Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc

Thuật ngữ quốc tế “folklore” – Văn hóa dân gian, được W J.Thom sử dụng đầu tiên vào năm
1846 để chỉ “phong tục, tập quán, nghi thức, mê tín, ca dao, tục ngữ… của người thời trước”. Từ đó đến nay, bộ môn văn hóa dân gian học đã ra đời và phát triển với ba trường phái lớn: trường phái phôn-clo Anh – Mỹ chịu ảnh hưởng nhân học, trường phái phôn-clo Tây Âu chịu ảnh hưởng xã hội học (điển hình là Pháp – Italia) và trường phái phôn-clo Nga chịu ảnh hưởng ngữ văn học.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “folklore” đã được sử dụng từ lâu và tùy theo mỗi thời kỳ được dịch ra tiếng Việt là “văn học dân gian”, “văn nghệ dân gian” và nay là “văn hóa dân gian”. Việc quan niệm rộng hẹp và chuyển ngữ sang tiếng Việt khác nhau như vậy là do sự thay đổi nhận thức của chúng ta về văn hóa dân gian và cũng do sự tiếp thu ảnh hưởng của các quan niệm folklore từ các trường phái khác nhau trên thế giới.

Hiện nay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trên các lĩnh vực sau:

Ngữ văn dân gian bao gồm: Tự sự dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ… Trữ tình dân gian (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian

Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian…); nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn…)

Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân): y học dân gian và dưỡng sinh dân gian; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất)

Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội: Các lĩnh vực nghiên cứu trên của văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục…), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân. Để nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp chúng ta cần phải có một quy phạm nghiên cứu tổng hợp.

Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng.

Văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian là sản phẩm của sự phát triển xã hội nhất định. Tuy nhiên, sau khi hình thành và định hình, văn hóa tác động trở lại xã hội với tư cách là “nền tảng tinh thần của xã hội”, là “động lực và mục tiêu của sự phát triển xã hội”.

Việt Nam là một trong các quốc gia Đông Nam Á có những nét văn hóa dân gian đặc trưng. Đó là truyền thống văn hóa truyền miệng, khác với Trung Quốc và Ấn Độ là truyền thống văn hóa chữ viết.

Văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thống hình thành, và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động.

Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hóa nước ta. Đó là văn hóa xóm làng trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành cái trục của hệ ý thức Việt Nam, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa Việt Nam…

Ngày nay, đất nước chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước đang phấn đấu thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Namtiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong bối cảnh chung như vậy, một lần nữa chúng ta thấy nổi bật vai trò của văn hóa dân gian trong văn hóa dân tộc và trong đời sống xã hội.

1 – Văn hóa dân gian – cội nguồn của văn hóa dân tộc

Người ta thường nói văn hóa dân gian là “cội nguồn của văn hóa dân tộc” là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”. Điều đó hàm nghĩa văn hóa dân gian gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Nói văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” còn là vì văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại dưới dạng nguyên hợp, các bộ phận còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo Hoài Thanh thì “Từ thủa sơ sinh, nhạc, thơ, múa và kịch đều chung một mâm. Đến khi lớn lên thì các loại hình tách bạch ra, nhưng vẫn phải nương tựa vào nhau. Thơ dân gian tồn tại, phát triển và lưu truyền bằng hát đối đáp. Nếu bỏ nhạc thì múa khó thành. Mất sự tích văn học, mất làn điệu, mất múa thì chèo cũng mất. Tranh Đông Hồ cũng phải đi liền với hội tết”.

Có con người là có văn hóa, có dân tộc là có văn hóa dân tộc. Văn hóa đó trước nhất là văn hóa dân gian, văn hóa của quần chúng nhân dân. Qua văn hóa dân gian, nhân dân lao động “tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình”. Các nền văn hóa khảo cổ thuộc xã hội nguyên thủy như Hòa Bình, Đông Sơn tuy không phải là văn hóa dân gian, nhưng lại là nguồn cội để hình thành văn hóa dân gian.

Đến thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ hình thành nền văn hóa dân tộc, thì trước hết đó là văn hóa dân gian, văn hóa của nhân dân lao động. Họ “tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình” ở thời kỳ khởi nguồn của đất nước.

Thời kỳ Đại Việt (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), cùng với sự phát triển xã hội, văn hóa dân tộc không còn thuần nhất mà bên cạnh văn hóa dân gian đã xuất hiện văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có mối quan hệ tác động qua lại: Văn hóa dân gian vẫn là cội nguồn nuôi dưỡng văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình; văn hóa bác học, chuyên nghiệp, văn hóa cung đình tác động trở lại, góp phần nâng cao và định hình văn hóa dân gian. Hiện tượng Truyện Kiều của Nguyễn Du, sách Nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh thể hiện sự tác động qua lại đó.

Từ quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là cội nguồn của văn hóa dân tộc thì trong hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc chúng ta phải bắt đầu từ văn hóa dân gian.

2 -Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc

Có thể hiểu bản sắc văn hóa như là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, và tới lượt nó, bản sắc dân tộc góp phần tạo nên bản lĩnh dân tộc, tức là sức sống và sự từng trải của dân tộc. Nhờ đó mà dân tộc có thể vững vàng và trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

Vậy, bản sắc văn hóa là gì? Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn.

Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, như là chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa…, tính duy tình (tình thương) trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên…

Một thí dụ về một nét bản sắc của văn hóa và của con người Việt Nam, đó là tính cởi mở, năng tiếp nhận và dễ hòa nhập để từ đó bản địa hóa các nhân tố ngoại lai. Cốt cách này của văn hóa và con người Việt Nam được tạo nên có lẽ là do “số phận” lịch sử của dân tộc và đất nước Việt Nam nằm ở ngã tư con đường giao lưu và hội nhập chủng tộc và văn hóa. Trong các giai đoạn phát triển kế tiếp của ba nền văn hóa: Đông Sơn – Đại Việt và Việt Nam, thì có hai giai đoạn chuyển tiếp văn hóa mang tính bản lề: giai đoạn Bắc thuộc (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), giao tiếp giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Hán để sau đó ra đời văn hóa Đại Việt và giai đoạn Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến năm 1945), giao tiếp giữa văn minh Đại Việt với văn hóa phương Tây mà đại diện là văn hóa Pháp, từ đó tạo nên sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Từ năm 1945 đến nay, văn hóa Việt Nam còn mở rộng giao lưu với văn hóa Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Trong điều kiện giao lưu văn hóa sống động như vậy, đã tạo nên ở con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam một thái độ ứng xử không đóng kín, chối từ, mà cởi mở, tiếp nhận, hòa nhập. Thái độ hiếu học của con người Việt Nam là để tự cường vươn lên, để đổi đời, để sánh vai với bạn bè năm châu. Khả năng tiếp nhận cái của người khác, biến đổi nó (bản địa hóa) thành cái của mình, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, là bản sắc và sức mạnh của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Điều này tạo ra tính mềm dẻo, năng động, dễ thích nghi của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt trái của nó thể hiện ở sự nhiễu loạn, tính tùy tiện, nửa vời trong ứng xử và tiếp thu văn hóa của con người Việt Nam.

Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, chúng ta không thể quy tất cả về văn hóa dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian gắn với những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn – Hùng Vương dựng nước, thời kỳ mở đầu của lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia và lịch sử văn hóa Việt Nam, thời kỳ “nhất thành” để sau đó “vạn biến”. Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, tức văn hóa khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Tất cả các nhân tố kể trên khiến cho văn hóa dân gian hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của văn hóa dân tộc.

Nếu cho rằng văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, thì trong thực tiễn việc bảo tồn, làm giầu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước nhất phải từ việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian.

3 – Văn hóa dân gian – hệ giá trị và biểu tượng của văn hóa dân tộc

Trong văn hóa học giá trị và biểu tượng làm nên những cái cơ bản của văn hóa, nó là nội hàm của khái niệm văn hóa. Nói cách khác, văn hóa không phải là tất cả những gì mà con người tạo ra, mà chỉ những cái đã được chắt lọc, kết tinh, thăng hoa thành các giá trị, và biểu tượng.

Giá trị và biểu tượng cũng là hai phạm trù gắn bó hữu cơ với nhau. Có thể nói, giá trị kết tinh và làm nên cái cốt lõi của biểu tượng. Hay nói cách khác, trong mỗi biểu tượng người ta đều tìm thấy giá trị hay hệ thống các giá trị văn hóa. Thí dụ, trong biểu tượng Quốc tổ các Vua Hùng ta thấy các giá trị và tâm thức về cội nguồn và cố kết cộng đồng dân tộc, một trong những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hệ giá trị của văn hóa dân tộc, trước nhất tiềm ẩn trong văn hóa dân gian. Chúng thể hiện trên nhiều bình diện, như ứng xử của con người với môi trường tự nhiên theo hướng nặng về thích ứng và hòa hợp hơn là chế ngự và biến đổi. Cách ứng xử này còn thấy ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, quan hệ cộng đồng… Còn biết bao những giá trị văn hóa dân tộc mà ta có thể tìm thấy trong kho tàng tri thức dân gian liên quan tới môi trường, dưỡng sinh trị bệnh, tri thức về sản xuất và quản lý cộng đồng.


Các biểu tượng của văn hóa chủ yếu gắn với văn hóa dân gian. Hệ biểu tượng này hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài và quy định những hành vi ứng xử của cộng đồng.

Ta có thể nói tới biểu tượng “đất nước” trong văn hóa Việt Nam vừa mang tính nội sinh: “đất” và “nước” hai yếu tố cơ bản tạo nên canh tác lúa của cư dân nông nghiệp; vừa mang tính ngoại sinh: “quốc gia” mô hình của văn minh Trung Hoa.

Quốc tổ các Vua Hùng – biểu tượng về cội nguồn, về tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, mà căn cỗi của nó là tục thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia tộc, dòng họ. Biểu tượng “tứ bất tử” (bốn vị thần bất tử): Chử Đạo tổ, Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh mẫu Liễu Hạnh, đó là hệ ý thức nhân sinh Việt Nam hình thành do đòi hỏi xây dựng và củng cố quốc gia phong kiến tự chủ, nhất là từ thời Lê…

Văn hóa dân gian với hệ giá trị và biểu tượng của nó đã làm nên cái gọi là tâm thức dân gian, tâm hồn dân tộc. Những cái đó, tới lượt nó quy định các hành vi, tình cảm, hoài vọng của con người. Bởi vậy, để nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm dân tộc, xây dựng và củng cố các biểu tượng của dân tộc, chúng ta cũng phải bắt đầu từ Văn hóa dân gian.

Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc – coi đó như là căn cước của chúng ta hội nhập và giao lưu quốc tế. Cần nhận thức rõ vai trò của văn hóa dân gian với tư cách là cội nguồn, bản sắc, là hệ giá trị và biểu tượng của văn hóa dân tộc.

Ngô Đức Thịnh

* GS, TS, Viện Văn hóa dân gian
spacer

Dân gian ngũ hổ

Hổ có vị trí thống trị trong giới động vật, nên nhân dân ở một số nước phương Đông đã thần thánh hóa loài này.

Ngu Ho

Ở Trung Quốc, hổ là biểu tượng của sự dũng mãnh. Hình mặt hổ được dùng phổ biến để trang trí giáp, trụ của các quan văn, võ.

Ở nước ta, trước kia các cụ không dám kêu đích danh con hổ mà chỉ dám gọi chệch đi: “ông kễnh”, “ông ba mươi” hay “ông hùm” vì sợ “ngài” giận. Ngôi đền nào cũng có đắp tượng hổ ở cửa vào, coi như “thần tướng gác đền” và thần tướng này cũng được khách đi lễ thắp hương, khấn vái. 

Trong quan niệm dân gian, nước ta cũng xem hổ tượng trưng cho sức mạnh. Người dân đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập. Bởi vậy, hình tượng hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền, điện. 
Ngu Ho tho cung

Sau này, tranh dân gian Hàng Trống lại nghĩ thêm ra bộ “Ngũ hổ tướng” và lập bàn thờ trong đền. Có nhiều loại tranh hổ: bạch hổ, hắc hổ, ngũ hổ… Trong đó, tranh “ngũ hổ” là nổi bật hơn cả. Tranh “ngũ hổ” còn gọi là tranh “ông Năm dinh”, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương trời, nên các nghệ nhân khi vẽ tranh hổ, ngoài chòm râu ánh mắt dữ tợn của hổ được vẽ bằng màu vàng kim, dân gian còn vẽ 5 màu nhất định, tượng trưng cho trung tâm và bốn hướng với bố cục cân đối: 

1. Hoàng hổ tướng quân, màu vàng, trấn nhậm trung khu (địa khu) 

2. Hắc hổ tướng quân, màu đen, trấn nhậm bắc khu (thủy khu). 

3. Bạch hổ tướng quân, màu trắng, trấn nhậm tây khu (kim khu). 

4. Xích hổ tướng quân, màu đỏ, trấn nhậm nam khu (hỏa khu). 

5. Thanh hổ tướng quân, màu xanh, trấn nhậm đông khu (mộc khu). 

Bộ tranh dân gian “Ngũ hổ tướng” dựa một phần vào sự kiện có thật. Trong thiên nhiên, đôi khi con người cũng gặp hổ màu trắng hay đen. Đây là hiện tượng “bạch biến” hay “hắc biến” của nhiều loài thú rừng. Màu đen do sắc tố đen trong lông làm thành. Nếu toàn bộ lông bị sắc tố này chi phối, hổ sẽ có màu đen tuyền. Nếu toàn bộ sắc tố này bị hủy, lông sẽ có màu trắng. Còn hổ xanh, hổ đỏ là do người ta thêm thắt vào cho hoàn chỉnh bộ ngũ hổ. Thật ra, sắc tố màu xanh hay màu đỏ rất hiếm ở các loài thú, hiện mới chỉ thấy ở loài khỉ. 

Trong tranh ngũ hổ, các nghệ nhân tranh Hàng Trống còn tô vẽ thêm các đám mây ngũ sắc với các đường cong gãy khúc nối nhau, lớp trong, lớp ngoài cuồn cuộn gợi cảm giác thần bí, thiêng liêng. Đây cũng là mục đích của tranh Tết, tranh thờ. Tranh ngũ hổ có sự phối hợp đường nét, hình khối đầy sức sống mãnh liệt, miêu tả hổ với thân hình vạm vỡ, chắc chắn khỏe trên thế ngồi vững chắc của hai chân trước. Người vẽ tranh đã thổi được cái hồn của nghệ sĩ vào trong tranh của mình mới sinh động, đa dạng và hấp dẫn người xem./.

VĂN CÚNG  THỈNH NGŨ HỖ TƯỚNG QUÂN

Thần cung thỉnh
Ngũ-Phương Ngũ-Đế, Ngũ-Hổ oai linh
Tướng ở thiên-đình con Vua Đế-Thích
Ngày thời triều-trực ở chốn điện-tòa
Xông đột vào ra thần thông dũng mãnh
Ngày nay có lệnh Phật-Thánh chỉ-truyền
Văn tế ngũ hỗ

Sai xuống nhân gian Thạch Bàn chốn ấy
Tướng thời lừng lẫy có phép thần thông
Rảo khắp tây đông cứu dân độ vật
Nay tôi phụng sự Phật-Thánh độ cho
Thỉnh tướng về thờ cho linh cho mạnh
Nghe lời tôi thỉnh khuya sớm đêm ngày
Có việc bằng nay trừ tà trị bệnh
Làm cho dũng mãnh hỏa tốc như lôi
Hỡi Quan Tướng ôi là tật tốc giáng
Rày tôi đội lệnh thiên-đình
Thỉnh triệu các tướng oai linh đáo đàn
Hoặc là ở thượng-ngàn vui thú
Hay là về đất tổ thanh ba
Nghe tôi luyện tập thời về
Phi phong hỏa tốc phải trì phép công
Trấn phương Đông sai quan Thanh Hổ
Tróc Mộc-tinh lưới bủa ghê thay
Quan Bạch sai trấn phương Tây
Xu trừ kim khí ghê thay lạ dường
Quan Xích trấn Nam phương Ly Ngọ
Tróc Hỏa-tinh lưới bủa ngục trung
Bắc phương Quan Hắc oai hùng
Xu trừ thủy khí hiện-hung gia-hình
Trấn trung-ương sai Quan Quỳnh Hổ
Lệnh bài sai phá thổ thạch-tinh
Ngũ phương Ngũ Hổ oai linh
Nghe Thánh hạ lệnh tùy hành tùy sai
Cứ lời tôi hiện hình biến tướng
Thính hịch văn giáng hạ đàn trung
Dù ai thiếp tính phụ đồng
Giáng phù giáng trượng pháp công chẳng rời
Bắt ăn tươi nội tà ngoại tý
Tuân lệnh hành tróc quỷ trừ ma
Đằng vân giá vũ ai qua
Phục thi cố khí đều tra gia hình
Nhãn song tinh hào quang lóng lánh
Mình tròn dài, dũng mãnh ai đương
Lưng eo thắt đáy dịu dàng
Đôi vai thiên trụ tà càng sợ kinh
Lông mày xanh đôi tay lẫm-trúc
Tiếng hét hầm quỷ khốc tà kinh
Vốn xưa tướng ở rừng xanh
Nghe lời tôi thỉnh lệnh hành chớ lâu
Đã đắc-đạo cùng nhau khuya sớm
Bén lửa hương nào dám quản công
Nào khi tướng giáng đàn trung
Tôi cùng Quan-tướng mấy đông chẳng rời
Tướng cùng tôi đồng tâm hiệp lực
Việc sai hành chẳng được trì-diên
Nay tôi đắc đạo Thánh truyền
Nghe lời tụng chú thỉnh liền thần thông
Đáo tịnh trung oai-nghi xuất-hiện
Tuân lệnh hành biến hiện phân minh
Tróc tam danh thượng thiên thần nữ
Thấu tứ phương thủy-phủ động-đình
Sai câu ngoại đạo tam danh
Sơn tiêu Thổ-địa âm binh đẳng thần
Tróc tà sư kỳ binh phản ác
Tướng đáo đàn tài võ quá nhơn
Ăn tươi cho hết tà thần
Nào là chư Tướng khâm sai lệnh hành
Các Quan kéo đến điện đền
Năm mươi Hổ-Tướng anh linh đáo đàn
Trên đầu có chữ sắc phong
Hai tay có chữ tứ tung ngũ hoành
Tróc tà quỷ mỵ yêu tinh
Đem ra chém quách hồn kinh đùng đùng
Lại bắt các đãng gian hung
Gia hình trị tội thạch công làu làu
Ôn hoàng dịch lệ đâu đâu
Thành-Hoàng xã lệnh nhiệm mầu hư không
Thần kỳ các xứ Thổ-công
Oai linh củng phục anh hùng tiếng vang
Quỳ tâu phục vọng các quan
Phò trì đệ tử thiên ban cát tường.
Cát Xướng Thiên Thu Vạn Vạn Tuế. (3 lần).

spacer

Thờ linh thú của người Việt tại các cơ sở đình, đền, miếu ở Bình Phước - Tư Liệu

Tín ngưỡng thờ linh thú của người Việt tại các cơ sở đình, đền, miếu ở Bình Phước

Tín ngưỡng thờ linh thú trong các đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp mang tính nhân văn của người Việt có mặt ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Người dân tỉnh Bình Phước cũng duy trì nét tín ngưỡng đó như một sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, gắn liền với sức sống và sự phát triển của một vùng đất, kết tinh từ quá trình định cư và cộng cư. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn, sùng bái của cộng đồng cư dân trước thiên nhiên từ những ngày đầu mở đất.
Theo sử liệu, người Việt bắt đầu đến Bình Phước lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XVII, sau đó là những đợt di cư rải rác trong các thể kỷ XVIII, XIX và nhiều nhất là vào thời gian thực dân Pháp bắt đầu khai thác các đồn điền cây công nghiệp đầu thế kỷ XX. Hầu hết những người Việt đến mưu sinh ở Bình Phước vào lúc ban đầu đều là nông dân nghèo, những người chống đối bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn Bắc Bộ, những nông dân miền Trung mất đất canh tác vì không chịu nổi sưu thuế nặng nề của triều đình. Quá trình khai hoang, mở ấp, lập làng của họ diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm “rừng thiêng nước độc”, phải băng rừng lội suối vạch lau sậy. Nhiều người đã phải bỏ nơi này về quê cha đất tổ để làm ăn sinh sống... còn những người ở lại cố gắng vượt qua, tạo ra các niềm tin bằng việc lập ra đền, chùa, đình, miếu để cầu được sự che chở, đi kèm theo đó là tục thờ các linh thú để có được sự an tâm trong cuộc sống buổi đầu đến đây khơi dựng cơ nghiệp.
Tục thờ thần Hổ
Xưa kia, vùng đất Bình Phước còn hoang vu, rừng rậm có nhiều thú dữ, đặc biệt là cọp. Chúng thường xuyên xâm phạm đến con người và phá hoại vật nuôi của cư dân trong xóm làng. Từ đó, tín ngưỡng thờ thần Hổ xuất hiện, nhằm tạo niềm tin bình an yên ổn cho cư dân buổi đầu khai hoang lập ấp. Chính từ tín ngưỡng đó mà tập tục xưa đã  để lại trong làng xã rằng hội đồng kỳ mục chỉ được cử đến chức Hương Chủ, còn chức Hương Cả là chức vụ cao nhất đứng đầu của làng phải dành cho Cọp. Trước đây, hàng năm trong các dịp lễ, người dân trong làng đều phải biện vật phẩm cúng thần Hổ gồm trà, rượu, nhang đèn, thịt heo sống, trứng gà, vịt sống… Người ta cho rằng nếu ai vi phạm lệ tục này thì bị cọp về móc họng chết. Không những thế, dân làng phải làm lễ bầu Ông rồi cúng cho ông Cả Cọp một cái thủ vị và dâng tờ cử chức Hương Cả. Mãi đến khoảng gần cuối thế kỷ XIX, tục lệ này mới được bãi bỏ.
Việc thờ thần Hổ cũng dựa trên truyền thuyết dân gian rằng ở mỗi cụm rừng đều có một vị chúa tể chốn sơn lâm, được coi là thần Hổ. Vị thần Hổ này thống lĩnh các loài thú trong rừng, góp phần giúp đỡ và bảo vệ mùa màng cho dân làng có được cuộc sống được ấm no hạnh phúc, nhà nhà yên ổn người người an vui và cũng còn có chức năng hộ vệ cho vị Thành hoàng Bổn cảnh.
Ngày nay, tại nhiều đền, đình, miếu ở Bình Phước vẫn còn có chỗ để thờ ông Cả Cọp. Nhiều nơi đặt bức bình phong một mặt có khắc hình Cả Cọp, thường được dựng ở trước cửa vào gian chánh điện theo quan niệm phong thủy, vừa che chắn những điều không hay, vừa tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, cũng có khi bức bình phong này được đặt trước sân. Một số nơi còn lập riêng một miếu nhỏ với hoa văn trang trí, bát hương, và bài vị đặt bên, ghi “Sơn Quân chi thần”, “Lý Nhị Đại tướng quân”, “Sơn lâm Hổ lang chi thần”, “Mãnh hổ Đại tướng quân”, “ Ngũ Hổ Đại tướng quân”. Những hình thức thờ tự này vẫn còn thấy tại nhiều nơi trong tỉnh Bình Phước như đình thần Hưng Long, huyện Chơn Thành; đình Tân Lập Phú, phường Phú Thịnh, huyện Bình Long; đình Thành Hoàng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; đình Tân Khai, huyện Hớn Quản; đình Thanh An, xã Thanh An, huyện Hớn Quản; đền thờ Trần Hưng Đạo xã Thanh Phú, huyện Bình Long; đền Đức Thánh Trần, phường Hưng Chiến, Bình Long; các miếu Ông Hổ ở phường Phú Đức, huyện Bình Long và ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản...

Hổ Trấn

Bình phong thờ thần Hổ tại đền đức thánh Trần ở xã Thanh Phú, 
huyện Bình Long, Bình Phước
Tục thờ Rồng
Theo sách Thuyết văn giải tự, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông (tả Thanh long) và của mùa xuân. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hoặc không gian cư trú. Rồng là con vật có sự kết hợp của chín loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.
Trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu… trong dân gian. Ngày trước, nhà nước phong kiến vẫn có những quy định khá chặt chẽ trong việc sử dụng hình tượng con rồng. Chẳng hạn, từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng năm móng; các hoàng tử thứ hai, thứ ba và thứ tư chỉ được dùng hình ảnh rồng bốn móng; từ hoàng tử thứ năm trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng ba móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có bốn hoặc ba móng.

Tran Phong

Thờ rồng tại đình Tân Lập Phú, huyện Bình Long, Bình Phước

Rồng cũng xuất hiện trong các đình đền, chùa, miếu ở Bình Phước như đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai, đình thần Hưng Long, đình Thành Hoàng ở huyện Bù Đăng… Rồng được thể hiện nơi ngai điện, trên bức liễn hoặc bức bình phong thể hiện sức mạnh của thần linh, là chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi.
Tục thờ Hạc và Rùa
Hạc và rùa cũng xuất hiện nhiều trong các ngồi đình, đền, miếu ở Bình Phước. Theo truyền thuyết thì rùa và hạc là đôi bạn thân thiết. Rùa vốn là con vật sống dưới nước và có thể bò trên mặt đất. Hạc là sinh vật sống trên cạn nhưng lại biết bay. Khi trời làm mưa lũ gây ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Những hình ảnh này tượng trưng cho lòng chung thuỷ và sự giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn giữa những người bạn tốt. Cũng theo truyền thuyết thì rùa và hạc đều là những sinh vật có tuổi thọ và là những hình ảnh tượng trưng cho sự thanh cao thoát tục.
Rùa là con vật đứng hàng thứ ba trong tứ linh “long, lân, quy, phụng” của người Việt Nam từ xa xưa. Theo truyền thuyết trong lịch sử dân tộc ta, rùa đã có nhiều thành tích trong việc dựng nước và giữ nước, như truyền thuyết Thần rùa Kim Quy giúp An Dương Vương làm nỏ thần đánh thắng kẻ thù Triệu Đà và xây dựng thành Cổ Loa hay chuyện rùa thần đã giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh… Những truyền thuyết đó đã nhắc nhở những người dân từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh-Nghệ-Tĩnh đi khai phá vùng đất Bình Phước mang theo tín ngưỡng thờ thần rùa. Hiện nay, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa cũng được thấy ở các ngôi đình như đình thần Hưng Long, đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai… như thể hiện khát vọng trường tồn và những ước muốn thanh cao của người dân Bình Phước trong cuộc sống từ xưa cho đến nay được lưu giữ cho đến muôn đời sau.
Hoàng Nguyên


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Bạch Đằng (1991), Địa chí tỉnh Sông Bé, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé
2.Sơn Nam (2006), Đình Miếu lễ hội dân gian miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ
3.Trương Văn Khôi (2013), Tín ngưỡng thờ linh thú của người Việt tại các cơ sở tín ngưỡng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kỷ yếu hội thảo khoa học Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Nam Bộ, Ban tuyên giáo Trung ương Đồng Nai – Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Chi hội văn nghệ dân dân Đồng Nai, tr 75-76
4.Trần Đức Anh Sơn (2011), Những linh thú đất Việt, đăng trên báo baothuathienhue ngày 24 tháng 3 năm 2011.
5.Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nhà xuất bản Đồng Nai.
spacer

MỘT ĐOẠN TRONG GIA PHẢ DÒNG HỌ HÀ CÔNG (ngành Mường Hạ, Mai Châu, Hòa Bình)

Có thể đây là PHÁT TÍCH CỦA HỌ HÀ, tặng những người họ Hà làm tư liệu nghiên cứu về dòng họ mình. 


Bản gia phả này được ghi chép bắt đầu khi người Thái thiên di từ Mường Hước Pước Khà (Bắc Hà, Lào Cai) về sinh cư lập nghiệp tại Mai Châu ngày nay, thời gian vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, ứng với niên biểu triều đại nhà Trần, nhà Hồ. Lần mãi trong mớ bòng bong của gia phả, cuối cùng cũng tìm ra nhân vật được thờ tại đền Chiềng Châu ngày nay mới được phục dựng, đó là ông HÀ QUẢNG, dân gian thường gọi ông là Tướng Sứ. Đoạn trích gia phả dưới đây thể hiện công trạng của ông và con cháu ông đối với vua Lê, với dân chúng quê hương bản mường.


"... Lúc đó, nhà vua mới họp cả nước báo cho biết ở Mường Lay có người ngạo mạn, khinh vua, ở Mường Én có mỏ muối, ở Mường Púa có mỏ bạc gần núi đá. Vua Thông Thiên (chỉ vua Lê Lợi - LCN) mới đưa quân lên cắt cổ rồng ở Mường Lay, khai mỏ ở Mường Én và phá phách nhà tạo ở đó (Tạo đây là chúa đất Đèo Cát Hãn, không theo vua, âm mưu cát cứ vùng Lai Châu ngày nay - LCN). Vua bắt con gái tạo Mường Púa gọi là nàng Lóoc gả cho ông Quảng Xa ở Mường Hạ (nay là vùng xã Mai Hạ, Mai Châu, Hòa Bình - LCN) sinh ra Hà Quảng, Hà Quảng được vua thương cho “ăn” đất theo bố như cũ.

Tạo Khòng và tạo Hạ đánh Mạc thắng nhiều trận. Nhưng trời không cho hai ông ở lại ăn ruộng, ăn đất (Ý nói là chết). Con ông Hà Quảng, chúa đất Mường Hạ là Hà Văn Lôi được vua Tày Ngự phong cho chức Thái úy quận công cai quản cả vùng Mai Hạ, Mai Thượng. Em ông Hồng Khan là Chưởng Chu mới ra mắt tạo anh. Anh em bàn nhau xây dựng lại bản mường, phân gianh giới ai bên nào ăn bên đó.
Hà Văn Lôi sinh được ba con trai. Con bà cả lấy con gái ông Thái úy sinh ra Tạo Khằm Phước ăn đất Chu Hạ. Tạo Khằm Púa con thứ vào ăn đất Mường Pa. Ông út là Khằm Hòng lấy con gái quan bản Chác Lác xuống ăn đất mường Hịch, mường này gồm có pọng Ngõa và Pọng Hiền.

Ông Tày Ngự họ là Lê tiếp tục đánh Mạc, đánh vào Kẻ chợ không nổi kéo quân lên Mường Xang, nói với tạo Mường Xang đem cả quân Lào, quân Thái xuống đánh Mạc. Tạo Mường Hạ, Mùn theo xuống. Quân Thái gặp quân Mạc ở Đồng Bun đánh nhau bị chết, xác phơi đầy núi, đồi. Cuối cùng, vua Lê thắng, quân Mạc thua, vua Lê phong công đầu cho Mường Khòng, công hai cho Mường Xang, công ba cho Mường Pa, công chót cho Mường Thàng. Vua lại ban cho tạo Mường Hạ hàm Đại tư Khấu Chúc trung hầu và một con voi, cho tạo Mường Thượng hàm Đại tư đồ Đình trung hầu và một con voi".




---------------------------
Cuộc hội thảo sáng nay 18/9/2014 tại UBND huyện Mai Châu.
spacer

Sư tử Việt và những nét khác biệt với sư tử đá Trung Quốc

Chỉ trong khoảng chừng 10 năm lại đây, sự sinh sôi nảy nở của những con sử tử đá Trung Hoa trở thành một trọng những vấn đề tranh luận sôi nổi trên báo chí. Từ góc nhìn văn hóa biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng.

Việc các cơ quan quản lý đã có hành động kiên quyết xử lý cặp sư tử đá ở chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)… được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu, các cấp chính quyền và người dân. Tuy vậy, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên từ sự thiếu hiểu biết về hệ thống các biểu tượng cổ truyền trong văn hóa Việt.

Từ góc độ nghiên cứu so sánh, chúng tôi xin được trình bày có hệ thống hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam trên bình diện khu vực. Trước hết là những đặc điểm tạo hình cơ bản của sư tử Việt.

Sư tử đá
Sư tử  chùa Hương Lãng thời Lý

Li Zhigang (Lý Chi Cương) là tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá từ cổ tới kim trong mỹ thuật Trung Hoa. Về hình tượng này, ông rút ra những đặc điểm tiêu biểu như sau: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”.

So với các nước trong khu vực, đồ án sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. Gắn bó với Phật giáo, sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Ngay cả trong những giai đoạn văn hóa cung đình Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mỹ thuật Việt Nam như thời Lê Sơ và thời Nguyễn.
Su Tu Da
Đôi sư tử vườn ngọc chùa Phật Tích
 Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Những quái vật, ác thú thường được mô tả, khắc họa với những chiếc răng to và rất thưa. Bề mặt răng rất bằng phẳng, thậm chí nếu nhìn kỹ, những chiếc răng lại có hoa văn ở bên trong. Nhưng răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần đã không những không nhọn sắc mà lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Cách xử lý răng như vậy, người Việt học tập từ đồng bào Chăm. Hầu hết các tượng sư tử của Trung Quốc đều có một hàm răng với những chiếc răng nanh lởm chởm và nhọn sắc.

Có thể nhận ngay ra đặc điểm thứ hai của sư tử thời Lý Trần là không phô diễn sức mạnh hình thể. Đặc điểm cơ bắp của sư tử được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật điêu khắc đá Trung Hoa hay Chàm. Các con sư tử (Trung Quốc) bao giờ cũng phô trương bằng cách dướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ. Tiếp theo ngực, một bộ phận được nhấn mạnh nữa là bắp chân. Nhưng cả hai bộ phận này đều bị triệt tiêu trong cách thức tạo hình sư tử thời Lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy ức ở các con sư tử ở chùa Bà Tấm hay Hương Lãng. Tượng sư tử đá chùa Phật Tích tuy có thể nhìn thấy rất rõ ức và bắp chân nhưng cũng bị bỏ qua các đặc điểm giải phẫu.

sư tử thời Lý trên bệ tượng Từ Đạo Hạnh, chùa Thầy, Hà Nội
Trích đoạn tượng sư tử thời Lý trên bệ tượng Từ Đạo Hạnh, chùa Thầy, Hà Nội

Sư tử là con vật biểu tượng cho sức mạnh nên cách tạo hình phô diễn uy lực thường tránh lối hoa mỹ, kiểu sức. Tuy vậy, những khuynh hướng kiểu sức, hoa mỹ trong tạo hình sư tử lại khá phổ biến ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Nói một cách khác đi thì tất cả các sư tử thời Lý đều có nhiều yếu tố hoa mỹ và kiểu sức gần với cách tạo hình Đông Nam Á. Cách tạo hình cho sư tử ở Trung Hoa có một điểm chung kể từ Tống, Minh, Thanh trở đi là phần trang trí kiểu sức được tập trung ở thân bệ.

Sư tử Nhật Bản
Sư tử Nhật Bản

Bờm là một đặc điểm rất ấn tượng, tạo nên vẻ dũng mãnh cho các con sư tử đực. Nhưng hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Hiện vật đầu sư tử đất nung trang trí kiến trúc trưng bầy tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị chú thích nhầm là rồng. Các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Chiếc đầu sư tử này cũng có chữ Vương.

Theo PGS. Nguyễn Du Chi, trên thân của sư tử đội tòa sen ở chùa tháp Chương Sơn và chùa Lạng đều có hình hoa mai cách điệu. Còn theo TS. Nguyễn Việt, đồ án này một dạng lôi văn. Lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy. Cách làm này rõ ràng cho thấy những ảnh hưởng đến từ Champa. Tuy vậy, vào thế kỷ thứ XI - XII, tạo hình sử tử Chàm lại khá đơn giản, ít hoa lá như những con sư tử thời Lý của người Việt.

Sư tử chùa Hương Lãng, Hưng Yên, thời Lý
Sư tử chùa Hương Lãng, Hưng Yên, thời Lý

Tạo hình sư tử của thời Lý cũng không giống với những con sư tử trong mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Champa, Trung Hoa ở cách xử lý hình khối ở phần đuôi. Tương tự như hổ báo, đuôi sư tử là một thành tố biểu hiện sức mạnh của sư tử. Cái đuôi thường dựng lên, xòe ra tua tủa, thậm chí được cách điệu để giống như một bó đuốc ngùn ngụt lửa. Không giống với những cách làm trên của các nước láng giềng phương Nam, những đuôi con sư tử thời Lý rất mềm mại, uyển chuyển, đều đặn.

Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc
Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc
Như vậy, chỉ xét riêng về ngoại hình, sư tử Việt cũng có những đặc điểm nhận dạng riêng, hoàn toàn khác biệt với sư tử Trung Hoa. Nghiên cứu hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình truyền thống cũng là góp phần ngăn chặn làn sóng xâm lăng của văn hóa ngoại lai vào các không gian tín ngưỡng cổ truyền.

VOV.vn/Báo du lịch    
spacer
do