy giá trị hay hệ thống các giá trị văn hóa. Thí dụ, trong biểu tượng Quốc tổ các Vua Hùng ta thấy các giá trị và tâm thức về cội nguồn và cố kết cộng đồng dân tộc, một trong những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hệ giá trị của văn hóa dân tộc, trước nhất tiềm ẩn trong văn hóa dân gian. Chúng thể hiện trên nhiều bình diện, như ứng xử của con người với môi trường tự nhiên theo hướng nặng về thích ứng và hòa hợp hơn là chế ngự và biến đổi. Cách ứng xử này còn thấy ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, quan hệ cộng đồng… Còn biết bao những giá trị văn hóa dân tộc mà ta có thể tìm thấy trong kho tàng tri thức dân gian liên quan tới môi trường, dưỡng sinh trị bệnh, tri thức về sản xuất và quản lý cộng đồng.
Các biểu tượng của văn hóa chủ yếu gắn với văn hóa dân gian. Hệ biểu tượng này hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài và quy định những hành vi ứng xử của cộng đồng.
Ta có thể nói tới biểu tượng “đất nước” trong văn hóa Việt Nam vừa mang tính nội sinh: “đất” và “nước” hai yếu tố cơ bản tạo nên canh tác lúa của cư dân nông nghiệp; vừa mang tính ngoại sinh: “quốc gia” mô hình của văn minh Trung Hoa.
Quốc tổ các Vua Hùng – biểu tượng về cội nguồn, về tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, mà căn cỗi của nó là tục thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia tộc, dòng họ. Biểu tượng “tứ bất tử” (bốn vị thần bất tử): Chử Đạo tổ, Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh mẫu Liễu Hạnh, đó là hệ ý thức nhân sinh Việt Nam hình thành do đòi hỏi xây dựng và củng cố quốc gia phong kiến tự chủ, nhất là từ thời Lê…
Văn hóa dân gian với hệ giá trị và biểu tượng của nó đã làm nên cái gọi là tâm thức dân gian, tâm hồn dân tộc. Những cái đó, tới lượt nó quy định các hành vi, tình cảm, hoài vọng của con người. Bởi vậy, để nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm dân tộc, xây dựng và củng cố các biểu tượng của dân tộc, chúng ta cũng phải bắt đầu từ Văn hóa dân gian.
Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc – coi đó như là căn cước của chúng ta hội nhập và giao lưu quốc tế. Cần nhận thức rõ vai trò của văn hóa dân gian với tư cách là cội nguồn, bản sắc, là hệ giá trị và biểu tượng của văn hóa dân tộc.
Ngô Đức Thịnh
* GS, TS, Viện Văn hóa dân gian